Chủ cơ sở "chữa bệnh bằng nước" khóa cổng nhốt đoàn kiểm tra
Đoàn kiểm tra có mặt tại nơi ông Quang "chữa bệnh bằng nước" nhưng không nhận được sự hợp tác của gia đình. Thậm chí, người thân ông Quang còn khóa cổng, ngăn đoàn kiểm tra ra về.
Ngày 22/05/2025 Dân trí đưa tin "Chủ cơ sở "chữa bệnh bằng nước" khóa cổng nhốt đoàn kiểm tra'. Nội dung chính như sau:
Ngày 22/5, ông Lê Sỹ Thành, Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), cho biết đã có báo cáo gửi UBND huyện và Phòng Y tế huyện Quỳnh Lưu về hoạt động chữa bệnh bằng uống nước i-on kiềm trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND thị trấn Cầu Giát, cơ quan chức năng đã nắm bắt thông tin về hoạt động chữa bệnh bằng nước của ông Bùi Văn Quang (trú tại khối 9, thị trấn Cầu Giát) từ đầu tháng 5.
Trên Facebook cá nhân, ông Quang đưa ra thông tin có thể chữa được nhiều bệnh, kể cả bệnh ung thư bằng cách nhịn ăn, không sử dụng thuốc, chỉ uống nước i-on kiềm. Nhà riêng ông Quang treo biển quảng cáo "chữa bệnh bằng nước miễn phí". Tại đây thường xuyên có đông người tụ tập, trong đó có nhiều người được giới thiệu bị ung thư giai đoạn cuối hoặc bệnh nan y.
Biển quảng cáo "chữa bệnh bằng nước" được treo trước nhà ông Quang (Ảnh: Nguyễn Tiến).
Ngày 15/5, Công an thị trấn Cầu Giát mời ông Quang lên để làm việc về nội dung liên quan đến hoạt động chữa bệnh bằng nước như ông này quảng cáo. Ông Quang không xuất trình được giấy phép hoạt động của Sở Y tế cấp, chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên môn, giấy đăng ký kinh doanh... theo yêu cầu của công an.
Công an thị trấn Cầu Giát đã lập biên bản, yêu cầu ông Quang chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và địa phương trong hoạt động chữa bệnh, lưu trú và đặt biển quảng cáo.
Ngày 16/5, UBND thị trấn Cầu Giát đã lập đoàn kiểm tra hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở (cũng là nhà riêng) của ông Quang. Thời điểm kiểm tra, ông Quang không có mặt ở nhà, người nhà ông này không cung cấp được các loại giấy tờ liên quan đến việc chữa bệnh bằng nước i-on kiềm.
Ông Quang (ngoài cùng bên trái) tư vấn cho người bệnh tại nhà (Ảnh: Nguyễn Tiến).
Cơ quan chức năng ghi nhận tại đây có nhiều trang thiết bị, vật dụng phục vụ cho việc chữa bệnh của ông Quang, gồm 2 bình ô xy y tế loại 20 lít/bình, 4 máy massage, 2 máy lọc nước, 4 tấm phản làm giường cùng 4 bệnh nhân đang lưu trú (3 người trú tỉnh Quảng Bình và 1 người trú tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An).
Ông Lê Sỹ Thành thông tin, quá trình đoàn công tác của UBND thị trấn Cầu Giát thực hiện việc kiểm tra và lập biên bản ghi nhận sự việc, vợ, con trai và con dâu ông Quang có thái độ không hợp tác. Người nhà ông Quang sau đó còn khóa cổng, ngăn không cho đoàn ra về, sau đó mới chịu mở cổng.
Lãnh đạo thị trấn Cầu Giát dự báo trong thời gian tới sẽ có nhiều người dân ở các địa phương trong và ngoài địa bàn huyện Quỳnh Lưu đến nhà ông Bùi Văn Quang để tìm hiểu và sử dụng phương pháp chữa bệnh phức tạp về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thị trấn.
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại dãy giường tạm kê trong khuôn viên nhà ông Quang (Ảnh: Nguyễn Tiến).
Bên cạnh tiếp tục tuyên truyền để nhân dân biết việc chữa bệnh bằng uống nước i-on kiềm là vi phạm quy định trong hành nghề y dược và không có cơ sở khoa học, UBND thị trấn Cầu Giát kiến nghị UBND huyện Quỳnh Lưu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý việc chữa bệnh bằng nước i-on kiềm của ông Bùi Văn Quang.
Phóng viên Dân trí đã liên hệ với ông Quang qua số điện thoại trên bảng quảng cáo. Người đàn ông này khẳng định bệnh ung thư nào cũng có thể chữa khỏi bằng cách nhịn ăn, chỉ uống nước i-on kiềm.
Ông Quang cho biết, với căn bệnh ung thư, liệu trình điều trị khoảng một tháng trở lại. Chỉ cần người bệnh còn sức đề kháng, còn sức khỏe là chữa được. Những bệnh nhân đã phải nằm cáng, "xạ trị nát hết ruột gan" thì không chữa được.
Ông Trần Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết, trong y văn chưa có phương pháp chữa bệnh ung thư nào bằng cách uống nước i-on kiềm, nhịn ăn, không sử dụng thuốc. Theo ông Tuệ, phương pháp chữa bệnh này là không có cơ sở khoa học.
Báo Người Lao Động ngày 21/04 đưa thông tin với tiêu đề: "21 loại thuốc giả vừa được Bộ Y tế công bố, người dân cần kiểm tra ngay" cùng nội dung như sau:
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn số 113 gửi các sở y tế thông báo 21 loại thuốc giả trong vụ án do Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc.
Trong số 21 sản phẩm bị thu giữ, có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion.
Các sản phẩm còn lại không trùng khớp với bất kỳ loại thuốc nào nằm trong danh mục đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành.
Căn cứ các quy định của luật Dược, Cục Quản lý dược yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành và y tế các ngành khẩn trương thông báo rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh, cơ sở sử dụng thuốc không được kinh doanh, buôn bán, sử dụng các sản phẩm giả sau:
Viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16; nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
Viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17; nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
Viên nén Pharcoter (Codein base 10mg; Terpin hydrat 100mg), SĐK: VD-14429-11; nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW1 (Pharbaco), đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
Sản phẩm giả thuốc Neo-Codion. Theo Cục Quản lý dược, với thuốc Neo-Codion được Bộ Y tế cấp phép lưu hành có các thông tin chính thức như sau: số giấy phép lưu hành 300111082223 (SĐK cũ: VN-18966-15); hoạt chất Codein base (dưới dạng Codein camphosulfonat 25mg) 14,93mg; Sulfogaiacol 100mg; cao mềm Grindelia 20mg; dạng bào chế là viên nén bao đường; đóng gói hộp 2 vỉ x 10 viên. Nhà sản xuất: Công ty Sophartex (Pháp), địa chỉ: 21, rue du Pressoir, Vernouillet, 28500.
Có 16 sản phẩm khác là thuốc giả khác (ảnh) không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành.
Theo SHTT