Người đàn ông gửi tiết kiệm 12 tỷ đồng, 13 phút sau số dư chỉ còn 0, ngân hàng tuyên bố: “Không phải lỗi của chúng tôi”
Gửi 3,3 triệu NDT với kỳ vọng hưởng lãi suất cao, doanh nhân Trung Quốc mất sạch tiền tiết kiệm, còn rơi vào hành trình đòi lại tiền đầy gian nan.
Ngày 10/07/2025 Đời sống pháp luật đưa tin "Người đàn ông gửi tiết kiệm 12 tỷ đồng, 13 phút sau số dư chỉ còn 0, ngân hàng tuyên bố: “Không phải lỗi của chúng tôi”". Nội dung chính như sau:
Vào đầu tháng 3/2013, ông Phương – một doanh nhân ở Nghĩa Ô, Chiết Giang, Trung Quốc – được một người môi giới giới thiệu về một gói tiền gửi tiết kiệm hấp dẫn tại một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn. Người này khẳng định ngân hàng trên đang triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đặc biệt, cam kết chi trả thêm ngoài mức lãi suất niêm yết nếu khách hàng gửi số tiền lớn.
Sau khi nghe tư vấn, ông Phương cân nhắc và quyết định tham gia. Ngày 8/3/2013, ông cùng người môi giới đến ngân hàng để thực hiện giao dịch. Khi đến nơi, người môi giới không đi cùng ông Phương vào ngân hàng mà đợi tại một nhà hàng gần đó.
Với sự cẩn trọng vốn có, ông Phương chọn trực tiếp đến quầy, lấy số và chờ giao dịch thay vì đi qua các kênh “ưu tiên” có sự sắp xếp từ người trung gian. Vì không đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến nên sau khi xác nhận thông tin, ông đã gọi điện cho vợ để nhờ thực hiện chuyển khoản 3,3 triệu NDT (hơn 12 tỷ đồng) vào tài khoản tiết kiệm.
Sau bữa trưa cùng người môi giới, ông Phương nhận được điện thoại xác nhận tiền đã vào tài khoản. Người môi giới đề nghị ông Phương quay lại quầy để lấy biên lai xác nhận chuyển tiền, sau đó sẽ ứng trước cho ông 15% tiền hỗ trợ lãi suất.
Đúng 13h30 cùng ngày, ông Phương nhận được biên lai xác nhận giao dịch thành công và được người môi giới chuyển ngay khoản hỗ trợ như đã hứa. Giao dịch hoàn tất, ông Phương vui vẻ ra về.
Ảnh minh họa: Sina
Đúng một năm sau, vào ngày 8/3/2014, ông Phương đến ngân hàng kiểm tra lại tài khoản tiết kiệm thì phát hiện số tiền 3,3 triệu NDT đã “bốc hơi”. Qua quá trình làm việc với ngân hàng, ông Phương biết được giao dịch chuyển tiền khỏi tài khoản được thực hiện lúc 13h43 ngày 8/3/2014 – tức chỉ sau thời điểm ông nhận biên lai gửi tiền 13 phút.
Đáng chú ý, lệnh chuyển tiền có chữ ký của chính ông Phương dù ông luôn khẳng định chưa từng yêu cầu ngân hàng làm điều đó. Để làm rõ nguyên nhân, ông Phương đã trình báo vụ việc cho cảnh sát.
Điều tra ban đầu cho thấy, ông Phương không phải là nạn nhân duy nhất mất tiền tại ngân hàng trên. Nhiều khách hàng khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đặc biệt, các khoản tiền được chuyển đi đều có liên quan đến một cá nhân họ Khưu – người từng nhận được các khoản tiền lớn từ ngân hàng này, sau đó hoàn trả lại cho một số người gửi.
Kết quả điều tra cho thấy một nhân viên tín dụng cao tuổi tại chi nhánh ngân hàng này được xác định là nghi phạm trong vụ việc. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu người này có cấu kết với các nhân viên giao dịch cùng tham gia hay không, bởi khi đến gửi tiền tại ngân hàng, ông Phương chọn quầy giao dịch một cách ngẫu nhiên.
Ảnh minh họa: Sina
Trong vụ việc này, phía ngân hàng khẳng định lỗi là của cá nhân, không liên quan đến ngân hàng, Không những vậy, đơn vị này còn lấy nguyên do vụ việc đang được chuyển sang cơ quan chức năng điều tra nên tạm thời chưa thể hoàn trả số tiền cho ông Phương.
Không chấp nhận cách giải quyết này, ông Phương đã thuê luật sư và đâm đơn kiện ngân hàng. Phiên tòa ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 4/2/2015, tuy nhiên, tối 2/2, luật sư của ông bất ngờ nhận được thông báo từ tòa: vụ việc được xác định liên quan đến án hình sự và sẽ không được xét xử theo hướng tranh chấp dân sự.
Luật sư của ông Phương bày tỏ sự khó hiểu: "Chúng tôi khởi kiện vì tranh chấp hợp đồng tiền gửi – mối quan hệ dân sự giữa khách hàng và ngân hàng. Ngân hàng không thể lấy lý do có dấu hiệu hình sự để trì hoãn vô thời hạn việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền."
Dù kết quả của vụ kiện sau đó không được công bố, thế nhưng câu chuyện này cũng là bài học sâu sắc cho những người đã, đang và sẽ tham gia dịch vụ gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.
Tòa án Trung Quốc cũng khuyên khách hàng muốn gửi tiền ở các đơn vị tài chính cần phải cảnh giác khi được nhân viên trao đổi riêng, chào mời lãi suất cao để tránh bị lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo như trường hợp trên.
Ngày 08/07/2025 Thương hiệu Pháp luật đưa tin "Gửi tiết kiệm hơn 170 tỷ đồng chỉ 30 phút sau số dư bằng 0, ngân hàng: 'Đó là việc của chị'". Nội dung chính như sau:
Gửi hơn 170 tỷ đồng vào một ngân hàng
Theo Baidu, chị Ngô (tên nhân vật đã được thay đổi) ở Quảng Tây, Trung Quốc, cùng chồng làm việc chăm chỉ trong suốt nhiều năm đã tích góp được 48 triệu NDT. Họ dự định gửi số tiền này vào ngân hàng để hưởng lãi suất ổn định, chuẩn bị cho những năm tháng nghỉ hưu an nhàn.
Sau khi tìm hiểu các ngân hàng có mức lãi suất cao, họ được một người bạn giới thiệu một người quen là giám đốc cấp cao tại một ngân hàng địa phương. Người này cam kết sẽ giúp họ gửi tiền với mức lãi suất ưu đãi cao hơn 30% so với thông thường. Vì tin tưởng bạn bè, người phụ nữ không chút nghi ngờ, nhanh chóng gặp vị giám đốc ngân hàng trên và được người này trực tiếp đưa đến chi nhánh để thực hiện giao dịch.
Với mức lãi suất hứa hẹn, chị Ngô ước tính mỗi năm có thể thu về hơn 1 triệu NDT tiền lãi. Cầm trong tay sổ tiết kiệm được cấp, vợ chồng họ vui vẻ trở về nhà mà không biết rằng bi kịch đến chỉ vài ngày sau đó.
Một lần, trong lúc xem tin tức trên truyền hình, chị Ngô sững sờ nhận ra người giám đốc ngân hàng từng giúp mình gửi tiền đang bị truy nã vì biển thủ tiền của khách hàng. Ngay lập tức, người phụ nữ này mang sổ tiết kiệm đến ngân hàng để kiểm tra thì nhận được tin sốc: Tài khoản của chị không có bất kỳ khoản tiền nào. Nhân viên ngân hàng cho biết sổ tiết kiệm là giả, được làm tinh vi với con dấu không hợp lệ và hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
Kết quả điều tra còn cho thấy chỉ trong vòng 30 phút sau khi chị Ngô gửi tiền, vị giám đốc ngân hàng đã chuyển toàn bộ số tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng và bỏ trốn.
Người phụ nữ gửi tiết kiệm hơn 170 tỷ đồng, 30 phút sau số dư chỉ còn 0 (Ảnh minh hoạ).
Ngân hàng không chịu trách nghiệm
Sau đó, mặc dù cảnh sát địa phương đã nhanh chóng bắt được giám đốc ngân hàng lừa đảo, tuy nhiên chị Ngô vẫn không thể lấy lại tiền của mình bởi toàn bộ đã bị hắn ta tiêu sạch.
Không chấp nhận mất trắng số tiền tiết kiệm 48 triệu NDT, người phụ nữ này đã lập tức đến ngân hàng, yêu cầu đơn vị này bồi thường thiệt hại nhưng bị từ chối.
"Đó là việc của chị, không phải việc của chúng tôi. Chị đã tự ý đưa tiền cho cá nhân khác mà không thông qua quy trình chính thức của ngân hàng nên chúng tôi không có trách nhiệm bồi thường", đại diện ngân hàng cho biết.
(Ảnh minh hoạ)
Phản bác lập luận này, chị Ngô cho rằng mình đã giao tiền cho một giám đốc ngân hàng, người đại diện cho tổ chức nên lỗi của ngân hàng trong vụ việc này là không quản lý tốt nội bộ, gây thiệt hại tài sản của khách hàng. Người phụ nữ này sau đó đã đệ đơn kiện, yêu cầu ngân hàng bồi thường thiệt hại cho mình. Tuy nhiên, quá trình pháp lý vẫn chưa thể giúp chị lấy lại số tiền đã mất. Bởi lẽ, theo hồ sơ giao dịch, số tiền đó chưa từng được nhập hệ thống ngân hàng chính thức nên cuối cùng, toà án địa phương tuyên bố ngân hàng không phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.
Chị Ngô chia sẻ trong nước mắt: “Giá như tôi không quá tin người, giá như tôi kiểm tra các giấy tờ kỹ hơn trước khi đặt bút ký tên, thì có lẽ giờ đây mọi thứ đã khác”.
Qua vụ việc này, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng khuyến cáo người dân khi tham gia các giao dịch tại ngân hàng cần đọc kỹ và xác nhận mọi thông tin về sản phẩm tài chính mà mình sẽ sử dụng với ngân hàng để tránh bị lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo. Đặc biệt, các ngân hàng với tư cách là tổ chức tài chính cũng cần siết chặt hơn nữa những quy định có liên quan để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh tiếp diễn những trường hợp tương tự.