Đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm: Bộ Tài chính nói gì?
Gần đây, nhiều thông tin về việc đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm, vậy thực hư như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Báo Thời báo văn học nghệ thuật ngày 22/02/2025 đưa thông tin với tiêu đề: "Đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm: Bộ Tài chính nói gì?" cùng nội dung như sau:
Gửi tiết kiệm là gì?
Gửi tiết kiệm là việc người dân dùng tiền nhàn rỗi của mình gửi vào ngân hàng lấy tiền lãi theo kỳ hạn quy định. Việc gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng là kênh đầu tư an toàn mà nhiều người dân áp dụng. Tuy nhiền, gần đây cử tri TP. Cần Thơ đề xuất mở rộng thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền tiết kiệm. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm?
TP Cần Thơ đề xuất mở rộng thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền tiết kiệm, chỉ nên miễn với các khoản gửi quy mô nhỏ, khi góp ý sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết tại bản cập nhật hồ sơ xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), cơ quan này đề nghị giữ nguyên quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm như hiện hành.
Từ nay tiền lãi gửi ngân hàng bị đánh thuế TNCN?
Như vậy, Bộ này không đồng ý áp thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm như đề xuất địa phương đưa ra.
Theo nhà điều hành, quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tại ngân hàng nhằm khuyến khích người không có nhu cầu đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh gửi tiết kiệm - kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Mặt khác, đây cũng là chính sách phúc lợi với các đối tượng không có khả năng lao động (người về hưu, tàn tật...) có nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào nhà băng để nhận lãi.
Theo quy định hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được miễn thuế. Đây là các khoản tiền gửi dưới các hình thức không hoặc có kỳ hạn, tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các khoản khác theo nguyên tắc hoàn trả đầy đủ gốc, lãi. Chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng
Một số nước đang đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng, như Thái Lan. Trung Quốc áp thuế với thu nhập từ lãi suất. Hay tại Hàn Quốc, tiền lãi cũng là thu nhập phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Tại Việt Nam, đề xuất áp thuế với khoản lãi tiền gửi ngân hàng từng được đưa ra nhiều lần nhưng đều vấp phải các ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng việc đánh thuế với những khoản lãi tiết kiệm mang về thu nhập quá lớn là hợp lý và phù hợp với quốc tế. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng lo ngại biện pháp này sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng, nền kinh tế.
Trước đó, báo VOV ngày 21-02-2025 cũng có bài đăng với thông tin: "Đánh thuế đối với tiền lãi gửi tiết kiệm: Có thể gây ra tác dụng ngược". Nội dung được báo đưa như sau:
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc đánh thuế đối với tiền lãi gửi tiết kiệm có thể gây ra tác dụng ngược đó là dòng tiền sẽ không còn mặn mà tìm tới ngân hàng mà chảy vào vàng, bất động sản hoặc các kênh đầu cơ khác, gây mất cân đối thị trường tài chính.
Một vấn đề được dư luận quan tâm trong những ngày gần đây là góp ý về dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, UBND TP. Cần Thơ đề xuất mở rộng diện đánh thuế thu nhập cá nhân với khoản lãi tiền tiết kiệm , chỉ miễn thuế thu nhập cá nhân với các khoản tiền gửi tiết kiệm nhỏ.
Lý do UBND TP. Cần Thơ đưa ra đề xuất trên với mục đích mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách. Bởi theo quy định hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, được miễn thuế. Ngay sau khi ý kiến này đưa ra, có rất nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề này.
Đánh thuế đối với tiền lãi gửi tiết kiệm có thể gây ra tác dụng ngược (Ảnh minh họa: KT)
Cần tính toán, cân nhắc thật kỹ
Nêu quan điểm về đề xuất trên, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nếu áp dụng thuế đối với tiền lãi gửi tiết kiệm có thể gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế, bởi lãi tiền gửi tiết kiệm nếu bị đánh thuế có thể khiến lượng tiền gửi vào ngân hàng giảm. Khi đó, lãi suất cho vay có thể sẽ bị đẩy lên, tác động tới doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
“Việc đánh thuế lãi tiền gửi ở các nước phát triển là bình thường nhưng Việt Nam hiện tại thì chưa nên đặt ra. Sau này, nếu đánh thuế thì cần xác định đối tượng, ngưỡng đánh thuế và chỉ áp dụng đối với người có thu nhập cao. Do đó, nên tính đến thuế khác để chống đầu cơ, như thuế bất động sản, thuế chuyển nhượng tài sản, thuế thương mại điện tử”, ông Lực nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, không nên đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm. Bởi tiền gửi tiết kiệm là một trong những kênh huy động vốn chính của các ngân hàng. Từ đó, ngân hàng có nguồn vốn cho vay ra thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh vốn tín dụng vẫn đóng vai trò trụ cột.
“Đề xuất đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm có thể khiến nhiều người giảm gửi tiền vào ngân hàng mà có xu hướng nắm giữ USD hoặc vàng. Khi đó, dòng vốn sẽ bị động thay vì luân chuyển ra nền kinh tế nên cần tính toán, cân nhắc rất kỹ đề xuất đánh thuế này”, TS. Đinh Thế Hiển bày tỏ.
Đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm có thể gây ra tác dụng ngược
Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, một số quốc gia có đánh thuế trên tiền gửi tiết kiệm. Thế nhưng, nếu đánh thuế trên tiền gửi tiết kiệm thì phải đánh thuế trên tất cả tài sản, gọi là thuế tài sản. Loại thuế tài sản này sẽ áp dụng cho tất cả tài sản có sinh lời như chứng khoán, vàng, bất động sản và tiền gửi tiết kiệm.
Nếu đánh thuế trên tiền gửi tiết kiệm thì phải xác định được tỷ lệ thuế là bao nhiêu phần trăm. Bởi người dân gửi tiền tiết kiệm, chỉ quan tâm đến phần tiền lãi nhận lại là bao nhiêu. Nếu ngân hàng muốn giữ khách hàng thì phải tăng lãi suất huy động lên, điều này có thể làm giảm biên lãi ròng của ngân hàng.
“Nếu áp thuế thu nhập thì phải áp dụng cho tất cả tài sản, vì nếu không sẽ có hiện tượng rút tiền gửi tiết kiệm mua vàng, để né thuế. Về mặt tâm lý, nếu đánh thuế trên tiền lãi tiết kiệm, sẽ có người rút tiền ra khỏi ngân hàng. Về lâu dài, tác động về thuế sẽ không nhiều”, ông Huân đánh giá.
Việc áp thuế tiền gửi tiết kiệm sẽ tác động đến nguồn vốn huy động của các ngân hàng (Ảnh minh họa: KT)
Bên cạnh đó, việc áp thuế tiền gửi tiết kiệm cũng sẽ tác động đến nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng khá nhiều. Để có vốn cho vay, các ngân hàng phải thực hiện huy động vốn từ tổ chức, cá nhân.
Một số chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế lãi tiền gửi có thể phù hợp với các nước phát triển, nơi thị trường tài chính đã hoàn thiện và chính phủ khuyến khích dòng tiền chảy vào đầu tư, tiêu dùng thay vì tiết kiệm. Một số quốc gia cũng áp thuế nhưng chỉ đối với các khoản tiết kiệm trên một mức nhất định để định hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Tiền gửi tiết kiệm không chỉ là kênh tích lũy cá nhân mà còn là nguồn vốn để ngân hàng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Các kênh đầu tư khác như: chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa đủ hấp dẫn và an toàn để thay thế hoàn toàn kênh tiết kiệm.
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng luôn thấp hơn so với cho vay. Chẳng hạn như năm 2024, các ngân hàng cho vay 15,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 2,1 triệu tỷ đồng (tăng 15,08%) trong khi huy động vốn chỉ gần 14,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,2 triệu tỷ đồng (tăng 9,06%). Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng là 16%, tương đương con số gần 2,5 triệu tỷ đồng tín dụng được đưa ra thị trường, nghĩa là các ngân hàng sẽ cần huy động vốn nhiều hơn để cho vay.
Với sự chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng tiền gửi và cho vay, các ngân hàng cần duy trì lãi suất hấp dẫn để thu hút vốn, đảm bảo thanh khoản và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất cao mà người dân không gửi tiền, ngân hàng và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn trong việc huy động vốn và phát triển sản xuất.
Việc đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm có thể gây ra tác dụng ngược đó là dòng tiền sẽ không còn mặn mà tìm tới ngân hàng mà chảy vào vàng, bất động sản hoặc các kênh đầu cơ khác, gây mất cân đối thị trường tài chính. Chưa kể hiện rất nhiều khoản thu nhập của người dân đang thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời đang kiến nghị điều chỉnh. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu thu ngân sách và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn.