Hiếm gặp: Nam thanh niên 17 tuổi bị nhồi máu não

Trước khi vào viện vài ngày, bệnh nhân 17 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh, lên cơn đau đầu rồi tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ. Qua kiểm tra tại viện, thanh niên được chẩn đoán nhồi máu não.

Báo Thanh niên Việt ngày 21/02 đưa thông tin với tiêu đề: "Hiếm gặp: Nam thanh niên 17 tuổi bị nhồi máu não" cùng nội dung như sau: 

Ngày 20/2, các bác sĩ Khoa Tâm thần kinh cơ xương khớp tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận nam thanh niên 17 tuổi nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, yếu nửa người trái.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau đầu chóng mặt, yếu nửa người trái. Theo gia đình cho biết người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh lý nền, thể trạng béo phì. Khoảng vài ngày trước khi nhập viện, người bệnh có kêu đau đầu, chóng mặt, đã tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ.

Sau khi khai thác tiền sử, các bác sĩ nghĩ nhiều đến tình trạng đột quỵ não và cho chỉ định tiến hành chụp MRI sọ não. Kết quả cho thấy người bệnh có khối nhồi máu tiểu não, cầu não do tắc động mạch thân nền.

Theo bác sĩ bệnh viện cho biết: trên kết quả xét nghiệm máu có rối loạn lipid máu, một yếu tố nguy cơ dẫn đến các vấn đề tim mạch và mạch máu não. Ngoài ra khi làm các xét nghiệm chuyên sâu, người bệnh được phát hiện bất thường trong hệ gen gây tăng nguy cơ tạo huyết khối tắc mạch.

Trường hợp người bệnh rất trẻ, nhưng lại có bệnh lý giữa nhồi máu tiểu não, cầu não và rối loạn lipid máu đã dẫn đến một tình trạng rất nghiêm trọng. Các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp cứu, hội chẩn cùng Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai và có phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh.

Sau quá trình điều trị dài ngày và phục hồi, người bệnh đã dần ổn định và hồi phục chức năng vận động cơ bản. Người bệnh được theo dõi sức khỏe và điều trị bằng phương pháp tập phục hồi chức năng để phục hồi khả năng vận động của cơ thể.

Đây là một trường hợp cảnh báo người dân về tầm quan trọng của việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe bản thân, đặc biệt là không nên tự ý điều trị tại nhà khiến bệnh lý trầm trọng hơn.

Người dân nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế thực phẩm nhiều cholesterol, thường xuyên tập thể dục và kiểm soát cân nặng. Đặc biệt, với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc có các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, đái tháo đường, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ càng trở nên quan trọng.

Trước đó, báo VnExpress ngày 20/02 cũng có bài đăng với thông tin: "Thiếu niên 17 tuổi đột quỵ". Nội dung được báo đưa như sau:

Ngày 20/2, bác sĩ Đặng Thị Thư Vy, Trưởng khoa Tâm thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết đây là trường hợp hiếm gặp, khi nhập viện đã yếu liệt nửa người trái. Bệnh nhân tiền sử khỏe mạnh, không bệnh lý nền, thể trạng béo phì.

Kết quả chụp MRI sọ não bệnh nhân phát hiện khối nhồi máu tiểu não, cầu não do tắc động mạch thân nền. Xét nghiệm máu có rối loạn lipid máu, một yếu tố nguy cơ dẫn đến các vấn đề tim mạch và mạch máu não. Người bệnh được phát hiện bất thường trong hệ gene làm tăng nguy cơ tạo huyết khối tắc mạch.

"Bệnh nhân rất trẻ nhưng lại đột quỵ nhồi máu não, rối loạn lipid nghiêm trọng, là trường hợp hiếm gặp", bác sĩ Vy nói. Bệnh viện hội chẩn cùng bác sĩ Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, điều trị tích cực. Sau cấp cứu, người bệnh đã dần ổn định và hồi phục chức năng vận động cơ bản. Bệnh nhân tiếp tục theo dõi sức khỏe và điều trị bằng phương pháp tập phục hồi chức năng để phục hồi khả năng vận động của cơ thể.

Đột quỵ não còn gọi tai biến mạch máu não, là tình trạng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm nặng khiến vùng não đó bị thiếu oxy và dinh dưỡng. Chỉ trong vòng vài phút thiếu máu, thiếu oxy, tế bào não sẽ chết. Vùng tế bào não bị tổn thương nặng hoặc lan rộng có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề về rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác...

Đột quỵ não gồm hai dạng là nhồi máu não và xuất huyết não. Trong đó, nhồi máu não phổ biến hơn, chiếm khoảng 85% các trường hợp đột quỵ. Xuất huyết não tỷ lệ 15% nhưng biến chứng nặng hơn, số tử vong cao hơn.

Nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ) xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp xơ vữa động mạch. Tỷ lệ tử vong khoảng 15-20% và có thể chữa khỏi nếu đến viện sớm trong những giờ đầu kể từ khi có dấu hiệu đột quỵ.

Để phát hiện kịp thời và đơn giản, Hội Đột quỵ Thế giới khuyến cáo kiểm tra theo quy tắc F.A.S.T. Trong đó, F là Face - mặt, yêu cầu người bệnh cười hoặc nhăn mặt, nếu một bên mặt bị xệ hoặc không thể cử động bình thường có thể là dấu hiệu của đột quỵ. A là Arms - tay, yêu cầu người bệnh nâng cả hai tay lên, cảnh giác nếu một tay yếu hoặc rơi xuống, không thể giữ vững.

S là Speech - lời nói, người bệnh lặp lại một câu đơn giản, nếu nói không rõ hoặc không thể nói được có thể là dấu hiệu của đột quỵ. T là Time - thời gian, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, đưa người bệnh đến cơ sở có khả năng cấp cứu điều trị đột quỵ gần nhất.