3 trường hợp duy nhất được hoàn trả tiền đóng BHYT
Thủ tục hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế được thực hiện theo các bước được quy định tại Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021 .
Báo Người đưa tin ngày 21/02 đưa thông tin với tiêu đề: "3 trường hợp duy nhất được hoàn trả tiền đóng BHYT" cùng nội dung như sau:
Các trường hợp được hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế
Theo quy định hiện hành, người tham gia BHYT sẽ được hoàn trả lại tiền đóng nếu thuộc một trong 03 trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Người tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng hoặc tham gia BHYT theo hộ gia đình được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó (có thứ tự đóng xếp sau đối tượng mới)
Số tiền hoàn trả tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ. Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ được tính từ thời điểm thẻ BHYT được cấp theo nhóm mới bắt đầu có giá trị sử dụng.
- Trường hợp 2: Người tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng được điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng BHYT
Số tiền hoàn trả tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ. Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ được tính từ thời điểm quyết định của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực.
- Trường hợp 3: Người tham gia bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng.
Số tiền hoàn trả tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ. Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ được tính từ thời điểm thẻ có giá trị sử dụng.

Thủ tục hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế
Thủ tục hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế được thực hiện theo các bước được quy định tại Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021 như sau:
Bước 1. Lập, nộp hồ sơ gửi Cơ quan BHXH Người tham gia: lập Tờ khai TK1-TS.
(Trường hợp người tham gia chết thì thân nhân người tham gia: lập Tờ khai TK1-TS)
Bước 2. Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3. Người tham gia nhận kết quả đã giải quyết.
Người tham gia hoặc thân nhân người tham gia có thể nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH theo một trong các hình thức sau:
- Qua giao dịch điện tử: người tham gia đăng ký nhận mã xác thực và gửi hồ sơ điện tử đến Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN (nếu đã đăng ký sử dụng dịch vụ I-VAN); trường hợp không chuyển hồ sơ giấy sang định dạng điện tử thì gửi hồ sơ giấy cho cơ quan BHXH qua bưu chính;
- Qua bưu chính;
- Trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan BHXH nơi quản lý (hoặc nơi cư trú) hoặc tại Trung tâm Phục vụ HCC các cấp.
Trước đó, báo Dân trí ngày 20/02 cũng có bài đăng với thông tin: "Những ai được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cao nhất?". Nội dung được báo đưa như sau:
Từ ngày 1/1, mức hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) có sự điều chỉnh khi Luật BHYT năm 2024 và Nghị định số 02/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật BHYT có hiệu lực.
Theo đó, mức hưởng BHYT của người tham gia được quy định tại Điều 22 Luật BHYT năm 2024. Trong đó, nhóm được hưởng quyền lợi BHYT cao nhất được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22.
Những người thuộc nhóm này được hưởng 2 quyền lợi BHYT lớn. Thứ nhất, họ được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Thứ hai, chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng BHYT cũng được chi trả từ nguồn kinh phí BHYT dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Ngày 1/1/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật BHYT, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP).
Nghị định số 02/2025/NĐ-CP đã sửa đổi Điều 14 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết hơn về nhóm được hưởng quyền lợi BHYT cao nhất.
Khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định 8 nhóm đối tượng tham gia BHYT được hưởng cả 2 quyền lợi BHYT theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 của Luật BHYT. 8 nhóm này bao gồm:
Thứ nhất, người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Thứ hai, cựu chiến binh tham gia kháng chiến.
Thứ ba, người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, người thuộc diện hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội.
Thứ năm, người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo và một số đối tượng khác.
Thứ sáu, thân nhân của liệt sĩ bao gồm: Cha đẻ; mẹ đẻ; vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi liệt sĩ.
Thứ bảy, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thứ tám, người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Khoản 2 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP còn quy định thêm 7 nhóm đối tượng được hưởng quyền lợi BHYT còn cao hơn 8 nhóm trên.
Ngoài 2 quyền lợi BHYT theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 của Luật BHYT, 7 nhóm này được hưởng thêm quyền lợi thứ ba là: "Không áp dụng tỷ lệ thanh toán thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT". 7 nhóm này bao gồm:
Thứ nhất, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945.
Thứ hai, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Thứ ba, Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Thứ tư, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Thứ năm, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát.
Thứ sáu, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Thứ bảy, trẻ em dưới 6 tuổi.