Thai phụ bị vali rơi trúng bụng trên tàu cao tốc, nhập viện khẩn cấp nhưng không kịp cứu con
Cú va đập mạnh vào bụng khiến mẹ bầu này lo lắng và ngay lập tức xuống tàu để đến Bệnh viện Phụ sản kiểm tra.
Báo Tri thức & Cuộc sống ngày 20/2 có bài Thai phụ bị vali rơi trúng bụng trên tàu cao tốc, nhập viện khẩn cấp nhưng không kịp cứu con. Nội dung như sau:
Mới đây, một vụ việc thương tâm đã gây xôn xao dư luận tại Trung Quốc khi một thai phụ lên tiếng tố cáo rằng cô bị hành lý rơi từ giá để đồ trên tàu cao tốc, khiến thai nhi sinh non và không qua khỏi. Sau nhiều ngày chờ đợi, phía đường sắt chính thức lên tiếng về vụ việc này.
Vali rơi từ giá để đồ, thai phụ sinh non đầy đau đớn
Theo thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, chị Trương – một thai phụ đang mang thai ở tháng cuối đã trải qua cú sốc lớn khi bị một chiếc vali rơi từ giá để hành lý trên tàu cao tốc D3702, khi tàu di chuyển trên chặng Nam Ninh Đông – Nam Ninh (Trung Quốc) vào ngày 22/1. Cú va đập mạnh vào bụng khiến chị lo lắng và ngay lập tức xuống tàu tại ga Nam Ninh để đến Bệnh viện Phụ sản & Nhi Nam Ninh kiểm tra.
Chiếc vali rơi từ khoang hành lý của tàu cao tốc.
Tại bệnh viện, kết quả siêu âm và theo dõi nhịp tim thai cho thấy chị bị bong nhau thai và xuất huyết nguy hiểm, có dấu hiệu dọa sinh non. Các bác sĩ khẩn cấp theo dõi sát tình hình của chị Trương.
Sáng ngày 23/1, do tình trạng ngày càng xấu đi, chị buộc phải mổ bắt con. Bé trai chào đời lúc 11h13 phút nhưng vì là trường hợp sinh cực non, bé được chuyển ngay vào khoa sơ sinh để theo dõi và điều trị đặc biệt.
Dù đã nỗi lực hết mình nhưng đứa bé vẫn không qua khỏi.
Dù các bác sĩ đã nỗ lực hết sức, nhưng đến 9 giờ sáng ngày 25/1, bé không qua khỏi, để lại nỗi đau đớn vô tận cho người mẹ. Chị Trương chia sẻ: "Từ giây phút con chào đời, bé đã phải giành giật sự sống từng giây phút trong lồng ấp. Tôi đã cầu nguyện từng ngày, nhưng cuối cùng con vẫn rời xa tôi mãi mãi”.
Thai phụ đau đớn khi không giữ được con.
Hiện tại, phía đường sắt và chủ sở hữu hành lý rơi vẫn chưa có trách nhiệm rõ ràng về sự việc này.
Ai sẽ chịu trách nhiệm cho vụ việc này?
Điều khiến dư luận bức xúc là đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến vali rơi – liệu có phải do tàu rung lắc mạnh, hành lý bị xếp không chắc chắn hay có yếu tố tác động từ con người?
Sáng ngày 19/2, phóng viên đã cố gắng liên hệ với chị Trương để tìm hiểu thêm về tình hình nhưng chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Phụ sản & Nhi Nam Ninh xác nhận thai phụ đã nhập viện, tiến hành phẫu thuật lấy thai nhưng bé sơ sinh không thể qua khỏi. Khi được hỏi liệu ca phẫu thuật có liên quan trực tiếp đến chấn thương do va chạm với vali hay không, bệnh viện từ chối trả lời.
Nhằm làm rõ vụ việc, phóng viên đã liên hệ với tổng đài – hệ thống chăm sóc khách hàng của ngành đường sắt. Tuy nhiên, nhân viên tổng đài cho biết không thể tra cứu dữ liệu về chuyến tàu D3702 vào ngày 22/1.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chị Trương vẫn chưa nhận được bất kỳ câu trả lời chính thức nào từ phía ngành đường sắt.
Sau khi sự việc được đăng tải, cộng đồng mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ và yêu cầu phía đường sắt cần có câu trả lời rõ ràng. Một số ý kiến cho rằng việc hành lý rơi từ giá để đồ đã từng xảy ra nhiều lần nhưng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.
Những điều mẹ bầu cần biết khi di chuyển bằng xe khách hoặc tàu hỏa để đảm bảo an toàn
Khi mang thai, việc di chuyển bằng xe khách hoặc tàu hỏa cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Dưới đây là những lưu ý quan trọng mẹ bầu nên nhớ khi đi lại bằng các phương tiện này:
1. Chọn phương tiện di chuyển phù hợp
- Nếu có thể, hãy chọn tàu hỏa thay vì xe khách đường dài vì tàu di chuyển êm hơn, có không gian rộng rãi hơn.
- Nếu buộc phải đi xe khách, mẹ nên chọn xe giường nằm để có thể nghỉ ngơi thoải mái hơn.
2. Chọn chỗ ngồi hợp lý
- Khi đi tàu, mẹ bầu nên đặt ghế giường nằm hoặc ghế mềm có thể ngả lưng, tránh ngồi gần cửa ra vào để hạn chế tiếng ồn và va chạm.
- Nếu đi xe khách, nên chọn ghế gần lối đi để dễ dàng di chuyển khi cần.
3. Hạn chế di chuyển xa trong 3 tháng đầu và cuối thai kỳ
- 3 tháng đầu dễ bị động thai, say xe, mệt mỏi do thay đổi hormone.
- 3 tháng cuối thai nhi đã lớn, nguy cơ sinh non cao nên hạn chế đi xa, đặc biệt là những chuyến đi dài trên 4-5 tiếng.
4. Mang theo đồ dùng cần thiết
- Nước uống, đồ ăn nhẹ lành mạnh để tránh hạ đường huyết.
- Gối cổ hoặc gối nhỏ để nâng đỡ lưng giúp giảm mỏi.
- Túi nhỏ đựng thuốc hoặc vitamin cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.
5. Thường xuyên vận động nhẹ nhàng
- Khi đi tàu, mẹ nên tranh thủ đứng dậy đi lại một chút để máu lưu thông tốt hơn.
- Nếu đi xe khách, có thể xoay cổ tay, chân, cử động nhẹ nhàng ngay tại chỗ để tránh tê bì.
6. Thắt dây an toàn đúng cách
- Nếu đi xe khách có dây an toàn, hãy thắt ngang hông dưới bụng, tránh siết chặt vùng bụng.
- Trên tàu hỏa, khi di chuyển giữa các toa, mẹ nên đi chậm, vịn vào tay vịn để tránh mất thăng bằng.
7. Luôn mang theo giấy tờ quan trọng
- Hồ sơ khám thai, sổ tiêm chủng phòng trường hợp khẩn cấp.
- Số điện thoại của bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất nơi đến để phòng trường hợp cần hỗ trợ y tế.
Mẹ bầu nên cân nhắc kỹ trước mỗi chuyến đi và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có vấn đề sức khỏe đặc biệt. Chúc mẹ có hành trình an toàn và thoải mái!
Báo Saostar ngày 12/01/2025 đưa thông tin với tiêu đề: "Đi nhậu sau khi đỡ đẻ cho người phụ nữ, 2 bác sĩ sản phụ trả giá đắt" cùng nội dung như sau:
Punitha Mohan, 36 tuổi, đã qua đời vào ngày 9 tháng 1 năm 2019, chỉ vài giờ sau khi sinh đứa con thứ hai tại Phòng khám và Trung tâm sinh nở Shan ở Klang, Selangor.
Cô đã nhập viện vào tối hôm trước và sinh con vào khoảng 10:30 sáng dưới sự chăm sóc của Ravi Akambaram. Ravi hoạt động tại cơ sở của Phòng khám Shan theo thỏa thuận với chủ sở hữu và cũng là bác sĩ đồng nghiệp, Shanmugam Muniandi.
Cả hai đều bị buộc tội cẩu thả trong một vụ kiện dân sự do gia đình Punitha đệ đơn.
Nguyên đơn, bao gồm cha mẹ, chị gái và hai con của cô, cho rằng cả hai bác sĩ đều không chăm sóc đầy đủ, như đã nêu chi tiết trong bản án được đưa ra vào ngày 9 tháng 1.
Ngay sau khi Punitha sinh con, gia đình cô bao gồm chồng và anh trai cô, đã nhìn thấy đứa trẻ sơ sinh trong khi cô vẫn ở trong phòng sinh. Không lâu sau, tiếng hét của đứa trẻ đã làm mẹ cô hoảng sợ và bà vội chạy vào thì thấy cô đang chảy rất nhiều máu.
Theo hồ sơ của tòa án, Ravi đã thông báo với gia đình rằng anh ta cần phải lấy nhau thai ra bằng tay do tử cung bị sưng gây mất máu đáng kể. Ông đảm bảo với họ rằng không cần phải lo lắng rồi rời khỏi phòng khám.
Tại tòa, Ravi thừa nhận anh ta đã ra ngoài uống rượu và nói rằng sẽ sớm quay trở lại. Trong khi đó, Shanmugam cũng rời khỏi phòng sinh, để lại Punitha cho ba y tá chăm sóc. Sau đó, họ phát hiện ra rằng họ không đăng ký với Bộ Y tế Malaysia.
Vào khoảng 12:35 trưa, hai giờ sau khi sinh, các y tá đã gọi đến bệnh viện gần đó để yêu cầu hỗ trợ y tế khẩn cấp. Đến lúc đó, tình trạng của Punitha đã xấu đi. Mẹ cô nhận thấy con gái mình đang khó thở và cơ thể trở nên lạnh.
Ravi quay lại phòng khám vào khoảng 12:57 chiều, nhưng Punitha phải hơn 20 phút sau mới được chuyển đến Bệnh viện Tengku Ampuan Rahimah. Mặc dù đã trải qua phẫu thuật và truyền máu khẩn cấp, cô đã không qua khỏi, tờ The Sun đưa tin.
Thẩm phán Norliza Othman phán quyết rằng cả hai bác sĩ đều không đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc đúng cách và khiến bệnh nhân dễ gặp biến chứng đe dọa tính mạng. Bản án lưu ý rằng chảy máu sau sinh, đặc trưng bởi tình trạng mất máu quá nhiều, thường có thể được xử lý bằng can thiệp y tế ngay lập tức.
Thẩm phán kết luận rằng thảm kịch này có thể đã được ngăn chặn nếu các bác sĩ hành động nhanh chóng, chẳng hạn như nhanh chóng chuyển Punitha đến bệnh viện, thay vì để cô bé cho những y tá không có bằng cấp chăm sóc.
Tòa án đã trao cho gia đình khoản tiền bồi thường thiệt hại hơn 5,9 triệu RM. Số tiền này bao gồm 1 triệu RM cho mỗi đứa con của Punitha, cũng như khoản bồi thường thiệt hại nghiêm trọng là 1,5 triệu RM đối với Ravi và 700.000 RM đối với Shanmugam.