Điều kiện nhận gần 2,7 tỷ đồng khi nghỉ việc sau sắp xếp bộ máy tại TP.HCM

Với chính sách theo Nghị định 178/2024 và mức hỗ trợ thêm của TP.HCM, cán bộ, công chức thôi việc khi tinh gọn bộ máy có thể nhận tối đa gần 2,7 tỷ đồng.

Theo VTCNews ngày 20/2 có bài Điều kiện nhận gần 2,7 tỷ đồng khi nghỉ việc sau sắp xếp bộ máy tại TP.HCM. Nội dung như sau:

HĐND TP.HCM vừa thông qua tờ trình về chế độ hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đơn vị hành chính.

Chính sách này cũng áp dụng cho người phụ trách công tác Đảng tại các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và các trường hợp không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm theo nhiệm kỳ.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại TP.HCM sẽ nhận được hai khoản hỗ trợ gồm: Hỗ trợ theo Nghị định 178/2024 của Chính phủ, hỗ trợ thêm theo Nghị quyết của HĐND TP.HCM.

Mức hỗ trợ tối đa được tính toán dành cho Chuyên viên, mã số 01.003, bậc 9, hệ số 4,98, thời gian tham gia bảo hiểm 30 năm ( còn đủ 5 năm tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định), phụ cấp thâm niên vượt khung 5%, phụ cấp chức vụ 25%. Mức lương hiện hưởng 15.149.160 đồng/tháng.

Khi đó, ước tính chi trả theo chế độ nghỉ hưu sớm theo Nghị định của Chính phủ là hơn 1,57 tỷ đồng/người, hỗ trợ thêm theo Nghị quyết của HĐND TP.HCM hơn 1,1 tỷ đồng/người. Tổng mức hỗ trợ tối đa là hơn 2,68 tỷ đồng.

Toàn cảnh kỳ họp. (Ảnh: Hoàng Thọ)

 Toàn cảnh kỳ họp. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Cụ thể, mức hỗ trợ thêm với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc sẽ chia theo 3 mức tương ứng với thời gian công tác.

Trường hợp công chức nghỉ hưu trước tuổi có thời gian công tác còn dưới 2 năm, được hỗ trợ thêm 12 tháng lương hiện hành được nhận. Những trường hợp này còn được hỗ trợ thêm 6 tháng tiền lương hiện nhận cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp thêm 1/2 tháng lương.

Với những cán bộ công chức nghỉ hưu trước tuổi có thời gian công tác còn lại đủ 2-5 năm sẽ được hỗ trợ thêm 12 tháng tiền lương hiện nhận và thêm 6 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Những người này còn được trợ cấp thêm 6 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.

Với người nghỉ hưu trước tuổi có thời gian công tác còn lại trên 5 -10 năm sẽ dđược hỗ thêm 12 tháng tiền lương và thêm 5 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Đồng thời trợ cấp thêm 6 tháng tiền lương cho 20 năm đầu làm việc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp thêm 1/2 tháng tiền lương.

Nghị quyết quy định với người quản lý doanh nghiệp nhà nước, cán bộ chuyên trách công tác Đảng công tác Tổng công ty, Công ty nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bị tác động khi thực hiện sắp xếp, TP.HCM sẽ hỗ trợ thêm 3 tháng lương tối thiểu vùng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Với cán bộ lãnh đạo sẽ được hưởng thêm 2 lần phụ cấp.

Nguồn kinh phí giải quyết chế độ hỗ trợ thêm với các trường hợp này từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn thu hợp pháp khác.

Số lượng tinh giản biên chế dự kiến: Cán bộ, công chức thuộc khối Đảng giảm 521 người; cán bộ, công chức (không bao gồm cấp xã) giảm 2.015 người; viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giảm 2.767 người, cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giảm 988 người. Tổng số lượng cần tinh giản 6.291 người.

Tổng kinh phí hỗ trợ cho 6.291 người khoảng 16.789 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP.HCM đảm bảo 6.877 tỷ đồng.

Về hỗ trợ các trường hợp đặc thù: Người phụ trách công tác Đảng tại các tổng công ty, công ty Nhà nước bị dôi dư 418 người, kinh phí hỗ trợ 186 tỷ đồng; các trường hợp không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm 450 người, kinh phí hỗ trợ 37 tỷ đồng.

Tổng ngân sách dự kiến để hỗ trợ tất cả các trường hợp trên (7.159 người) là gần 17.000 tỷ đồng.

Cũng trên VTCNews cùng ngày có bài Long An hỗ trợ gần 343 tỷ đồng cho cán bộ thôi việc sau khi sắp xếp bộ máy. Nội dung như sau:

Ngày 20/2, HĐND tỉnh Long An tổ chức Kỳ họp thứ 22 (chuyên đề) khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, thông qua 17 nghị quyết, gồm 11 nghị quyết về công tác nhân sự, tổ chức bộ máy, biên chế và 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội.

HĐND đã thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cán bộ, công chức không tái cử, tái bổ nhiệm và thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng trên địa bàn tỉnh Long An.

Đại biểu HĐND tỉnh Long An thông qua các Nghị quyết. (Ảnh: Kiên Định - Thái Bạch)

 Đại biểu HĐND tỉnh Long An thông qua các Nghị quyết. (Ảnh: Kiên Định - Thái Bạch)

Theo lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản tối thiểu 20% biên chế theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP, tỉnh dự kiến giảm 376 biên chế, gồm 285 người trong khối cơ quan, đơn vị Nhà nước và 91 người thuộc cơ quan, tổ chức Đảng.

Đến nay, có 256 cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện xin thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, trong đó 165 người thuộc cơ quan nhà nước, 91 người thuộc cơ quan Đảng.

Tổng kinh phí chi trả theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP ước tính 250 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ thêm 10% (khoảng 25 tỷ đồng).

Ngoài ra, có 123 cán bộ không đủ điều kiện tái cử, tái bổ nhiệm hoặc đăng ký nghỉ hưu theo Nghị định 177/2024/NĐ-CP, với tổng kinh phí 61,5 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ thêm 10% (6,15 tỷ đồng).

Như vậy, tổng số người nghỉ hưu, thôi việc là 379, với tổng kinh phí chi trả theo hai nghị định khoảng 311,5 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ thêm khoảng 31,15 tỷ đồng, tổng 343,65 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí hỗ trợ phụ thuộc vào đơn vị công tác, được phân bổ theo quy định ngân sách Nhà nước hoặc từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị. Với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên nhưng gặp khó khăn về tài chính, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ theo quy định.