Giáo viên rèn chữ đẹp, dạy kỹ năng tiền tiểu học có vi phạm Thông tư 29?
Quy định cấm dạy thêm cho học sinh tiểu học, trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, thể thao... tại Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT khiến không ít giáo viên có lớp rèn chữ đẹp, dạy kỹ năng tiền tiểu học lo lắng. Vậy hoạt động này có vi phạm quy định không?
Báo Vietnamnet ngày 16/02 đưa thông tin với tiêu đề: "Giáo viên rèn chữ đẹp, dạy kỹ năng tiền tiểu học có vi phạm Thông tư 29?" cùng nội dung như sau:
Trong Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT vừa có hiệu lực ngày 14/2 nêu giáo viên, nhà trường không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp liên quan đến bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Trước điều này, một số giáo viên tiểu học đang có lớp dạy thêm bên ngoài hướng dẫn học sinh luyện chữ đẹp và rèn kỹ năng trước khi vào lớp 1 băn khoăn không biết mình có thực hiệc đúng luật.
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT), cho biết, quy định cấm dạy thêm các môn văn hóa với học sinh tiểu học không phải là một nội dung mới. Thực tế, quy định này đã có từ Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT được ban hành từ năm 2012.

Trong chương trình tiểu học có những nội dung thuộc về rèn luyện văn hóa, văn nghệ, thể thao, kỹ năng… Nếu như những nội dung ấy nằm trong chương trình tổ chức cho học sinh thì không vi phạm Thông tư 29.
"Đặc thù của hoạt động giáo dục ở bậc tiểu học là học sinh không phải lúc nào cũng học từ sách vở, như lớp 1 các em còn chưa đọc được bao nhiêu, vì thế cần chú trọng những nội dung mang tính phát triển thể chất, kỹ năng", ông Thành lý giải thêm về quy định không dạy thêm các môn văn hóa cho học sinh tiểu học.
Theo ông, trường hợp giáo viên tiểu học hướng dẫn học sinh luyện chữ đẹp và rèn kỹ năng trước khi vào lớp 1, không phải dạy chương trình giáo dục phổ thông, thì không phải phạm vi điều chỉnh của Thông tư 29.
Tuy nhiên, trong trường hợp người dạy thuộc biên chế trường công thì cần lưu ý tới Điều 4 của Thông tư này quy định giáo viên ở các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành dạy thêm, chỉ có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Vì vậy, thầy cô đang là giáo viên trong trường công lập, nếu muốn tham gia dạy kỹ năng và rèn chữ cho học sinh thì cần nộp phiếu khai (có trong phụ lục của Thông tư 29) và nộp cho hiệu trưởng. "Còn ai dạy chui, không báo hiệu trưởng sẽ có chế tài xử lý theo quy định", ông Thành nói.
Theo Thông tư 29, tổ chức hoặc cá nhân muốn tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện các yêu cầu:
- Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

Tiếp đến, báo Lao động ngày 18/02 cũng có bài đăng với thông tin: "Thông tư 29 không cấm hay siết hoạt động dạy thêm, học thêm". Nội dung được báo đưa như sau:
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ngày 18.2 phát ra thông tin mới nhất về quản lý dạy thêm, học thêm và một số nội dung giáo dục phổ thông.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) của Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14.2.2025.
Thông tư 29 có 3 điểm mới nổi bật, gồm:
Không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày;
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho ba đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường;
Giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình; tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng các quy định của pháp luật.
Bộ GDĐT khẳng định quan điểm, ban hành Thông tư 29 nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ không cấm, không “siết” hoạt động này.
Đồng thời, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường, chương trình môn học của giáo viên.
"Tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh, không ép buộc; giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo" - Bộ GDĐT nhấn mạnh và cho rằng, việc dạy thêm, học thêm phải phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, học sinh được phát huy tính chủ động, sáng tạo, thói quen tự học; giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng.
Để triển khai hiệu quả Thông tư 29, Bộ GDĐT cho biết, đã ban hành công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GDĐT thực hiện đúng quy định về quản lý dạy thêm, học thêm.
Bộ GDĐT đề nghị tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh có kết quả chưa đạt, học sinh cuối cấp; theo điều kiện thực tế của địa phương hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Với các Sở GDĐT, cần kịp thời nắm bắt tình hình từ các nhà trường, giáo viên để hướng dẫn hoặc phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện có hướng dẫn phù hợp với đặc thù địa phương.
Với các nhà trường và giáo viên, Bộ GDĐT cho rằng, trách nhiệm là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra; việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình.
"Với những học sinh có kết quả chưa đạt, đang chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường, giáo viên cần có trách nhiệm bổ trợ cho các em" - Bộ GDĐT nêu quan điểm.
Bộ GDĐT cũng đồng thời đề nghị địa phương hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Về phía phụ huynh học sinh và xã hội, theo Bộ GDĐT, cần đồng hành với nhà trường để thực hiện việc giáo dục, đảm bảo kết hợp hài hòa cả ba yếu tố trong giáo dục (nhà trường, gia đình và xã hội); tham gia giám sát việc thực hiện Thông tư 29.