Vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất rồi bỏ ở Hà Nội: Bắt nhóm đối tượng liên quan

Các đối tượng bị bắt về hành vi vi phạm quy định đấu giá quyền sử dụng đất ở tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn.

Ngày 3/12/2024, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất rồi bỏ ở Hà Nội: Bắt nhóm đối tượng liên quan". Nội dung cụ thể như sau:

Ngày 3/12, liên quan vi phạm quy định đấu giá quyền sử dụng đất ở tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến huyện Sóc Sơn, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an Hà Nội đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ đối với các đối tượng.

Theo đó:

Phạm Ngọc Tuấn, sinh năm 1991, là nhân viên ngân hàng, chỗ ở tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh;

Nguyễn Thị Quỳnh Liên, sinh năm 1981, chỗ ở hiện tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh;

Ngô Văn Dương , sinh năm 1994, trú tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh;

Nguyễn Đức Thành, sinh năm 1992, chỗ ở hiện tại phường Vân Dương, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh;

Nguyễn Thế Trung, sinh năm 1994 và Nguyễn Thế Quân, sinh năm 1994, cùng trú tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh.

Các đối tượng liên quan (Ảnh ANTĐ)

Theo cơ quan điều tra, ngày 2/12, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn khẩn trương xác minh thu thập tài liệu, triệu tập các đối tượng có liên quan vụ việc: Vi phạm quy định đấu giá quyền sử dụng đất ở tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến huyện Sóc Sơn.

Qua đó xác định các đối tượng Tuấn, Liên, Dương, Thành, Trung, Quân liên quan đến vụ việc vi phạm nêu trên.

Cụ thể, căn cứ Quyết định số 1467/QĐ-UBND ngày 19/3/2024 của UBND TP Hà Nội về việc giao 15.868,8m2 đất tại xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn cho UBND huyện Sóc Sơn để thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến.

Ngày 26/4/2024, UBND huyện Sóc Sơn ra Quyết định số 2860/QĐ-UBND về việc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, và Quyết định số 7769/QĐ-UBND ngày 04/11/2024 về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn.

Nội dung: tổ chức đấu giá 58 thửa đất, diện tích từ 90-224m2 tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn; Giá khởi điểm 2.488.000đ/m2; bước giá 3.000.000đ/m2; tiền cọc đấu giá từ 44 triệu -111 triệu đồng (bằng 20% giá trị thửa đất đấu giá theo giá khởi điểm); đấu giá 6 vòng bắt buộc tại Nhà thi đấu huyện Sóc Sơn vào ngày 29/11/2024; do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn phối hợp với Công ty đấu giá hợp danh Thanh Xuân (Công ty Thanh Xuân; địa chỉ: Số 20, ngõ 137 Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội; do bà Ngô Thị Thanh làm Giám đốc) thực hiện.

Do Phạm Ngọc Tuấn biết thông tin về cuộc đấu giá đất trên và nhờ Ngô Văn Dương (là người quen của Tuấn qua các cuộc đấu giá đất trước đây) mua hồ sơ đấu giá do Công ty Thanh Xuân phát hành với giá 200.000đ/bộ (56 hồ sơ) và 500.000đ/bộ (02 hồ sơ).

Sau đó, để chắc chắn trúng đấu giá được các lô đất như ý, các đối tượng đã bàn bạc tham gia đấu giá. Tiếp theo, các đối tượng chuyển khoản tiền cho Dương và Tuấn; Tuấn chuyển khoản số tiền 3.616.000.000đ cho Công ty Thanh Xuân để đặt cọc đấu giá mua đất.

Do đã có kinh nghiệm trong việc thẩm định giá đất, Tuấn mua hồ sơ và tìm hiểu thông tin 58 thửa đất sẽ tiến hành đấu giá và định giá có thể đưa ra để mua đối với từng thửa đất. Bên cạnh đó, các đối tượng gặp nhau tại quán cà phê trên địa bàn xã Xuân Nội, huyện Đông Anh, để cùng nghiên cứu thể lệ đấu giá và các quy định pháp luật về việc đấu giá, sau đó trao đổi thống nhất để thực hiện việc đấu giá.

Ngày 29/11/2024, Dương cùng Thành, Quân, Trung đi ô tô đến đón Tuấn và Liên để cùng nhau đến địa điểm đấu giá. Tuấn đưa bảng giá tham khảo đối với từng lô đất do Tuấn đã làm từ trước.

Tuấn nói trong bảng tính là giá cao nhất có thể mua của từng lô đất, nếu như ở vòng thứ 4 mà người đấu giá đang trả giá cao nhất nhưng dưới mức giá Tuấn đã ghi trong bảng tính thì người đấu giá thì các đối tượng Dương, Liên, Thành, Quân và Trung mới tham gia tiếp vòng thứ 5 và vòng thứ 6 nhưng không được trả giá vượt quá giá trị do Tuấn đã thẩm định.

Nếu đến vòng thứ 4 mà có người trả giá vượt mức giá tối đa do Tuấn đưa ra thì người tham gia đấu giá sẽ phải đưa giá cao bất thường tại vòng thứ 5 và bỏ đấu giá tại vòng cuối cùng(Vòng thứ 6). Nếu làm được vậy, 6 người tham gia sẽ không mất tiền đã đặt cọc và việc đấu giá lô đất trên sẽ buộc phải dừng lại để tổ chức đấu giá lại lần sau do không đấu giá đủ 6 vòng theo quy chế; khi đó, 6 người tham gia đấu giá sẽ có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá để mua lô đất như ý đồ.

Thực hiện theo ý kiến đã được thống nhất, Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Thị Quỳnh Liên,Nguyễn Thế Quân, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Đức Thành đã đăng ký đấu giá 58/58 lô đất tại cuộc đấu giá.

Ban đầu các đối tượng đấu giá theo trình tự giá đạt mức có thể mua được, nhưng khi phát hiện giá đấu của 36/58 lô đất vượt mức tối đa đã thống nhất, trong thời gian kiểm duyệt phiếu vòng 4, Phạm Ngọc Tuấn ra ngoài gặp các đối tượng và yêu cầu đưa ra giá rất cao tại vòng thứ 5 (khoảng 100.000.000đ đến 200.000.000đ/m2), sau đó bỏ vòng đấu giá cuối cùng đối với các thửa đất đã đăng ký đấu giá. Các đối tượng đã đồng ý và cùng thực hiện việc nâng giá, mức giá cao nhất đưa ra. Cá biệt, Phạm Ngọc Tuấn trả tới mức 30 tỷ đồng/m2.

Ngày 2/12, Ngô Văn Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Liên đã tự nguyện đầu thú và thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của bản thân với Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an Hà Nội.

Hiện, vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Cùng ngày, báo VnExpress đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "5 người liên quan vụ đấu giá '30 tỷ đồng một m2 đất' bị tạm giữ". Nội dung cụ thể như sau:

Ngày 3/12, ông Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân bị Công an Hà Nội tạm giữ, điều tra về hành vi Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Những người này khai, ban đầu xác định mức giá chỉ khoảng hơn 30 triệu đồng/m2 - có thể bán chênh được, nên đã bàn cách khống chế kết quả đấu giá qua 6 vòng bắt buộc.

Theo kế hoạch, nếu đến vòng 4 mà mức giá được các nhà đầu tư trả cao hơn 30 triệu đồng/m2 thì vào vòng 5 nhóm này sẽ "đưa ra một mức cao đột biến để thắng áp đảo". Khi đến vòng 6, cả nhóm thống nhất sẽ không tham gia nữa, với mục đích "không cho lô đất được trúng đấu giá thành công".

Tổng cộng 36/58 lô đất bị các nghi phạm này thông đồng, trả cao tới gần 100 triệu đồng/m2 rồi bỏ không đấu nữa. Cá biệt, Phạm Ngọc Tuấn trả tới mức 30 tỷ đồng/m2.

Bên trong hội trường buổi đấu giá hôm 29/11 ở huyện Sóc Sơn. Ảnh: Hoàng Phong

Trước đó, ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất diện tích 90-224 m2 với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng một m2, tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng một lô (20% tổng giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm).

Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.

Tại vòng thứ 5, một số thửa đất được người tham gia trả giá cao bất thường. Trong đó, ông Phạm Ngọc Tuấn trả 30 tỷ đồng một m2 cho 3 thửa đất (số A12, A13, C6).

Tại vòng thứ 6, sự cố xảy ra khi một nhóm khách hàng có dấu hiệu "phá" phiên đấu giá này, theo một lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn. Cụ thể, nhiều khách hàng tại các vòng trước đó đã trả giá các lô lên đến hơn 100 triệu đồng một m2, trong đó thậm chí có 2 lô được trả đến 30 tỷ đồng một m2. Đến vòng 6, họ lại trả giá 0 đồng, rồi xin dừng tham gia đấu giá.

Lãnh đạo huyện cho biết tình huống này khiến 30 trong tổng số 58 thửa đất không thể đấu giá thành công.

Cuối năm ngoái, Hà Nội từng ghi nhận một trường hợp "trả giá nhầm" lên đến 4,28 tỷ đồng cho một m2 đất đấu giá tại huyện Mê Linh - gấp 142 giá khởi điểm. Thế nhưng, ngay sau buổi đấu giá, người này đã trao đổi lại với đơn vị tổ chức về việc "ghi nhầm mức giá do lần đầu tham dự, tâm lý căng thẳng". Ông này cũng xin cơ quan chức năng cho nhận lại tiền cọc hơn 600 triệu đồng và được chấp thuận.

Hồi tháng 8, 9 năm nay, một số phiên đấu giá đất huyện ven Hà Nội thu hút hàng trăm khách hàng tham dự với hơn 1.000 hồ sơ đăng ký. Mức giá trúng cao nhất cũng liên tiếp thiết lập kỷ lục như ở Hoài Đức hơn 133 triệu đồng một m2, Thanh Oai hơn 100 triệu đồng một m2. Trong đó, phiên đấu giá tại Thanh Oai ghi nhận khoảng 80% khách hàng trúng đấu giá không nộp tiền.