Cô bé 'làm mẹ' năm 9 tuổi giành học bổng du học Trung Quốc
Cô bé 9 tuổi ngày nào chăm sóc, địu em đến trường sau khi mẹ bị cuốn trôi theo dòng nước xiết, giờ là du học sinh Trung Quốc với học bổng toàn phần.
Báo VnExpress ngày 02/12 đưa thông tin với tiêu đề: "Cô bé 'làm mẹ' năm 9 tuổi giành học bổng du học Trung Quốc" cùng nội dung như sau:
Hoàng Thị Mũ, 22 tuổi, hiện là sinh viên năm cuối ngành Thiết kế cảnh quan, Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc.
Thời gian này, Mũ ít phải lên lớp mà tập trung cho đồ án tốt nghiệp, dự kiến bảo vệ vào tháng 6/2025. Cô gái đến từ bản Nà Ca, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, đang háo hức lên kế hoạch cho công việc của bản thân và định hướng tương lai cho các em.
"Mình chưa từng nghĩ đi được xa như vậy", Mũ nói.
Một ngày tháng 7/2010, Mũ cùng mẹ và ba em trai trở về từ nhà ông bà ngoại. Đường về nhà phải đi bè mảng qua sông Gâm. Mấy hôm đó mưa nhiều, nước sông chảy xiết, dâng lên cuồn cuộn. Không may, dòng nước lũ xô mạnh vào bè khiến mẹ và một người em ngã xuống sông. Trời tối, lại vắng người không thể kêu cứu, Mũ địu em út trên lưng, ôm người em còn lại khóc vì sợ. Lúc sau, người lái bè đến, đưa ba chị em về nhà.
Từ ngày mẹ mất, bố các em sinh buồn chán, chìm đắm trong men rượu. Ở tuổi lên 9, Mũ phải "làm mẹ" của hai em 5 tháng tuổi và 6 tuổi. Em kể trong nhà có ngô và lúa do vừa xong vụ mùa, vườn sẵn rau mẹ trồng nên có gì ăn nấy. Nữ sinh biết làm nhiều việc vì trước đó thường quan sát mẹ chăm sóc các em.
Hàng tối, em út khóc khát sữa mẹ, Mũ nấu bột ngô loãng cho em ăn. Có hôm không biết làm cách nào dỗ, Mũ đành để em khóc mệt rồi tự ngủ.
"Mình làm mọi việc theo bản năng", nữ sinh kể.
Ngày đó, cô Vy Thị Mỹ mới được phân công về làm hiệu trưởng trường Tiểu học Nà Ca, nay là điểm trường thuộc Tiểu học Thị trấn Pác Miầu. Học sinh nghỉ nhiều nên giáo viên chủ nhiệm phải đi vận động các em đến trường. Một ngày, các cô đến nhà Mũ, nói học trò có thể mang em đến lớp.
"Mũ nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, nhanh nhẹn. Cô bé thoăn thoắt quấn và địu em sau lưng, đi bộ 2 km đường dốc núi từ nhà đến trường", cô Mỹ, hiện là Chủ tịch Hội khuyến học huyện Bảo Lâm, nhớ lại.
5-6h hàng ngày, Mũ dậy sửa soạn, chuẩn bị đồ ăn cho các em trước khi cùng nhau đến trường. Các giáo viên có món gì ăn sáng cũng mang thêm cho ba chị em. Cô Mỹ đi xin được vài hộp bột ăn liền cho em út của Mũ. Hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm quấy bột cho em bé rồi cùng các cô khác thay phiên nhau bế cho Mũ học.
Cô Mỹ cho hay khi ấy, trường chưa có bếp ăn bán trú nên học sinh thường phải gói cơm mang đi. Thương học trò, các cô góp tiền, mang rau, thức ăn ở nhà; xin thêm mì tôm, mỡ của nhà hàng để nấu bữa trưa cho các em. Sau này có chế độ ăn bán trú, học sinh đến trường được ăn no, từ đó mới đi học đều.
Mũ xem các cô như người thân, có khó khăn gì đều nhờ giúp đỡ. Có lần, em út bị bỏng hay chó cắn, Mũ được cô giáo hướng dẫn vệ sinh và đưa đến viện điều trị. Nhiều nhà hảo tâm cũng hỗ trợ, tiếp thêm động lực để em đi học.
Anh Hoàng Văn Sùng, trưởng xóm Nà Ca, cho biết mọi người ở đây quen với hình ảnh cô bé địu em đi học.
"Ai cũng khâm phục nghị lực của Mũ. Khó có người nào như em ấy", anh Sùng nói.
Sau khi bố mất, năm lớp 8, Mũ và các em từng được cô Mỹ cưu mang, trước khi chuyển đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng, cách nhà gần 200 km.
"Mình không muốn đi nhưng ở nhà thì không ai nuôi. Vào đó, chúng mình được ăn, ở không mất tiền, lại có các cô, chú bảo ban, nhiều bạn bè", Mũ kể.
Nữ sinh nói muốn học đại học để sau này có công việc tốt, lo được cho các em. Mũ thích học khối C00 và mơ ước thi vào Đại học Luật Hà Nội. Nhưng năm lớp 12, biết đến học bổng ASEAN của tỉnh Quảng Tây, Mũ làm hồ sơ và giành học bổng toàn phần cho 5 năm học. Sau hai năm học online ở Việt Nam vì Covid-19, đầu năm 2023, em sang Trung Quốc.
Ban đầu Mũ học ngành Quản lý văn hóa nhưng sau đó được chuyển sang ngành Thiết kế cảnh quan. Không có thế mạnh về hội họa hay đam mê nghệ thuật nên lúc đầu, em hoang mang.
Mũ không biết sử dụng các phần mềm đồ họa, thậm chí chưa thành thạo máy tính. Tuy không gặp khó khăn trong giao tiếp hàng ngày nhưng ngành học khó, nhiều từ ngữ chuyên ngành khiến Mũ chật vật, nhiều lúc không hiểu giáo viên nói gì. Những hôm phải thuyết trình nhóm, Mũ phải nhờ bạn hỗ trợ.
"Mình định bỏ vì khó quá", Mũ kể.
Được cô Mỹ động viên, em tự học các kiến thức còn thiếu trên mạng, ghi âm bài giảng của thầy cô để về nhà học lại. Chỗ nào không hiểu,Mũ nhờ giảng viên và bạn bè chỉ dẫn. Nhờ đó, Mũ dần bắt nhịp và đạt điểm số từ 80/100 trở lên trong các môn học, cao nhất là Hán ngữ - 98/100.
Đi học xa nhà, chỉ về được vào dịp Tết hoặc hè nên Mũ thường xuyên liên lạc với hai em ở Trung tâm bảo trợ xã hội để nhắc nhở việc học hành. Mỗi lần đoàn tụ, ba chị em cùng nhau nấu ăn, giặt giũ, làm việc nhà và trò chuyện.
"Mình muốn cho hai em không khí của một gia đình bình thường", Mũ chia sẻ.
Nữ sinh cho biết người em thứ hai đã đi xuất khẩu lao động ở Nhật sau khi học xong lớp 12, còn em út đang học lớp 8, muốn theo nghề đầu bếp sau này. Em hy vọng học xong sẽ về Hà Nội làm việc, sau đó học thêm chứng chỉ sư phạm để dạy tiếng Trung.
"Mình cũng muốn sớm ổn định để đón em về", Mũ nói.
Trước đó, báo Dân trí ngày 22/09 cũng có bài đăng với thông tin: "Cảm phục ý chí của cô gái dân tộc gùi em đến con đường du học". Nội dung được báo đưa như sau:
Bất ngờ gặp lại bé gái dân tộc Mông thay cha mẹ chăm em sau 9 năm xa cách
Những ngày mùa thu giữa tháng 9, học sinh cả nước nô nức bước vào năm học mới sau ngày tựu trường, tôi gặp lại cô gái dân tộc Mông Hoàng Thị Mũ (bản Nà Ca, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), trong không khí vui tươi như thế tại Hà Nội.
Bé gái thay cha mẹ nuôi 2 em thơ 9 năm trước giờ chuẩn bị đi du học
Giờ đây Hoàng Thị Mũ không còn là bé gái lấm lem, gầy gò, ốm yếu của hình ảnh 9 năm về trước. Mà thay vào đó là cô gái tuổi 18 căng tràn nhựa sống. Mũ để tóc ngắn chấm vai, nước da trắng ngần mang nét đặc trưng của thiếu miền sơn cước. Đôi mắt em to, tròn đen láy sau cặp kính cận thỉnh thoảng nhìn tôi pha chút đượm buồn, hoe đỏ.
Khoe với chúng tôi, Mũ bảo: Ngày 21/9, cháu sẽ sang Trung Quốc nhập học tại Học viện nghệ thuật Quảng Tây, chuyên ngành Quản lý văn hoá theo diện học bổng toàn phần của dân tộc Choang. Tuy nhiên, khi chúng tôi thực hiện bài viết này, Mũ vẫn chưa thể sang Trung Quốc du học được, vì đại dịch Covid - 19 nêm em học Online ở nhà.
Mũ kể, em sẽ học tiếng 1 năm và 4 năm học chuyên ngành. Em chỉ mong thời gian tới đại dịch Covid - 19, sớm được khống chế, dập tắt để em còn đi du học.
Kể đến đây, cô gái khẽ nhoẻn nụ cười nhưng vẫn phảng phất đâu đó một nỗi buồn. Mẹ đã bỏ 3 chị em Mũ sau đêm lũ kinh hoàng, còn người cha sau những tháng ngày chán chường chìm đắm trong ma men rồi cũng ra đi sau cơn bạo bệnh.
Suốt gần 10 năm qua, đồng hành cùng với 3 chị em Mũ là các cô giáo vùng cao. Trong đó, cô giáo Nông Thị Lơi, vừa là cô giáo của em và cũng là người bảo hộ cho 3 chị em Mũ. Chính cô Lơi đã nắm tay Mũ dắt em đi suốt hành trình từ bậc tiểu học cho đến khi Mũ trở thành du học sinh và hành trình đó sẽ còn mãi về sau....
Hồi ức về bé gái 9 tuổi gùi em đến lớp, thay cha mẹ chăm 2 em thơ
Cách đây tròn 10 năm, cái đêm kinh hoàng cho đến giờ Mũ vẫn chưa thể quên. Đêm hôm ấy, mồng 7/7/2010, tiếng sông Gâm gào thét dữ dội, lũ dâng lên cuồn cuộn, cướp đi của các em người mẹ hiền Chẻo Mò Phan.
Từ ngày mẹ mất, bố các em sinh buồn chán, chìm đắm triền miên trong men rượu, Mũ - một đứa trẻ 9 tuổi bỗng bị bỏ mặc trong nỗi đau mồ côi, bơ vơ, nhọc nhằn, lo toan cho 2 đứa em: một đứa 7 tuổi, một đứa chưa đầy tuổi.
Nhớ ngày đó, bố Mũ bị con “ma men” “chài” đi mất rồi nên gần như đã bỏ bẵng các con. Mũ không trách bố. Mũ chỉ thương em. Một tháng ròng từ khi mẹ mất, Mũ đành phải gác việc học của mình lại. Những khi các em đi ngủ, Mũ được thảnh thơi một lát, ngồi ở bậc cửa nhìn về phía thị trấn, trào dâng nỗi nhớ mẹ.
Với một đứa bé 9 tuổi như Mũ khi đó, việc kiếm đủ thức ăn cho hai em không hề đơn giản. Em phải vận dụng hết những khả năng của mình để kiếm rau, kiếm khoai, kiếm sắn, nhường cho hai em ăn trước. Khi hai em đã no bụng, Mũ ăn những gì còn sót lại.
Một hôm, khi vừa bồng bế, dắt díu hai em từ sườn núi kiếm rau về nhà, Mũ sững người khi thấy cô giáo chủ nhiệm lớp 3A của em, cô giáo Lục Thì Toàn, cùng mấy bạn trong lớp đã vượt dốc đứng đợi trước cửa nhà em từ bao giờ. Dường như bao nhiêu nỗi tủi thân dồn ứ từ trước giờ mới đến lúc vỡ òa. Sau phút giây ngỡ ngàng, Mũ lao vào lòng cô giáo chủ nhiệm mà khóc. Cả hai cô trò cứ thế ôm nhau khóc.
Cô giáo chủ nhiệm thuyết phục thế nào bố của Mũ cũng không muốn cho em đi học. Vì em đi học lấy ai trông các em? Sau một thoáng suy nghĩ, cô Lục Thị Toàn quả quyết: Mũ sẽ đưa em tới lớp. Nghĩ là như vậy, nhưng cũng không ai dám chắc 100%, Mũ có thể vượt qua được nghịch cảnh để đến trường.
Cho tới một buổi sáng, "mẹ" Mũ lầm lũi bước những bước chân lặng lẽ, một tay dắt em lớn, trên lưng cõng em nhỏ trèo dốc gần 2km tới trường đã khiến tất cả các cô giáo có mặt tại trường lặng người trong phút giây trước khi bật khóc, chạy đến đỡ em.
Cô giáo Nông Thị Lới nhớ lại khí đó, ngay sau khi em Mũ đến trường, hàng ngày các cô giáo ai cũng tự đến sớm hơn một chút để đỡ đần Mũ trông em. Trong buổi họp hội đồng nhà trường, cô giáo Nông Thị Lới đề xuất với toàn thể các thầy cô giáo trong trường mỗi người góp ít nhất 10 nghìn đồng trong tháng mua mì tôm lo bữa sáng cho ba chị em Mũ. Đề xuất của cô nhận được sự nhất trí trăm phần trăm từ tất cả các cô giáo trong trường.
Riêng cô giáo Lục Thị Toàn thì quan tâm chăm chị em Mũ theo cách riêng của mình. Mỗi sáng cô đến lớp sớm hơn thường lệ, đỡ các em cho Mũ rồi bón cơm cho từng đứa.
Giờ đây, khi Mũ đã trở thành du học sinh, hai em của Mũ hiện vẫn đang ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng. Em Hoàng A Dũng năm nay học lớp 11 và Hoàng Văn Bình năm nay 10 tuổi, học lớp 4.
Từ giờ, trên suốt hành trình đã qua và thời gian tới, sự thành công hay thất bại của Mũ đều do em quyết định và gánh chịu. Tôi hiểu điều đó khi cô gái ngoái lại nhìn tôi trước khi bước lên xe rời thủ đô về Cao Bằng.
Nhưng những gì em đã trải qua, chúc cô gái luôn có một tương lai xán lạn như sự mong đợi của bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm đã dành tình cảm cho em.
Sau khi hoàn cảnh của "mẹ" Mũ gùi em đến lớp và vừa phải học, vừa thay cha mẹ chăm 2 em nhỏ được báo Dân trí đăng tải ngày 2/3/2011, đã nhận được sự quan tâm chia sẻ của đông đảo bạn đọc báo Dân trí.
Ngày 17/9 vừa qua, nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Điện tử Dân trí đã thay mặt bạn đọc, các nhà hảo tâm trao tặng em Hoàng Thị Mũ số tiền: 450,827,243 đồng.
Số tiền trên do bạn đọc ủng hộ Mũ thông qua báo Dân trí vào năm 2011 là 220 triệu đồng. Sau đó, Mũ đề nghị báo Dân trí lập cho em sổ tiết kiệm tại ngân hàng cho đến khi em đủ 18 tuổi.