Vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất Sóc Sơn rồi bỏ: Công an có thể sẽ giám định tâm thần với một số khách hàng
Trước đó, anh T. nói việc trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất Sóc Sơn thể hiện ý chí và tầm nhìn chiến lược của bản thân. Tuy nhiên mới đây, người đàn ông lại nói rằng mình bị nhầm.
Ngày 2/12/2024, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất Sóc Sơn rồi bỏ: Công an có thể sẽ giám định tâm thần với một số khách hàng". Nội dung cụ thể như sau:
Liên quan đến vụ việc nhóm khách hàng trả giá cao bất thường, trong đó có người trả đến 30 tỷ đồng/m2 trong buổi đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn hôm 29/11, chính quyền sở tại đã xin ý kiến Công an TP.Hà Nội về hướng giải quyết. Công an TP.Hà Nội cũng đã cử cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế về làm việc với huyện Sóc Sơn.
"Cơ quan công an sẽ xem xét dấu hiệu tội gây rối trật tự công cộng trong vụ việc này. Cạnh đó có thể giám định pháp y tâm thần để xác định năng lực hành vi dân sự đối với một số khách hàng", nguồn tin trên báo Thanh Niên cho hay.
Khách hàng trả 30 tỷ đồng/m2 nói... ghi nhầm
Về phía khách hàng Phạm Ngọc T. (33 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) - người đã đưa ra mức giá 30 tỷ đồng/m2 cho 03 thửa đất rồi bỏ cuộc, trước đó nói trên báo Dân Việt, anh T. cho hay việc đưa ra mức giá nói trên là xuất phát từ ý chí cá nhân và tầm nhìn chiến lược, cũng như quyết tâm xây dựng thương hiệu cá nhân. "Khi ở ngưỡng nào đó, cách nhìn của mình không giống người khác", người trả 30 tỷ đồng/m2 đất Sóc Sơn nói.
Anh T. thích thửa đất mình đã trả giá vì hợp phong thủy và có nhu cầu mua để sử dụng thực sự. Tuy nhiên, vì cảm thấy áp lực, tự ái khi bị một số khách hàng khác có mặt ở buổi đấu giá “xúc phạm” nên anh T. bỏ cuộc.
Tuy nhiên hôm nay (2/12), trao đổi với báo Người lao động, anh T. lại nói mình bị nhầm. Người đàn ông giãi bày trong buổi đấu giá, anh đã mua nhiều hồ sơ đấu giá. Tuy nhiên, khi đấu giá đến vòng thứ 5 thì “bản thân anh mệt mỏi dẫn đến nhầm lẫn”.
Theo anh T., lúc đầu anh viết trong phiếu khoảng 300 triệu, sau đó gạch đi ghi lại nhưng vẫn bị nhầm.
“Tôi sơ ý chỉ viết bằng số mà không viết bằng chữ. Những cái phiếu khác ghi 17 triệu/m2 đến 20 triệu/m2 thì viết đúng, chỉ nhầm 3 lô. Đến bây giờ tôi cũng không nhớ lúc đó là viết bao nhiêu, sau mới biết là nhầm lẫn lên tới 30 tỷ đồng/m2", anh T. nói, đồng thời chia sẻ nếu lúc đó biết nhầm đã sửa lại. Người đàn ông khẳng định lại bản thân không có ý định phá hoại buổi đấu giá.
Như đã đưa tin, vào sáng ngày 29/11, huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 lô đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các thửa đất được đem ra đấu giá có diện tích từ 90 - 224m2, giá khởi điểm là 2,4 triệu đồng/m2, đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tối thiểu 5 vòng theo phương thức trả giá lên. Tiền đặt trước đấu giá từng thửa đất bằng 20% giá trị thửa đất đấu giá theo giá khởi điểm đã được phê duyệt.
Tại vòng 5, có một số thửa đất được khách hàng trả giá cao bất thường, đặc biệt là trường hợp của anh Phạm Ngọc T. trả giá 30 tỷ đồng/m2 cho 03 thửa đất. Một số khách hàng khác trả mức giá từ 50,4 triệu đồng - 101,4 triệu đồng/m2.
Tại vòng 6, có 36 thửa đất khách hàng không tiếp tục trả giá dẫn đến những thửa đất này đấu giá không thành. Chỉ có 22/58 thửa đất được đấu giá thành công, giá trúng thấp nhất là 32,4 triệu đồng/m2; cao nhất là 50,4 triệu đồng/m2.
Nhận thấy buổi đấu giá có dấu hiệu bị phá, UBND huyện Sóc Sơn đã giao Công an huyện Sóc Sơn điều tra, làm rõ động cơ của nhóm khách hàng trả giá bất thường. 36 thửa đất chưa được đấu giá thành công sẽ được huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá lại trong thời gian tới.
Thông tin liên quan đến vụ việc được dư luận quan tâm, bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn bất động sản trên MXH.
Trước đó, báo Dân Việt đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Người trả giá hơn 30 tỷ đồng/m2 ở đấu giá đất Sóc Sơn nói gì?". Nội dung cụ thể như sau:
Phiên đấu giá đất Sóc Sơn ngày 29/11 vừa qua gây xôn xao dư luận khi xuất hiện thông tin có người trả giá tới hơn 30 tỷ đồng/m2. Đây là mức giá gây sốc cho cả hội trường, thậm chí dư luận cả nước cũng không khỏi choáng váng. Mức giá hơn 30 tỷ đồng/m2 đất ở huyện Sóc Sơn cũng tạo ra không ít tranh cãi về mặt bằng giá cũng như quy định pháp luật về tổ chức phiên đấu giá.
Cú sốc đầu tiên từ cuộc đấu giá đất Sóc Sơn vì có nhiều vòng
Theo công bố của UBND huyện Sóc Sơn, ông Phạm Ngọc Tuấn (huyện Đông Anh, Hà Nội) là người trả giá rất cao cho 3 lô đất ở Sóc Sơn rồi từ bỏ. Trao đổi với báo chí, ông Tuấn cho biết, đây không phải lần đầu tham gia đấu giá đất, nhưng sự khác biệt ở số vòng đấu lần này khiến bản thân bất ngờ.
"Xưa đấu một vòng, giờ sáu vòng. Lúc đầu vào chưa hiểu rõ quy định, lại thấy mọi người ngồi chật chội trong nhà thi đấu, nhưng mình vẫn tôn trọng luật chơi", ông chia sẻ.
Không chỉ đối mặt với điều kiện đấu giá khắc nghiệt, ông còn phải vượt qua những áp lực tâm lý từ môi trường xung quanh. “Bữa trưa chỉ có một suất bánh mì kẹp giò và hộp sữa, thời gian kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối, rất mệt mỏi”, ông Tuấn nói thêm.
Áp lực từ dư luận và sự kỳ thị
Ở vòng thứ 4, có người trả giá 95 triệu đồng/m2, khiến hội trường ồ lên và xuất hiện những thái độ thiếu văn minh như đứng dậy, lớn tiếng dọa nạt.
Tại vòng 5, để tiếp mức giá cao từ vòng trước nên khi đưa ra mức giá cao, ông Tuấn đã gặp phải những phản ứng tiêu cực từ những người tham gia khác. “Có người đứng dậy tỏ thái độ, nói chuyện dọa nạt, không hề văn minh. Khi trả giá, nhiều người cho rằng tôi phá cuộc chơi của họ, nhưng tôi có nhu cầu thực sự,” ông Tuấn giải thích.
Không dừng lại ở đó, ông Tuấn còn bày tỏ lo lắng về sự an toàn cá nhân sau khi rời buổi đấu giá: “Từ hôm qua đến giờ, tôi lo nhất liệu mình có về nhà an toàn hay không.”
30 tỷ đồng/m2: Ý chí hay phi lý?
'Tôi trả giá theo nhu cầu thực sự và tầm nhìn chiến lược của mình. Các quỹ đất rộng 150 - 200 m2 giờ rất hiếm. Tôi muốn sở hữu lô đất hợp phong thủy với bố mình' - Ông Tuấn chia sẻ.
Khi được hỏi về mức giá "không tưởng" này, ông Tuấn khẳng định đây là quyết định xuất phát từ ý chí cá nhân và tầm nhìn chiến lược. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc trả giá cao không phải hành động phá hoại mà là quyền của mỗi người tham gia.
Về mức giá được cho là phi logic, ông Tuấn giải thích rằng, bản thân muốn thể hiện sự quyết tâm và xây dựng thương hiệu cá nhân. "Khi ở ngưỡng nào đó, cách nhìn của mình không giống người khác. Tôi không phá hoại. Nếu vòng 5 không có sự xúc phạm, chắc chắn tôi sẽ đấu ít nhất một lô ở vòng 6," ông chia sẻ.
Nhiều người nói chỉ cần trả 200 - 300 triệu đồng/m2 là đã có thể trúng chứ với giá 30 tỷ đồng/m2 thì thật sự khó tin. Khi quyết định đưa ra mức giá này, ông Tuấn chia sẻ rằng muốn làm điều gì đó cho đất nước, đặc biệt là muốn xây dựng thương hiệu cá nhân. Mức giá đó có thể là phi lý với nhiều người, nhưng với ông Tuấn, đó là cách thể hiện ý chí.
Tôi có niềm tin rằng Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, trở thành "Dubai, con rồng châu Á." - Ông Tuấn nhấn mạnh.
Sau khi bị áp lực từ phía hội trường, ông Tuấn quyết định không tham gia vòng 6.
"Tôi cảm thấy môi trường không phù hợp. Nếu có trúng đấu giá và xây dựng, tôi lo rằng sẽ gặp hàng xóm ghen ăn tức ở. Với cách cư xử thiếu văn minh, tôi nghĩ tốt hơn là dừng lại. Trả giá là quyền của mỗi người, không ai có thể cấm trả cao hay thấp. Tuy nhiên, những áp lực xã hội và thái độ không đúng đắn trong phiên đấu giá đã khiến tôi rất tự ái và buộc phải dừng lại", ông Tuấn chia sẻ.
Sau phiên đấu giá, ông Tuấn cho biết chưa nhận được bất kỳ liên hệ nào từ cơ quan chức năng để tìm hiểu vụ việc. "Tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong các phiên đấu giá," ông Tuấn nói.
Kết thúc cuộc trò chuyện, ông Tuấn nhấn mạnh: “Trả giá là ý chí của con người, không ai có quyền cấm người khác trả cao. Pháp luật quy định rõ ràng thì hãy tôn trọng quyết định của mỗi cá nhân.”