Bịa lệnh truy nã, treo thưởng bắt giữ chính mình

Một thanh niên họ Vương đã bị tạm giam vì "quá buồn chán rảnh rỗi" đã tự tạo lệnh truy nã để bắt giữ mình, đăng trên mạng xã hội.

Ngày 2/12/2024 báo VnExpress đăng tải bài báo "Bịa lệnh truy nã, treo thưởng bắt giữ chính mình", nội dung như sau:

Người đã đăng một tin nhắn trên mạng xã hội có tiêu đề "Lệnh truy nã", kèm theo bức ảnh của mình, ngày 11/11.

Trong bài đăng, anh ta nói mình là Vương Nhất Bác - tên của một diễn viên và vũ công nổi tiếng ở Trung Quốc.

"Tôi là người huyện Tần Nguyên, thành phố Trường Trị, tỉnh Sơn Tây. Tôi đã tống tiền một công ty 30 triệu nhân dân tệ (4 triệu USD) vào ngày 10/11/2024. Tôi có một khẩu súng tiểu liên và 500 viên đạn. Nếu anh tìm thấy tôi, anh sẽ được thưởng 30.000 nhân dân tệ (4.000 USD)", thông tin đăng tải thể hiện.


Cảnh sát địa phương phát hiện ra hành vi bất thường của Vương khi truy cập trực tuyến và nhanh chóng bắt giữ anh ta. Ảnh: Weibo

Cảnh sát địa phương phát hiện ra hành vi bất thường của Vương khi truy cập trực tuyến và nhanh chóng bắt giữ anh ta. Ảnh: Weibo

Ngày 12/11, cảnh sát địa phương đã phát hiện ra nội dung bất thường này của Vương, người có biệt danh trực tuyến là Haoyunsuishiyou, có nghĩa "luôn luôn may mắn".

Cảnh sát bắt giữ anh ta chỉ vài giờ sau đó. Sau khám xét, cảnh sát xác định Vương không sở hữu bất kỳ vật phẩm bất hợp pháp nào, như súng hoặc đạn dược. Anh ta không tống tiền bất kỳ công ty nào như nội dung trên bài đăng mạng xã hội.

Vương thừa nhận đã bịa ra lệnh truy nã vì "cảm thấy rảnh rỗi và buồn chán với cuộc sống".

Theo báo cáo của cảnh sát, bài đăng của anh đã gây ra phản ứng xã hội đáng kể, thu hút 350.000 lượt xem trong vòng chưa đầy 24 giờ, nhận được 2.500 lượt thích và thúc đẩy khoảng 80 cư dân mạng bình luận, với 1.155 lượt chia sẻ.

Cảnh sát đã áp dụng "biện pháp cưỡng chế hình sự" với Vương vì đã tạo ra và phát tán thông tin sai lệch.

Biện pháp cưỡng chế hình sự là các hành động của cảnh sát nhằm hạn chế quyền tự do cá nhân của nghi phạm, bao gồm giam giữ, bắt giữ, tại ngoại và giám sát cuộc sống trong một khoảng thời gian nhất định.

"Internet không nằm ngoài phạm vi của pháp luật. Việc bịa đặt và lan truyền một câu chuyện đều là hành vi phạm tội. Bất kỳ ai bịa đặt hoặc phát tán tin đồn đều sẽ phải đối mặt với hậu quả pháp lý", cảnh sát tuyên bố về vụ án.

Sự việc này đã gây nên tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc. "Đây là anh chàng ngốc nghếch nhất trên báo năm nay, haha", một người dùng bình luận.

"Được thôi. Bây giờ anh thực sự bị cảnh sát bắt rồi. Đây không phải là điều anh muốn sao?" một người bình luận khác nói thêm.

Cùng ngày, báo VnExpress cũng đăng tải bài báo với tiêu đề "Tội phạm chê cảnh sát chụp ảnh truy nã 'xấu thậm tệ'", nội dung như sau:

Đúng "ước nguyện", George Powell, 43 tuổi, còn được gọi là George Whittaker, đã bị bắt và giam giữ tại nhà tù HMP ở Edinburgh hôm 27/11.

Vụ việc khởi nguồn năm 2015 khi George và một người bạn tình cờ phát hiện kho báu gồm bộ sưu tập tiền xu, đồ trang sức và thỏi bạc cổ, được chôn tại Herefordshire, niên đại 1.100 năm, ước tính giá trị 12 triệu bảng Anh.

Ảnh hồ sơ truy nã của George do cảnh sát chụp và bị Goerge chê xấu. Ảnh: Gwent Police

Theo Đạo luật Kho báu năm 1996 của Anh, George và người bạn có nghĩa vụ phải báo cáo những phát hiện của họ cho nhà chức trách và có quyền hợp pháp được phần thưởng tương đương 750.000 bảng Anh thanh toán thẳng vào tài khoản.

Nhưng George đã không làm vậy, mà chỉ giao nộp 3 đồng xu. Toàn bộ số cổ vật còn lại anh ta tìm cách bán trên thị trường chợ đen - đây là một hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cảnh sát sớm nhận ra sự giao dịch các cổ vật và bắt đầu điều tra. Cuối cùng, George và đồng bọn bị bắt.

Trong phiên tòa năm 2019, George bị kết tội Trộm cắp, âm mưu che giấu tài sản phạm tội và âm mưu chuyển đổi tài sản phạm tội. George lĩnh án 10 năm tù, đồng phạm 8 năm, buộc trả lại số tiền bất chính thu được từ bán cổ vật phi pháp, 600.000 bảng Anh.

George được ân xá hồi tháng 10 nhưng liên tục lên mạng phỉ báng tòa án đã kết tội oan cho mình: "Tôi không ăn cắp gì cả. Tôi bị kết án chỉ vì tìm thấy kho báu trong một cánh đồng mà tôi được phép vào. Tôi đã rất may mắn khi tìm thấy nó và khai báo giao nộp các tài sản, nhưng tin đồn và sự quan liêu tham nhũng đã khiến tôi phải vào tù".

George chỉ trích bản án của mình còn nặng hơn cả những kẻ hiếp dâm, giết người, buôn ma túy.

Ảnh George đăng lên Facebook để thách thức cảnh sát. Ảnh: Wales News Service

George sau đó bị triệu hồi trở lại nhà tù vì vi phạm lệnh ân xá, nhưng anh ta không bao giờ xuất hiện, do đó bị truy nã.

Cuối tháng 10, cảnh sát đã đăng thông cáo, kêu gọi thông tin để xác định vị trí của George.

George sau đó đã tự "lộ diện" bằng cách lên mạng xã hội, công khai chê bức ảnh cảnh sát sử dụng trong lệnh truy nã, với lý do bức ảnh được chụp khi anh ta đang say rượu. Vì vậy, anh ta đã đăng một bức ảnh tươi cười với làn da rám nắng và cặp kính mát, cùng lới nhắn "hãy tìm tôi bằng ảnh này".

Vài tuần sau, George bị bắt. Dù vậy, George chưa bao giờ nói với bất kỳ ai về việc mình đã làm với số cổ vật chưa giao nộp. Nhà chức trách tin rằng, ít nhất là 270 đồng xu cổ.

Anh ta nói: "Địa điểm phát hiện kho báu vẫn còn là một bí ẩn. Tôi là người duy nhất trên hành tinh này biết nó ở đâu".

Một trong số các đồng xu cổ đã được phục hồi và trưng bày. Ảnh: The Viking Herald

Một số hiện vật khác đã được phục hồi sau chiến dịch kéo dài của Hội đồng Herefordshire và những người đam mê lịch sử địa phương.

Hợp tác với Bảo tàng Anh và cảnh sát Anh, nhóm đã thu thập được một số lượng lớn hiện vật, bao gồm một mặt dây chuyền pha lê, một chiếc nhẫn vàng hình bát giác, một thỏi bạc và 29 đồng tiền.

Kho báu này cung cấp những hiểu biết giá trị về mối quan hệ thương mại ở Anh thời đại Viking, đã được trưng bày tại Trung tâm Viking Jorvik ở York vào đầu năm nay trước khi được trả lại Herefordshire.

Việc xây dựng một bảo tàng mới tại thành phố Hereford đang được tiến hành, sẽ là nơi lưu giữ bộ sưu tập lâu dài.