TP HCM: Dạy thêm lách Thông tư 29, trung tâm bồi dưỡng văn hóa bị đóng cửa
Trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở quận Bình Tân, TP HCM bị yêu cầu trả hết học sinh tiểu học đang dạy, chấp hành nghiêm việc đóng cửa
Báo Người lao động ngày 18/02 đưa thông tin với tiêu đề: "TP HCM: Dạy thêm lách Thông tư 29, trung tâm bồi dưỡng văn hóa bị đóng cửa" cùng nội dung như sau:
Ngay sau khi Báo Người Lao Động đăng tải bài viết "Muôn kiểu lách để dạy thêm cho học sinh tiểu học ở TP HCM", UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân đã thành lập tổ công tác kiểm tra đột xuất các trung tâm, cơ sở dạy thêm trên địa bàn.

Thời điểm kiểm tra, trung tâm đang dạy thêm môn tiếng Việt cho nhiều học sinh tiểu học
Sáng 18-2, bà Phan Thị Mịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, cho biết đã lập biên bản xử lý vi phạm đối với Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Trạng Nguyên (tên pháp lý là Công ty TNHH Giáo dục văn hóa Trạng Nguyên), yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động dạy thêm cho học sinh tiểu học và chấp hành nghiêm việc đóng cửa.
Chiều 17-2, tổ công tác đã đến kiểm tra đột xuất Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Trạng Nguyên tại phường Bình Hưng Hòa B. Thời điểm kiểm tra, 18 học sinh tiểu học đang học ở tầng trệt. Đa số học sinh đang học môn tiếng Việt, có giáo viên hướng dẫn, vài bé được rèn chữ.
Đại diện trung tâm là bà Nguyễn Thị Dang đã xuất trình giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và hồ sơ phương án phòng cháy. Tuy nhiên, trung tâm này dù tổ chức ăn trưa cho vài học sinh nhưng không xuất trình được các giấy tờ liên quan an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ thực phẩm và tổ chức lưu mẫu theo quy định.

Tổ công tác kiểm tra đột xuất, phát hiện nhiều vi phạm tại Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Trạng Nguyên
Thời điểm kiểm tra, bà Dang cho rằng việc dạy thêm của trung tâm không trái quy định pháp luật và không vi phạm Thông tư 29.
"Tôi đăng ký kinh doanh với hình thức là gia sư, đội ngũ giáo viên của trung tâm không công tác tại bất kỳ trường học nào. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mình vẫn có thể dạy thêm cho học sinh tiểu học. Ngoài dạy học thêm văn hóa, trung tâm của tôi còn dạy kèm các môn năng khiếu" – bà Dang giải thích.
Bà Phan Thị Mịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, khẳng định việc dạy thêm môn tiếng Việt cho học sinh tiểu học là vi phạm Thông tư 29.
Tổ công tác lập biên bản, đề nghị trung tâm trả hết học sinh tiểu học đang dạy về gia đình, tháo gỡ các bảng hiệu quảng cáo sai quy định, chấp hành nghiêm việc đóng cửa từ chiều 17-2 cho đến khi khắc phục, thực hiện đúng quy định pháp luật.
"Vào tháng 11-2024, trung tâm này từng bị đề nghị đóng cửa do chưa có giấy phép. Để khắc phục triệt để tình trạng vi phạm, UBND phường giao công an khu vực, trưởng khu phố thường xuyên theo dõi, giám sát việc chấp hành đóng cửa tại cơ sở này" – bà Mịnh nhấn mạnh.


Tổ công tác phổ biến lại Thông tư 29 để trung tâm nắm rõ
Ngoài ra, tổ công tác tiến hành kiểm tra, lập biên bản Công ty TNHH Giáo dục Nhân Tài tại địa chỉ 11 Đường số 6, phường Bình Hưng Hòa B, yêu cầu chủ cơ sở tháo gỡ các biển hiệu quảng cáo sai quy định.
Bà Mịnh cho biết sẽ tiếp tục quán triệt đến ban giám hiệu, giáo viên các trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm Thông tư 29 và các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục - Đào tạo; tăng cường tuyên truyền, tiếp nhận thông tin phản ánh từ 40 khu phố và người dân trên địa bàn. Đồng thời, liên tục kiểm tra, rà soát các điểm dạy thêm đang hoạt động hoặc phát sinh và xử lý trường hợp vi phạm theo quy định.
Trao đổi về trường hợp vi phạm này, luật sư Phan Văn Tú, Văn phòng Luật sư Nhật Bình (Đoàn Luật sư TP HCM), cho biết dù giáo viên đang tham gia giảng dạy của trung tâm không phải là giáo viên của trường học, đăng ký hoạt động theo hình thức gia sư nhưng vẫn vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 29.
Theo điểm b khoản 2 Điều 6 Luật Giáo dục năm 2019, giáo dục phổ thông gồm: giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và giáo dục THPT. Điều 1 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nêu rõ hoạt động dạy thêm, học thêm đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư này. Do đó, người dạy thêm khi thực hiện hoạt động dạy thêm cho học sinh tiểu học trong trường hợp kể trên bắt buộc phải tuân thủ Thông tư 29.
Trước đó, báo Vietnamnet ngày 14/02 cũng có bài đăng với thông tin: "Giáo viên tìm đường hợp thức hóa dạy thêm khi Thông tư 29 có hiệu lực". Nội dung được báo đưa như sau:
Từ 14/2, Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, với một trong những điểm mới là yêu cầu các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường dạy thêm có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh. Để tránh vi phạm quy định này, nhiều giáo viên đã gấp rút hoàn tất các thủ tục cần thiết.
Nhiều giáo viên gấp rút đăng ký kinh doanh để dạy thêm
Chiều 13/2, thầy Anh Phạm (Bắc Ninh) đã thực hiện thủ tục mở trung tâm dạy thêm. Từng có hơn 10 năm công tác tại trường công, sau đó xin ra khỏi biên chế và trở thành giáo viên tự do, anh Phạm quyết định đăng ký mở trung tâm, để "đàng hoàng làm nghề".
"Hóa ra thủ tục rất đơn giản: đến phòng hành chính công, cung cấp số căn cước công dân, mã số thuế cá nhân, khai thêm một vài thông tin nữa, chỉ trong 15 phút là xong, tốn 50.000 đồng lệ phí, một tuần sau sẽ được trả kết quả. Cơ sở của mình sẽ cần bổ sung một số điều kiện, chẳng hạn như bình cứu hỏa, bảng niêm yết môn học rồi giá cả....", anh Phạm chia sẻ với VietNamNet trưa 14/2.
Cô Duyên, giáo viên Toán tại một trường THPT ở ngoại thành Hà Nội, cho biết đã nhờ người thân đăng ký kinh doanh hộ cá thể với mã ngành 8559 liên quan đến giáo dục. Sau đó, cô ký hợp đồng làm thuê và có thể tiếp tục dạy thêm. Ngoài ra, để không vi phạm quy định cấm dạy thêm học sinh lớp mình đang dạy chính khóa, cô xin hoán đổi lớp dạy trong trường với đồng nghiệp.
Cô Thu, giáo viên Toán tại Khánh Hòa, dù đã nghỉ hưu nhưng cũng gấp rút đăng ký kinh doanh để hợp pháp hóa việc dạy thêm. Mấy năm nay, cô duy trì hai nhóm lớp dạy tại nhà, mỗi nhóm 10 học sinh, học phí 250.000 đồng/tháng mỗi em nên có thu nhập thêm khoảng 5 triệu đồng ngoài khoản lương hưu 9 triệu.
Cô Thu cho biết, khi đến Văn phòng một cửa của UBND huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) để đăng ký kinh doanh dạy thêm với hình thức hộ kinh doanh gia đình, cô được hướng dẫn thực hiện hồ sơ rất nhanh chóng.
Anh Toàn, giáo viên dạy các môn khối A ở TP Buôn Ma Thuột cho biết, đã nhờ một người nhà vợ đứng tên đăng ký mở trung tâm dạy thêm các môn Toán, Lý và anh chỉ dạy học sinh không thuộc lớp chính khóa của mình.
"Học sinh của tôi đều được chọn lọc kỹ càng nên tôi thu học phí cao và khá lo khoản bị đánh thuế. Cơ sở tôi nhờ người đăng ký phải công khai dạy học sinh nào và thu học phí bao nhiêu", anh Toàn cho hay.

Một cán bộ tại bộ phận một cửa thuộc UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, trong ngày 13/2, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 50 hồ sơ, trong đó hơn 90% là đăng ký hộ kinh doanh về lĩnh vực giáo dục.
Tối 13/2, thông tin với VietNamNet, ông Nguyễn Đình Dương, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch TP Buôn Ma Thuột cho biết, từ tháng 12/2024 đến nay, đơn vị đã cấp phép cho hơn 300 giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với ngành nghề giáo dục.
Theo ông Dương, số hồ sơ đơn vị này đã tiếp nhận và đang trong thời hạn xử lý là gần 100 bộ, hầu hết thuộc lĩnh vực giáo dục. Đối với những cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận hộ kinh doanh, đơn vị cho ký cam kết thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
"Nhiều người đến đăng ký hộ kinh doanh về lĩnh vực dạy thêm, học thêm nhưng chưa nắm rõ quy định của pháp luật vì cứ tưởng có giấy đăng ký kinh doanh là về tổ chức dạy thêm, học thêm được ngay. Khi họ đến chúng tôi hướng dẫn tiếp tục thực hiện các thủ tục khác nếu không sẽ bị xử lý rất nặng", ông Dương nói.
Những trường hợp tìm cách "né" luật
Chị Trúc (Hoài Đức, Hà Nội), có con học lớp 11, cho biết các giáo viên dạy thêm của con chị đã tìm cách hợp thức hóa hoạt động giảng dạy ngoài trường. Thầy dạy Vật lý dạy livestream trong nhóm kín trên mạng xã hội, còn cô giáo Tiếng Anh chuyển sang dạy tại một trung tâm ngoại ngữ thay vì tại nhà riêng như trước đây.
Theo chị, học thêm, nhất là ôn luyện chuẩn bị thi vào đại học như con chị là nhu cầu rất chính đáng và cấp thiết. Bản thân chị bỏ nhiều công sức tìm hiểu thông tin mới chọn được thầy cô giỏi, tâm huyết, và thậm chí phải năn nỉ, đợi chờ con mới được xếp lớp. Vì thế, chị đồng tình ngay với các phương án thầy cô chọn để duy trì lớp học.
Cũng như giáo viên dạy Tiếng Anh cho con chị Trúc, hiện không ít giáo viên trường công lựa chọn hợp tác với các trung tâm đã đăng ký kinh doanh để tiếp tục dạy thêm.
Cô Thanh, giáo viên tại Hà Nội cho biết, trước nay, cô nhận hỗ trợ một vài học sinh lớp 1 vào ngày thứ 7, vừa kèm học vừa cho ăn nghỉ tại nhà mình với mức thu 180.000 đồng/ngày.
Khi Thông tư 29 với quy định không được dạy thêm văn hóa cho học sinh tiểu học cũng như giáo viên trường công không dạy thêm bên ngoài với học sinh lớp mình dạy chính khóa, cô tính dừng nhận học sinh tại nhà. Dù vậy, phụ huynh vẫn gửi gắm, cô quyết định cộng tác với một trung tâm ngoại ngữ cách nhà gần 2km. Vì phải mất chi phí cho trung tâm, cô bắt buộc nâng mức thu lên 230.000 đồng/ngày.

Một thầy giáo có trung tâm bổ trợ kiến thức tại Hà Đông cho biết, gần đây, thầy nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn từ giáo viên mong muốn hợp tác hoặc nhờ tư vấn cách hợp thức hóa việc dạy thêm. “Với những giáo viên giảng dạy các bộ môn đúng phạm vi Trung tâm được cấp phép, chúng tôi sẵn sàng ký hợp đồng hợp tác. Tuy nhiên, nếu không phù hợp, chúng tôi buộc phải từ chối để tránh vi phạm quy định. Với giáo viên tự do, tôi khuyên thầy cô nên đăng ký kinh doanh để yên tâm đi dạy lâu dài”, thầy giáo này chia sẻ.
Giáo viên cân nhắc mô hình dạy thêm hợp lý
Trước nhu cầu hợp thức hóa hoạt động dạy thêm, nhiều dịch vụ hỗ trợ đăng ký kinh doanh cho giáo viên đã xuất hiện. Một trung tâm tư vấn tại Hà Nội quảng cáo có thể làm giấy phép kinh doanh toàn quốc với giá 1 triệu đồng mỗi hồ sơ. Dịch vụ bao gồm xử lý mã số thuế cá nhân, đăng ký ngành nghề phù hợp, thậm chí hỗ trợ đăng ký hộ kinh doanh với tên người khác đứng tên cho giáo viên trường công.
Đơn vị này cho biết, từ sau Tết, họ liên tục nhận được cuộc gọi từ giáo viên tìm hiểu về thủ tục đăng ký dạy thêm, nhiều nhất là giáo viên trường công do lo ngại vi phạm quy định sẽ gặp rủi ro lớn.
Luật sư Nguyễn Đắc Thực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 29 thì "Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường".
Như vậy, giáo viên thuộc các trường công lập có thể đăng ký tham gia dạy thêm tại các cơ sở có đăng ký kinh doanh hợp pháp. Tuy nhiên, khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, giáo viên phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Theo ông Thực, các thầy cô nếu tiếp tục dạy thêm nên thực hiện đúng Thông tư 29 hoặc chờ hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền về việc dạy thêm, học thêm để tránh việc dạy thêm trái quy định của pháp luật.

* Tên một số thầy cô trong bài đã được thay đổi