Giá vàng hôm nay 19/2/2025 vùn vụt tăng, SJC và vàng nhẫn lại thấp hơn thế giới
Giá vàng hôm nay 19/2/2025 trên thị trường quốc tế vùn vụt tăng trở lại và đang trên đường chinh phục đỉnh mới. Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn trong nước trở lại ngưỡng 91 triệu đồng/lượng và hiện thấp hơn vàng thế giới quy đổi.
Báo Vietnamnet ngày 19/02 đưa thông tin với tiêu đề: "Giá vàng hôm nay 19/2/2025 vùn vụt tăng, SJC và vàng nhẫn lại thấp hơn thế giới" cùng nội dung như sau:
Tới 20h ngày 18/2 (giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay giao ngay trên thị trường quốc tế ở mức 2.922 USD/ounce. Vàng giao tháng 4/2025 trên sàn Comex New York ở mức 2.933 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 18/2 cao hơn khoảng 41,6% (859 USD/ounce) so với đầu năm 2024. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức 91,4 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, cao hơn khoảng 280 nghìn đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 18/2.
Giá vàng thế giới lên cao trong bối cảnh đồng USD trước đó đã có một đợt giảm khá manh. Chỉ số DXY xuống dưới ngưỡng 106,9 điểm.
Vàng thế giới tăng mạnh trở lại chủ yếu do lực cầu bắt đáy lên cao sau cú tụt giảm vào cuối tuần trước. Những dự báo mới của các tập đoàn lớn cũng góp phần đẩy giá mặt hàng kim loại quý đi lên.
Những bất ổn trên thị trường quốc tế, đến từ những chính sách của chính quyền ông Donald Trump với các cuộc xung đột trên thế giới, trong đó có tại Ukraine… là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho vàng.
Trong nước, giá vàng lần thứ 2 trong vòng 1 tuần thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi. Trong năm 2024, giá vàng trong nước đa phần thời gian có giá cao hơn giá thế giới rất nhiều, có lúc cao hơn 18-20 triệu đồng/lượng.
Tới cuối phiên giao dịch ngày 18/2, giá vàng miếng 9999 tại SJC và Doji được niêm yết ở mức 88,6-91,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 500.000 đồng chiều bán ra so với đóng phiên liền trước.

SJC công bố giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 88,6-90,9 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 500.000 đồng chiều bán ra so với phiên liền trước. Doji niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 ở mức 89,6-91,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với đóng phiên trước đó.
Mức chênh giá mua-bán vàng tại các doanh nghiệp được kéo hẹp lại còn 2,5 triệu đồng/lượng, so với mức 3,5 triệu đồng trước đó.
Giá vàng thế giới quy đổi đang ở mức rất cao trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tại Việt Nam ở sát đỉnh cao lịch sử: 25.340 đồng (mua) và 25.700 đồng (bán).
Dự báo giá vàng
Vàng được dự báo sẽ còn tăng giá trong năm 2025 và có thể đạt đỉnh cao lịch sử mới do nhu cầu đối với mặt hàng này còn rất lớn trong bối cảnh tương lai thế giới khá bất định.
Ngân hàng Goldman Sachs vừa nâng dự báo giá vàng thế giới cuối năm nay lên 3.100 USD/ ounce. Thậm chí, nếu bất ổn chính sách vẫn ở mức cao và giới đầu tư lo ngại về thuế nhập khẩu của Mỹ, giá vàng có thể lên 3.300 USD (tương đương quy đổi là 103 triệu đồng/lượng) do đầu cơ.
Theo Goldman Sachs, do nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương cao và các quỹ ETF vàng cũng tăng mua khi lãi suất giảm. Goldman Sachs dự báo nhu cầu vàng trung bình của các ngân hàng trung ương lên 50 tấn một tháng, thay vì 41 tấn trước đó.
Ngân hàng Citi mới đây cũng nâng dự báo giá vàng trong 3 tháng tới, từ 2.800 USD lên 3.000 USD/ounce. Ngân hàng UBS dự báo vàng có thể đạt mốc 3.000 USD cuối năm nay.
Hiện giới đầu tư nghe ngóng những thông tin về cuộc đàm phán Mỹ-Nga nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Vàng là lựa chọn hàng đầu ở thời điểm hiện nay.
Giá vàng có thể tăng bùng nổ nếu đàm phán không có kết quả, hoặc kết quả không như mong đợi, cũng như những phản ứng tiêu cực từ Ukraine và Liên minh châu Âu (EU). Ngược lại, vàng có cơ sở để giảm.
Dù vậy, thế giới còn rất nhiều cuộc chiến sắp tới, từ thương mại, tiền tệ cho tới công nghệ, giữa Mỹ và nhiều nước, trong đó có Trung Quốc. Do vậy, dự báo vàng tăng là điều mà đa số các tổ chức và nhà đầu tư nghĩ tới.
Trước đó, báo Dân trí ngày 18/02 cũng có bài đăng với thông tin: "Giá vàng thế giới tăng không ngừng, sắp tới sẽ ra sao?". Nội dung được báo đưa như sau:
Giá vàng thế giới liên tiếp lập đỉnh mới, chạm 2.918 USD/ounce trong phiên giao dịch hôm nay. Từ đầu năm tới giờ, giá vàng đã tăng 10%. Theo biểu đồ kỹ thuật, kim loại quý trong xu hướng tăng trong 16 tháng qua và tăng 63% kể từ tháng 10/2023.
Đáng chú ý, các ngân hàng lớn trên thế giới vừa tiếp tục nâng dự báo giá kim loại quý trong năm nay.
Cụ thể, Ngân hàng UBS dự báo giá vàng sẽ chạm mốc 3.200 USD/ounce vào cuối năm, rồi giảm nhẹ và kết thúc ở mức trên 3.000 USD. Đơn vị này cũng chỉ ra rằng nhà đầu tư vẫn chưa quan tâm đầy đủ tới vàng, điều này đồng nghĩa với việc kim loại quý vẫn còn rất nhiều dư địa tăng giá.
Ngân hàng Goldman Sachs cũng vừa nâng dự báo giá vàng thế giới cuối năm nay lên 3.100 USD/ounce, tăng so với mức 2.890 USD trước đó. Nhà băng này cho rằng nhu cầu của các ngân hàng trung ương cao sẽ giúp kim loại quý tăng thêm 9% vào cuối năm và các quỹ ETF cũng gia tăng việc mua vàng khi lãi suất giảm.
Việc này sẽ bù lại sức mua giảm từ việc nhà đầu tư điều chỉnh vị thế khi bất ổn hạ nhiệt, Goldman Sachs cho biết. Tuy nhiên, nếu bất ổn chính sách vẫn ở mức cao, đặc biệt là lo ngại về thuế nhập khẩu của Mỹ, ngân hàng này cho rằng vàng có thể lên mức 3.300 USD do đầu cơ.
Hoạt động tích trữ của các ngân hàng trung ương đã hỗ trợ giá kim loại quý vài năm gần đây. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) năm ngoái, các ngân hàng trung ương mua 1.044 tấn vàng. Ngân hàng Trung ương Ba Lan mua mạnh tay nhất, khi bổ sung 90 tấn vào kho dự trữ.
Goldman Sachs lại khuyến nghị mua vào đối với vàng. Ngân hàng này cho rằng dù bất ổn có thể hạ nhiệt khiến giá vàng đi xuống, nắm giữ tài sản này trong dài hạn vẫn mang lại lợi ích phòng trừ rủi ro.
Việc này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, rủi ro từ chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nguy cơ suy thoái tại nhiều quốc gia.
Ngân hàng trên cũng điều chỉnh dự báo nhu cầu mua vàng từ các ngân hàng trung ương tăng lên 50 tấn/tháng, cao hơn đáng kể so với dự báo trước đó là 41 tấn/tháng.
Nếu tốc độ mua bình quân của các ngân hàng trung ương đạt 70 tấn/tháng, giá vàng có thể chạm mốc 3.200 USD/ounce vào cuối năm 2025, với giả định rằng vị thế đầu tư trở lại trạng thái bình thường. Ngược lại, nếu Fed giữ nguyên lãi suất, Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ đạt 3.060 USD/ounce trong cùng giai đoạn.
Tuần trước, Citi Research nâng dự báo giá vàng trong 3 tháng tới, từ 2.800 USD lên mức 3.000 USD/ounce.
Chuyên gia Joni Teves từ Ngân hàng UBS nhận định rằng vàng đã chứng kiến sự biến động thị trường chưa từng có và đạt đỉnh vào năm 2024. Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng có thể chưa dừng lại trong năm nay.
Vị chuyên gia này cho rằng thị trường vàng đang định hình tâm lý đầu tư lạc quan khi kim loại quý này được xem như một tài sản tránh bão trong bối cảnh kinh tế và chính trị bất ổn.
"Sau khi bỏ lỡ nhiều cơ hội mua vàng trong năm 2024, nhà đầu tư có thể không muốn lặp lại sai lầm này và có xu hướng tận dụng những đợt chỉnh giá nhanh chóng hơn", bà nhận định trong báo cáo.