Thông tin mới nhất về 'kho báu dưới lòng đất' ở Việt Nam: Bất ngờ về loại 'vàng' có trữ lượng trên cả Mỹ

Đây chính là cách né nồm, tránh nồm rẻ nhất hiệu quả nhất miền Bắc!

Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường này nếu có chiến lược khai thác và chế biến sâu hợp lý.

Ngày 2/4/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Thông tin mới nhất về 'kho báu dưới lòng đất' ở Việt Nam: Bất ngờ về loại 'vàng' có trữ lượng trên cả Mỹ". Nội dung như sau:

Cuối tháng 3 vừa rồi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã công bố kết quả "Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc)".

Theo kết quả, 110 mỏ thuộc 25 loại khoáng sản quý và quan trọng đã được phát hiện. Trong đó, có khoảng 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,8 tấn vàng.

Ngoài ra, ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản cho hay, một thành tựu quan trọng của Đề án là đã phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản, gồm 25 loại khoáng sản gồm: đất hiếm, sắt - mangan, bauxit, đồng - nickel, thiếc - wofram, vàng, ... Trong đó có 17 mỏ quy mô lớn, 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ - vượt gấp đôi mục tiêu ban đầu.

Về đất hiếm, thông tin trên TNO cho hay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều quặng đất phân bố ở nhiều tỉnh Tây Bắc. Các quặng đất có tiềm năng tạo ra các mỏ khoáng đất hiếm kiểu hấp phụ ion trong vỏ phong hóa quy mô lớn, rất cần được điều tra, đánh giá trong thời gian tới.

Những kết quả phát hiện trên mở ra triển vọng tìm kiếm, phát hiện các mỏ quặng đất hiếm kiểu hấp phụ ion trong vỏ phong hóa trên các đá magma thành phần trung tính, axit, kiềm có diện tích phân bố lớn ở các khu vực Bắc Trung bộ, Trung và Nam Trung bộ, Tây nguyên.

Đất hiếm bao gồm 17 nguyên tố hiếm, có vai trò quan trọng không thể thay thế trong các ngành công nghệ cao như sản xuất xe điện, tuabin gió, vi mạch điện tử, pin lithium-ion và thiết bị quân sự.

Hầu hết các mỏ đất hiếm lớn tại Tây Bắc hiện chưa được khai thác - Ảnh minh họa: Global Times

Quá trình thực hiện Đề án, Cục Địa chất và Khoáng sản đã khoanh định được 15 địa điểm phân bố đá magma có tiềm năng đất hiếm kiểu hấp phụ ion trong vỏ phong hóa và đề xuất đưa vào đề án Điều tra tổng thể quặng đất hiếm toàn quốc.

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhu cầu đất hiếm ngày càng tăng cao. Hiện nay, Trung Quốc kiểm soát tới 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu, tạo ra những rủi ro lớn về chuỗi cung ứng. Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường này nếu có chiến lược khai thác và chế biến sâu hợp lý.

Báo cáo mới nhất của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), thuộc Bộ Nội vụ Mỹ hồi tháng 3/2025 hiện trữ lượng đất hiếm tại Việt Nam là 3,5 triệu tấn. Con số này bằng 1/6 so với 22 triệu tấn được nêu trong báo cáo năm 2024. USGS lưu ý rằng trữ lượng của Nga, Nam Phi, Mỹ và Việt Nam đã được điều chỉnh dựa trên báo cáo của công ty và chính phủ.

USGS giải thích, dữ liệu trữ lượng đất hiếm luôn biến động tăng giảm. Tuy nhiên, với số liệu mới nhất, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có trữ lượng lớn nhất thế giới và trên cả Mỹ (với 1,9 triệu tấn). 

Trữ lượng đất hiếm của các quốc gia top đầu thế giới - Biểu đồ tạo bởi AI

Trữ lượng đất hiếm lớn nhất Việt Nam tập trung ở đâu?

Việc điều tra đất hiếm ở Tây Bắc được thực hiện đầu tiên bởi chuyên gia Liên Xô vào những năm 1960. Đến năm 2010, được tài trợ của Nhật Bản, Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm đã điều tra tại 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu và tìm thấy đất hiếm dạng hấp phụ ion tại Bến Đền, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm như Đông Pao, Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Yên Phú đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Khu vực Tây Bắc tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.

Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Hiện nay, mỏ Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) là mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc có tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước. Trữ lượng đất hiếm còn lại được phân bố chủ yếu ở vùng Nậm Xe, Mường Hum và Yên Bái.

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm bao gồm: Mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường); mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Thèn Thầu (xã Nậm Xevà xã Bản Lang, huyện Phong Thổ).

Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu - Vimico (Lavreco) hiện là đơn vị đang quản lý mỏ khoáng sản đất hiếm lớn nhất Việt Nam là mỏ Đông Pao (thuộc huyện Tam Đường, Lai Châu). Mỏ có diện tích hơn 11km2, trữ lượng trên 5 triệu tấn oxit và thân quặng chính là F3 và F7, một loại quặng quý hiếm rất cần trong chế tạo công nghệ điện tử. 

Mỏ Mỏ đất hiếm Đông Pao thuộc quản lý và khai thác Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - Vimico - Ảnh: Báo QK7

Mỏ đất hiếm Đông Pao đã được cấp phép từ năm 2014 nhưng đến năm 2023 do khó khăn về thị trường, công nghệ chế biến, thu xếp vốn và một số vướng mắc khác nên Dự án vẫn chưa có các hoạt động khai thác đáng kể, chỉ dừng lại ở việc quản lý và bảo vệ mỏ.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự tính tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm. Trong đó, 2 mỏ được tập trung đầu tư khai thác là mỏ Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái) và mỏ Đông Pao (huyện Tam Đường, Lai Châu).

Mục tiêu đến 2030 sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại một số mỏ đất hiếm ở Lai Châu. Thăm dò, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dự kiến, năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái.

Theo quy hoạch, thời gian này sẽ duy trì hoạt động của các dự án đã đi vào khai thác; đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3-4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trước đó, báo Người lao động đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "40 mỏ vàng với trữ lượng gần 30 tấn vừa được phát hiện ở những địa phương nào?". Cụ thể như sau:

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố kết quả "Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỉ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc)".

Máy móc đang hoạt động để khai thác vàng. Ảnh minh họa

Sau gần 8 năm triển khai, Đề án Tây Bắc đã hoàn thành bản đồ địa chất - khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 trên 13.381 km, bao phủ vùng Tây Bắc; phát hiện 110 mỏ khoáng sản thuộc 25 loại khoáng sản quý, quan trọng.

Trong số các mỏ khoáng sản kim loại, có tới 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,8 tấn vàng.

Trong 40 mỏ vàng trên, có 14 mỏ trung bình, 26 mỏ nhỏ, phân bổ tại các tỉnh: Điện Biên (1), Lai Châu (5), Hà Giang (Yên Bái) (2), Cao Bằng (3), Tuyên Quang (8), Lạng Sơn (3), Bắc Kạn (8), Sơn La (2), Thanh Hóa (4), Nghệ An (4). Tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,9 tấn vàng. Khoáng sản đi kèm có bạc, đồng, antimon.

Cùng với đó, tại mỏ đồng ở Lùng Thàng (xã Bản Qua và Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), khoáng sản đi kèm có vàng. Đã xác định được tài nguyên cấp 333 khoảng hơn 420 kg vàng.

Đề án cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản hiện đại, cho phép tra cứu, quản lý và chia sẻ thông tin nhanh chóng, minh bạch, phục vụ hiệu quả về quy hoạch và khai thác tài nguyên khoáng sản tại các địa phương; khoanh định 7 khu vực khoáng sản ẩn sâu và dự báo nhiều khu vực tiềm năng để tiếp tục điều tra, đánh giá trong giai đoạn tới.

Ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản cho biết năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tây Bắc. Đây là một trong những đề án điều tra địa chất cơ bản lớn nhất cả nước, có quy mô rộng, đối tượng đa dạng, thời gian thực hiện kéo dài gần 8 năm.

Kết thúc vào năm 2024, Đề án Tây Bắc đã hoàn thành toàn bộ khối lượng được giao. Nổi bật là các đơn vị thực hiện Đề án đã lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 trên 13.081 km²; thực hiện 498 lỗ khoan với tổng chiều sâu hơn 46.000 m, trong đó 90% lỗ khoan gặp thân quặng - một tỉ lệ rất cao.

Một thành tựu quan trọng của Đề án là đã phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản, gồm 25 loại khác nhau như đất hiếm, thiếc-wolfram, vàng, đồng, antimon, đá mỹ nghệ, đá vôi công nghiệp… Trong đó có 17 mỏ quy mô lớn, 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ - vượt gấp đôi mục tiêu ban đầu.

Ngoài ra, Đề án cũng đã khoanh định 7 khu vực có triển vọng khoáng sản ẩn sâu, dự báo 15 diện tích phân bố đá magma có tiềm năng khoáng sản chiến lược; điều tra chi tiết 3 khu vực địa nhiệt ở Điện Biên, Lai Châu và Sơn La; phát hiện các di chỉ địa chất và cảnh quan địa mạo có giá trị.

Đặc biệt, Đề án đã hoàn thành bản đồ địa chất - khoáng sản tỉ lệ 1:250.000 toàn khu vực Bắc Bộ và tỉnh Nghệ An, thu thập 14 bộ mẫu vật điển hình và bàn giao cho các tỉnh sử dụng.

Để phát huy tối đa kết quả điều tra, cũng như phát huy tiềm năng to lớn của tài nguyên khoáng sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên đề nghị các địa phương cần sử dụng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản đã được bàn giao để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo khai thác khoáng sản bền vững.

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!