Những ai không được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trợ cấp thất nghiệp là cứu cánh quan trọng đối với nhiều người lao động nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để nhận trợ cấp này.

Báo VTC ngày 5/11 đưa thông tin với tiêu đề: Những ai không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với nội dung như sau:  

Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, có 10 trường hợp bị loại trừ mà người lao động rơi vào sẽ không được xét hưởng trợ cấp thất nghiệp:

- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật.

- Người lao động chấm dứt hợp đồng để hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

- Thời điểm nghỉ việc, người lao động không đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng đối với hợp đồng xác định thời hạn và không xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng đối với hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. 

Có 10 trường hợp bị loại trừ mà người lao động rơi vào sẽ không được xét hưởng trợ cấp thất nghiệp. (Ảnh: Xuân Tiến)

Có 10 trường hợp bị loại trừ mà người lao động rơi vào sẽ không được xét hưởng trợ cấp thất nghiệp. (Ảnh: Xuân Tiến)

- Người lao động gửi hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp quá hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. 

- Người lao động nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an. 

- Người lao động đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên. 

- Người lao động chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. 

- Người lao động bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

- Người lao động ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. 

- Người lao động chết.

Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ 4 điều kiện:

Thứ nhất là người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thứ hai, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng đối với hợp đồng xác định thời hạn và không xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng đối với hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Thứ ba, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng.

Thứ tư, người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Việc hiểu rõ quy định về đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp người lao động biết mình có thuộc diện được hưởng trợ cấp hay không mà còn giúp bản thân có kế hoạch tài chính hợp lý khi mất việc. Đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về đóng bảo hiểm thất nghiệp và giữ gìn thông tin chính xác, minh bạch sẽ giúp bạn bảo đảm quyền lợi của mình một cách tốt nhất.

Tiếp đến, báo Dân Việt cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Những trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Nội dung được báo đưa như sau:  

Theo Cục Thống kê TPHCM, trong 10 tháng năm 2023, thành phố đã tiếp nhận hơn 128.000 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho gần 126.000 người.

Nhiều người thắc mắc vì sao số người nghỉ việc, nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lên đến 128.000 mà số người được hưởng chỉ có 126.000 người. Nguyên nhân do hơn 2.000 lao động còn lại không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Không phải người lao động nào mất việc cũng được hưởng trợ cấp thất nghiệp (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013. Theo đó, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà nghỉ việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ 4 điều kiện sau.

Thứ nhất, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Tuy nhiên, có 2 trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không được nhận trợ cấp thất nghiệp là: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Thứ 2, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng đối với trường hợp ký hợp đồng không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn.

Đối với trường hợp ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.

Thứ 3, người lao động phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng.

Thứ 4, sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động chưa tìm được việc làm mới.

Tuy nhiên, có 6 trường hợp người lao động không tìm được việc làm mới nhưng vẫn không được nhận trợ cấp thất nghiệp là: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

Như vậy, những người lao động nghỉ việc mà không có đủ 4 điều kiện trên thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.