Người quan trọng nhất đoàn phim Tây Du Ký 1986: Xuất hiện vỏn vẹn 3 phút nhưng đạo diễn phải thuê chuyên cơ đến đón, cát xê cao nhất đoàn phim
Mặc dù chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong bộ phim kinh điển Tây Du Ký 1986, nữ diễn viên này vẫn nhận được đãi ngộ tốt không ai sánh bằng.
Theo báo Đời sống pháp luật, ngày 6/11/2024 có bài Người quan trọng nhất đoàn phim Tây Du Ký 1986: Xuất hiện vỏn vẹn 3 phút nhưng đạo diễn phải thuê chuyên cơ đến đón, cát xê cao nhất đoàn phim. Nội dung như sau:
Cho đến nay, dù đã gần 4 thập kỷ trôi qua, bộ phim Tây Du Ký ra mắt năm 1986 vẫn là tác phẩm truyền hình kinh điển không thể nào thay thế trong lòng khán giả. Thời điểm kỹ xảo còn thô sơ, kinh phí thấp nhưng đạo diễn Dương Khiết và đoàn làm phim vẫn cho ra đời một phiên bản Tây Du Ký được mọi thế hệ yêu thích.
Cũng do kinh phí hạn hẹp mà trong thời gian ghi hình một số diễn viên phải đành từ bỏ vì mức thù lao không đủ sống. Thế nhưng, có một nữ diễn viên lại được đạo diễn ưu ái trả mức thù lao cao nhất và đãi ngộ tốt nhất với một vai phụ chỉ xuất hiện vỏn vẹn 3 phút. Đây là mức phí cao hơn cả diễn viên chính như Lục Tiểu Linh Đồng, người thủ vai Tôn Ngộ Không.
Nữ diễn viên Mã Lan vào vai mẹ của Đường Tăng
Trong Tây Du Ký 1986, nữ diễn viên Mã Lan (sinh năm 1962) vào vai tiểu thư Ân Ôn Kiều, ái nữ nhà Ân thừa tướng. Bà nên duyên cùng Trạng nguyên khoa bảng Trần Quang Nhụy và cùng chồng đến Giang Châu nhậm chức. Không may, trên đường đi chồng bà bị một tên lái đò sát hại. Sau này, bà sinh ra con trai là Trần Huyền Trang, cũng chính là Đường Tăng.
Trong lúc đau đầu không biết nên chọn ai vào vai Ân tiểu thư thì Mã Lan lọt vào mắt xanh của đạo diễn Dương Khiết. Vào thập niên 1980, Mã Lan là nữ diễn viên hàng đầu trên sân khấu kịch Trung Quốc. Từ năm 20 tuổi, bà đã được thăng hạng thành diễn viên hạng nhất cấp quốc gia.
Không chỉ vậy, Mã Lan còn sở hữu một gia tài giải thưởng đồ sộ và toàn là giải thưởng danh giá. Năm 1986, bà giành được giải Hoa Mai, giải thưởng cao quý nhất đối với các diễn viên kinh kịch. Năm 1988, Mã Lan giành được giải thưởng nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong 2 lễ trao giải danh giá ở Trung Quốc là Kim Ưng và Phi Thiên…
Nữ diễn viên sở hữu ngoại hình nổi bật và lối diễn xuất được giới chuyên môn đánh giá cao
Nhìn biểu hiện xuất sắc của Mã Lan trên sân khấu, đạo diễn Dương Khiết liền chắc chắn Ân tiểu thư phải là nữ diễn viên này chứ không thể là ai khác. Nhưng không ngờ, đến lúc đoàn làm phim gửi lời mời lại nhận được lời từ chối của Mã Lan vì vướng lịch trình khác.
Tuy nhiên, đạo diễn Dương Khiết còn tuyên bố: Nếu không có Mã Lan thì sẽ không có “Tây Du Ký”. Vì thấy, bà không bỏ cuộc mà quyết định thương lượng với Mã Lan, còn thuê hẳn một chiếc chuyên cơ đón cô từ Bắc Kinh đến tận Vân Nam, nơi đoàn làm phim đang ghi hình. Họ thực hiện cảnh quay nhanh chóng rồi đưa cô trở về đoàn kịch ngay trong ngày.
Ngoài ra, để mời được nữ diễn viên hạng A này, đoàn phim Tây Du Ký sẵn sàng trả mức thù lao cao nhất là 20.000 NDT (hơn 71 triệu đồng), là một con số rất lớn vào thời điểm đó. Ngay cả Lục Tiểu Linh Đồng - diễn viên thủ vai chính Tôn Ngộ Không cũng chỉ nhận được 100 NDT (hơn 350 nghìn đồng) cho mỗi tập phim, còn Mã Lan chỉ cần xuất hiện đúng 3 phút trên màn ảnh.
Nhan sắc xinh đẹp của Mã Lan trong Tây Du Ký
Nhưng đến khi Mã Lan xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, mọi người mới hiểu được lý do tại sao đạo diễn Lương Khiết quyết tâm mời bằng được bà và sẵn sàng đưa ra những đãi ngộ tốt đến vậy. Chỉ trong khoảnh khắc đứng trên lầu cao ném quả tú cầu kén rể, không cần đến một câu thoại, nữ diễn viên đã cho mọi người nhìn thấy hình ảnh một tiểu thư nhà Thừa tướng từ trong sách bước ra.
Đặc biệt là cảnh Ân Ôn Kiều nén đau thương, phải đành lòng bỏ rơi đứa con của mình để cho con có thể sống sót đã khiến nhiều khán giả trước màn ảnh nhỏ cảm động rơi nước mắt. Không có tiếng khóc than hay lời thoại nào hỗ trợ, Mã Lan đã diễn tả được nỗi đau xé lòng của người mẹ chỉ nhờ vào đôi bàn tay run rẩy như cố gắng níu giữ điều gì đó nhưng không thể làm được.
Mã Lan và chồng
Hiện tại, nữ diễn viên đã bước sang tuổi 62 và sống hạnh phúc bên người chồng lớn hơn 16 tuổi. Chồng bà là Dư Thu Vũ - nhà lý luận nghệ thuật, nhà sử học văn hóa, nhà tiểu luận và cựu hiệu trưởng Học viện Hý kịch Thượng Hải. Hai người không có con và thường hẹn hò, cùng nhau đi du lịch khắp nơi, mặn nồng như thuở ban đầu.
Năm 2007, Mã Lan còn được Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Lincolh, New York, Mỹ và Hiệp hội Mỹ - Trung trao tặng "Giải thưởng thành tựu trọn đời cho nghệ sĩ xuất sắc nhất châu Á". Ngoài việc diễn xuất, nữ diễn viên còn tham gia vào công tác giảng dạy, là giáo sư của Đại học truyền thông Chiết Giang và là chuyên gia danh dự của Học viện Hý kịch Thượng Hải.
Trên báo Tiền Phong ngày 24/10/2024 có bài Người đã cứu cả bộ phim Tây Du Ký 1986. Nội dung như sau:
Theo QQ, bộ phim Tây du ký 1986 là tác phẩm kinh điển của màn ảnh Hoa ngữ, có sức sống lâu dài gần 40 năm vẫn còn sức hấp dẫn với khán giả. Không chỉ các tình tiết trong phim mà cả câu chuyện hậu trường đều được phân tích kỹ lưỡng.
Tác phẩm đã có lượng khán giả đông đảo ở mọi lứa tuổi, thế hệ thậm chí đến năm 2024, các nội dung lấy cảm hứng từ Tây du ký vẫn còn được công chúng ưa chuộng, sôi nổi hưởng ứng.
Câu chuyện về quá trình sản xuất khó khăn của đoàn phim Tây du ký cũng khiến nhiều khán giả xúc động. Đạo diễn Dương Khiết được ca ngợi là người tận tâm với nghề. Bà liên tục đi hàng chục tỉnh, địa phương để tìm địa điểm quay phim, luôn cố gắng hoàn thành cảnh quay một cách chỉn chu nhất, thậm chí không ngại dùng trực thăng để đoán một mỹ nhân tới diễn trong cảnh 3 phút nếu bà cho rằng điều đó mang lại hiệu quả tốt nhất cho bộ phim.
Nhưng cũng chính vì sự cầu toàn này dẫn tới kinh phí đoàn phim Tây du ký bị thiếu hụt khá nhiều.
Theo QQ, sau khi quay được một nửa, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV ngừng cấp vốn cho Tây du ký khiến đoàn phim suýt bị hủy bỏ. Lúc này, chủ nhiệm Lý Hồng Xương đã phải dùng nhiều cách, xin tài trợ từ Cục Đường Sắt với số tiền 3 triệu NDT, nhờ đó bộ phim mới được hoàn thành. Có thể nói, Lý Hồng Xương chính là cứu tinh của đoàn phim Tây du ký.
Ngoài ra, Lý Hồng Xương để tiết kiệm chi phí làm phim, nam nghệ sĩ còn đảm nhiệm tới 7 vai diễn trong Tây du ký, trong đó vai diễn có thời lượng dài nhất là Rết Tinh trong tập Rơi vào động Bàn Tơ .
Một thông tin thú vị khác của đoàn phim Tây du ký là trong tập Họa khởi Quan Âm viện có cảnh ngôi chùa bị cháy. Lúc đầu, đoàn phim dự định tới những ngôi chùa bỏ hoang, được phép dọn dẹp để quay một cách chân thực nhất.
Tuy nhiên, sau đó đoàn phim gặp nhiều khó khăn trong quá trình xin cấp giấy phép. Họ đã dựng một mô hình chùa giống như thật để quay cảnh cả Quan Âm viện bị cháy.
Ngoại trừ dàn diễn viên chính, nghệ sĩ góp mặt trong hầu hết tập phim của Tây du ký 1986 là Lý Kiến Thành. Nam diễn viên đảm nhiệm nhiều vai trò từ hậu trường đến diễn xuất trong bộ phim. Không những vậy, khán giả không hề nhận ra nhân vật đó do cùng một diễn viên thể hiện, chứng minh khả năng biến hóa tuyệt vời của các nghệ sĩ gạo cội.