Lạ lùng người đàn ông nhặt ve chai đánh phấn, tô son mỗi ngày

Trang điểm đậm trong lúc đi nhặt ve chai, ông Chương Đình Thuấn (63 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) mong muốn tạo tinh thần lạc quan cho mình trong chuỗi ngày mưu sinh đầy khổ cực.

Ngày 16/07/2021 báo Thanh Niên đưa thông tin "Lạ lùng người đàn ông đánh phấn, tô son khi nhặt ve chai kiếm sống giữa dịch Covid-19" với nội dung như sau:

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến đời sống của bà con buôn gánh bánh bưng, phụ hồ, bán vé số dạo… gặp muôn vàn khó khăn. Đặc biệt, những người mưu sinh bằng việc nhặt ve chai càng chật vật hơn. Gần 20 năm nhặt phế liệu Tôi tình cờ gặp ông Thuấn ngồi ở một góc đường ở Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Thật bất ngờ khi nhìn ông thoa kem, thoa son một cách điệu đà chẳng khác gì phụ nữ. Tò mò hỏi nguyên do, ông nói: "Tôi trang điểm không phải vì đẹp mà là hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn và mong muốn cuộc sống bản thân mình tươi sáng hơn".

Ông Thuấn đạp xe đến từng ngóc ngách trong nội ô thành phố TP.Cần Thơ để nhặt ve chai đem bán - ẢNH: DUY TÂN

Cầm bịch ni lông đựng mỹ phẩm, ông Thuấn lấy hộp kem thoa mặt và hai cánh tay. Thỏi son vừa mua đỏ chót, ông cầm kiếng soi thoa đều. Gương mặt bỗng chốc trắng bệch vì phấn. Thế mà làm tinh thần ông phấn chấn, vui tươi đến lạ. Môi vừa thoa son đỏ tươi, ông Thuấn cười tươi rói, lộ rõ hàm răng chỉ còn đúng cây răng cửa. Ông kể, từ năm 2002, sau khi ly hôn vợ, ông một thân một mình đi lượm ve chai, tìm rác phân loại đem bán kiếm tiền mưu sinh. "Tôi từng làm thú y suốt nhiều năm tại một trại nuôi heo. Nhưng khi trại heo dừng hoạt động, vợ chồng ly hôn, con theo mẹ, tôi như rơi vào hố sâu tuyệt vọng. May mắn là được 2 người anh ruột cưu mang. Mất khoảng thời gian thật lâu tôi mới vực dậy tinh thần, rồi đi lượm ve chai kiếm sống cho đến nay", ông Thuấn nói.

Ông Thuấn thoa kem, phấn đầy khuôn mặt để gương mặt tươi tắn hơn, tinh thần phấn chấn hơn - ẢNH: DUY TÂN

Mỗi ngày nhặt ve chai từ sáng sớm đến tối mịt, ông Thuấn chỉ kiếm được hơn 50.000 đồng. Thời gian gần đây, dịch Covid-19 bùng phát nên ông lượm không được nhiều và bán cũng khó nên thu nhập còn chưa tới 25.000 đồng, chỉ đủ để ông mua vài gói mì, hột vịt, rau cháo qua ngày.

Tô màu cuộc sống "Đều đặn mỗi ngày, sáng sớm tôi chạy chiếc xe đạp cũ đi thu gom rác rồi phân loại. Buổi trưa kiếm góc đường dừng lại nghỉ ngơi. Chiều gom lại, chở đến vựa ve chai ở chân cầu Quang Trung để bán. Sau đó về nhà người anh tá túc", ông Thuấn cho biết. Chỉ cho tôi xem đôi chân đầy vết xẹo, ông Thuấn bùi ngùi cho biết, từ lúc đi nhặt ve chai ban đêm rồi xảy ra tai nạn, bị xe đụng gây thương tích khá nặng nên ông không còn đi ban đêm nữa. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, mỗi khi đi nhặt ve chai, ông luôn tuân thủ đầy đủ biện pháp phòng chống dịch. Từ việc trang bị tấm kính che mặt chống giọt bắn đến khẩu trang y tế 4 lớp và chai nước rửa sát khuẩn lúc nào cũng sẵn có trong túi quần.

Ông Thuấn thực hiện đầy đủ biện pháp phòng dịch khi mưu sinh trên đường - ẢNH: DUY TÂN

"Mình lang thang đầu đường xó chợ, đến khi dịch bùng phát và diễn biến phức tạp thì nhất thiết phải tuân thủ phòng chống dịch đầy đủ. Như hiện tại Cần Thơ thực hiễn giãn cách xã hội, tôi cũng phải tạm gác công việc lại để về nhà phòng dịch. Dùng tiền tích cóp được nhiều năm để trang trải ăn uống hằng ngày. Chỉ mong sao dịch được khống chế, đẩy lùi để mọi người trở lại cuộc sống yên bình như trước", ông Thuấn chia sẻ. Nói về sở thích quái lạ khiến nhiều người đi đường mỗi khi nhìn thấy đều "mắt chữ A, mồm chữ O", ông Thuấn cười hể hả: "Cuộc sống của tôi quá tăm tối rồi. Khuôn mặt sạm đen, nhăn nheo vì thời gian, nắng gió và đôi môi thâm đen thế này mà gặp người đi đường thì ít nhiều họ cũng ái ngại. Bởi vậy, tôi quyết định tân trang cho sáng sủa hơn, mua phấn, son trét đầy mặt để tô màu cuộc sống. Tôi muốn ngày mai tươi sáng hơn đối với hành trình nhặt ve chai đầy khổ cực của mình".

Gần đây, ngày 15/09/2024 báo Vietnamnet đăng tải thông tin "Ông nội nhặt ve chai một mình nuôi 3 cháu nhỏ không giấy khai sinh" với nội dung như sau:

Bán nhà thuê trọ vì con

Từng có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, ngập tràn tiếng con trẻ, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, cụ ông Lê Khả Uyên (62 tuổi, trú tại tổ 9, phường Phù Đổng, TP Pleiku, Gia Lai) lại lâm vào cảnh một mình nuôi cháu. Vợ, con dâu lần lượt bỏ đi, con trai vướng vào lao lý, để lại 3 cháu nội còn bé bỏng cho ông chăm sóc.

W-Cụ ông nhặt ve chai 1.jpg
Đã ngoài 60 tuổi nhưng ông Lê Khả Uyên vẫn phải đi thuê trọ và nuôi 3 cháu nội không có giấy khai sinh. Ảnh: Trần Hoàn

Ông Uyên lấy vợ năm 1981, sau khi có 3 mặt con thì năm 1995, vợ ông được người thân bảo lãnh đem theo con gái út ra nước ngoài sinh sống. Ông Uyên một mình mưu sinh nuôi 2 con trai là Lê Khả Thơm (SN 1987) và Lê Khả Đào (SN 1989), hy vọng một ngày nào đó vợ chồng con cái được đoàn tụ.

Ông Uyên nói, thời gian đầu vợ còn gửi thư thăm hỏi, động viên nhưng thưa dần rồi mất hút. Ba năm sau nghe tin vợ lấy chồng mới ở xứ người, ông Uyên như chết lặng, xé nát tờ giấy đăng ký kết hôn và khước từ mọi chuyện tình cảm, sống lặng lẽ cùng 2 con thơ dại.

Nhớ lại những tháng ngày cơ cực đó, giọng ông chùng xuống: “Khi biến cố về tình cảm chưa thật nguôi ngoai thì con trai Lê Khả Thơm lại gây ra một vụ tai nạn làm 2 người chết, tôi phải bán nhà để giải quyết đền bù. Kể từ đó, 3 cha con tôi phải đi ở trọ đến nay...”.

Lý giải về việc các cháu nội không có giấy khai sinh, ông Uyên trải lòng: “Trước đây Thơm có quen một cô gái trong vùng rồi ăn ở với nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Sau khi sinh cháu thứ 3 được thời gian ngắn thì hai người đường ai nấy đi, Thơm đưa 3 đứa con về sống cùng tôi”.

W-Cụ ông nhặt ve chai 2.jpg
Do tuổi cao lại bệnh tật nên ông Lê Khả Uyên chỉ có thể đi nhặt ve chai, nhôm nhựa mưu sinh.
Ảnh: Trần Hoàn

Hơn 2 năm trước, Thơm vướng vòng lao lý, để lại cả 3 đứa con cho ông Uyên chăm sóc. Hiện tại cháu Lê Khả Long đã lên 7 tuổi, Lê Khả Bảo 6 tuổi và Lê Khả Hoàng 4 tuổi, nhưng cả 3 chưa từng được một ngày đến trường.

Nhặt ve chai nuôi 3 cháu nhỏ

Bản thân bị bệnh tâm thần nên ông Uyên được nhận trợ cấp 1 triệu đồng/tháng, tuy nhiên số tiền này chỉ đủ trả tiền thuê phòng trọ và trả điện nước. Để tồn tại, ông chỉ còn cách đi nhặt ve chai, nhôm nhựa mưu sinh. 

62 tuổi, hàng ngày ông Uyên đạp xe rong ruổi tận hang cùng ngõ hẻm, từ thành phố đến nông thôn để nhặt phế liệu. Ngày nào gặp may thì kiếm được hơn 100 nghìn đồng, ngày ít chỉ được 40 – 50 nghìn, ngày mưa thì ở nhà cùng các cháu. Nhiều hôm không kiếm ra tiền mua thức ăn, mấy ông cháu đành ăn cơm với nước mắm mặn, xì dầu.

W-Cụ ông nhặt ve chai 3.jpg
Những lần đi xa, do không có người trông coi, ông Uyên đành nhốt 2 cháu trong căn phòng trọ rộng khoảng 20m2. Ảnh: Trần Hoàn

Nhiều hôm đạp xe hơn 30km đến tận Chư Păh, Ia Grai nên chiều tối mới về, do không có người trông coi, ông phải chuẩn bị cơm trưa hoặc mì tôm rồi nhốt các cháu trong phòng và chốt ngoài, có chuyện gì còn nhờ hàng xóm.

Sau khi con trai bị bắt, cháu út mới hơn 1 tuổi nên tôi phải gửi nhờ người quen trông hộ. Ban đầu thì gửi tạm, nhưng do khó khăn nên phải nợ tiền công và tiền ăn của cháu. Nhiều lần người ta đưa cháu đến trả nhưng thấy mình khổ quá nên họ thương tình nuôi dùm. Giờ không biết lấy gì để trả ơn cho họ”, ông Uyên trải lòng.

Nhìn hai cháu nhỏ thơ dại, ông Uyên mong muốn các cháu được đi học kiếm lấy con chữ, sau này làm công nhân để không bị thất học như bố và ông. Người đàn ông nghèo khổ này cũng mong muốn có vài triệu đồng làm vốn để mua phế liệu về bán kiếm lời lấy tiền nuôi cháu. 

W-Cụ ông nhặt ve chai 4.jpg
Do bố mẹ không đăng ký kết hôn nên các cháu Lê Khả Long, Lê Khả Bảo và Lê Khả Hoàng không có giấy khai sinh để hưởng các quyền lợi của trẻ. Ảnh: Trần Hoàn

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Giang Nam, Phó chủ tịch UBND phường Phù Đổng cho biết, ông Lê Khả Uyên từng có nhà ở TDP9 nhưng đã bán và chuyển rất nhiều chỗ trọ trên địa bàn TP Pleiku. Sau khi nắm được thông tin, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám đã làm thủ tục tiếp nhận 2 anh em Lê Khả Long, Lê Khả Bảo vào học lớp 1 và cấp sách vở, quần áo cho 2 cháu.

Cũng theo ông Nam, phường đang khẩn trương liên hệ tìm mẹ đẻ của các cháu, xác minh nơi sinh để làm thủ tục đăng ký khai sinh. Sau khi có giấy khai sinh sẽ xem xét các chế độ tiếp theo như Bảo hiểm y tế, chế độ hộ nghèo, cận nghèo nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cháu.