Người phụ nữ gửi tiết kiệm 35 tỷ đồng, 4 tháng sau tài khoản chỉ còn 2.000 đồng, tòa án phán: "Do cô làm lộ thông tin cá nhân"
Một nữ khách hàng tại Trung Quốc gửi số tiền lớn vào ngân hàng, nhưng sau chuyến công tác nước ngoài, cô kiểm tra tài khoản thì phát hiện toàn bộ số tiền đã biến mất.
Ngày
Chọn gửi tiết kiệm ở ngân hàng lãi suất cao
Cô Lý là một nhân viên cấp cao làm việc trong lĩnh vực tài chính, mức lương hằng tháng vô cùng khả quan. Sau 15 năm công tác trong ngành, vì công việc bận rộn, chưa kết hôn sinh con cùng với việc bố mẹ đều có lương hưu và sức khỏe ổn định, cô đã tích lũy được một khoản tài sản 10 triệu NDT (Khoảng 35 tỷ đồng), được gửi ở ngân hàng.
Với ý thức phòng ngừa rủi ro tài chính, cô Lý lựa chọn gửi tiền tại nhiều ngân hàng khác nhau. Dạo trước, khi được đồng nghiệp giới thiệu một ngân hàng đang có mức lãi suất gửi tiền cao hơn mặt bằng chung, sau khi tìm hiểu kỹ thông tin, cô Lý quyết định chuyển toàn bộ tiền gửi sang ngân hàng này.
(Ảnh minh họa)
Do khoản tiền gửi lớn, đích thân quản lí kinh doanh của ngân hàng – ông Vi đã ra đón tiếp cô.
Ông Vi đã giới thiệu đến cô các sản phẩm tài chính với cam kết lợi nhuận cao hơn gửi tiết kiệm thông thường. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chuyên môn cao, sau khi xem xét kỹ thông tin sản phẩm, cô đã dứt khoát từ chối và yêu cầu chỉ thực hiện gửi tiết kiệm thông thường. Cuối cùng, ông Vi đành hoàn tất thủ tục gửi tiết kiệm cho cô.
Tài sản "bốc hơi" sau chuyến công tác
Không lâu sau đó, cô Lý được chỉ định đi công tác nước ngoài. Thế nhưng, khi trở về nước và đến ngân hàng để rút tiền, cô sốc nặng khi được thông báo rằng tài khoản của mình chỉ còn... 0,62 NDT (khoảng 2.000 đồng).
Ngay lập tức, cô Lý yêu cầu ngân hàng kiểm tra lại, vì cô mới gửi tiền cách đây 4 tháng và chưa hề thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu lần hai, phía ngân hàng vẫn đưa ra kết quả tương tự.
Không nhận được lời giải thích thỏa đáng, cô Lý yêu cầu biết thông tin về dòng tiền rút ra khỏi tài khoản, song nhân viên ngân hàng cho biết cô "không có quyền tra cứu thông tin luân chuyển tiền mặt". Trước cách giải quyết của ngân hàng, cô Lý quyết định báo cảnh sát.
Quá trình điều tra sau đó đã hé lộ một âm mưu lừa đảo tinh vi: chính ông Vi – người từng gặp cô Lý và đề nghị mua sản phẩm tài chính kia, đã bí mật chuyển hết số tiền trong tài khoản của cô.
Theo kết quả điều tra, ông Vi đã cấu kết với một công ty tín thác địa phương, giả mạo chữ ký của cô Lý để lập hợp đồng ủy quyền sử dụng toàn bộ số tiền gửi vào. Trong vòng một tuần ngắn ngủi, toàn bộ số tiền bị chia nhỏ và phân tán đến nhiều quốc gia khác nhau, có lúc lên đến 81 giao dịch trong một ngày.
(Ảnh minh họa)
Kiện ngân hàng ra tòa nhưng bị bác đơn vì "rò rỉ thông tin cá nhân"
Theo cô Lý, nhân viên chuyên môn của ngân hàng lẽ ra phải nhận ra hợp đồng giả mạo kia không có giá trị pháp lý. Do đó, ngân hàng phải chịu trách nhiệm về khoản tổn thất nghiêm trọng mà cô đang gánh chịu. Tuy nhiên, phía ngân hàng chọn cách giữ im lặng, không đưa ra phản hồi chính thức.
Điều khiến cô Lý nữa bức xúc là trong suốt quá trình bị rút tiền, cô không nhận được bất kỳ tin nhắn cảnh báo nào từ ngân hàng, dù đã đăng ký dịch vụ thông báo biến động số dư. Phía ngân hàng chỉ giải thích rằng "hệ thống có thể gặp sự cố", một lý do mà cô không thể chấp nhận.
Khi đề nghị bồi thường toàn bộ số tiền bị mất, cô Lý tiếp tục vấp phải sự từ chối từ ngân hàng với lập luận đây là "hành vi cá nhân của nhân viên, không thuộc trách nhiệm tổ chức". Không chấp nhận cách xử lý này, cô quyết định đưa vụ việc ra tòa.
Tại phiên xét xử sơ thẩm, ngân hàng trình bày rằng họ hoàn toàn không biết về hành vi của nhân viên Vi và khẳng định đã làm việc với công ty tín thác trên. Phía công ty này đã cung cấp các thông tin cá nhân của cô Lý như số CCCD, số điện thoại và giấy tờ chứng minh khác, các giấy tờ này có giá trị pháp lí.
Do không đủ bằng chứng chứng minh cô Lý hoàn toàn không liên quan đến vụ việc, tòa án nhận định rằng việc để lộ thông tin cá nhân là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự việc. Kết quả, tòa sơ thẩm đã bác đơn kiện của cô Lý, yêu cầu cô tự chịu trách nhiệm về toàn bộ tổn thất.
Không đồng ý với phán quyết này, cô Lý quyết định khởi kiện lần 2. Kết quả, tòa phúc thẩm phán quyết ngân hàng phải bồi thường cho cô Lý một nửa khoản tổn thất, tương đương 5 triệu NDT (khoảng 17,8 tỷ đồng), đồng thời chi trả toàn bộ khoản lãi suất phát sinh trong suốt 4 tháng gửi tiền.
Dù không thể lấy lại toàn bộ số tiền nhưng cô Lý cho biết đây chỉ là một bước nhỏ thôi.
"So với việc không nhận được gì thì ít nhất tôi cũng lấy lại được một phần. Nhưng tôi sẽ không dừng lại ở đây, tôi sẽ tiếp tục kháng cáo cho đến khi sự việc được giải quyết hợp lí." cô Lý kiên định nói.
Ngày 09/05/2025 Đời sống Pháp luật đưa tin "Người phụ nữ gửi tiết kiệm 71 triệu đồng, 2 tháng sau phát hiện tiền đã được dùng để mua bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng khẳng định: “Đã có sự đồng ý của khách hàng”". Nội dung chính như sau:
Theo The Paper, ngày 9/6/2022, bà Bành ở Hồ Bắc, Trung Quốc, đến chi nhánh Trạch Khẩu của Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc tại thành phố Tiềm Giang để gửi tiết kiệm 20.000 NDT (hơn 71 triệu đồng). 2 tháng sau đó, vào ngày 31/8, khi quay lại ngân hàng để rút tiền, bà được nhân viên thông báo số dư thực nhận chỉ còn hơn 9.000 NDT (hơn 32 triệu đồng).
Về nhà, bà Bành kể lại chuyện này cho con trai. Sau khi giúp mẹ kiểm tra kỹ chứng chỉ tiền gửi, con trai bà phát hiện đó không phải là sổ tiết kiệm mà là một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Thêm vào đó, hợp đồng này có tổng cộng 25 trang nhưng mẹ anh chỉ được phát 2 trang. Theo nội dung ghi ở bên trong, gói bảo hiểm mà bà Bành mua là bảo hiểm nhân thọ trọn đời, yêu cầu khách hàng nộp phí trong 3 năm liên tiếp, mỗi năm 20.000 NDT. Đặc biệt, khoản tiền này chỉ có thể được rút toàn bộ sau ít nhất 6 năm. Nếu rút trong năm đầu tiên, bà Bành chỉ nhận lại 9.749 NDT; nếu rút sau năm thứ hai, số tiền là 26.049 NDT; còn nếu rút sau năm thứ ba, bà sẽ nhận được 56.138,6 NDT.
Nghe con trai nói vậy, bà Bành vô cùng hoang mang. Bà cho biết hôm đến ngân hàng gửi tiền tiết kiệm, vì không biết chữ và sử dụng điện thoại di động, bà đã được nhân viên ngân hàng hỗ trợ thực hiện thủ tục gửi tiền. Để làm rõ sự việc, ngày 2/9, mẹ con bà Bành đến ngân hàng hỏi nguyên do và yêu cầu ngân hàng hoàn tiền. Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện, nhân viên ngân hàng cho biết họ đã giải thích rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm cho bà Bành trước khi giúp bà làm thủ tục:
"Lúc đó, chúng tôi đã nói rõ với cô rằng đây là hợp đồng bảo hiểm do ngân hàng làm đại diện phân phối nên cô không cần trực tiếp giao dịch với công ty bảo hiểm. Hiện nay, lãi suất tiền gửi thông thường khá thấp, trong khi cô lại chưa cần dùng đến khoản tiền này nên chúng tôi gợi ý cô nên mua bảo hiểm này để hưởng lãi suất cao hơn. Đây cũng giống như một hình thức tiết kiệm để nghỉ hưu. Cô chỉ cần gửi 20.000 NDT mỗi năm, sau 3 năm không cần nộp thêm, sau 6 năm có thể rút được hơn 65.000 NDT. Lúc đó, cô đã đồng ý nên chúng tôi mới giúp cô làm thủ tục.”
Tuy nhiên, khi bà Bành khẳng định bản thân không biết đọc và cũng nói với nhân viên ngân hàng là muốn gửi tiết kiệm chứ không phải mua bảo hiểm. Con trai bà Bành cũng bức xúc nói: "Tiền gửi là để tiết kiệm, còn bảo hiểm là phải trả phí. Chị nói mua bảo hiểm giống gửi tiết kiệm thì làm sao mẹ tôi hiểu được!”
Nhân viên ngân hàng vội tiếp lời: “Ý tôi là gửi tiết kiệm và mua bảo hiểm có phương thức lưu trữ giống nhau, đều gửi tiền vào ngân hàng. Số tiền mẹ anh gửi vào vẫn được chuyển vào ngân hàng và thực hiện thông qua chuyển khoản từ thẻ ngân hàng. Hiện nay, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm Trung Quốc, đều thuộc cùng một hệ thống tài chính nên những giao dịch này thực hiện rất dễ dàng và nhanh gọn ."
“Vậy tiền của mẹ tôi hiện đang nằm trong tài khoản ngân hàng hay là tài khoản của công ty bảo hiểm?", con trai bà Bành tiếp lời.
Nhân viên ngân hàng đáp: "Tiền hiện đang nằm trong tài khoản của công ty bảo hiểm. Tất cả những thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, chúng tôi đã nói rõ với mẹ anh và hợp đồng chỉ được thực hiện sau khi có sự đồng ý của bà."
Ảnh minh hoạ: Sohu
Dù đã được nhân viên nhân hàng giải thích ngọn ngành sự việc, mẹ con bà Bành vẫn cho rằng họ đã bị lừa và nhất quyết yêu cầu phía ngân hàng hoàn lại toàn bộ tiền cho họ. Trước phản ứng gay gắt từ phía mẹ con bà Bành, nhân viên ngân hàng cho biết họ sẽ báo cáo sự việc lên cấp trên để đưa ra phương án xử lý.
Đến chiều ngày 3/9, đại diện ngân hàng khi trả lời truyền thông vẫn khẳng định họ giải thích rõ ràng với bà Bành và cho biết vào thời điểm đó, nhân viên của họ không biết người phụ nữ này không biết chữ. Dẫu vậy, đơn vị này vẫn chưa đưa ra phương án xử lý thỏa đáng nào.
Vụ việc này sau khi được chia sẻ trên MXH đã thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc. Luật sư Long Văn Minh - Giám đốc Công ty Luật ở Hồ Bắc nhận định, trường hợp này có thể được xem là một hiểu lầm pháp lý nghiêm trọng.
Dưới góc độ pháp luật, ông phân tích: Ngân hàng có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc minh bạch khi giới thiệu và bán các sản phẩm tài chính, đảm bảo khách hàng được thông báo đầy đủ, rõ ràng về tính chất và điều kiện của từng sản phẩm. Nếu cố tình gây nhầm lẫn giữa gửi tiết kiệm và mua bảo hiểm, hành vi đó có thể bị coi là lừa dối khách hàng.
Theo Điều 147 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, nếu một giao dịch dân sự được thực hiện do hiểu lầm nghiêm trọng, bên thực hiện có quyền yêu cầu tòa án tuyên hủy hợp đồng. Theo Biên bản Hội nghị dân sự lần thứ 9 của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc, nếu tổ chức tài chính không chứng minh được đã giải thích đầy đủ nội dung rủi ro, mà chỉ dựa vào câu viết tay "Tôi hiểu rủi ro" của khách hàng, thì sẽ không được tòa án ủng hộ.
Bên cạnh đó, xét về điều kiện tài chính và trình độ nhận thức, bà Bành là người lao động có thu nhập thấp. Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, đối với trường hợp như vậy, hợp đồng bảo hiểm phải do công ty bảo hiểm phát hành sau thẩm định thay vì để ngân hàng thực hiện tại chỗ thông qua quy trình tự động.
Luật sư Long cũng khẳng định, nếu ý định ban đầu của bà Bành chỉ là gửi tiết kiệm, nhưng lại bị nhân viên ngân hàng dẫn dắt mua bảo hiểm một cách không minh bạch, bà hoàn toàn có thể yêu cầu hủy hợp đồng. Đây là sự khác biệt về bản chất giữa một giao dịch gửi tiết kiệm (hợp đồng gửi tiền với ngân hàng) và mua bảo hiểm (hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm).
Tuy nhiên, luật sư này cũng lưu ý rằng bà Bành là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, và là khách hàng lâu năm của ngân hàng nên cũng có phần trách nhiệm trong việc phân biệt giữa sản phẩm tiết kiệm và sản phẩm bảo hiểm. Do đó trong vụ việc này, trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về ngân hàng.
Dù kết quả vụ việc không được công bố, song đây cũng là lời cảnh báo cho người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch tài chính. Luật sư Trung Quốc khuyên mọi người nên đọc kỹ và xác nhận rõ thông tin về sản phẩm tài chính trước khi giao dịch. Đối với những khách hàng là người lớn tuổi, họ nên có người thân đi cùng nếu muốn tham gia giao dịch tài chính. Cùng với đó, các ngân hàng với tư cách là tổ chức tài chính cũng cần siết chặt quy định và quy trình tư vấn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, tránh lặp lại các trường hợp tương tự.