Ngày nào cũng nấu cơm nhưng bố không ăn, 1 hôm đi học về con trai chứng kiến cảnh tượng ám ảnh
Vừa mới mở cửa vào nhà, cậu con trai 16 tuổi phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng mà có lẽ cả đời này cậu cũng không thể quên.
Ngày 22/7/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Ngày nào cũng nấu cơm nhưng bố không ăn, 1 hôm đi học về con trai chứng kiến cảnh tượng ám ảnh". Nội dung như sau:
Mới đây, một sự việc thương tâm đã xảy ra tại Thái Lan, khiến một thiếu niên 16 tuổi vô cùng đau đớn và ám ảnh. Câu chuyện cũng là một lời cảnh báo, giúp những người khác điều chỉnh hành vi để không xảy ra những câu chuyện đáng tiếc.
Đi học về, con trai chứng kiến cảnh tượng ám ảnh
Thông tin được đăng tải trên tờ The Thaiger cho biết, sự việc mới xảy ra tại tỉnh Rayong, thuộc phía Đông Thái Lan. Một cậu bé 16 tuổi sau khi đi học về đã phát hiện cha mình đang co giật ở trên giường nên ngay lập tức tìm sự giúp đỡ từ một người hàng xóm. Người này đã cố gắng thực hiện hô hấp nhân tạo cho cha cậu - người được cho là đang lên cơn động kinh và sau đó bất tỉnh. Tuy nhiên, những nỗ lực này không thành công.
Sau đó, họ đã gọi cứu hộ và các nhân viên cứu hộ từ Quỹ Siam Rayong đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường là một ngôi nhà ở quận Ban Chang để hỗ trợ người đàn ông. Song khi đến nơi, đội cứu hộ phát hiện anh ta đã qua đời, xung quanh giường là hơn 100 chai bia rỗng được xếp gọn gàng, chỉ chừa lại một lối đi nhỏ khiến ai nhìn cũng cảm thấy giật mình.

Người đàn ông xấu số được xác định là anh Thaweesak Namwongsa, 44 tuổi. Anh Thaweesak đã ly hôn vợ và sống tại nhà với cậu con trai 16 tuổi. Theo lời kể của cậu con trai, do những vấn đề bất ổn về tâm lý, có lẽ là hậu quả của việc thất bại trong hôn nhân, nên cha cậu mới chỉ uống bia hơn một tháng nay.
Mặc dù con trai ngày nào cũng nấu cơm cho bố, nhưng anh Thaweesak hầu như không ăn mà chỉ uống bia. Cậu không chắc liệu cha mình có mắc bệnh lý nền nào không.

Đội cứu hộ suy đoán rằng anh Thaweesak đã chuyển sang uống bia, rượu quá mức do căng thẳng cá nhân. Tuy nhiên, bản chất cụ thể các vấn đề mà anh gặp phải không được tiết lộ với công chúng. Hiện tại vẫn chưa có thông tin về việc ai sẽ đảm nhận quyền giám hộ con trai Thaweesak sau khi anh qua đời.
Câu chuyện này đã gây xôn xao trên mạng xã hội với những bình luận trái chiều. Trong khi nhiều cư dân mạng bày tỏ lời chia buồn với gia đình, số khác lại chỉ trích Thaweesak vì đã không mạnh mẽ vượt qua khó khăn mà lại tìm đến rượu bia, khiến con trai anh rơi vào cảnh mồ côi. Cũng có những người cho rằng mấu chốt của vấn đề nằm ở việc anh Thaweesak đã không được hỗ trợ điều trị các vấn đề tâm lý sau khi ly hôn. Nếu được tư vấn đầy đủ, có lẽ người đàn ông này đã không có cách đối phó tiêu cực và gây ra hậu quả nghiêm trọng đến vậy.
Rượu bia vẫn là nguyên nhân khiến hàng triệu người tử vong trên toàn thế giới
Việc khám nghiệm tử thi đang được tiến hành để xác định nguyên nhân cái chết của người đàn ông. Tuy nhiên, người ta tin rằng việc uống rượu, bia quá mức đã góp phần gây ra các triệu chứng tử vong của nạn nhân.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 3 triệu người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến rượu, bia, chiếm khoảng 5,3% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Các nguyên nhân gây tử vong này bao gồm các bệnh về gan, tim mạch, ung thư, tai nạn giao thông và các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Việc tiêu thụ rượu bia quá mức, đặc biệt là ở giới trẻ, đang là một vấn đề đáng lo ngại trên toàn cầu. Các quốc gia có mức tiêu thụ rượu bia cao cũng đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế.
Việc giảm tiêu thụ rượu bia sẽ giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và mang lại một môi trường sống an toàn hơn.
Theo các số liệu thống kê Việt Nam thuộc top các nước tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á và nằm trong top đầu châu Á. Mức tiêu thụ bia ở Việt Nam được ghi nhận là rất cao, với lượng bia tiêu thụ bình quân đầu người tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Để uống rượu bia một cách an toàn và giảm thiểu hậu quả xấu, bạn có thể thực hiện các quy tắc sau:
- Uống điều độ: Hạn chế số lượng rượu bạn tiêu thụ. Theo khuyến nghị, nam giới không nên uống quá 2 ly mỗi ngày và phụ nữ không quá 1 ly.
- Ăn trước khi uống: Đảm bảo rằng bạn đã ăn trước khi uống rượu bia để giảm thiểu tác động của cồn lên cơ thể.
- Uống nước: Giữa các ly rượu, bạn nên uống đủ nước để giữ cơ thể được hydrate và giảm nguy cơ say.
- Biết giới hạn của bản thân: Lắng nghe cơ thể và dừng lại khi cảm thấy đã đủ, đừng ép buộc bản thân uống thêm.
- Không lái xe sau khi uống: Luôn sử dụng phương tiện thay thế hoặc để người khác lái nếu bạn đã uống.
- Tham gia vào môi trường an toàn: Chọn những buổi tiệc hoặc sự kiện có những người bạn tin tưởng và cảm thấy thoải mái.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Nguy cơ tử vong ở người uống rượu không ăn cơm". Cụ thể như sau:

Có thể tử vong
Nhiều người có thói quen uống rượu mà không ăn cơm đã phải trả giá bằng tính mạng của mình tại các khoa cấp cứu.
Giải thích điều này, TS Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết mỗi năm trung tâm tiếp nhận hàng chục ca ngộ độc rượu, có ca tử vong do uống quá nhiều rượu mà không ăn cơm.
Đáng tiếc, hầu hết các trường hợp này đều là thanh niên hoặc đang trong độ tuổi lao động.
Có 2 nguyên nhân khiến người khỏe mạnh tử vong sau khi uống rượu mà không ăn là:
- Do hạ đường huyết. Ethanol trong rượu gây hạ đường huyết, nếu cơ thể gầy yếu, đường huyết có thể xuống 0 sau khi uống rượu. Thêm vào đó uống rượu gây hiện tượng no giả khiến bệnh nhân không muốn ăn, là nguyên nhân khiến đường huyết tiếp tục tụt.
- Uống quá nhiều rượu khiến bệnh nhân rơi vào hôn mê, ngừng thở, não thiếu oxy, gây tổn thương não, thậm chí ngừng tim.
Bác sĩ Cao Hồng Phúc, Bệnh viện Quân y 103, cho biết rượu mà người ta vẫn dùng để uống có tên gọi là rượu etylic.
Rượu etylic là một hợp chất hữu cơ, có chứa nguyên tử carbon và hydro, mang năng lượng. Khi đốt cháy 1ml rượu có thể thu được 7kcal. Nếu uống 100ml rượu (độ 2 chén) thì sẽ tạo ra khoảng 700kcal (tương đương với 4 hộp sữa loại 180ml). Người uống rượu cũng có suy nghĩ rượu mang lại một giá trị năng lượng nhất định do chế biến từ gạo.
Nhưng thực tế điều này hoàn toàn không thể xảy ra. "Nếu chỉ uống rượu không mà không ngó ngàng gì tới cơm thì rượu không bao giờ được chuyển hóa thành sản phẩm cuối cùng này cả. Chúng chỉ chuyển hóa thành các sản phẩm trung gian và đương nhiên, năng lượng không thể thu được" - bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Rượu nào cũng có hại
Khi uống rượu không ăn cơm, năng lượng thì không thu được, cơ thể bị bỏ đói và điều này dẫn tới 2 hệ lụy. Chất trung gian từ chuyển hóa rượu bao gồm acetaldehyt, các gốc tự do ào ạt tạo ra. Các sản phẩm này ra sức phá hủy cơ thể. Nặng nhất là phá hủy gan vì rượu được tụ tập ở gan để xử lý.
Hoặc thay vì chuyển hóa tinh bột, cơ thể chuyển sang chuyển hóa mỡ. Chuyển hóa mỡ sinh ra nhiều axit béo tự do, sinh ra nhiều thể ceton dẫn đến toan chuyển hóa. Rất có hại cho hệ thống cơ quan.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, khi uống rượu thì phải ăn cơm hoặc các thực phẩm tinh bột khác như bún, miến, mì, phở, bánh mì...
Hơn nữa, rượu rất hại cơ thể nên đừng lạm dụng. Dù là rượu thuốc, rượu vang, rượu ngoại, rượu nào đi chăng nữa thì bản chất chúng đều có chứa etylic. Chúng chỉ khác nhau ở một số hoạt chất sinh học đi kèm, nồng độ etylic trong đó và các tạp chất.
Một ngày, với nam giới, chỉ nên uống 1-2 ly rượu vang. Nữ giới chỉ 1 ly trong 1 ngày. Đừng uống quá liều mà dễ bị ngộ độc. Và nhớ, uống ngay trước hoặc ngay sau bữa ăn cơm.
"Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nồng độ một số chất béo trong máu được gọi là triglyceride. Nồng độ triglyceride cao kết hợp với cholesterol H-LDL (xấu) hoặc cholesterol L-HDL (tốt) có liên quan đến sự tích tụ chất béo trong thành động mạch. Do đó, có thể làm tăng nguy cơ bị cơn đau tim và đột quỵ.
Uống rượu quá mức còn có thể dẫn đến cao huyết áp, bệnh lý cơ tim, rối loạn nhịp tim và thậm chí tử vong do ngộ độc rượu. Và nó có thể gây rối loạn ngôn ngữ, mất kiểm soát ngôn từ, mất kiểm soát hành vi, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của não..." - bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo.