Ba phát pháo sáng và quyết định bản lĩnh của người đàn ông khi tàu lật trên biển đêm
Sau hơn 1 ngày được cứu sống sau vụ lật tàu du lịch trên biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh, nhiều nạn nhân vẫn chưa hết bàng hoàng. Họ chia sẻ kinh nghiệm sống sót khi tàu bị lật trên biển.
Ngày 21/7/2025, báo Vietnamnet đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Ba phát pháo sáng và quyết định bản lĩnh của người đàn ông khi tàu lật trên biển đêm". Nội dung như sau:
Ngày 21/7, hơn 1 ngày sau khi được cứu sống trên biển Thiên Cầm (tỉnh Hà Tĩnh), hàng chục nạn nhân vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự cố lật tàu du lịch xảy ra vào tối 19/7.
Anh Bùi Văn H. (trú xã Thạch Lạc, tỉnh Hà Tĩnh) cho hay, sau nhiều năm làm nghề vận tải, anh cùng 18 người là đồng nghiệp đến từ nhiều xã tại Hà Tĩnh tích góp được một khoản tiền đi du lịch. Nhóm của anh H. quyết định trải nghiệm câu mực trên biển Thiên Cầm.
Khoảng 17h ngày 19/7, họ cùng lên tàu du lịch Nguyễn Ngọc (trên tàu có 3 thuyền viên) để ra khơi câu mực. Đi cùng nhóm anh có thêm 3 tốp du khách khác (hơn 10 người).

Đến khoảng 18h30, tàu xuất bến. Khi đi được khoảng 0,5 hải lý, tàu Nguyễn Ngọc đã dừng lại cho du khách câu mực. Sau đó, nhóm du khách đến từ miền Bắc lên ghe quay vào bờ, còn nhóm của anh H. và những người còn lại tiếp tục hành trình.
Đến khoảng 20h cùng ngày, khi đang thả câu xuống biển, một cơn giông lốc bất ngờ nổi lên, gió biển thổi cuồn cuộn, làm tàu chao đảo giữa biển khơi. Dự cảm chẳng lành, anh H. với kinh nghiệm 3 năm đi tàu viễn dương đã bình tĩnh, nhắc nhở mọi người mang áo phao, chủ động tìm kiếm các vị trí trên buồng lái để lấy phao cứu sinh.

"Tôi bình tĩnh lần mò trên buồng lái và tìm thấy 3 cây pháo sáng. Tôi đưa pháo lên trời bắn 2 phát để ra tín hiệu cầu cứu. Đến phát thứ 3, do sóng quá mạnh hất tôi ngã xuống tàu, làm pháo sáng bám vào tay dẫn đến bị thương", anh H. nhớ lại.
Anh H. cho biết, nhờ pháo sáng phát lên, tín hiệu cầu cứu truyền về đất liền nên lực lượng chức năng đã huy động tàu thuyền đến ứng cứu kịp thời.
"Khi gặp sự cố trên biển, đầu tiên chúng ta phải hết sức bình tĩnh, tìm các vật dụng có thể ra tín hiệu được để cứu mình và mọi người", anh H. chia sẻ.
Nhớ lại giây phút kinh hoàng, anh Hoàng B., trú xã Thạch Xuân (xã Nam Điền cũ) cho biết, khi anh cùng mọi người đang câu mực thì giông lốc cuồn cuộn kéo đến, xô đổ tất cả đồ đạc có trên tàu.
"Sóng mạnh, xô đổ đồ đạc, chúng tôi va vào nhau. Khi tàu chìm gần một nửa, thân tàu bất ngờ dựng đứng, sóng biển cao 3-4m vượt qua mũi tàu. Lúc này, khoảng 20 người đang bám trên mũi tàu phải nhảy xuống biển để tránh bị hút chìm theo tàu.
Sau khi rơi xuống biển, khoảng 10 người bám vào chiếc phao cạnh mạn của tàu. Số còn lại bám vào các vật nổi khác chờ được cứu. Lúc đó, người nào cũng bị sóng đánh mệt lả. Trong đó có 1 phụ nữ và 1 trẻ em khoảng 6 tuổi có dấu hiệu hoảng loạn", anh B. cho hay.
Cũng theo người đàn ông này, nhóm người đi cùng xác định, nếu tàu bị chìm hẳn, họ sẽ buông phao cứu sinh để trôi tự do. "Tuy nhiên, thật may mắn, khoảng 15 phút sau khi phát tín hiệu cầu cứu, tàu cá ngư dân ở gần đó đã tiếp cận và cứu chúng tôi lên thuyền, đưa về đảo Bớc để trú ẩn", anh B. nói. Người đàn ông này gửi lời cảm ơn đến các ngư dân đã cứu sống hàng chục người sau sự cố chìm tàu.
Trước đó, vào khoảng 19h30 ngày 19/7, tàu du lịch do anh Nguyễn Trọng Hoàng làm chủ, chở theo 27 khách và 3 thuyền viên ra vùng biển tại xã Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh để câu mực. Thời điểm trên, một cơn giông lốc bất ngờ kéo đến khiến tàu bị sóng đánh nghiêng, nước tràn vào khoang tàu. Sau đó, tàu bị chìm tại đảo Bớc, cách bờ biển Thiên Cầm khoảng 0,5 hải lý.
Nhận được tín hiệu cầu cứu, lực lượng Đồn Biên phòng Thiên Cầm, chính quyền địa phương phối hợp với tàu của các ngư dân, trong đó có thuyền của anh Lê Văn Lĩnh (SN 1984, trú xã Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh) đã cứu các nạn nhân và đưa lên bờ an toàn.
Tiếp đó, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Vụ chìm tàu du lịch chở 34 người: Du khách kể phút quyết định 'sống còn'". Cụ thể như sau:
Hai ngày sau khi xảy ra vụ chìm tàu du lịch Nguyễn Ngọc ở biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh, nhiều nạn nhân vẫn chưa hết bàng hoàng, trong đó có anh B.V. (trú tại xã Thạch Lạc, Hà Tĩnh).
"Đó là chuyến du lịch để đời, khó quên với chúng tôi", anh H. mở đầu câu chuyện.
Theo người đàn ông này, anh cùng 18 người bạn đến từ nhiều xã của Hà Tĩnh có mặt trên chuyến tàu đó. Họ cùng làm nghề tài xế, góp tiền để đi du lịch và chọn Khu du lịch biển Thiên Cầm là điểm đến.

Khoảng 18h30 ngày 19/7, họ lên tàu du lịch Nguyễn Ngọc để ra khơi trải nghiệm câu mực. Trong đoàn còn có 3 nhóm du khách khác và 4 thuyền viên.
Sau khi hành trình được khoảng 0,5 hải lý, tàu dừng lại cho du khách trải nghiệm câu mực. Một giờ sau, 6-7 du khách đến từ Hà Nội lên ghe quay vào bờ trước. Ba nhóm du khách còn lại với tổng số khoảng 30 người ở lại tàu tiếp tục câu mực.
Khoảng 20h cùng ngày, biển Thiên Cầm đang yên ả bỗng nổi cơn dông lốc, mưa kèm sóng lớn đánh dồn dập khiến con tàu chao đảo. Nhiều đồ đạc trên tàu bị xô đổ, rơi xuống nền khiến du khách hoảng loạn.

Với kinh nghiệm 3 năm đi tàu viễn dương, anh H. cảm nhận rõ có chuyện chẳng lành nên động viên mọi người bình tĩnh và nhắc nhở mặc áo phao. Anh cũng dò hết các vị trí trên buồng lái để tìm phao cứu sinh và vật dụng gửi tín hiệu cầu cứu về bờ.
Sau đó, người đàn ông này tìm thấy 3 quả pháo sáng bắn tín hiệu cứu hộ trên buồng lái và bắn được 2 phát lên trời.
"Đến lúc bắn quả pháo thứ 3, tôi bị sóng đánh mạnh vào người, pháo sáng phát nổ làm tay tôi bị thương", anh H. nhớ lại.
Lúc này, tàu du lịch đã bắt đầu chìm dần. Theo anh H.B., trú tại xã Thạch Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, quá trình chìm, tàu nằm ngang thì bất ngờ dựng đứng, sóng biển cao 3-4m vượt qua mũi tàu.

"Không còn cách nào khác, khoảng 20 người đang bám trên mũi tàu phải nhảy xuống biển để tránh bị hút chìm theo. Sau khi nhảy, 10 người bám vào chiếc phao cứu sinh của tàu. Số còn lại bám vào các vật nổi khác chờ được cứu. Ai cũng mệt lả, kiệt sức", anh B. nhớ lại thời khắc kinh hoàng.
Ông Võ Tá Nhân, Chủ tịch UBND xã Thiên Cầm, cho biết trong quá trình tàu chìm, ngoài phát tín hiệu pháo sáng, nhiều du khách đã tìm cách liên lạc về đất liền cầu cứu, không ít người đã nói lời tiễn biệt người thân.
Nhận tin báo, Đồn Biên phòng Thiên Cầm phối hợp với chính quyền địa phương triển khai lực lượng, huy động tàu có trọng tải lớn hoạt động gần khu vực tàu bị nạn ứng cứu.
Khi nắm được thông tin, tàu cá của ngư dân đang hoạt động gần đó đã phối hợp ứng cứu, vớt đoàn du khách và thuyền viên gặp nạn.
Đến 0h30 ngày 20/7, toàn bộ 34 hành khách và thuyền viên được đưa về bờ an toàn. Lực lượng chức năng hỗ trợ, giúp họ về nghỉ ngơi và ổn định sức khỏe.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, do dông lốc vào tối 19/7, tỉnh này có 2 người bị mất tích, 58 tàu cá bị sóng đánh chìm.
Dông lốc cũng khiến 154 nhà dân tại Hà Tĩnh bị tốc mái. Một dãy phòng học 2 tầng tại Trường THCS Hải Thượng Lãn Ông, xã Sơn Giang bị tốc mái, 7ha ngô bị ngã, một số cột viễn thông, cột điện đổ gãy.