Gia đình nán lại cầu siêu cho người thân vụ lật tàu ở Hạ Long trong mưa bão
Trong cơn mưa nặng hạt, gia đình nạn nhân N.H.T. (SN 1973, ở Hà Nội) nghẹn ngào chuẩn bị lễ vật, cầu mong vợ chồng em trai và 2 cháu siêu thoát sau vụ lật tàu Vịnh Xanh 58.
Ngày 22 tháng 7 năm 2025, báo Dân Trí đăng tải bài viết với tiêu đề "Gia đình nán lại cầu siêu cho người thân vụ lật tàu ở Hạ Long trong mưa bão". Nội dung như sau:
Nước mắt ngày bão
Sáng 22/7, trong mưa gió tầm tã do ảnh hưởng của bão số 3, ông Nguyễn Hữu Dũng (sống ở xã Đại Thanh, Hà Nội) - anh trai của nạn nhân N.H.T. trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 - cùng gia đình xuống Bãi Cháy thắp hương cho vợ chồng em trai và 2 cháu.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông cho biết, sáng 19/7, vợ chồng em trai và 3 con tham gia chuyến du lịch Hạ Long cùng gia đình đồng nghiệp.
Theo ông, trước khi tàu bị lật úp, em trai đăng đoạn video ghi lại giây phút vui vẻ của các hành khách trên tàu du lịch số hiệu QN-7105.
"Biết có sự việc tàu chìm, gia đình gọi cho T. nhiều lần nhưng không ai nghe máy. Nhìn thấy hình ảnh cháu P. được cứu sống, cả nhà bàng hoàng", ông Dũng nhớ lại.
Trước khi gặp nạn, anh T. là lái xe buýt, còn vợ là chị N. buôn bán lặt vặt. Nhiều năm qua, chị N. sức khỏe yếu do phải chống chọi với căn bệnh ung thư. Từ ngày kết hôn, đây là lần đầu tiên hai vợ chồng có chuyến du lịch cùng nhau.
"Vợ chồng em trai mong muốn chuyến đi là phần thưởng cho P., sau khi cháu đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia. Ai ngờ chuyến đi định mệnh khiến cháu trở thành đứa trẻ mồ côi", ông Dũng nói rồi bật khóc nghẹn ngào.

Người thân của vợ chồng anh T. chuẩn bị lễ vật (Ảnh: Trần Thành Công).
Tối 19/7, sau chuyến xe từ Hà Nội, ông Dũng có mặt tại nhà tang lễ Hạ Long, không khí tang tóc bao trùm. Hàng trăm người với gương mặt thất thần chờ làm thủ tục nhận dạng thi thể.
Điều khiến ông nhớ nhất là tình cảm ấm áp của bà con Quảng Ninh dành cho gia đình có người thân gặp nạn. Ngoài động viên về tinh thần, những suất cơm nóng hổi, ly nước mát được các tấm lòng hảo tâm chuyển đến, giúp thân nhân vơi bớt nỗi đau đớn tột cùng.
"Thông qua báo Dân trí, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong đó có người thân của tôi. Địa phương đã nỗ lực hết sức, tạo điều kiện để chúng tôi được nhận thi thể đưa về quê nhà lo hậu sự. Tôi thật sự không biết nói gì hơn ngoài hai từ cảm ơn", ông Dũng xúc động bày tỏ.
Cơn bão ít thiệt hại so với Yagi
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, lúc 10h sáng nay 22/7, tại chân cầu Bãi Cháy, trời mưa to và gió mạnh cấp 7-8 theo từng đợt. Một số người dân đánh giá, sức ảnh hưởng của bão Wipha với Bãi Cháy nói riêng và Quảng Ninh nói chung nhẹ hơn so với bão Yagi.
Đi dạo một vòng trên tuyến đường ven biển, ông Vũ Văn Sáng (sống ở Đường Hạ Long) cho biết không nhận thấy thiệt hại đáng kể, ngoại trừ một số cây bị đổ bên đường.
Trong cơn bão Yagi năm 2024, tiệm cơm - phở (nằm đối diện biển) của gia đình ông Sáng bị tốc toàn bộ phần hiên phía trước, biển quảng cáo văng ra xa vài chục mét. Gió của siêu bão càn quét nhiều tiếng đồng hồ khiến phần mái bị bay, trơ trọi 4 bức tường.
"Rút kinh nghiệm từ bão Yagi, năm nay, vợ chồng tôi chằng chống cửa hàng, cất các biển hiệu, dọn dẹp bàn ghế, dùng dây buộc cửa để tránh thiệt hại. Cả đêm tôi mất ngủ, may mắn sáng nay toàn bộ khu vực xung quanh đều bình an vô sự", ông Sáng cho hay.
Tranh thủ lúc mưa tạnh, anh Đỗ Trọng Hoàn (nhân viên bảo vệ kiêm chăm sóc cây xanh tại khách sạn ở Bãi Cháy) dọn dẹp một cố cành cây bị gãy. Suốt cả đêm, nghe tiếng gió rít bên ngoài, người đàn ông không dám ra ngoài.

Một số cây bị đổ tại Bãi Cháy, Quảng Ninh nhưng không ảnh hưởng đến giao thông (Ảnh: Trần Thành Công).
Theo anh Hoàn, từ sáng 21/7, nhân viên khách sạn đã được huy động để chằng chống, buộc cửa kính và trực phòng chống bão.
"Ngoại trừ một cây bị đổ do lốc lớn chiều 19/7, toàn bộ cây xanh phía trước khách sạn vẫn an toàn. Năm ngoái, sau bão Yagi, cây xanh đổ như ngả rạ, mái tôn, biển quảng cáo bay tứ tung", ông Hoàn nói.

Tại khách sạn ở khu vực Bãi Cháy, gia đình chị Nga (đến từ Hà Nội) ngồi quan sát gió bão qua cửa kính từ tầng 15.
Chị cho biết, kế hoạch du lịch hè của gia đình đã lên từ cách đây 4-5 tháng. Biết có bão nhưng cách đây 2 ngày, vợ chồng chị cùng các con vẫn xuống Hạ Long theo lịch trình.
Nhìn thấy người dân chằng chống nhà cửa kỹ càng, thuê container chắn phía trước cửa hàng, chị Nga bất an vì sợ thảm họa Yagi lặp lại.
"Các con học hành vất vả cả năm, háo hức chờ đợi đến mùa hè để đi du lịch nên hai vợ chồng không muốn thay đổi lịch trình. Đêm qua, cứ 1 tiếng, tôi lại thức dậy, nhìn qua cửa sổ xem tình hình gió bão, may mắn không có cuồng phong", chị Nga cho biết.
Cùng ngày, báo Thanh Niên cũng đăng tải bài viết với tiêu đề "Tìm thấy thêm một thi thể nạn nhân vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long". Nội dung như sau:
Trưa 22.7, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã tìm thấy thêm một thi thể nam giới là nạn nhân trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 trên vịnh Hạ Long.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, vụ lật tàu đã khiến 37 người thiệt mạng, 2 người vẫn đang mất tích.

Thảm kịch lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long khiến 37 người thiệt mạng, 2 người mất tích ẢNH: N.H
Thông tin từ tỉnh Quảng Ninh, thi thể vừa được tìm thấy đã được đưa vào bờ để xác định danh tính và tiến hành các thủ tục theo quy định.
Tỉnh Quảng Ninh đã huy động gần 350 người và gần 50 phương tiện đường thủy, bao gồm lực lượng bộ đội biên phòng, quân đội, công an tỉnh, Cảnh sát biển, Hải quân Vùng 1… phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.
Phạm vi tìm kiếm đã được mở rộng lên bán kính 9 km tính từ vị trí tàu bị lật.

Công tác tìm kiếm người mất tích diễn ra khẩn trương ẢNH: N.H
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, lúc 12 giờ 55 ngày 19.7, tàu du lịch Vịnh Xanh 58, số hiệu QN-7105, xuất bến từ cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, chở theo 46 hành khách và 3 thuyền viên, tham quan vịnh Hạ Long theo tuyến số 2.
Khi đến khu vực phía đông hang Đầu Gỗ, vào khoảng 13 giờ 30, một trận giông lốc mạnh kèm mưa đá, sấm sét bất ngờ xuất hiện, khiến con tàu bị lật úp hoàn toàn. Tất cả những người có mặt trên tàu bị nhấn chìm xuống biển.
Hiện nay, trong điều kiện thời tiết trên biển còn nhiều diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của bão số 3, công tác tìm kiếm 2 nạn nhân còn mất tích vẫn đang được duy trì với mức ưu tiên cao nhất.