Ngân hàng Nhà nước báo cáo Quốc hội giải pháp ổn định thị trường vàng

Trong báo cáo mới nhất gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đề xuất 4 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị theo hướng siết chặt thị trường vàng; trong đó xử lý nghiêm hành vi thao túng, trục lợi và buôn lậu...

Báo VnEconomy ngày 24/10 đưa thông tin với tiêu đề: "Ngân hàng Nhà nước báo cáo Quốc hội giải pháp ổn định thị trường vàng" cùng nội dung như sau: 

Liên quan đến việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong nước, trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trong đó, đề xuất 4 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị nhằm thực hiện chức năng quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Thị trường vàng thế giới chứng kiến ​​áp lực bán mạnh sau khi đạt mức cao kỷ lục mới ghi nhận vào ngày 23/10.

SẮP CÓ KẾT LUẬN THANH TRA THỊ TRƯỜNG VÀNG

Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương.

"Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tổ chức đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng theo Quyết định 324 ngày 17/5/2024. Đến nay, việc thanh tra trực tiếp kết thúc và đang trong quá trình dự thảo báo cáo kết luận", Báo cáo gửi Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật.

Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo chức năng nhiệm vụ quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi... gây mất ổn định thị trường vàng.

Bên cạnh đó, trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường; phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an và chính quyền các địa phương, để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả của các phương án can thiệp.

Với những giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới được kiểm soát và duy trì với biên độ phù hợp, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5-7%. Thị trường vàng ổn định trở lại, góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô.

THỊ TRƯỜNG VÀNG TRONG NƯỚC BÌNH LẶNG

Mở cửa phiên giao dịch ngày 24/10, giá vàng nhẫn loại 1-5 được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giữ nguyên ở mức 87 - 88,5 triệu đồng/lượng (mua - bán) so với kết phiên giao dịch hôm qua.

Tương tự, giá vàng nhẫn tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giao dịch ở mức 87,6 - 88,9 triệu đồng/lượng hai chiều mua vào, bán ra, neo ở mức cao như kết phiên hôm qua.

Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji đầu giờ sáng nay hạ giá vàng nhẫn về mức 87,95 - 88,95 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 50 nghìn đồng mỗi lượng ở cả hai chiều.

Về giá vàng miếng, mở cửa phiên giao dịch ngày 24/10, giá vàng miếng do Công ty SJC, Doji và PNJ đều không đổi so với kết phiên giao dịch hôm qua, ở mức 89 triệu đồng/lượng bán ra và 87 triệu đồng/lượng mua vào.

Tỷ giá trung tâm ngày 24/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.260 đồng/USD, tăng 10 đồng so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh tăng.

Sáng ngày 24/10, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức hơn 84,4 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 4,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.720 USD/ounce, lao dốc 37 USD/ounce so với mức đỉnh lịch sử được thiết lập hôm qua (2.758 USD/ounce). Sự ăn mừng không kéo dài được lâu khi có thời điểm giá kim loại quý đảo chiều mạnh và giảm xuống mức thấp gần 2.708 USD/ounce.

Giới phân tích cho rằng lợi suất trái phiếu tăng lên 4,25%, mức đỉnh gần nhất được thấy vào tháng 7/2024 và sự tăng đột biến của DXY, chỉ số đo lường biến động "đồng bạc xanh" với 6 đồng tiền chủ chốt, cũng gây nên sự suy yếu và ảnh hưởng đến các tài sản rủi ro, trong đó có Bitcoin. Các chỉ số chính trên các thị trường chứng khoán cũng giảm, với S&P, DowJones và Nasdaq lần lượt giảm 0,92%, 0,96% và 1,6%.

Trước đó, báo Tiền Phong ngày 23/10 cũng có bài đăng với thông tin: "Giá vàng liên tục tăng cao, Ngân hàng Nhà nước nói gì?". Nội dung được báo đưa như sau:

Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước cho biết đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng, thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định.

Để kiểm soát thị trường, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi... gây mất ổn định thị trường.

Để bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường và phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an, và chính quyền các địa phương để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả của các phương án can thiệp.

"Với những giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới đã được kiểm soát và duy trì với biên độ phù hợp. Giá vàng trong nước hiện cao hơn giá thế giới khoảng 5-7%. Thị trường vàng ổn định trở lại đã góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Liên quan đến việc tổng kết, đánh giá Nghị định 24, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã họp lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách, các chuyên gia và các đại biểu Quốc hội quan tâm đến vàng và lấy ý kiến bằng văn bản về dự thảo tổng kết, đánh giá Nghị định 24, bổ sung kinh nghiệm quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình số 28 ngày 20/3/2024 về báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24, đề xuất 4 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị nhằm thực hiện chức năng quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Khoảng hơn 3 tuần nay, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn liên tục tăng cao. Giá vàng nhẫn điều chỉnh nhanh hơn và theo nhịp tăng của thế giới còn giá vàng miếng SJC phụ thuộc vào giá bán của Ngân hàng Nhà nước. Hiện, giá bán vàng miếng ở mốc 89 triệu đồng/lượng, cao nhất trong vòng 4 tháng qua trong khi giá vàng nhẫn gần 88 triệu đồng/lượng, cao nhất trong lịch sử.