Lời kể người nhà nạn nhân bị máy bay không người lái chém tử vong
Người nhà nạn nhân bị máy bay không người lái chém tử vong ở Kiên Giang nói thời điểm xảy ra vụ việc, người đàn ông 49 tuổi không say rượu như thông tin thất thiệt trên mạng xã hội lan truyền.
Báo Dân trí ngày 28/11 đưa thông tin với tiêu đề: "Lời kể người nhà nạn nhân bị máy bay không người lái chém tử vong" cùng nội dung như sau:
Liên quan đến vụ máy bay không người lái (drone) va chạm với người đi đường gây tai nạn chết người ở Kiên Giang, trưa ngày 28/11, phóng viên Dân trí tìm gặp người nhà nạn nhân B.V.T. (49 tuổi, ngụ ấp Hiệp Trung, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) để tìm hiểu sự việc.
Người nhà nạn nhân bác thông tin trên mạng
Bà Nguyễn Thị Liên (người nhà nạn nhân) cho biết, 8 ngày kể từ ngày ông T. mất, gia đình vẫn chưa nguôi nỗi đau. Họ cảm thấy mệt mỏi vì bị nhiều YouTuber làm phiền, đến nhà xin quay phim.
"Con cháu trong nhà rất tức giận. Cái chết ấy vô cùng đau đớn nên không một ai trong nhà muốn bị phát tán sai lệch lên mạng xã hội và nghe bình luận bằng những lời lẽ không hay", bà Liên nói.
Bà Liên cho biết, ông T. và vợ có một người con gái đang học lớp 11. Gia đình có vài công đất ruộng, nếu không vào vụ lúa, ông T. thường làm thuê kiếm thêm tiền nuôi con đi học.
"Nó giỏi lắm, ai thuê gì làm nấy. Trước đây, T. học đến lớp 2-3 là nghỉ học nên mặt chữ cũng không rành. Sau này nó quyết tâm nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, làm đủ việc để lo cho con. Cả hai vợ chồng mới xây nhà được khoảng 1 năm thì gặp chuyện", bà Liên xót xa.
Bà Liên nhớ lại, sáng 20/11, sau khi ăn mì, ông T. nói với vợ đi thả lưới bắt cá. Trên đường chạy vào kênh 15, ông bị cánh quạt máy bay nông nghiệp (drone) chém vào đầu, trán và cổ bất tỉnh.
Ông T. sau đó được người dân cõng đến một trạm xá địa phương. Do vết thương quá nặng, ông được xe cấp cứu chuyển lên Bệnh viện tỉnh An Giang (bệnh viện gần nhất).
"Máu đầm đìa khắp mặt đến nỗi trong lúc người ta cõng nó đi ngang mà người nhà tôi còn không nhìn ra. Lúc chở nó đi cấp cứu, nó nôn hết mì, cảnh tượng rất đau đớn. Lên bệnh viện đến hôm sau thì mất", bà Liên kể.
Theo lời bà Liên, thời điểm bị nạn ông T. hoàn toàn tỉnh táo, không say rượu như thông tin thất thiệt mà mạng xã hội đang lan truyền.
Ông ấy là một người hiền lành, thật thà
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một người hàng xóm của nạn nhân cho biết, ông T. hiền lành, tính tình thật thà.
"Ông ấy sống ở địa phương, làm thuê, là một người hiền lành. Ở đây, xóm trên xóm dưới đều biết. Tội nghiệp lắm", người hàng xóm nói.
Do ông T. chăm chỉ, nhận việc làm thuê ở khắp nơi nên bà con lối xóm đều quen mặt. Người dân ở ấp Hiệp Trung (xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất), nơi ông T. sống, đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng.
Trước đó, ngày 26/11, UBND huyện Hòn Đất xác nhận cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý vụ việc máy bay không người lái (drone) xịt thuốc va chạm với người đi đường gây tai nạn chết người.
Người điều khiển drone là M.V.L. (29 tuổi, ngụ địa phương). Công an tỉnh Kiên Giang đã vào cuộc điều tra.
Ngày 27/11, Luật Phòng không nhân dân được Quốc hội thông qua thu hút sự quan tâm của cộng đồng sử dụng máy bay không người lái (drone) tại Việt Nam.
Đại tá Vũ Văn Thảo, Phó cục trưởng Cục Phòng không lục quân, đơn vị tham gia dự thảo Luật Phòng không nhân dân, cho biết việc sử dụng drone tại Việt Nam đang nở rộ với nhiều mục đích, từ giao thông vận tải, nông nghiệp, quản lý bảo vệ rừng, an ninh trật tự, báo chí truyền thông...
Theo ông Thảo, Luật Phòng không nhân dân quy định rõ 3 điều kiện để sử dụng máy bay không người lái: Phương tiện bay phải được đăng ký; người lái phải có chứng chỉ; chuyến bay phải được cấp phép.
Hiện, chưa có thống kê chính thức về số người sử dụng drone tại Việt Nam. Tuy nhiên, Đại tá Vũ Văn Thảo cho biết tình trạng drone "bay chui", bay không xin phép cơ quan chức năng xảy ra phổ biến. Nhiều chủ drone đã bị lực lượng chức năng địa phương xử phạt hành chính.
Trước đó, báo Thanh Niên ngày 28/11 cũng có bài đăng với thông tin: "Tử vong do va chạm máy bay không người lái, ai chịu trách nhiệm?". Nội dung được báo đưa như sau:
Một vụ việc đau lòng vừa xảy ra: ông B.V.T (49 tuổi, ở ấp Hiệp Trung, xã Mỹ Hiệp Sơn, H.Hòn Đất, Kiên Giang) chạy xe máy trên đường kênh 15 (thuộc ấp Hiệp Trung, xã Mỹ Hiệp Sơn) bất ngờ bị va chạm vào máy bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật do ông M.V.L (29 tuổi, ở ấp Hiệp Trung, xã Mỹ Hiệp Sơn) điều khiển.
Nạn nhân bị cánh quạt drone chém vào đầu và cổ, bị thương nặng dẫn đến tử vong sau đó.
Luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích, việc sử dụng thiết bị bay không người lái (flycam hay drone) ở bất cứ đâu, vì bất cứ mục đích gì đều phải xin phép và được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, cụ thể ở đây là Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng.
Theo luật sư Công, quy định này đã có từ năm 2008 thể hiện qua Nghị định 36 và được sửa đổi vào năm 2013 qua Nghị định 79. Căn cứ vào nghị định, cá nhân hoặc tổ chức sử dụng sẽ thực hiện các hoạt động vận hành thiết bị bay không người lái theo quy định, trong đó bao gồm các việc đảm bảo an toàn cho con người, tài sản.
Đối với trường hợp xảy ra ở H.Hòn Đất, Kiên Giang, một người dân đang lưu thông trên đường kênh thì va chạm với thiết bị bay không người lái đang phun thuốc trừ sâu ở ruộng gần đó, cần làm rõ các vấn đề về như: drone này đã được cấp phép bay? Khu vực xảy ra tai nạn có thuộc khu vực được phép bay không?
Theo quan sát, có thể thấy dù được phép hay không được phép thì chắc chắn cơ quan cấp phép cũng không cho phép bay ở gần đường giao thông hoặc đường lưu thông (đường kênh trong khu vực ruộng).
Để máy bay không người lái (drone) gây tai nạn, phạm tội giết người?
"Trong vụ việc trên, nạn nhân đang lưu thông trên đường kênh là hoạt động bình thường của một công dân, bị va chạm với drone do người khác điều khiển thì dễ dàng thấy lỗi không thuộc về nạn nhân mà ở người điều khiển drone, bởi đường kênh và độ cao có thể xảy ra va chạm với người lưu thông không phải là khu vực được bay nếu được cấp phép bay", luật sư Nguyễn Thành Công phân tích.
Luật sư Công cho rằng khả năng lỗi của người điều khiển drone là rất cao. Theo đó, tai nạn gây ra chết người thì lại càng nghiêm trọng và có dấu hiệu của vi phạm pháp luật hình sự ở tội danh vô ý làm chết người theo điều 128 bộ luật Hình sự.
Cũng theo luật sư, khi điều khiển máy bay không người lái (drone), bắt buộc phải biết rằng thiết bị nguy hiểm có thể gây ra nguy hại hoặc thậm chí chết người. Nhưng vì cẩu thả hoặc quá tự tin là thiết bị không bay vượt ra ngoài khu vực ruộng cần xịt thuốc trừ sâu hay khu vực này không có ai di chuyển để có thể nguy hiểm. Vì vậy, người điều khiển drone phải chịu trách nhiệm về hành vi gây tai nạn dẫn đến chết người của nạn nhân với lỗi vô ý, với khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù.
"Ở một góc khác, ruộng đang canh tác thường trống với các đường kênh lưu thông có con người và phương tiện di chuyển, người điều khiển drone có thể quan sát từ xa. Trong quá trình drone hoạt động thì luôn dõi theo thiết bị để điều khiển hoặc lập trình để điều khiển trong phạm vi yêu cầu.
Vậy tại sao không phát hiện ra có người đang di chuyển để ngăn ngừa va chạm từ xa", luật sư Công đặt vấn đề và cho biết nếu đây là hành vi cố ý gây ra tai nạn và hậu quả là chết người thì hành vi đó sẽ cấu thành tội giết người theo điều 123 bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, qua sự việc này cần lưu ý, theo quy định pháp luật hiện nay thì mọi thiết bị bay không người lái là flycam hay drone thì đều phải xin phép khi bay trên trời.
"Quy định này đã có hơn 15 năm nay nên không thể nói là không biết để thoái thác trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Theo tôi, về phía quản lý nhà nước cũng nên thực hiện việc tuyên truyền rộng rãi quy định này để người dân được nắm rõ, tránh sự cố đáng tiếc chỉ vì không nắm quy định pháp luật", luật sư nói.