Hàng chục người chết lặng nhìn thợ lặn bị cá mập kéo xuống biển: Hiện trường chỉ còn lại một vệt máu đỏ

Đây chính là cách né nồm, tránh nồm rẻ nhất hiệu quả nhất miền Bắc!

Một vụ tấn công kinh hoàng ngoài khơi Israel khiến một thợ lặn mất tích.

Theo báo Phụ nữ số ngày 22/4 đăng bài viết có tiêu đề Hàng chục người chết lặng nhìn thợ lặn bị cá mập kéo xuống biển: Hiện trường chỉ còn lại một vệt máu đỏ. Nội dung như sau:

Một thợ lặn hiện đang mất tích và được cho là đã thiệt mạng sau khi bị cá mập tấn công ngoài khơi thành phố Hadera, Israel vào ngày 21/4.

Theo các đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội, nạn nhân bị cá mập cắn khi đang lặn ở vùng biển gần bãi biển Olga. Một đoạn clip cho thấy người thợ lặn vùng vẫy giữa biển trước khi bị kéo xuống nước. Máu nhanh chóng nhuộm đỏ mặt biển.

Một nhân chứng nói với kênh Channel 12 News: “Tôi thấy thợ lặn ở dưới nước, anh ấy hét lên ‘Tôi bị cắn rồi, bị cắn rồi!’ và giơ tay cầu cứu. Vài phút sau, cá mập lao vào cắn và anh ấy đột ngột biến mất”.

Trước đó chỉ vài phút, nhiều người, bao gồm cả trẻ em, vẫn đang đứng dưới nước và thích thú ngắm đàn cá mập bơi lượn quanh chân. Một nhân chứng khác nói: “Tôi bắt đầu quay phim và nhận ra đó là cá mập. Chúng bơi vào cách bờ chỉ 50 đến 100 mét. Dù nhân viên cứu hộ liên tục yêu cầu mọi người rời khỏi mặt nước, vẫn có người cố lại gần”.

Khoảng 15h02, trung tâm điều phối khẩn cấp 101 của tổ chức Magen David Adom tại khu vực Sharon nhận được tin báo về sự cố. Ngay sau đó, cảnh sát và lực lượng cứu hộ được điều động đến hiện trường. Cảnh sát Hadera cùng Cảnh sát Biển cũng đã đến khu vực suối Hadera - nơi người dân khẳng định đã nhìn thấy vụ cá mập tấn công.

Tính đến thời điểm ban đầu, cảnh sát cho biết vẫn chưa tìm thấy nạn nhân hay thi thể nào. Các hoạt động tìm kiếm đang được tiến hành, bao gồm việc huy động mô tô nước và trực thăng rà soát toàn khu vực biển.

Một con cá mập được nhìn thấy bơi sát bờ tại bãi biển Olga (Israel) ngay trước khi một thợ lặn bị tấn công

Hình cảnh người thợ lặn vùng vẫy

Nhiều trẻ em được nhìn thấy đứng dưới nước khi đàn cá mập bơi quanh chân các em

Phòng Quản lý Bờ biển thành phố Hadera đã yêu cầu đóng cửa toàn bộ bãi biển, cấm người dân xuống nước cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, cơ quan này cảnh báo người dân không tiếp xúc với cá mập trong khu vực.

Vụ việc đã làm dấy lên tranh cãi trong dư luận về sự an toàn tại những vùng biển nơi cá mập thường xuyên xuất hiện. Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên Israel cho biết họ đã kêu gọi nhà nước ban hành quy định kiểm soát hành vi của con người trong khu vực cá mập tụ tập từ cách đây 4 năm.

Theo tổ chức này, mỗi mùa đông, cá mập và cá đuối thường tụ tập quanh cửa xả nước ấm từ các nhà máy điện. Điều này tạo ra một hiện tượng tự nhiên đặc biệt, thu hút nhiều người dân và du khách đến quan sát. Tuy nhiên, do thiếu quy định rõ ràng, khu vực này rơi vào tình trạng hỗn loạn và tiềm ẩn nguy hiểm.

Cá mập tấn công người tại Địa Trung Hải là hiện tượng cực kỳ hiếm. Theo thống kê, kể từ năm 1900 đến nay, chỉ ghi nhận 50 vụ cá mập tấn công, trong đó có 11 ca tử vong.

Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về nhu cầu thiết lập quy định chặt chẽ hơn tại những điểm du lịch biển nơi cá mập thường xuất hiện, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Theo VTC News đưa tin ngày 2/4 có bài ‘Nàng tiên cá’ bị cá mập cắn tàn phế trong thủy cung. Nội dung như sau:

Tai nạn xảy ra năm 2023 và mới đây vụ kiện được tòa án ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đưa ra xét xử. Nguyên đơn là cô Li, người bị cá mập cắn vào tay gây khuyết tật cấp độ 10 khi đang bơi lặn trong thủy cung.

Theo Yangzi Evening News , trước đó, cô Li đăng ký tham gia Giải Người cá mở rộng Trung Quốc, một cuộc thi biểu diễn áp dụng hệ thống tính điểm. Mỗi năm có từ 4 đến 5 cuộc thi tương tự và thứ hạng của các nàng tiên cá tại Trung Quốc được tính dựa trên tổng điểm. Những người lọt vào top 3 sẽ có thể đủ điều kiện tham gia giành Giải Nàng tiên cá thế giới.

Cô Li đã thành công khi tham gia một cuộc thi năm 2023 và muốn tập luyện trước khi cuộc thi Côn Minh diễn ra ngày 18/6. Cô mua vé để vào địa điểm huấn luyện dưới nước tại thủy cung của Wuxi Sunac Sea World.

Khoảng một giờ sau khi Li xuống nước, nhân viên an toàn trên bờ ra hiệu cho cô vào bờ và nói rằng họ cần cho cá ăn. Sau đó, anh cho phép Li xuống nước tiếp tục tập luyện. Không ngờ, lúc cô nổi lên sau khi hoàn thành các động tác huấn luyện, một con cá mập bất ngờ lao tới từ phía sau bên phải và cắn chặt vào cánh tay cô.

"Nàng tiên cá" bị cá mập cắn khi đang luyện tập ở thủy cung. (Ảnh: Sohu)

Li cho rằng cá mập có thị lực kém và có thể đã nhầm cánh tay đang run rẩy của cô là thức ăn dành cho nó; hoặc có thể nó sợ hãi nên đã ngoạm tay cô. Khi tay mình lọt vào miệng cá mập, Li phản ứng rất nhanh, dùng tay còn lại đánh vào mắt, mũi, đầu và những bộ phận nhạy cảm khác của nó.

Sau khi cá mập buông Li ra, cô nhanh chóng vào bờ, nhưng vết thương trên tay cô sâu đến mức lộ cả xương. Cô gái đã trải qua ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ và phải khâu hơn 100 mũi. Mặc dù tính mạng không bị đe dọa nhưng động mạch quay, tĩnh mạch quay và gân tay của cô đều bị đứt. Li được xác định khuyết tật cấp độ 10.

Do không đạt được thỏa thuận về bồi thường, cô Li kiện thủy cung Wuxi Sunac Sea World ra tòa. Trong phiên xử mới đây, Tòa án Nhân dân quận Binhu, thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô phán quyết rằng đơn vị điều hành, quản lý, tổ chức hoạt động lặn ở thủy cung đã không thực hiện nghĩa vụ an toàn của mình, gây thiệt hại cho người khác, do đó phải chịu 70% trách nhiệm.

Còn cô Li, với tư cách là thợ lặn có chứng chỉ lặn, đã không chú ý quan sát tình hình xung quanh và không thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn hợp lý. Do đó, cô cũng có lỗi và phải chịu 30% trách nhiệm.

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!