Tìm con bị bắt cóc suốt 22 năm, nhưng nhận "block" khi gặp mặt
Người cha tìm con suốt 22 năm bị chặn liên lạc vì kỳ vọng quá lớn và mong muốn đoàn tụ quá vội vàng.
Báo Dân Việt ngày 23/04 đưa thông tin với tiêu đề: "Tìm con bị bắt cóc suốt 22 năm, nhưng nhận "block" khi gặp mặt" cùng nội dung như sau:
Hành trình không mệt mỏi tìm lại đứa con bị bắt cóc
Vào năm 2001, ông Lei Wuze cùng vợ sống tại một trạm trung chuyển hàng hóa ở thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Khi ấy, gia đình tuy không khá giả nhưng vẫn hạnh phúc. Bi kịch xảy ra khi con trai ba tuổi của họ, Lei Chuanchuan, bị một người lạ mặt bắt cóc trong chuyến đi cùng hàng xóm.
Sau vụ việc, ông Lei và vợ lập tức bắt đầu hành trình tìm kiếm con kéo dài 22 năm. Họ đi khắp Trung Quốc, liên hệ với hơn 300 cảnh sát, ghi chép hơn 2.000 đầu mối trong một cuốn sổ tay. Để có tiền trang trải hành trình, ông Lei bán rượu và phần mềm, treo thưởng 250.000 nhân dân tệ, đồng thời tiêu tốn hơn một triệu nhân dân tệ cho công cuộc tìm kiếm.
Câu chuyện của ông Lei thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, giúp ông có 150.000 người theo dõi. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng làm phim tài liệu về hành trình của ông. Đến tháng 6/2023, cảnh sát thông báo đã tìm thấy Lei Chuanchuan tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Chuanchuan đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc trong lĩnh vực tiếp thị.
Kẻ bắt cóc tên Wang Haowen bị kết án tử hình vì buôn bán 11 trẻ em, trong đó có Chuanchuan. Sau khi xác nhận danh tính, ông Lei dự định tổ chức buổi đoàn tụ, nhưng Chuanchuan từ chối xuất hiện trước công chúng. Gia đình ông Lei đến tận Thâm Quyến mong gặp con, nhưng vẫn bị khước từ. Cuối cùng, họ chỉ có thể gặp lại tại đồn cảnh sát.
Dù đã đoàn tụ, Chuanchuan vẫn từ chối trở về Hồ Nam. Ông Lei chia sẻ trên mạng xã hội rằng con trai ông được nuôi dưỡng trong một gia đình giàu có, từng sống với cha nuôi trước khi ông này qua đời, và sau đó do ông bà nuôi tiếp. Ông Lei cho biết ông hiểu cần thêm thời gian để con trai gắn kết lại, nhưng ông vẫn hy vọng: “Hãy để Chuanchuan biết về tuổi thơ của mình, quê hương của mình và hành trình tìm kiếm của chúng tôi. Rồi con sẽ trở về.”
Không "đòi lại" được con
Ban đầu, ông Lei và Chuanchuan giữ liên lạc qua mạng. Tuy nhiên, sự khác biệt trong quan điểm sống khiến mối quan hệ nhanh chóng rạn nứt. Ông Lei mong muốn Chuanchuan gọi ông là “cha”, đọc những cuốn sách ông gửi và chia sẻ suy nghĩ về chúng. Đồng thời, ông nhiều lần yêu cầu con rời Thâm Quyến để về sống cùng gia đình ruột tại Hồ Nam. Chuanchuan giải thích rằng công việc, bạn bè và cuộc sống của anh đều gắn bó với Thâm Quyến, anh không thể từ bỏ tất cả để trở về.
Trước sự im lặng và phản ứng lạnh nhạt của con trai, ông Lei tỏ rõ sự thất vọng. Ông nói: “Em gái con bị bệnh, con không hỏi han. Cha phẫu thuật, ba ngày con không đoái hoài. Gia đình này đã làm gì sai?” Ông cũng đặt câu hỏi về tình cảm của con trai với gia đình nuôi: “Con có bị mê mẩn cuộc sống giàu sang không? Có nhất thiết phải đối xử lạnh nhạt như thế với chúng ta không?”
Đến tháng 3 năm ngoái, Chuanchuan đã chặn liên lạc với ông Lei và không còn trả lời tin nhắn. Trên mạng xã hội, vào sinh nhật con trai ngày 10/04, ông Lei đăng video xin lỗi: “Cha xin lỗi vì đã yêu con quá ngột ngạt. Cha sẽ không ép con nữa cho đến khi con chủ động quay lại. Chúc mừng sinh nhật, con trai.”
Ông cũng khẳng định không còn oán giận gia đình nuôi: “Định mệnh đã kết nối hai gia đình chúng tôi theo một cách đặc biệt.” Hiện tại, hai cha con đã nối lại liên lạc trên mạng xã hội. Ông Lei đang bán thực phẩm qua hình thức livestream để cải thiện kinh tế, với mong muốn thu hẹp khoảng cách với gia đình nuôi của Chuanchuan.
Câu chuyện của ông Lei thu hút sự chú ý lớn từ dư luận Trung Quốc. Nhiều người bày tỏ sự cảm thông với ông. Một người viết: “Mong mọi người hiểu cho người cha này. Ông ấy đã chịu đựng rất nhiều và đang học cách yêu con đúng cách.” Tuy nhiên, cũng có người nhìn từ góc độ của Chuanchuan: “Sau hơn 20 năm, đột nhiên một ‘người lạ’ xuất hiện, nhận là cha ruột rồi công khai gây áp lực. Đó là một dạng bắt cóc đạo đức.” Một ý kiến khác cho rằng: “Tình yêu thực sự là khi ta tôn trọng tuyệt đối mong muốn của con.”
Cùng ngày, báo VnExpress cũng có bài đăng với thông tin: "Tìm được con bị bắt cóc sau 22 năm nhưng bị từ chối". Nội dung được báo đưa như sau:
Suốt 22 năm sau, ông rong ruổi khắp Trung Quốc, tiêu hết một triệu tệ, liên hệ với hơn 300 cảnh sát và ghi chép hơn 2.000 đầu mối để tìm con.
Ông chia sẻ hành trình của mình lên mạng, thu hút 150.000 người theo dõi và được đài truyền hình trung ương CCTV làm thành phim tài liệu.
Tháng 6/2023, cảnh sát tìm thấy con trai ông, người được đặt tên là Chuanchuan, giờ là một nhân viên marketing sống tại Thâm Quyến. Kẻ bắt cóc Wang Haowen bị kết án tử hình vì buôn bán 11 trẻ em.
Nhưng cuộc đoàn tụ mang đến cho Lei một nỗi đau khác. Chuanchuan từ chối gặp công khai, chỉ đồng ý nói chuyện với bố mẹ ruột tại đồn cảnh sát.
Thanh niên này không muốn rời Thâm Quyến về sống ở Hồ Nam, vì còn công việc và bạn bè ở đây. Ông Lei mong con trai gọi mình là "bố", trở về sống cùng, nhưng liên tục bị từ chối.
Người cha thất vọng. "Em gái ốm, con chẳng hỏi han. Bố phẫu thuật, ba ngày sau con vẫn im lặng. Con bị hút về gia đình giàu có đến mức ấy sao?", ông than thở trên mạng.
Tháng 3/2024, Chuanchuan đã chặn liên lạc với gia đình ruột.
Ngày 10/4 vừa qua, vào sinh nhật con trai, ông Lei đăng video lên mạng. "Bố xin lỗi vì làm con ngột ngạt. Bố sẽ không gây áp lực nữa, cho đến khi con muốn quay về. Chúc mừng sinh nhật con trai!".
Hiện hai cha con đã kết nối lại trên mạng xã hội, nhưng tình cảm vẫn chưa được hàn gắn. "Tôi chỉ mong con biết về quê hương, tuổi thơ và hành trình chúng tôi đã trải qua. Rồi con sẽ quay về", ông viết.
Cha mẹ nuôi của Chuan rất giàu có và chiều chuộng cậu. Ông Lei hiện làm livestream buôn bán, hy vọng sẽ rút bớt khoảng cách kinh tế với gia đình nuôi.
Câu chuyện của ông Lei đang gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội. "Hy vọng mọi người có thể hiểu cho người cha này. Sau từng ấy đau khổ, ông đang học cách yêu con", một người bình luận.
"Từ góc độ của người con, sau 20 năm bỗng một người nhận là cha ruột và gây ồn ào công khai quả thật đáng sợ, gần như một dạng bắt cóc đạo đức", một người khác nói.