Đêm ám ảnh của người mẹ khi con nguy kịch vì thuốc nhỏ mũi

Đây chính là cách né nồm, tránh nồm rẻ nhất hiệu quả nhất miền Bắc!

Bé trai 3 tuổi ở TP.HCM nguy kịch sau khi uống nhầm thuốc nhỏ mũi chứa naphazolin, hoạt chất chống chỉ định cho trẻ em.

Báo VTC News ngày 5/04/2025 đưa thông tin với tiêu đề: "Đêm ám ảnh của người mẹ khi con nguy kịch vì thuốc nhỏ mũi" cùng nội dung như sau:

Chị B.T, mẹ của bé vẫn còn ám ảnh khi kể lại “đêm kinh hoàng” vừa qua. Tối hôm đó, như thường lệ, hai bé sinh đôi của chị chơi đùa cùng nhau sau giờ tan học. Đến khoảng 18h30, ông nội phát hiện một trong hai bé cầm trên tay chai thuốc nhỏ mũi dùng dở, các bé đều nói “không uống”.

Đến 20h, bé trai có dấu hiệu bất thường như môi nhợt nhạt, da lạnh, thân nhiệt xuống thấp, liên tục gục đầu muốn ngủ dù trước đó vẫn rất hiếu động. Lúc bé nhắm mắt, mắt chuyển động bất thường, đồng tử giãn sang hai bên.

Lúc này bé mới thú nhận đã uống thuốc nhỏ mũi. Cả hai vợ chồng tức tốc đưa con đến bệnh viện gần nhà. Khi đến nơi, nhịp tim của bé chỉ còn 62 lần mỗi phút, thân nhiệt hạ xuống 35,5 độ C – trong khi trẻ ở độ tuổi này thường có nhịp tim từ 90 đến 120.

Lọ thuốc nhỏ mũi trẻ uống nhầm. (Ảnh: GĐCC)

Bác sĩ xác định bé bị ngộ độc naphazolin - hoạt chất thường có trong các loại thuốc nhỏ mũi dùng cho người lớn và chống chỉ định cho trẻ em dưới 15 tuổi. Naphazolin có thể gây co mạch mạnh, dẫn đến giảm thân nhiệt, ức chế thần kinh và tim mạch. Ở trẻ nhỏ, chỉ cần uống một lượng nhỏ cũng có thể dẫn đến hôn mê hoặc bất tỉnh.

Bé được đưa vào cấp cứu, thở oxy, truyền dịch và súc ruột để làm loãng nồng độ độc chất trong máu.

Do không có thuốc giải độc đặc hiệu cho naphazolin, các bác sĩ phải theo dõi sát và hỗ trợ đào thải qua đường tiểu, mồ hôi. Cả đêm đó, vợ chồng chị T. chỉ biết cầu nguyện.

Rạng sáng, nhịp tim bé dần ổn định trở lại ở mức 80–90, chỉ số oxy máu cải thiện. Các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan thận, điện tim và siêu âm tim sau đó đều cho kết quả tốt. Hơn một ngày theo dõi, bé được xuất viện, hiện ăn uống và vui chơi bình thường.

Chị T. chia sẻ sự việc như một lời cảnh báo đến các gia đình có con nhỏ - tuyệt đối không để thuốc trong tầm với của trẻ.

Tại bệnh viện, nhịp tim của bé chỉ còn 62 lần mỗi phút, thân nhiệt hạ xuống 35,5 độ C. (Ảnh: GĐCC)

Trẻ có thể ngừng thở vì thuốc nhỏ mũi Naphazolin

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ ông từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ cấp cứu vì ngộ độc thuốc nhỏ mũi. Nguyên nhân chủ yếu do cha mẹ tự ý mua thuốc về dùng, sử dụng sai loại hoặc quá liều, trong khi việc mua bán thuốc hiện nay quá dễ dãi.

Một trong những loại thuốc thường bị lạm dụng là Naphazolin. Đây là dược chất có tác dụng nhanh và kéo dài trong điều trị nghẹt mũi, thường được chỉ định trong các trường hợp viêm mũi cấp, mạn tính, viêm xoang dị ứng hoặc cảm lạnh.

Nhỏ vào mũi, thuốc gây co mạch tại chỗ, làm giảm sung huyết, giúp người bệnh dễ thở hơn. Tác dụng của thuốc thường bắt đầu trong vòng 10 phút và có thể kéo dài từ 2 đến 6 giờ.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh vì thấy hiệu quả tức thời nên nhỏ thuốc liên tục cho trẻ, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Việc lạm dụng Naphazolin không những làm mất tác dụng điều trị, mà còn gây tình trạng “sung huyết hồi phát”, tức sung huyết trở lại mạnh hơn khiến trẻ càng nghẹt mũi nặng.

Naphazolin nếu dùng sai còn ảnh hưởng đến toàn thân. Trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, vã mồ hôi, hồi hộp, run rẩy, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh. Trong một số trường hợp nặng, trẻ có thể bị co giật, xuất huyết não, thở chậm hoặc ngừng thở, đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Thuốc nhỏ mũi chứa Naphazolin không được sử dụng cho trẻ dưới 5 tuổi. Với trẻ trên 5 tuổi, chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết và theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc cũng không được sử dụng liên tục và nhiều lần trong ngày. Nếu sau ba ngày dùng thuốc mà tình trạng không cải thiện, phụ huynh nên dừng lại và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám.

“Phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ. Việc dùng thuốc cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm”, ông nhấn mạnh.

Trước đó, báo Dân trí ngày 28/08/2023 cũng có bài đăng với thông tin: "Mối nguy chết người vì loại thuốc nhỏ mũi nhầm tưởng vô hại". Nội dung được báo đưa như sau:

Suy tuyến thượng thận vì dùng thuốc nhỏ mũi suốt 3 năm

Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận hai ca bệnh là anh em trai ruột, một trẻ 15 tuổi, một trẻ 11 tuổi đến khám, được chẩn đoán suy thượng thận do dùng thuốc xịt mũi có thành phần chứa corticoid.

Bác sĩ cảnh báo, bất kể thuốc nào chứa corticoid đều có nguy cơ gây hại nếu lạm dụng, sử dụng bừa bãi. Từ uống, bôi da đến nhỏ mắt, nếu dùng kéo dài đều có nguy cơ (Ảnh: Getty).

Người nhà bệnh nhân cho biết, cả 2 bé đều bị viêm mũi dị ứng. Khi sử dụng thuốc xịt corticoid thì đỡ hẳn, giảm tình trạng chảy mũi, hắt hơi, ngạt mũi.

Vì thế, suốt 3 năm qua, 2 bé sử dụng thuốc xịt mũi thường xuyên. Lọ thuốc xịt lúc nào 2 bé cũng mang bên người, cứ thấy khịt khịt mũi là 2 bé lại lấy ra xịt.

Cả nhà không ai nghĩ đến nguy cơ của thuốc xịt, nhỏ mũi bởi nghĩ lượng rất nhỏ. Nếu dạng giọt thì nhỏ 1-2 giọt mỗi bên, dạng xịt mỗi bên một nhát, nên không ai nghĩ gây hại.

Thấy 2 con ngày càng béo hơn nên gia đình đưa đi khám dinh dưỡng. 10 ngày trước khi đến Bệnh viện Nội tiết khám, 2 bé đi khám dinh dưỡng trong tình trạng béo phì. Người anh chỉ số BMI ở mức 36,22 và người em có chỉ số BMI là 32,1.

Với chỉ số này, bác sĩ dinh dưỡng nhận định 2 bé bị béo phì nghiêm trọng. Đáng nói, cả 2 anh em đều có gương mặt tròn, rậm lông, làn da mỏng, rạn da bụng và đùi màu tím đỏ, phù hai chi dưới, kết quả xét nghiệm cortisol máu thấp, bác sĩ dinh dưỡng khuyên ngừng thuốc xịt mũi.

Sau khi ngừng thuốc, người bệnh xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, chướng bụng, được gia đình đưa đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám.

Cả hai bệnh nhân đều được chẩn đoán mắc hội chứng Cushing (suy thượng thận). Đây là bệnh lý nội tiết khá thường gặp trong lâm sàng do lạm dụng corticoid, từ đó gây tích tụ mỡ ở những vị trí đặc biệt như ở mặt, hay còn gọi là "mặt tròn như mặt trăng"...

Trước đó, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng tiếp nhận điều trị trường hợp nam bệnh nhân 24 tuổi ở Hà Nội mắc hội chứng này.

Bệnh nhân vốn vào viện để phẫu thuật cuốn mũi dưới, bác sĩ phát hiện bất thường như rậm lông, mặt tròn đỏ, da mỏng, nhiều vết rạn da, yếu và giảm khối lượng cơ.  Kết quả chẩn đoán sau đó cho thấy mắc hội chứng Cushing.

Chàng trai 24 tuổi cho biết bị chứng ngạt mũi kinh niên. Khoảng 10 năm nay, bệnh nhân bị tình trạng ngạt mũi trầm trọng, luôn phải thở bằng miệng. Vì thế, trong túi bệnh nhân lúc nào cũng có sẵn các loại thuốc xịt mũi chữa ngạt.

"Mình nghĩ xịt mũi là bình thường, không gây hại gì nên cứ thấy khó chịu là dùng, và dùng kéo dài 10 năm nay, trong đó 5 năm gần đây là dùng liên tục", nam bệnh nhân cho biết cho biết.

Xịt, nhỏ corticoid: Nhiều nguy cơ

Bệnh nhân sau đó được hoãn phẫu thuật để điều trị bệnh lý nội tiết suy thượng thận thứ phát.

BS chuyên khoa nội tiết Lưu Thúy Quỳnh cho biết, suy thượng thận thứ phát do thuốc là tình trạng giảm tiết cortisol của tuyến thượng thận do sự ức chế từ nồng độ corticoid cao quá mức cho phép trong máu trong một thời gian dài.

"Việc sử dụng tràn lan các sản phẩm thuốc chứa corticoid như thuốc tân dược, thuốc hít, thuốc xịt và đặc biệt là các thuốc trộn, thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc… là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng này", BS Quỳnh cho biết.

Trong đó, với thuốc nhỏ mũi mọi người hay chủ quan nhất vì nghĩ chỉ dùng một lượng nhỏ để xịt, nhỏ, bôi... không trực tiếp uống vào người nên lành tính, không nguy hiểm.

Bệnh lý suy tuyến thượng rất nguy hiểm, việc  ngừng thuốc đột ngột có thể dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch thậm chí tử vong.

Bác sĩ khuyến cáo, tất cả các loại thuốc uống, thuốc bôi, thuốc xịt chứa corticoid đều phải sử dụng thận trọng, có chỉ định chặt chẽ của thầy thuốc, dùng theo đúng đơn, không tự ý tăng liều, dùng kéo dài. Bởi dùng quá liều corticoid, dùng kéo dài có thể gây hội chứng suy thượng thận nguy hiểm

Corticoid là chất nếu sử dụng nhiều sẽ gây rối loạn chuyển hóa, tích nước, teo tuyến thượng thận, teo cơ, đái tháo đường, loãng xương, nguy cơ huyết khối, khi sử dụng cần chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc.

Các thuốc không được bác sĩ kê toa (kể cả thuốc đông y) trong điều trị các bệnh lý xương khớp, hoặc thuốc trị cảm ho, sổ mũi, viêm xoang… có tác dụng kháng viêm, giảm đau mạnh đều có nguồn gốc từ corticoid.

Do đó, nếu bệnh nhân tự ý mua về dùng một cách tùy tiện không theo sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ sẽ gây hậu quả nguy hiểm.

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!