Giá vàng tăng mạnh, vì sao mua vàng nhẫn lãi hơn vàng miếng

Giá vàng vừa trải qua tuần tăng bứt phá. Tuy nhiên người mua vàng miếng SJC thua lỗ, trong khi đầu tư vàng nhẫn trơn lại lãi đậm.

Báo Lao Động ngày 20/10 đưa thông tin với tiêu đề: "Giá vàng tăng mạnh, vì sao mua vàng nhẫn lãi hơn vàng miếng" cùng nội dung như sau:

Chốt phiên giao dịch tuần trước (13.10.2024), Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 82,5 - 84,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Trong khi đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 82,5 - 84,5 đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 82,55 - 83,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 81,6 - 83 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Đến phiên hôm nay (20.10), vàng ồ ạt tăng giá. Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 84-86 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với chốt phiên giao dịch tuần trước, giá vàng tại DOJI tăng 1,5 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra.

Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 84-86 đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với chốt phiên giao dịch tuần trước, giá vàng tại Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC tăng 1,5 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI hôm nay (20.10) niêm yết ở ngưỡng 84,7-85,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); tăng 2,15 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 2,25 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch tuần trước.

Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 84,68-85,68 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); tăng 2,16 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 2,26 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch tuần trước.

Như vậy sau một tuần mua vào, người mua vàng miếng SJC tại DOJI và Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC cùng thua lỗ 500.000 đồng/lượng.

Người mua vàng nhẫn trơn tại DOJI, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn thu về khoản lãi lần lượt là 1,25 triệu đồng/lượng và 1,26 triệu đồng/lượng.

Có sự chênh lệch lớn về mức lãi trên đến từ hai nguyên nhân. Thứ nhất giá vàng nhẫn trơn tuần qua tăng cao hơn khá nhiều so với vàng miếng SJC. Nguyên nhân thứ hai đến từ chênh lệch mua vào - bán ra của hai mặt hàng này.

Trong khi vàng miếng SJC đang được các đơn vị kinh doanh niêm yết chênh lệch ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng, thì mức chênh vàng nhẫn trơn chỉ khoảng 1 triệu đồng/lượng.

Có thể hiểu, khi mua vàng miếng SJC tại DOJI vào ngày 13.10, nhà đầu tư cần chờ giá vàng tăng trên 2 triệu đồng/lượng để có lãi. Trong khi đó khi mua vàng nhẫn tại đây, giá chỉ cần tăng trên 900.000 đồng/lượng nhà đầu tư đã bắt đầu có lãi.

Nhiều phiên gần đây, giá vàng miếng SJC diễn biến khó đoán. Trong khi đó, giá vàng nhẫn trơn bám khá sát diễn biến thị trường thế giới. Trong bối cảnh nhiều cửa hàng dừng bán vàng miếng SJC, nhà đầu tư đang đổ xô mua vàng nhẫn trơn.

Tuy nhiên theo ghi nhận của PV Lao Động tại Hà Nội trong nhiều phiên giao dịch gần đây, việc mua vàng nhẫn trơn cũng rất khó khăn khi các cửa hàng bán ra nhỏ giọt, vào khung giờ không cố định.

Tiếp đến, báo Thanh Niên ngày 22/10 cũng có bài đăng với thông tin: "Giá vàng hôm nay 22.10.2024: Vàng miếng SJC tiếp tục tăng thêm 1 triệu đồng/lượng". Nội dung được báo đưa như sau:

Giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng thêm 1 triệu đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào lên 87 triệu đồng, bán ra 89 triệu đồng. Các đơn vị kinh doanh vàng khác vẫn không thay đổi giá vàng miếng khi mua vào ở mức 86 triệu đồng, bán ra 88 triệu đồng. Vàng miếng SJC còn cách mức giá cao kỷ lục 92,4 triệu đồng/lượng là 3,4 triệu đồng. Như vậy, chỉ trong 2 ngày qua, giá vàng miếng SJC đã tăng 3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn không biến động sau khi tăng lên mức cao kỷ lục. Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vào 85,8 triệu đồng, bán ra 86,75 triệu đồng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào với giá 85,1 triệu đồng, bán ra 86,5 triệu đồng…

Giá vàng miếng SJC tăng trước sự đảo chiều đi xuống của kim loại quý trên thị trường quốc tế, giảm mạnh xuống 2.725 USD/ounce sau khi tăng lên mức giá kỷ lục ở gần 2.740 USD/ounce. Nguyên nhân đợt giảm giá của kim loại quý đến từ chỉ số USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Hoạt động chốt lời từ các nhà giao dịch tương lai ngắn hạn diễn ra. Sự biến động của vàng gần đây khi Nga tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRIC, có sự tham dự của Trung Quốc và các quan chức của các quốc gia đang phát triển khác. 

Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin muốn có một hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu mới để chống lại sự thống trị của USD đối với dự trữ ngoại hối toàn cầu. Khoảng 58% tiền tệ dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương hiện đang ở dạng tài sản được định giá bằng USD. Vàng sẽ được hưởng lợi từ việc "phi đô la hóa" nhiều hơn của BRICS và các quốc gia khác. Ngoài ra, Trung Quốc vừa công bố mức cắt giảm lãi suất thêm 0,25%/năm nhằm kích thích kinh tế. Theo đó, lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25%, từ 3,35% xuống 3,1%, trong khi LPR kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.