Đề xuất 6 trường hợp nhà giáo được hưởng lương và phụ cấp cao hơn

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu tại Tờ trình 656/TTr-CP của Chính phủ về Dự án Luật Nhà giáo.

Báo Luật Việt Nam ngày 19/10 đưa thông tin với tiêu đề: "Đề xuất 6 trường hợp nhà giáo được hưởng lương và phụ cấp cao hơn" cùng nội dung như sau:

Theo nội dung tại Tờ trình 656/TTr-CP chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà giáo được hưởng:

  • Phụ cấp ưu đãi nghề
  • Các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật
  • Tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Đề xuất 6 trường hợp nhà giáo được hưởng lương và phụ cấp cao hơn
Đề xuất 6 trường hợp nhà giáo được hưởng lương và phụ cấp cao hơn (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, đề xuất 06 trường hợp nhà giáo được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác, gồm:

(1) Nhà giáo cấp học mầm non;

(2) Nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo;

(3) Nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác;

(4) Nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập;

(5) Nhà giáo là người dân tộc thiểu số;

(6) Nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù.

Ngoài ra, nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. 

Các trường hợp nhà giáo được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác (về chỗ ở tập thể hoặc thuê nhà công vụ, được thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định...) gồm:

- Nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập;

- Nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số;

- Nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số;

- Nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.

Tiếp đến, báo Lao Động ngày 20/10 cũng có bài đăng với thông tin: "Bộ GDĐT nói về cách tính phụ cấp thâm niên nhà giáo". Nội dung được báo đưa như sau:

Ông Nguyễn Văn Tịnh trúng tuyển viên chức ngành Giáo dục tháng 12.2019. Ông Tịnh hỏi: "Theo quy định về phụ cấp thâm niên thì có cần đủ thời gian 5 năm vào biên chế không? Giáo viên hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội đủ 5 năm có được hưởng phụ cấp thâm niên không?".

Trả lời câu hỏi của ông Tịnh trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:

Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 1.8.2021 của Chính phủ. Nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Ông Nguyễn Văn Tịnh trúng tuyển viên chức ngành Giáo dục vào tháng 12.2019. Như vậy, khi được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp cấp học, nếu đủ thời gian 60 tháng (5 năm) đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc thì ông được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.