Sinh con rồi bỏ lại bệnh viện Từ Dũ, 26 năm sau người con tìm về, nói những điều khiến bố mẹ lặng đi

Sau khi sinh xong, bà Sương rời đi mà chưa từng gặp mặt đứa con mình dứt ruột đẻ ra.

Ngày 4/12/2024 Báo Đời Sống và Pháp Luật đưa tin "Sinh con rồi bỏ lại bệnh viện Từ Dũ, 26 năm sau người con tìm về, nói những điều khiến bố mẹ lặng đi", cụ thể thông tin như sau:

Chàng trai có tên tiếng Việt là Phan Thái Hòa (người Bỉ gốc Việt) chào đời ngày 19/1/1998 tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Hòa bị mẹ bỏ lại bệnh viện, sau đó được đưa sang cô nhi viện ở Gò Vấp rồi trở thành con nuôi của một đôi vợ chồng người Bỉ.

Ở đất nước chocolate, đứa trẻ gốc Việt đã có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, ổn định, được gia đình hết mực yêu thương. Chàng trai sớm biết mình là con nuôi của bố mẹ và có mong muốn đi tìm nguồn cội từ lâu. Tuy nhiên phải đến tuổi trưởng thành, anh mới đủ điều kiện làm điều đó. Mong muốn của Hòa được bố mẹ nuôi ủng hộ. Năm 2022, anh đã về Việt Nam thăm lại bệnh viện Từ Dũ và cô nhi viện ở Gò Vấp.

Trong giấy tờ, Hòa được biết mẹ ruột tên là Phan Thị Tuyết Sương, ngoài ra không rõ nghề nghiệp, quê quán. Thời điểm sinh con rồi bỏ lại bệnh viện, bà Sương 35 tuổi. 

Bà Sương kể lại câu chuyện thời khó khăn, phải bỏ con lại bệnh viện sau khi sinh nở vì không có tiền nộp viện phí.

Mặc dù thông tin khá ít ỏi song chỉ một tuần sau khi câu chuyện của chàng trai được chia sẻ qua một kênh tìm kiếm người thân, người hàng xóm của gia đình bà Phan Thị Tuyết Sương đã xem và báo tin cho bà.

Nghe tin, bà Sương cùng chồng là ông Búc vô cùng phấn khởi. Họ bày tỏ bao năm qua rất thương nhớ người con thất lạc nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh, không biết tìm con ở nơi nào. Gia đình bà Sương hiện đang sống ở xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Xen lẫn những giọt nước mắt đầy xúc động, bà Sương kể năm 1998 bà mang thai người con út. Khi đó, vợ chồng bà đã có 4 người con trai, 1 người con gái, hoàn cảnh rất khó khăn, ngặt nghèo.

Lúc chuyển dạ, bà Sương đi khám ở trạm xá thì bà đỡ nói: “Thấy có 2 cái đầu”, người phụ càng thêm sợ hãi vì nghĩ rằng mình mang thai đôi. Lúc này, bà Sương vay mượn được 150 nghìn đồng để lên Bệnh viện Từ Dũ sinh nở. Tại đây, bà sinh một bé trai bằng phương pháp sinh mổ. Sau khi sinh xong, hai mẹ con cách ly, không nằm chung với nhau nên bà Sương chưa từng gặp con.

Hòa trò chuyện với vợ chồng ông Búc, bà Sương.

“Vì không có tiền trả viện phí nên tôi đành để cháu lại rồi đi về. Khi về nhà, các anh chị của cháu cứ hỏi: “Em bé đâu rồi?” mà tôi không biết trả lời làm sao, chỉ biết khóc”, người mẹ gạt nước mắt kể.

Khi để con lại bệnh viện, bà Sương hoàn toàn không biết số phận sau đó của đứa trẻ sẽ ra sao. Đôi vợ chồng ngoài 60 tuổi đều bộc bạch bao năm qua họ nhớ và muốn tìm con nhưng lực bất tòng tâm. Giờ đây nhìn thấy người có khả năng cao là đứa con thất lạc của mình tìm về, ông bà vừa mừng vừa xúc động.

“Bố mẹ xin lỗi vì đã không nuôi được con. Gặp lại con, nhìn con khỏe mạnh, trưởng thành, bố mẹ rất mừng. Mong con tha thứ cho bố mẹ”, bà Sương, ông Búc nói.

"Cảm ơn bố mẹ vi đã cho con đi"

Về phía mình, Hòa cũng bộc bạch bản thân rất vui khi có cơ hội được gặp lại cha mẹ. Chàng trai chia sẻ suy nghĩ: “Con không trách vì hiểu nỗi lòng của bố mẹ. Cảm ơn bố mẹ đã hy sinh để cho con đi. Khi sang Bỉ, con được phát hiện mắc bệnh thận rất nặng, chữa trị suốt mười mấy năm trời, đến năm 13-14 tuổi mới khỏi. Nếu ở Việt Nam thì chưa chắc đã có cơ hội chữa trị.

Khi qua đây sống, con có được tình yêu thương của cha mẹ nuôi. Bây giờ tìm được nguồn cội, con rất vui mừng và mong được gặp trực tiếp bố mẹ để nói lời cảm ơn vì bố mẹ đã cho con hình hài này”. Những chia sẻ của chàng trai khiến bà Sương, ông Búc lặng đi vì xúc động.

Vợ chồng ông Búc, bà Sương gửi lời xin lỗi vì đã không nuôi được con.

Hòa hỏi thăm về sức khỏe, cuộc sống của bố mẹ, các anh chị em trong gia đình và rất vui khi tất cả đều mạnh khỏe. Anh nhắn nhủ bố mẹ nếu có khó khăn thì cứ chia sẻ, nếu có thể giúp được gì thì sẽ giúp.

Vợ chồng bà Sương nhờ Hòa gửi lời cảm ơn đến bố mẹ nuôi vì đã nuôi dưỡng chàng trai trưởng thành như ngày hôm nay. Hòa cũng kể rằng bố mẹ nuôi rất muốn gặp bố mẹ ruột của anh để cảm ơn vì đã cho họ một người con tuyệt vời. 

Hòa thấy mình rất giống bố và vợ chồng bà Sương cũng cùng suy nghĩ. Tuy nhiên, hai bên thống nhất sẽ làm xét nghiệm ADN để chứng minh huyết thống một cách chắc chắn.

Hòa dự định khoảng 2-3 tháng nữa sẽ về Việt Nam. Chàng trai 26 tuổi nhắn nhủ bố mẹ ăn uống đầy đủ, giữ gìn sức khỏe và mong sớm đến ngày đoàn tụ.

Báo Người Đưa Tin cũng đã từng đăng tải bài báo "Đứa trẻ bị bỏ rơi lớn lên lương chục tỷ/năm, bố mẹ đẻ đòi nhận con phải nghe câu từ chối thấm thía" với nội dung như sau:

Mỗi đứa con sinh ra đều là một báu vật trong mắt cha mẹ của chúng, nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết trân trọng khúc ruột của mình, từng có rất nhiều mảnh đời con trẻ bơ vơ sau khi chào đời vì bố mẹ bỏ rơi, không nhìn nhận. Cô gái Tiêu Linh Linh dưới đây cũng có mảnh đời bất hạnh như vậy, nhưng cô may mắn hơn nhiều người là được cặp vợ chồng nghèo nhận nuôi, cho ăn học tử tế, thành người có tiền đồ sự nghiệp.

Câu chuyện là bài học về lòng hiếu thảo và lời nhắn nhủ cho những bố mẹ vứt bỏ con cái.

Đứa trẻ sơ sinh bị bố mẹ bỏ lại ở bụi cỏ ven đường

Cuộc đời của Tiêu Linh Linh bén rễ từ cặp vợ chồng nghèo họ Tiêu. Trong khi ông Tiêu là công nhân nghèo ở một nhà máy Hồ Bắc thì bà Tiêu lại mắc bệnh mãn tính, phải uống thuốc quanh năm nên không thể có con. Bà Tiêu nhiều lần thương chồng, hiểu tình cảnh của mình nên đã đề nghị chồng lấy vợ mới, sinh con nối dõi tông đường. Nhưng đáp lại, ông Tiêu một lòng săn sóc vợ, không hề nghĩ đến chuyện con cái, chỉ mong vợ mạnh khỏe, không phải lo nghĩ.

Dự định ở vậy, không con cả đời của ông Tiêu đã thay đổi vào một ngày mùa đông cách đây 27 năm, trên đường đi khám bệnh về, ông và bà đã nhặt được một đứa bé ở bãi cỏ vắng người, gần cổng bệnh viện. Cả hai sau đó đã quay lại bệnh viện để tìm bố mẹ của đứa trẻ nhưng vô ích, họ quyết định làm thủ tục nhận nuôi, đặt tên là Tiêu Linh Linh coi như món quà của ông trời ban tặng.

Cha mẹ ruột nhẫn tâm bỏ lại bé gái bên ngoài cổng bệnh viện

Sự xuất hiện của đứa trẻ khiến cuộc đời của cặp vợ chồng hiếm muộn hạnh phúc nghẹn ngào, cả hai chứng kiến con gái tập bò, tập đi bi bô mỗi ngày. Dù hoàn cảnh nghèo khó nhưng ông Tiêu ra sức làm lụng lấy tiền thuốc thang cho vợ, tiền học hành cho con gái. Đáp lại tình cảm của bố mẹ nuôi, Linh Linh càng lớn càng ngoan ngoãn, học giỏi và vô cùng hiểu chuyện.

Bố mẹ nghèo nuôi con thành tiến sĩ, lương chục tỷ

Bức tường trong căn nhà lụp xụp của cặp vợ chồng treo đầy giấy khen của Linh Linh, cô bé luôn đứng đầu lớp với thành tích xuất sắc. Những lúc tan học, Linh Linh giúp mẹ làm việc nhà, nấu cơm, chăm sóc cho người mẹ già đau ốm. Bà Tiêu nhìn con gái trưởng thành, dù không phải máu mủ nhưng cũng mãn nguyện vì con.

Cuộc sống bình yên chỉ kéo dài đến khi Linh Linh học năm thứ 3 trung học phổ thông, bà Tiêu ngày càng già yếu, tình trạng bệnh không được cải thiện, bà qua đời với nỗi lòng nặng trĩu. Trước lúc ra đi, bà Tiêu đã nói với chồng, hãy nói hết tất cả sự thật cho Tiêu Linh Linh, mong muốn con được biết mọi việc, có thể tự quyết định việc có trở về với bố mẹ đẻ mình hay không.

Cặp vợ chồng nghèo hết lòng nuôi dưỡng con gái nhỏ

Linh Linh đã được biết mọi chuyện, cô bé hiểu chuyện òa khóc nói với vợ chồng ông Tiêu, "Từ lúc bố mẹ đưa con về nhà, bố mẹ đã là bố mẹ ruột của con rồi, con sẽ mãi mãi là con gái của bố mẹ". Bà Tiêu mãn nguyện nhắm mắt qua đời, Linh Linh nén đau học tập chăm chỉ hơn, cô bé sau này đã thi đỗ vào một trường đại học có tiếng ở Trung Quốc.

Nỗ lực của Linh Linh chính là để báo đáp lại công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ nuôi. Cô bé vừa học đại học vừa chăm chỉ làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống, đỡ đần cha nghèo. Sau khi tốt nghiệp ĐH, Linh Linh thi đỗ cao học, nhận được học bổng du học tiến sĩ ở nước ngoài. Sau 6 năm tu nghiệp, cô gái không chọn định cư ở nước ngoài, mà về nước làm trong một bệnh viện nổi tiếng, dành thời gian chăm sóc cha nuôi.

Giữa lúc cuộc sống đang viên mãn, Linh Linh có học thức sự nghiệp, mức lương hàng trăm nhân dân tệ một tháng - khoảng chục tỷ đồng mỗi năm... thì cha mẹ đẻ của cô quay lại muốn nhận con.

Bố mẹ ruột giàu có quay lại tìm con và câu nói xúc động của đứa con

Vào một ngày tháng 4/2023, sau 27 năm không đoái hoài đến Linh Linh, một cặp vợ chồng xuất hiện trước cửa nhà Tiêu gia, tự xưng là cha mẹ ruột của cô, muốn đưa Linh Linh về nhà họ để bù đắp. Trước câu hỏi vì sao lại bỏ rơi con cách đây 27 năm, cặp đôi nói rằng, thời điểm đó họ làm ăn thất bát, nợ nần chồng chất, phải trốn nợ suốt ngày, không có nhà cửa nên không thể nuôi con gái. Hiện tại, công việc kinh doanh của họ đã phát triển, họ mong muốn nhận con gái về để bù đắp. Cặp vợ chồng còn đưa cho ông Tiêu 500.000 nhân dân tệ (khoảng 1,7 tỷ VNĐ), coi như là phí chăm sóc nuôi dưỡng Linh Linh suốt 27 năm qua. 

Linh Linh và cha nuôi Tiêu Sùng Minh

Ông Tiêu nhìn số tiền bật khóc không nhận, "chỉ cần Linh Linh muốn quay về với bố mẹ ruột, tôi không bao giờ ngăn cản". Trong suốt 27 năm qua, ông coi Linh Linh là con gái ruột, tình cảm của ông không khoản tiền nào có thể đong đếm được. Trái ngược với suy nghĩ của ông Tiêu, Linh Linh đã dứt khoát từ chối bố mẹ ruột, một lòng muốn sống cùng ông Tiêu đến cuối đời. Cô gái 27 tuổi đã đủ hiểu được sự đời, thẳng thắn nói "Đây mới là bố ruột của tôi", bố mẹ ruột của Linh Linh không thuyết phục được con gái nên đã ôm sự tẻ nhạt quay về còn ông Tiêu cũng bật khóc vì những tình cảm của Linh Linh.

Năm xưa nếu không có ông bà Tiêu, Linh Linh đã chết cóng vì lạnh và đói ở bãi đất trống trước cổng bệnh viện. Họ dù nghèo không có cái ăn nhưng sẵn sàng cưu mang một đứa trẻ không chung máu mủ, trong khi cha mẹ ruột chỉ vì chút khó khăn trong làm ăn, lại bỏ rơi con gái suốt 27 năm không hề đoái hoài, chỉ khi thấy con gái đã thành công, giỏi giang mới muối mặt quay lại đòi nhận con. 

Lời nhắn nhủ đến những bậc cha mẹ

Có vậy mới thấy, câu nói của người xưa "chẳng ai tốt với con bằng bố mẹ đẻ" cũng chưa phải là đúng khi nhìn vào câu chuyện thực tế trên đây. Bởi chỉ vì nghèo đói mà bố mẹ Linh Linh sẵn sàng bỏ lại cô nhưng ông bà Tiêu cũng là người nghèo đói nhưng lại sẵn sàng mang cô về cưu mang. Để rồi Linh Linh dần dần có được sự thành công mà bao người mơ ước.

Cũng kể từ đó cũng có thể thấy rằng sự quan tâm, yêu thương và giáo dục trẻ đến từ người nuôi dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành tâm sinh lý, tính cách và thành công của một đứa trẻ sau này rất nhiều.

Trước đây, một nghiên cứu của trường Đại học Havard, Hoa Kỳ cũng đã chỉ ra rằng trẻ thiếu tình yêu thương của cha mẹ có thể phải chịu những tổn thương nghiêm trọng, hơn cả sự ngược đãi về thể chất. Điều đó cũng có thể nói, dù một đứa trẻ sinh sống trong một gia đình nghèo khó nhưng nhận được sự yêu thương, đùm bọc của bố mẹ vẫn có thể phát triển tốt và thành công hơn là một đứa trẻ dù sống trong giàu có nhưng chẳng khác nào bị bố mẹ bỏ rơi, "ném cho cục tiền" nhưng số phận lại bi ai, không người dạy dỗ, dễ sa đà, hư hỏng, hình thành thói hư tật xấu và các tệ nạn xã hội.

Tựu chung lại, bố mẹ hãy nhớ rằng đứa trẻ không phải tự nhiên đến với thế giới này, chúng được tạo ra bởi tình yêu giữa bố và mẹ. Vì thế nếu đã quyết tâm "tạo" ra con, xin hãy cho con một cuộc sống có đầy đủ yêu thương từ bố mẹ.