Năm hết Tết đến, người đi xe máy 'đừng để tiền rơi' vì lỗi vi phạm này
Hành vi này vẫn còn rất nhiều người điều khiển xe máy vi phạm.
Ngày 11/1/2025, báo Phụ nữ thủ đô đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Năm hết Tết đến, người đi xe máy 'đừng để tiền rơi' vì lỗi vi phạm này". Nội dung cụ thể như sau:
Nghị định 168/2024 đã tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm, trong đó có rất nhiều hành vi vi phạm phổ biến mà người tham gia giao thông thường mắc phải. Một trong số những hành vi đó là đeo tai nghe khi điều khiển xe máy.
Tuy nhiên, thay vì nghiêm chỉnh chấp hành quy định, hiện này trên nhiều nền tảng MXH xuất hiện nhiều tài khoản "mách nước" để lách luật, không bị CSGT kiểm tra xử phạt khiến nhiều người không đồng tình.
Trên thực tế, việc sử dụng tai nghe khi lái xe là thói quen phổ biến của nhiều người. Tuy nhiên, hành động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm không chỉ cho người lái mà còn cho những người tham gia giao thông khác. Bởi tai nghe sẽ hạn chế việc cảm nhận và phân loại âm thanh đường phố để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra như tiếng còi xin vượt, tín hiệu cảnh báo của lực lượng chức năng… từ đó có thể dẫn đến tai nạn.
Hành vi này đã được quy định từ lâu trong luật giao thông đường bộ, tuy nhiên hiện nay vẫn còn rất nhiều người điều khiển xe máy vi phạm.
Nghị định 168/2024 có hiệu lực đã tăng mức xử phạt đối với hành vi này và nhiều hành vi vi phạm khác nhằm mục tiêu tạo sức răn đe, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Căn cứ điểm đ khoản 4 Điều 7 và điểm b khoản 10 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về lỗi sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 như sau:
Xử phạt hành chính từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng với người đang điều khiển xe máy sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác.
Trường hợp sử dụng thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) khi đang điều khiển xe máy mà gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng và bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe. (Theo điểm b khoản 10 và điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị trừ 04 điểm giấy phép lái xe.
Đeo tai nghe khi đi xe máy thì bị phạt, lái ô tô thì không?
Bên cạnh tăng mức xử phạt đối với hành vi này, nhiều người cũng đặt ra thắc mắc rằng chạy xe máy đeo tai nghe thì bị xử phạt, nhưng hành vi này đối với người điều khiển ô tô thì không? Vì sao lại như vậy.
Luật hiện chỉ quy định xử phạt người điều khiển xe máy có hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính mà không có quy định với trường hợp của người lái ô tô. Do vậy, CSGT chỉ phạt khi trực tiếp phát hiện tài xế ô tô dùng tay sử dụng điện thoại, còn khi tài xế ô tô đeo tai nghe hay mở màn hình trong xe ô tô xem phim thì khó xử lý.
Về vấn đề này, dưới góc độ pháp lý, đối với người đi ô tô, Nghị định chỉ nhắc đến hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt.
Đối với việc người lái ô tô sử dụng tai nghe hay thiết bị âm thanh thì không có quy định cụ thể trong Nghị định 100/2019 về xử phạt hành chính. Cho nên người lái ô tô sử dụng tai nghe hay thiết bị âm thanh khiến cho việc này không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật hành chính.
Tuy nhiên, từ góc độ an toàn giao thông, việc sử dụng tai nghe khi lái ô tô cần được xem xét cấm sử dụng. Việc sử dụng tai nghe có thể cản trở khả năng của tài xế trong việc nhận biết các tín hiệu âm thanh từ môi trường xung quanh, như tiếng còi xe, tiếng động cơ của các phương tiện khác, hoặc các tín hiệu cảnh báo khẩn cấp, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
Trước đó, Thời báo VHNT đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Từ 1/2025: Người dân đeo tai nghe khi đi xe máy, bị CSGT phạt lên tới 14 triệu đồng phải không?". Cụ thể như sau:
Từ 1/1/2025, đeo tai nghe khi lái xe máy bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định như sau:
Người lái xe, người được chở, hàng hóa xếp trên xe mô tô, xe gắn máy...3. Người lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Đi xe dàn hàng ngang;
b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
c) Sử dụng ô, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;
d) Buông cả hai tay; đi xe bằng một bánh đối với xe mô tô, xe gắn máy hai bánh; đi xe bằng hai bánh đối với xe mô tô, xe gắn máy ba bánh;
đ) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang, vác và chở vật cồng kềnh; chở người đứng trên xe, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe quá giới hạn quy định;
e) Ngồi về một bên điều khiển xe; đứng, nằm trên xe điều khiển xe; thay người lái xe khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy;
g) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ....Như vậy đeo tai nghe hoặc các thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) là hành vi bị cấm đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy.
Đồng thời, căn cứ điểm đ khoản 4 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đeo tai nghe như sau:
Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ...
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:...đ) Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác....
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:...
b) Vi phạm quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k khoản 1; điểm c, điểm đ, điểm g khoản 2; điểm b, điểm e, điểm g, điểm h, điểm k khoản 3; điểm đ khoản 4; điểm c, điểm d khoản 6; điểm c, điểm d, điểm đ khoản 7; điểm a, điểm b, điểm h, điểm k khoản 9 Điều này....
- Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe như sau:...b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 4; điểm a khoản 6; điểm c, điểm d, điểm đ khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm;...
Từ quy định trên, có thể thấy hành vi đeo tai nghe khi lái xe máy sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra, trường hợp người đeo tai nghe khi lái xe máy dẫn đến tai nạn giao thông sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng. Đồng thời, người đeo tai nghe khi lái xe máy còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm.