Người phụ nữ xây mộ chồng và con trong ngôi nhà ở Đồng Tháp: Không còn cách nào khác

Chồng và con lần lượt qua đời, bà Nguyễn Thị Vân (63 tuổi) vô cùng đớn đau và buồn bã. Do không còn đất đai, bà đành chôn và lập mộ cả hai trong nhà.

Báo Doanh nghiệp & Tiếp thị ngày 24-03-2022 đưa thông tin "Người phụ nữ xây mộ chồng và con trong ngôi nhà ở Đồng Tháp: Không còn cách nào khác" với nội dung: 

Chồng và con lần lượt qua đời, bà Nguyễn Thị Vân (63 tuổi) vô cùng đớn đau và buồn bã. Do không còn đất đai, bà đành chôn và lập mộ cả hai trong nhà.

Cuộc đời buồn của người phụ nữ bất hạnh

Ráng chiều đổ xuống hiên nhà, bà Nguyễn Thị Vân (63 tuổi, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp ) từng bước chậm rãi xuống khu vực bếp của ngôi nhà, nơi có hai ngôi mộ nằm cạnh nhau để thắp nhang. "Đó là chồng và con tôi", bà Vân giải thích.

Nhiều năm nay, căn bệnh xương khớp vẫn hành hạ khiến bà vô cùng mỏi mệt, đôi chân bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng tất cả nỗi đau cộng lại vẫn không bằng khoảng thời gian cách đây 3 năm, chồng và con bà lần lượt qua đời để lại bà lủi thủi trong ngôi nhà thênh thang.

Bà Nguyễn Thị Vân

Bà Vân nói: "Tôi có chồng và 3 đứa con. Tuy nhiên, hai đứa đầu đã lập gia đình sống riêng, chỉ còn vợ chồng tôi và người con trai ở chung thôi. Cách đây 3 năm, nó bị bệnh rất nặng phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để điều trị. Những ngày cuối đời, nó thỏ thẻ với tôi: "Má ơi, nếu con có qua đời, má chôn con ở trong nhà nghen má. Ở ngoài đồng, ngoài ruộng con ... sợ ma lắm". 

Nghe đến đó, tôi nghẹn ngào rồi bật khóc. Chúng tôi cùng sinh sống trong căn nhà có bề ngang 3 mét, bề dài 12 mét. Nếu có tang, chúng tôi hoàn toàn không đủ tiền mua thêm đất để chôn. Có lẽ nó biết thế nên dặn dò vợ chồng tôi như thế".

Mỗi ngày, bà Vân vẫn thắp nhang cho mộ chồng và con

Sau khi con trai qua đời, bà Vân vô cùng đau khổ nhưng vẫn không có ý định chôn cất con trong nhà. Tuy nhiên, chồng bà là người đã mang thi thể con về nhà. Để chuẩn bị hậu sự, ông đã đào huyệt cho con trai. Khi trở về từ TP.HCM, bà Vân thấy mọi chuyện đã chuẩn bị xong nên đành chiều theo ý chồng.

Nỗi đau mất con chưa lành lại, 3 tháng sau, chồng bà qua đời. Trước đó, ông từng có 17 năm sống với những biến chứng của căn bệnh tai biến. "17 năm ròng rã, tôi đi bẻ từng trái ớt để nuôi ông ấy. Gia đình khó khăn nhưng lúc nào cũng hạnh phúc. Vậy mà cuối cùng, ông ấy lại bỏ tôi mà đi. Theo di nguyện của ông ấy, tôi chôn và lập mộ chồng cạnh con", bà Vân nhớ lại.

Nhà có hai ngôi mộ

Người lạ đi ngang ngôi nhà bà Vân tại ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, ai nấy cũng đều hoảng sợ khi thấy hai ngôi mộ nằm cạnh nhau. Mỗi ngày, bà Vân quẩn quanh trong ngôi nhà, lau chùi và hương khói cho chồng và con.

Bà Vân kể: "Người ta hỏi tôi không sợ à, sao lại dám ở chung với hai ngôi mộ. Khi chồng con mới qua đời, tôi khóc suốt mấy tháng liền không ngớt, bà con chòm xóm thấy thế cũng khuyên nhủ rất nhiều. Tôi tưởng rằng mình đã chết rồi ấy chứ, làm sao có thể gượng dậy được sau ngần ấy nỗi đau, chưa được 100 ngày của con thì chồng qua đời. 

Đêm đêm, tôi gối đầu trên chiếc giường gần mộ. Trong mơ, tôi vẫn thấy chồng con mình, vẫn nói chuyện bình thường. Đến khi thức dậy, tôi mới biết rằng họ đã chết, chỉ còn lại mình tôi trên cõi đời này mà thôi. Buồn và đau lắm!".

Bà Vân ngồi bên mộ chồng

Hiện tại, do tuổi cao sức yếu, bà Vân chỉ có thể đi bẻ ớt thuê cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, căn bệnh xương khớp đã khiến bà không thể đứng quá lâu. Mỗi ngày, bà bẻ được 7-8kg ớt, tiền công là 50.000 đồng. Số tiền này, bà dùng để mua thuốc và thức ăn.

Trong nhà, thứ "quý giá" nhất đối với bà là hai ngôi mộ, nhưng nó cũng là nỗi đau nằm lại, âm ỉ trong lòng bà trong suốt 3 năm qua. Vì nghèo, chồng và con bà đành phải chôn cất trong ngôi nhà.

"Nỗi sợ lớn nhất là mất người thân tôi cũng trải qua rồi. Giờ đây âm dương cách biệt, tôi vẫn nhớ gương mặt của đứa con trai qua đời ở tuổi 36, còn quá trẻ. Người đàn ông kề cận bên tôi mấy chục năm cũng đã rời xa. Tôi chỉ biết sống tốt phần đời còn lại của mình, hy vọng hai cha con sẽ mỉm cười nơi chín suối", bà nói.

Trước đó Báo Dân Trí ngày 11/02/2022 đã đưa thông tin với tiêu đề "Cuộc sống người đàn ông 19 năm "ôm xác vợ ngủ" bây giờ ra sao?". Nội dung cụ thể như sau:

"Tôi vẫn trò chuyện và trang điểm cho tượng vợ mỗi ngày"

Một chiều đầu tháng 2, chúng tôi trở lại căn nhà của ông Lê Vân (68 tuổi, trú thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), người từng gây xôn xao dư luận với câu chuyện ông đào xác vợ bỏ vào bức tượng thạch cao để ôm ngủ suốt 19 năm qua.

Nhà của ông Lê Vân, nơi từng gây xôn xao dư luận khi cho rằng ông "ôm xác vợ ngủ" suốt 19 năm qua.

Ngôi nhà từng ồn ào, huyền bí bởi những lời đồn đoán, thêu dệt của người dân hiếu kỳ, giờ đây bình thường trở lại khi sự việc đã lắng xuống.

Ông Vân bị bệnh phải ngồi xe lăn nhưng luôn chăm sóc bức tượng mang hình hài vợ mình.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được một số người dân sống gần nhà ông Vân cho biết, sau khi sự việc ông Vân ôm tượng có xác vợ bị phát hiện, những người con trai của ông rất tức giận bởi cuộc sống của cha con ông bị đảo lộn trong suốt thời gian đó.

Ông Vân bên cạnh bức tượng làm rúng động dư luận trong một thời gian dài.

Theo những người hàng xóm này, đến nay ông Vân rất cứng rắn khi có ai đó nhắc đến chuyện mang tượng vợ đem chôn. Ông nói, ông thương vợ thì không ai ngăn cản được. Ông Vân còn nói sẽ giữ mãi "xác" vợ. Ai đem chôn thì ông cũng đào lên mang về.

Suốt 19 năm qua, bức tượng vẫn nằm trên chiếc giường gỗ này.

Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Vân cho biết suốt 4 năm nay, ông bị đau cột sống và phải ngồi xe lăn, nhưng hàng ngày, ông vẫn chăm chút bức tượng thạch cao mang hình hài người vợ quá cố của mình.

Ông Vân chăm chút "người vợ" của mình, trang điểm cho "vợ" mỗi ngày.

Chậm rãi dẫn chúng tôi vào căn phòng tối được che bằng một bức rèm vải, ông Vân vén bức màn lên, cho chúng tôi thấy một bức tượng bằng thạch cao mang hình hài một phụ nữ.

Đúng như ông Vân nói, hàng ngày ông vẫn chăm chút "người vợ" của mình nên trên bức tượng không hề dính một chút bụi bẩn.

Cuộc sống hiện tại của người đàn ông 19 năm "ôm xác vợ ngủ".

"Suốt 19 năm qua, bà ấy vẫn nằm trên chiếc giường này, tôi vẫn trò chuyện, thay quần áo, sơn móng tay cho bà ấy vui…", nói xong ông nằm xuống và ôm lấy bức tượng trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi.

Hàng ngày ông vẫn trò chuyện, thay quần áo, sơn móng tay cho "vợ" mình vui.

Được biết, hiện ông Vân đang sống chung với người con và đứa cháu ngoại. Trong nhà ông Vân, vẫn còn nhiều kỷ vật của người vợ quá cố, được ông cất giữ cẩn thận. Bức ảnh chụp hai vợ chồng ông Vân cũng được ông treo trang trọng ngay giữa gian nhà.

Từng muốn đào hầm xuống huyệt mộ để ngủ cùng xác vợ

Đã gần 20 năm trôi qua, khi mọi việc đã lắng xuống, ông Vân cũng cởi mở và trải lòng hơn khi trò chuyện với chúng tôi. Ông kể về cái chết của người vợ cũng như quãng thời gian ôm xác vợ, nghe qua như một chuyện hoang đường.

Trong nhà ông Vân còn rất nhiều kỷ vật của người vợ quá cố, được ông cất giữ cẩn thận.

"Tôi đến với bả cũng tại duyên số. Sống với nhau có 7 đứa con. Đến đầu tháng 2/2003, khi tôi đang đi làm ở Tây Nguyên thì nhận được tin vợ mất. Tôi tức tốc bắt xe về quê, nhưng chỉ kịp nhìn mặt vợ trong ít phút", ông Vân nhớ lại.

Một số bức ảnh chụp ông bên bức tượng thạch cao được ông coi là "báu vật".

Ông Vân kể thêm, hồi mới chôn vợ xong, đêm nào ông cũng lên mộ để ngủ. Gần 20 tháng sau, ngủ trên mộ trời mưa, gió lạnh nên ông định đào một đường hầm vào sâu huyệt mộ để ngủ cùng vợ. Nhưng bị con phát hiện và không cho ông lên mộ nữa.

Bức ảnh chụp 2 vợ chồng ông Vân cũng được ông treo trang trọng giữa nhà.

Bị ngăn cấm, ông tìm nhiều cách để được ở bên vợ nhưng đều bị con phản ứng. Và rồi ông đi đến một ý định "điên rồ" là vào một đêm mưa giữa tháng 11/2004, ông âm thầm vác cuốc ra nghĩa địa đào bộ hài cốt của vợ lên, gói trong một bao vải và giấu trong bụi cây gần đó.

Sau đó, ông bí mật đắp một pho tượng bằng thạch cao và xi măng có vóc dáng giống như người vợ quá cố của mình. Không chỉ vậy, ông còn mua thêm áo quần, tô son, sơn móng tay, chân cho hình nhân ấy.

Mẫu giấy được ông viết để minh chứng cho sự chung tình của mình với vợ.

Sau khi làm xong bức tượng, ông bỏ hài cốt của vợ vào bên trong và mang về nhà đặt lên chiếc giường để ôm ngủ hàng đêm. Khi biết sự việc, con cái ông đã phản ứng gay gắt nhưng vẫn không thể lay chuyển được sự việc.

Đã có nhiều lời cười chê, ngăn cản nhưng vẫn không thể lay chuyển được sự việc.

Thời điểm đó, chính quyền địa phương đã làm nhiều cách yêu cầu ông đưa hài cốt và bức tượng đi an táng trở lại nhưng ông vẫn không chịu.

Sau thời gian thuyết phục đủ đường nhưng bất lực, các con ông Vân cũng đành "bó tay". Còn người dân địa phương thì dường như cũng đã quen dần và "quên" luôn việc phản đối.

"Tôi là người có những việc làm khác người. Tôi không giống như người bình thường…nhưng tôi vẫn tự hào là người đàn ông chung tình", ông Vân nói.

Suốt trong buổi trò chuyện, ông Vân hoàn toàn tỉnh táo và còn hẹn chúng tôi nếu có thời gian rảnh đến ông chơi, ông sẽ kể cho nghe nhiều chuyện bí hiểm mà chỉ có ông mới hiểu được.