Hiệu trưởng dùng con dấu vay nợ hơn 5 tỉ rồi âm thầm… bán trường
Hiệu trưởng trường trung cấp dùng con dấu vay nợ hơn 5 tỉ đồng rồi âm thầm… sang nhượng tài sản.
Báo Tuổi trẻ ngày 29/11 đưa thông tin với tiêu đề: "Hiệu trưởng dùng con dấu vay nợ hơn 5 tỉ rồi âm thầm… bán trường" cùng nội dung như sau:
Trường trung cấp Bình Minh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bị nhiều người dân khởi kiện vì hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng quản trị cũ dùng con dấu vay nợ để mua sắm, trang bị cho trường nhưng chủ mới lại nói không liên quan - Ảnh: THẾ THẾ
Ngày 29-11, một lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết Trường trung cấp Bình Minh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã có chủ mới, hiệu trưởng mới.
Các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa để xử lý việc hiệu trưởng cũ dùng con dấu vay nợ hơn 5 tỉ đồng rồi âm thầm sang nhượng trường.
Hiệu trưởng đóng dấu đỏ của nhà trường trên giấy vay nợ
Trước đó, khoảng 20 người dân, giáo viên tại Trường trung cấp Bình Minh có đơn kêu cứu, đề nghị ngành chức năng tạm dừng thay đổi hiện trạng cơ sở vật chất của trường này do đang vướng nợ nần.
Theo các giáo viên, cuối năm 2018 bà Từ Thị Hồng Hòa - hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng quản trị Trường trung cấp Bình Minh - vay mượn nhiều người hơn 5 tỉ đồng để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, trả nợ vay ngân hàng…
Đáng chú ý, trong các giấy vay, phiếu thu tiền từ người dân, giáo viên đều dùng biên lai, dấu đỏ của Trường trung cấp Bình Minh nên nhiều người đã tin tưởng đầu tư.
Trong số này, giấy vay tiền đề ngày 2-1-2019 do bà Từ Thị Hồng Hòa - chủ tịch hội đồng quản trị, đại diện cho Trường trung cấp Bình Minh - vay của bà T.T.N. (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) 500 triệu đồng.
Hai bên thỏa thuận mức lãi suất 2%/tháng, thời điểm thanh toán lãi mỗi tháng tính từ ngày vay. Khi nào cần lấy lại tiền gốc, bà N. báo trước cho Trường trung cấp Bình Minh 1 tháng, bà Hòa có trách nhiệm trả đủ số tiền trên.
Giấy vay đều có đầy đủ chữ ký của hai bên, có đóng dấu mộc Trường trung cấp Bình Minh.
Bà N. nói ban đầu mỗi tháng bà Hòa vẫn trả lãi, nhưng hơn 1 năm nay thì không còn nữa. Riêng phần tiền gốc bà N. cũng đã đòi nhiều lần nhưng bà Hòa không thanh toán, trong khi chủ mới tại Trường trung cấp Bình Minh nói "không liên quan".
"Nghe tin trường đang chuẩn bị chuyển cho một đơn vị mới, buộc tôi và nhiều người khác phải làm đơn gửi tới UBND tỉnh Đắk Lắk để tránh tẩu tán tài sản khi chưa giải quyết vấn đề thỏa đáng", bà N. lo lắng.
Trao đổi về vấn đề này, bà Từ Thị Hồng Hòa thừa nhận có dùng danh nghĩa chủ tịch hội đồng quản trị và con dấu của Trường trung cấp Bình Minh vay mượn một số tiền lớn từ một số cá nhân để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường.
"Các khoản nợ tôi vẫn trả lãi bữa giờ, nhưng gần đây không còn khả năng nên chưa trả lãi cho họ. Làm ăn đổ bể do mấy năm COVID-19, trường vay nóng, vay nguội để xoay xở. Còn nợ thì tất nhiên tôi phải cố gắng làm để trả dần", bà Hòa cho hay.
Chủ đầu tư mới: "Chúng tôi không liên quan"
Liên quan đến vấn đề này, hiệu trưởng mới tại Trường trung cấp Bình Minh cho biết ông mới được giao làm hiệu trưởng về mặt chuyên môn, phần mua bán tài sản ông không liên quan.
Trong khi đó, đại diện nhà đầu tư mới khẳng định việc mua bán, sang nhượng Trường trung cấp Bình Minh không liên quan đến bà Từ Thị Hồng Hòa nữa. Theo vị này, bà Hòa đã sang nhượng cổ phần của mình cho 3 cổ đông khác vào năm 2023. Sau đó, chủ mới nhận chuyển nhượng lại cổ phần từ 3 cổ đông trên để củng cố hoạt động trở lại.
Đại diện chủ đầu tư mới cũng cho rằng mình vô can đối với các khoản nợ mà bà Hòa vay nói để xây dựng, mua sắm trang thiết bị trong trường.
Theo vị này, khi trường vay tiền để đầu tư thì phải có biên bản họp hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị thông qua phương án vay để làm gì và trả nợ như thế nào.
Còn vấn đề chuyển nhượng thành công như thế nào thì phải được cơ quan chức năng công nhận theo quy định. Hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng quản trị cũng đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Liên quan đến vụ việc này, một lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết hiện nay Trường trung cấp Bình Minh đã thay đổi thành viên hội đồng quản trị, hiệu trưởng.
Khi nhà trường có nhu cầu đổi tên, đổi thành viên hội đồng quản trị, thư ký, hiệu trưởng và thực hiện đúng quy định thì sở tham mưu để UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt.
"Việc các cá nhân vay mượn với nhau là quan hệ dân sự, ngành chức năng không thể can thiệp nên đã hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa", vị này nói.
Trường trung cấp Bình Minh chịu trách nhiệm liên đới
Nói về vấn đề này, luật sư Tạ Quang Tòng - chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk - cho rằng nếu bà Hòa vay mượn tiền với tư cách của Trường trung cấp Bình Minh, có đóng dấu đỏ của trường thì nhà trường phải có trách nhiệm với những người liên quan.
"Trường hợp này người dân có thể khởi kiện Trường trung cấp Bình Minh. Bà Hòa sẽ thuộc diện người có nghĩa vụ liên quan", luật sư Tòng nêu quan điểm.
Tiếp đến, báo Lao Động ngày 30/11 cũng có bài đăng với thông tin: "Hiệu trưởng Trường trung cấp sử dụng con dấu vay nợ tiền". Nội dung được báo đưa như sau:
Ngày 30.11, trao đổi với Báo Lao Động, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Đơn vị đang hướng dẫn các cá nhân liên quan và chỉ đạo Trường trung cấp Bình Minh giải quyết dứt điểm các khoản vay để cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị những năm trước. Hiện nay, nhà trường đã có chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng mới và đang tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên, củng cố lại hoạt động".
"Những năm qua, hoạt động của nhà trường không được tốt, chủ yếu khai thác mảng đào tạo lái xe hạng B1. Còn những ngành nghề đào tạo khác rất ít người đăng ký theo học. Trường cũng dính vào nhiều khoản vay từ bên ngoài và vẫn chưa xử lý dứt điểm. Điều này đã gây hoang mang cho nhiều nhân sự đang công tác trong đơn vị" - lãnh đạo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk nói thêm.
Theo tìm hiểu, giấy vay tiền đề ngày 2.1.2019 do bà Từ Thị Hồng Hòa - Chủ tịch hội đồng quản trị, đại diện cho Trường trung cấp Bình Minh vay của bà T.N (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) 500 triệu đồng.
Nội dung giấy vay tiền. Ảnh: Bảo Trung
Hai bên thỏa thuận mức lãi suất 2%/tháng. Thời điểm thanh toán lãi hàng tháng tính từ ngày vay. Khi nào cần lấy lại tiền gốc, bà N báo trước cho Trường trung cấp Bình Minh 1 tháng. Bà Hòa có trách nhiệm trả đủ số tiền trên.
Giấy vay đều có đầy đủ chữ ký của hai bên, có đóng dấu đỏ Trường trung cấp Bình Minh và bà Từ Thị Hồng Hòa ký tên.
Bà N nói: "Ban đầu mỗi tháng bà Hòa vẫn trả tiền lãi, nhưng từ năm 2023 đến nay thì không còn trả lãi nữa. Riêng phần tiền vay gốc 500 triệu đồng, gia đình tôi đã đòi rất nhiều lần nhưng vẫn chưa được thanh toán.
Bà Hòa cứ hứa hẹn nhiều lần nhưng mãi không chịu trả dứt điểm tiền nợ gốc. Quá trình làm việc với chủ đầu tư mới, chúng tôi cũng không nhận được câu trả lời thỏa đáng và mốc thời gian giải quyết dứt điểm nợ nần".
Trong khi đó, bà Từ Thị Hồng Hòa xác nhận việc dùng danh nghĩa Chủ tịch hội đồng quản trị và con dấu của trường vay mượn một số tiền lớn từ một số cá nhân (trong đó có gia đình bà T.N - PV). Mục đích của việc vay tiền nhằm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường.
"Các khoản nợ tôi vẫn trả lãi nhưng gần đây không còn khả năng nên chưa trả. Làm ăn đổ bể do mấy năm COVID-19, trường vay nóng, vay nguội để xoay xở. Còn nợ thì tất nhiên tôi phải cố gắng làm để trả dần", bà Hòa thông tin.
Lãnh đạo mới của Trường trung cấp Bình Minh chia sẻ: "Tôi chỉ mới nhận nhiệm vụ ở trường cách đây 1 tháng và không hề biết đến những khoản nợ trước đó của trường với một số cá nhân. Hiện nay, nhà trường đã có chủ đầu tư mới, được cấp có thẩm quyền UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk công nhận".
"Bà Hòa đã sang nhượng cổ phần của mình cho 3 cổ đông khác vào năm 2023. Lúc vay tiền của một số cá nhân, bà Hòa dùng danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng vay tiền thì nay phải có nghĩa vụ thanh toán dứt điểm" - lãnh đạo Trường trung cấp Bình Minh khẳng định.