Học gì, làm gì để trở thành nhà sáng tạo nội dung 'triệu view'?

Trung QuốcGần một năm qua, Lu Xixi không nộp CV ở đâu, chỉ ngồi nhà để livestream chia sẻ trải nghiệm bỏ việc với 120.000 người theo dõi.

Ngày 4/12/2024 Vnexpress đưa tin "Bùng nổ livestream về bỏ việc" với nội dung như sau:

Cô gái 30 tuổi cho biết kênh về nội dung nghỉ việc, livestream bán hàng và quảng cáo đã mang về thu nhập hơn 50.000 tệ (khoảng 170 triệu đồng) trong tháng 8/2024.

Các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc gần đây chứng kiến sự bùng nổ của các nhà sáng tạo nội dung như Lu, những người khởi nghiệp online sau khi nghỉ việc.

Lu Xixi chia sẻ kinh nghiệm của mình trên các nền tảng mạng xã hội, trở thành nhà sáng tạo nội dung về nghỉ việc. Ảnh: Thinkchina

Theo nền tảng phân tích dữ liệu Feigua, số người tham gia chủ đề "Tôi đã nghỉ việc" trên mạng xã hội Xiaohongshu đã tăng thêm hơn 21.000 người trong nửa đầu năm, phần lớn là cựu nhân viên của các công ty Internet như ByteDance, Tencent và Alibaba.

Ông Xia Zhinan, Viện trưởng Newrank, một tổ chức nghiên cứu truyền thông mới, nói rằng kinh tế suy thoái tại Trung Quốc trong những năm gần đây đã tạo ra làn sóng sa thải tại các công ty Internet để cắt giảm chi phí. Ngoài ra, sự bùng nổ của các "vlogger nghỉ việc" cho thấy thế hệ trẻ không hài lòng với môi trường làm việc.

"Nhiều người theo dõi 'vlogger nghỉ việc' như một hình thức thỏa mãn cảm xúc của chính mình và ngưỡng mộ người dám theo đuổi thứ người khác chỉ mơ ước", ông nói.

Cô Lu nghỉ vào tháng 10/2023, trùng hợp với làn sóng thảo luận về các vấn đề việc làm tại Trung Quốc. Theo thống kê của Xiaohongshu, các bài đăng liên quan đến nơi làm việc đã tăng 132% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm đó tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc ở mức kỷ lục, hơn 21%. Alibaba sa thải khoảng 20.000 nhân viên năm 2023, lớn nhất trong một thập kỷ; Tencent cũng giảm khoảng 3.000 người.

Cả Lu Xixi và chồng đều làm việc tại các công ty Internet. "Chúng tôi đều gần 30 tuổi và rất có khả năng chúng tôi sẽ mất việc nếu tiếp tục ở lại các công ty công nghệ này", cô chia sẻ.

Làm "vlogger nghỉ việc" là một trong ba lựa chọn phổ biến của người trẻ thất nghiệp, bên cạnh tài xế công nghệ và nhân viên giao hàng (shipper). "Nó giống như điểm hẹn của người thất nghiệp", cô nói.

Bỏ việc đi kèm với những thách thức mới. Lu sử dụng kinh nghiệm và có được lượng người theo dõi lớn, đi kèm các hợp đồng quảng cáo. Nhưng thu nhập này không thể bằng mức lương trước đây.

Lu nhận ra làm nhà sáng tạo nội dung không hào nhoáng như tưởng tượng. Cô phải bán hàng online, làm tư vấn cho những người sắp phỏng vấn việc làm và quản lý truyền thông, để tăng dần thu nhập. Dù vậy, Lu nói đã tìm thấy niềm vui thực sự. "Tôi khao khát tự do và không muốn phải làm việc cho người khác", cô nói.

Một vlogger có tên Yuanbaome đã làm việc cho ba công ty Internet trong 6 năm sau khi tốt nghiệp. Tháng 4 năm nay cô quyết định bỏ việc. "Rời bỏ một công việc khiến tôi không hạnh phúc có thể giải phóng năng lượng gấp 10 lần", cô viết trên mạng xã hội.

Một tháng sau khi nghỉ việc, Yuanbaomei than thở trên kênh 15.000 người theo dõi rằng áp lực tài chính và căng thẳng vẫn tồn tại. "Tôi kiếm được nhiều hơn so với khi đi làm, nhưng vẫn cảm thấy lo lắng", cô nói. "Mức thu nhập này có sẽ kéo dài không? Tôi có thể kiếm được nhiều như vậy nữa không?".

Yuanbaomei nhận ra cô cần làm việc để duy trì thói quen và sức khỏe tinh thần. Vào tháng 7, cô trở lại thị trường lao động.

Chuyên gia Xia nhận thấy hầu hết những nhà sáng tạo nội dung nghỉ việc không thể duy trì sự nghiệp của họ trong thời gian dài. Việc tạo và quản lý nội dung hàng ngày tốn thời gian và đòi hỏi cao nhưng chỉ kéo dài được khoảng 6 tháng. Nếu không thể tạo ra lượng truy cập và kiếm tiền từ nội dung của họ thông qua quảng cáo hoặc bán hàng, những người này sẽ nhanh chóng đối mặt với vấn đề thu nhập.

Zou Sheng, phó giáo sư truyền thông tại Đại học Baptist, Hong Kong nói rằng thực tế là các nhà sáng tạo nội dung nghỉ việc có thể gây tiếng vang vì đã phản ánh sự bất ổn ngày càng tăng trong phát triển sự nghiệp, lo lắng về thị trường việc làm và xu hướng của giới trẻ.

Ông chỉ ra rằng việc sản xuất và tiêu thụ nội dung của các "vlogger nghỉ việc" có phần giống một quá trình chia sẻ cảm xúc giải tỏa.

Mặc dù Yuanbaomei không thích bị gắn nhãn "vlogger nghỉ việc", cô vẫn coi trọng những trải nghiệm khi làm một người sáng tạo nội dung. Cô nói rằng người Trung Quốc liên tục bị đẩy theo một con đường định sẵn trong suốt cuộc đời, từ giáo dục đến hôn nhân và con cái.

"Do đó, việc mọi người tạm rời xa kỳ vọng của xã hội và dành thời gian để tìm một con đường mà họ thực sự yêu thích là đáng giá", cô nói.

Ngày 18/5/2024 báo Thanh Niên đưa tin "Học gì, làm gì để trở thành nhà sáng tạo nội dung 'triệu view'?" với nội dung như sau:

Các nhà sáng tạo nội dung có sức ảnh hưởng chia sẻ trong một talkshow tại TP.HCM

NVCC

Theo báo cáo do tập đoàn Ogilvy công bố hồi cuối năm 2023, nền kinh tế sáng tạo nội dung (creator economy) đang liên tục phát triển và mở rộng. Khái niệm này dùng để chỉ các cá nhân, doanh nghiệp tạo và kiếm tiền từ nội dung trực tuyến, hay còn gọi là nhà sáng tạo nội dung (content creator). Hiện, có 50 triệu content creator trên thế giới, trong đó 2 triệu người xem công việc này là nguồn thu nhập chính hay duy nhất.

Khảo sát khác từ công ty nghiên cứu Morning Consult (Mỹ) đăng tải vào tháng 9.2023 cho hay, content creator là lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu của người trẻ từ 13-26 tuổi, khi 57% (trong hơn 2.200 người) sẽ trở thành content creator nếu có cơ hội. Mặt khác, báo cáo tháng 5 của công ty ConvertKit (Mỹ) chỉ ra rằng, 18% trong số 1.000 content creator cho biết đã kiếm được hơn 100.000 USD (2,5 tỉ đồng) mỗi năm.

Thực tế trên đặt ra vấn đề: Người trẻ, nhất là sinh viên, cần học hỏi và rèn luyện những kỹ năng gì nếu muốn theo đuổi sự nghiệp content creator trong bối cảnh hiện nay?

Các kỹ năng cần thiết 

Tại buổi chia sẻ hướng nghiệp "Sáng tạo chuyện thường" do sinh viên khoa Báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức hôm 16.5, anh Trần Lê Ngọc An (25 tuổi), chủ kênh YouTube "An Is Here" thu hút 112.000 lượt theo dõi, cho biết content creator có thể tạo ra thu nhập từ các nguồn khác nhau.

Đầu tiên, nếu đáp ứng được các yêu cầu mà nền tảng quy định, người trẻ hoàn toàn có thể kiếm được tiền từ chính nền tảng thông qua việc cho phép các đơn vị đặt quảng cáo trên kênh của mình. Hình thức thứ hai là tiếp thị liên kết (affiliate marketing), tức nhận lời quảng cáo trực tuyến cho sản phẩm, dịch vụ của đơn vị khác và được trả phần trăm hoa hồng tương ứng.

"Cuối cùng, một trong những hình thức bền vững nhất mà tôi khuyến nghị các bạn nên nhắm đến là 'sản phẩm hóa' kênh truyền thông của mình, tức mở khóa học hay bán sản phẩm một cách độc lập mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào. Ngoài ra, content creator cũng có thể mở tài trợ (donate) để người theo dõi ủng hộ", anh Ngọc An chia sẻ.

Anh Trần Lê Ngọc An (25 tuổi), chủ kênh YouTube "An Is Here" thu hút 112.000 lượt theo dõi

NVCC

Anh Đào Minh Tiến (29 tuổi), chủ kênh YouTube "Dế Mèn Du Ký" hơn 21.000 người theo dõi, bổ sung rằng nếu có sức ảnh hưởng, content creator cũng có thể trở thành diễn giả, nhà đào tạo (trainer) cho các tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, họ còn có thể bán lại các gói đa phương tiện như hình ảnh, video do mình thực hiện. "Quan trọng là kiếm tiền một cách văn minh, rõ ràng và giữ được thương hiệu cá nhân", anh nhắn nhủ.

Trao đổi với Thanh Niên, anh Tiến cho biết thêm dù môi trường sáng tạo nội dung ngày càng cạnh tranh và các nền tảng liên tục thay đổi chính sách, điều quan trọng vẫn là giá trị nội dung của sản phẩm, vì "giá trị tốt ắt có vị trí trong lòng khán giả". Ngoài ra, các bạn cũng cần tập trung xây dựng thương hiệu cá nhân, phát triển đa nền tảng để tránh sự lệ thuộc và luôn học hỏi, đổi mới không ngừng.

Trong khi đó, anh An nhận định, mạng xã hội tuy là nhân tố quan trọng nhưng hiện tại không người dùng nào có thể kiểm soát được các nền tảng này, dù có là content creator. Song, các bạn có thể chọn thích nghi với sự thay đổi của nền tảng nhưng vẫn giữ được chất riêng, hoặc tự chọn nền tảng phù hợp với dạng nội dung mình muốn phát triển nhất.

"Để 'khởi nghiệp' sáng tạo nội dung, các bạn cần nắm kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực mình muốn theo đuổi, như sức khỏe, mỹ phẩm, marketing hay ngoại ngữ. Hãy chọn ngách nội dung bạn muốn khai thác từ những lĩnh vực này và từ đó truyền tải có độ sâu một cách tự tin. Thứ hai, nếu muốn đi lâu dài với nghề, sinh viên cần học kỹ năng lên kế hoạch phát triển cho kênh và cách xây dựng thương hiệu cá nhân", anh An nói.

Ngoài ra, tùy mạng xã hội mà sinh viên muốn phát triển, các bạn cũng cần thành thạo những kỹ năng cứng như cách quay dựng video, sản xuất ảnh, thu âm podcast, viết văn. "Những kỹ năng này có thể tự học hoặc bồi dưỡng ở bên ngoài tùy nhu cầu, và đây là một trong những yếu tố vừa tạo ấn tượng tốt cho người theo dõi ngay từ đầu, và cũng vừa giúp giữ chân khán giả về lâu dài", chàng trai 9X chia sẻ.

Đạo đức nghề nghiệp khi sáng tạo nội dung

Theo các nhà sáng tạo nội dung "triệu view", tuy sáng tạo là lĩnh vực dường như không có giới hạn, song content creator cũng cần tuân thủ các quy định và tự đặt ra nguyên tắc cho mình. Trước hết, đó là sách nền tảng, khi mỗi mạng xã hội sẽ có các quy định riêng, "như TikTok không cho phép người dùng đăng video có hình ảnh trẻ em hay các vật sắc nhọn như dao kéo...", theo anh Tiến.

Thứ hai chính là đạo đức nghề nghiệp. Chẳng hạn, anh Tiến cho rằng khi nhắc đến một nhân vật nào đó trong nội dung của mình, các bạn cần điều chỉnh thông tin của nhân vật sao cho không ảnh hưởng đến họ. Xa hơn nữa, theo anh An, nếu muốn mượn câu chuyện của ai đó để kể trên kênh của mình, các bạn nên xin phép và nhận được sự cho phép từ đối tượng liên quan, "tương tự như xin bản quyền hình ảnh".

"Hiện nay, các bạn thường chọn sáng tạo nội dung từ chất liệu đời thường, tức kể những gì diễn ra xung quanh cuộc sống của mình như chuyện xử sự của cha mẹ hay người thân trong gia đình. Tuy nhiên, các bạn hãy cẩn trọng trong việc chọn lọc đề tài và nhân vật, tránh dẫn đến những phán xét, ý kiến trái chiều đến những người mình yêu quý", anh Tiến khuyên.