Lạ lùng nghề ngồi im cho muỗi đốt, hàng trăm con bâu đen kịt tay ở Hà Nội
Hàng ngày, ở Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung Ương, các cán bộ, viên chức vẫn miệt mài làm công việc thầm lặng mà chỉ nghe cũng khiến ai nấy "nổi da gà". Đó là ngồi im cho muỗi đốt.
Báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Lạ lùng nghề ngồi im cho muỗi đốt, hàng trăm con bâu đen kịt tay ở Hà Nội" với nội dung như sau:
Gần 9h sáng, anh Vũ Mạnh Hùng thay bộ trang phục blouse màu trắng, nhanh chóng có mặt tại căn phòng phủ đầy những tấm màn mỏng, xung quanh xếp ngay ngắn vài chiếc lồng vải trắng buộc túm thắt nút ở đầu.
Sau khi rửa sạch và lau khô tay, anh Hùng tiến gần đến chiếc lồng có hàng trăm con muỗi đang "khát máu", thỉnh thoảng vỗ nhẹ bên ngoài để kiểm tra. Lấy bình tĩnh hít một hơi thật dài, anh cẩn thận mở lồng, đưa một cánh tay vào sâu bên trong và tay còn lại túm chặt mép vải, không để muỗi bay ra ngoài.
Anh Hùng công tác tại khoa Hóa thực nghiệm từ năm 2013 và đã có 8 năm gắn bó với công việc… ngồi im cho muỗi đốt.
Mỗi sáng, anh dành 15 - 20 phút cho đàn muỗi Aedes aegypti ăn. Đây là loại muỗi vằn màu đen sẫm, hoạt động mạnh vào ban ngày. Chúng cũng là tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết.
Chỉ chừng hai giây, đàn muỗi đói đang đậu trên thành lồng, thấy "thức ăn" liền lập tức xông tới, bâu kín cánh tay của người đàn ông. Tuy đau rát, ngứa ngáy nhưng anh Hùng chỉ dám "uốn éo" cơ thể, nghiến chặt răng.
Thỉnh thoảng, anh bấu chặt tay còn lại vào đầu gối, cố chịu đựng và ngồi yên, không cử động để tránh làm muỗi "giật mình" bỏ ăn.
Sau vài phút đầu được đàn muỗi "khởi động", khuôn mặt anh dần giãn ra. Anh chăm chú hướng mắt nhìn về những con muỗi đã hút máu đến no căng bụng, rời khỏi tay để bay về đậu quanh lồng.
Đó là công việc mà anh Hùng cũng như nhiều cán bộ, kỹ thuật viên tại khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương (phố Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đảm nhiệm mỗi ngày.
"Bình thường ở nhà, bị 1-2 con muỗi đốt đã sợ rồi nên khi công tác tại đây, chứng kiến đồng nghiệp cho muỗi ăn, tôi thấy rùng mình lắm.
Mỗi lần cho muỗi ăn như vậy là có khoảng vài trăm con đốt và cảm giác nóng rát, ngứa ngáy, khó chịu rực khắp cánh tay", anh Hùng kể.
Đàn muỗi đói thấy "thức ăn" liền xông tới bâu kín. Chỉ sau vài giây, hàng trăm con muỗi đã đốt khắp cánh tay anh.
Khi hút no máu, muỗi lại nhanh chóng bay về đậu ở thành lồng. Chờ đàn muỗi ăn xong, anh Hùng từ từ rút tay ra, kết thúc công việc "không phải ai cũng dám thử".
Anh cho biết, tùy từng dòng muỗi mà thời gian cho ăn kéo dài từ 15-20 phút. Công đoạn này cũng có thể quan sát bằng mắt thường, khi muỗi không đốt nữa tức là chúng đã ăn no.
Lúc ấy, anh từ từ rút cánh tay chi chít những vết phồng đỏ ra khỏi lồng rồi đi rửa lại bằng nước sạch. Anh bảo, dù tay rất ngứa ngáy nhưng không được gãi vì càng gãi càng làm những nốt mẩn sưng to và lan rộng hơn.
Người đàn ông này chia sẻ thêm, thông thường, mỗi lồng sẽ nuôi nhốt khoảng 400 - 500 con muỗi, phân chia riêng biệt theo từng loại.
Hàng ngày, các cán bộ tại đây sẽ cho muỗi ăn bằng cách… ngồi im để muỗi đốt.
Sau mỗi lần cho muỗi ăn, tay của anh Hùng lại bỏng rát, chi chít các vết phồng rộp.
Dù bị muỗi đốt tới run người, phải nghiến chặt răng nhưng anh mong muỗi được hút no máu để chúng phát triển tốt, đẻ trứng chất lượng, nhờ đó đem lại thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện công việc này. Theo đó, những người đảm nhiệm việc cho muỗi ăn phải đáp ứng điều kiện về sức khỏe, không mắc bệnh nền.
Hay trước mỗi đợt thử nghiệm, họ cũng được yêu cầu không sử dụng nước hoa, sữa tắm hay các chất có mùi, tránh làm ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu trên muỗi.
Bên cạnh đó, quy trình nuôi muỗi cũng đòi hỏi nhiều yêu cầu nghiêm ngặt. Cụ thể như muỗi cần được nuôi trong môi trường phù hợp, đảm bảo các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm. Nếu trời nóng quá, điều hòa hoặc các thiết bị làm mát chưa đủ hoặc thời tiết quá lạnh cũng có thể khiến muỗi chết hàng loạt.
Tại khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương, quy trình nuôi muỗi được thực hiện trong phòng kín. Phòng được thiết kế đặc biệt với hai lớp vải mỏng phía sau cánh cửa ra vào.
Trên giá sắt nhiều tầng đặt những lồng phủ vải thưa màu trắng có chứa hàng trăm con muỗi. Còn bên cạnh là những khay nhựa riêng biệt được dùng để nuôi trứng muỗi, bọ gậy hay con quăng.
Từng loại muỗi sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các lồng riêng biệt và được kiểm tra sức khỏe hàng ngày.
Ngoài ra, trước khi cho muỗi ăn, các cán bộ tại đây phải rửa tay chân sạch sẽ, đảm bảo nguồn "thức ăn" phục vụ loài côn trùng này.
"Nếu chân tay không sạch, dụng cụ nuôi dưỡng không đảm bảo sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống của muỗi, thậm chí khiến chúng chết hàng loạt. Ngoài ra, muỗi hút máu người sẽ cho trứng chất lượng, từ đó phục vụ tốt công tác nghiên cứu và thử nghiệm hơn", anh Hùng nhấn mạnh.
Ngoài "hiến máu" cho muỗi ăn, họ còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác trong quy trình nuôi muỗi nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, phòng chống các dịch bệnh do loài côn trùng này gây ra.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang - một trong những cán bộ làm việc tại Viện hàng chục năm nay đều đặn mỗi sáng đi gom trứng muỗi, theo dõi và kiểm tra quá trình phát triển của bọ gậy hay con quăng.
Những con quăng đủ ngày tuổi sẽ được nhặt chọn lọc rồi đưa vào lồng nuôi để chúng có đủ điều kiện phát triển thành muỗi.
Lồng nuôi muỗi Anopheles. Đây là loài muỗi truyền bệnh sốt rét, thường hoạt động mạnh vào ban đêm. Muỗi Anopheles trưởng thành thường có vệt màu xanh xám và đậu ở một góc với tư thế nghiêng 45 độ so với mặt phẳng, còn ấu trùng nằm song song với mặt nước.
TS. Lê Trung Kiên - Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương cho biết, nuôi muỗi chỉ là một trong số nhiều hoạt động nghiên cứu về véc tơ truyền bệnh (cụ thể là muỗi) của các cán bộ, nhân viên nơi đây.
Họ tập trung vào việc nuôi, nghiên cứu các loài muỗi có khả năng truyền bệnh, từ đó tìm ra các biện pháp phòng chống, các hóa chất phù hợp để diệt trừ loài muỗi đó.
"Quá trình nuôi muỗi có chu kỳ phát triển từ trứng, bọ gậy, quăng thành muỗi, đảm bảo tạo môi trường sinh sống như ngoài tự nhiên. Các cán bộ nuôi muỗi dù có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng với lòng yêu nghề và trách nhiệm với công việc, họ luôn tận tâm chăm sóc chúng như con nhỏ, góp công lớn vào việc nghiên cứu, giúp phát hiện đặc điểm của muỗi để đưa ra các biện pháp phòng bệnh một cách tốt nhất", TS. Lê Trung Kiên chia sẻ.
Ngoài việc nuôi muỗi trong phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác nghiên cứu, các cán bộ tại Viện còn có nhiệm vụ chính là thực hiện công tác giám sát, tham gia xử lý ổ dịch, phòng chống côn trùng truyền bệnh để chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Đồng thời nghiên cứu tìm ra các hóa chất, giải pháp hiệu quả cho việc phòng chống, kiểm soát dịch sốt xuất huyết, sốt rét ở nhiều tỉnh thành khắp cả nước để hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh.
"Không chỉ làm việc trong phòng nghiên cứu, các cán bộ còn phải tạm gác lại chuyện cá nhân, gia đình để thường xuyên đi công tác dài ngày tại các địa phương có lưu hành bệnh. Khi vào các ổ dịch, họ cũng có nguy cơ phơi nhiễm cao với dịch bệnh. Sốt xuất huyết là bệnh do virus truyền nên chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể nên các cán bộ phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Đó là sự hy sinh của các cán bộ, nhân viên y tế đối với các hoạt động phòng chống dịch bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, với mức lương thấp của ngành y tế so với đặc thù công việc dự phòng chống dịch, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và chống dịch chưa đầy đủ là khó khăn chính mà họ gặp phải.
Ban lãnh đạo Viện và khoa hiện đang cố gắng động viên, hy vọng được sự quan tâm của chính phủ để tạo điều kiện cho cán bộ y tế được theo nghề, phát triển nghiên cứu một cách tốt nhất", Trưởng khoa Hóa thực nghiệm bày tỏ.
Báo VTC News cũng đã từng đưa thông tin "Nghề độc lạ kiếm bạc tỷ của người trẻ Việt" với nội dung như sau:
Làm giàu từ nghề... mạo hiểm
Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1995, quê Yên Bái) gắn với nghề săn ong rừng lấy mật từ nhiều năm nay. Tuy trẻ tuổi nhưng Tuấn vẫn khiến những người sành sỏi trong lĩnh vực này kiêng nể do sự năng nổ, chuyên nghiệp, kèm cả độ liều lĩnh.
Để săn mật ong, Tuấn phải vào rừng, chui rúc những nơi rậm rạp nhất, theo dõi ong để tìm ra tổ của chúng. “ Việc ăn uống qua loa cạnh bờ suối hay tranh thủ chợp mắt ở bụi cỏ nào đó đã quá quen với tôi. Điều đó không có gì đáng sợ, mà đáng sợ hơn cả là bị ong tấn công. Không ít lần tôi phải đi cấp cứu vì nguy hiểm đến tính mạng ”, anh kể.
Biết là luôn cận kề nguy hiểm nhưng Tuấn lại có sự say mê đặc biệt với nghề này vì bản tính thích tìm tòi, ưa khám phá. “ Còn trẻ mà, cứ nghề gì hợp với mình và kiếm ra tiền hợp pháp là tôi làm. Sau này nhiều tuổi rồi, sức khỏe hạn chế, có muốn chọn nghề mạo hiểm cũng không được ”, Tuấn giải thích.
Hiện trong đầu Tuấn lưu trữ vị trí của khoảng hơn 100 tổ ong vò vẽ. Hàng năm, cứ đến kỳ thu hoạch, có khách đặt hàng là Tuấn đi bắt về. Nhộng ong rừng đã tách khỏi tổ và làm sạch được Tuấn bán khoảng 300.000 - 400.000 đồng/kg. Còn loại nhộng vẫn đang nằm trong tổ, Tuấn bán với giá khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg. “ Mỗi ngày kiếm vài triệu là chuyện bình thường ”, Tuấn vui vẻ khoe.
Ngoài việc săn ong rừng bán luôn cho khách, Tuấn còn săn ong rừng về nuôi. Đến cuối vụ, Tuấn bán cả tổ cho những thợ buôn ong chuyên nghiệp, mỗi tổ có khi bán được 2 - 3 triệu đồng.
Mạo hiểm trèo cây cao lấy mật ong rừng. (Ảnh: Trịnh Hoài Nam)
Theo chân Tuấn đi săn ong, tôi chứng kiến anh phải trèo lên thân cây cổ thụ cao cả trăm mét. “ Tôi phải mặc quần áo bảo hộ kín toàn thân, rất nặng và sử dụng thêm thiết bị để treo lên thân cây cao. Khi tiếp cận tổ ong rồi, muốn cướp nhộng thì phải trực tiếp phá tổ. Dù có quần áo bảo hộ, không bị ong đốt nhưng số lượng ong nhiều quá, nọc ong tiết ra cũng khiến tôi khó thở, choáng váng. Không cẩn thận mà rơi từ trên cao xuống là mất mạng ”, Tuấn nói.
Cũng mạo hiểm chọn nghề săn ong như Tuấn, Trịnh Hoài Nam (sinh năm 1997 ở Hạ Hòa, Phú Thọ) tổ chức nhóm thợ khai thác hàng trăm tổ ong mật trên một cây đa cổ thụ ở bản Huổi Lướng (xã Nặm Lịch, Mường Ảng, Điện Biên). Ước tính, những tổ ong này có thể cho gần 2 tấn mật ong rừng.
Anh cho biết: “ Năm ngoái trên cây có tất cả 90 tổ ong mật. Còn năm nay, vì chưa hoàn tất công việc khai thác nên chưa biết số lượng chính xác, nhưng áng chừng phải trên 130 tổ. Chúng tôi không thể đếm xuể ”.
Theo anh Nam, làm tổ tại cây này là ong khoái quan, một loài ong mật mà con người chưa thể thuần phục, bắt về nuôi lấy mật giống như ong khoái thông thường. Do đó, đây là loại mật thuần tự nhiên, thơm ngon thượng hạng và tất nhiên giá cũng đắt đỏ.
Năm nay, Nam phải bỏ ra một số tiền lớn để mua toàn bộ mật tại cây này. Sản lượng thu về có thể đạt khoảng hơn 1.100 lít. Hiện, loại mật này đang được anh Nam bán lẻ trên thị trường với giá 550.000 đồng/lít.
Đeo trang sức cho... răng
Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1992, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bắt đầu tham gia vào công việc kinh doanh kim hoàn của gia đình từ 10 năm trước, khi vẫn còn là sinh viên năm cuối trường đại học RMIT. Công việc của anh là đi giao sản phẩm trang sức cho các tiệm vàng nhỏ và làm việc với khách hàng.
Sau khoảng 5 năm gắn liền với công việc “sẵn nong sẵn né”, Ngọc Anh thấy nhàm chán, không hợp với người trẻ năng động như anh. Qua thời gian tìm tòi, nghiên cứu xu thế thị trường, anh chọn nghề chế tạo trang sức (grillz) dành cho răng, đang được giới nghệ sĩ ưa chuộng.
“ Tôi bắt đầu tìm tòi, tham khảo tài liệu nước ngoài, tìm cách làm một bộ grillz hoàn chỉnh, phù hợp với khuôn răng của người châu Á. Tôi dành một năm đầu làm đi làm lại cho bạn bè, nghe góp ý của họ. Sau rất nhiều năm nghiên cứu, chỉnh sửa, tôi đã làm nên những sản phẩm hoàn hảo nhất ”, Ngọc Anh kể.
Ngọc Anh tự tay gia công những chiếc grillz cho khách hàng. (Ảnh: NVCC)
Không giống như các thương hiệu ở nước ngoài chế tác những bộ grillz từ vàng và đá quý, để phù hợp với túi tiền của khách hàng Việt Nam, Ngọc Anh chế tác thêm trang sức răng bằng bạc.
Hiện, mỗi bộ trang sức răng bằng bạc có giá 4 triệu đồng, sản phẩm bằng vàng hoặc kim cương tự nhiên có giá trung bình khoảng 100 triệu đồng cho 8 chiếc hàm dưới hoặc hàm trên. “ Bộ grillz đắt nhất tôi từng làm rơi vào khoảng 200 triệu đồng cho một hàm dưới. Với cả hàm trên xung quanh, mức giá có thể lên tới 400 triệu đồng cho 16 chiếc ”, anh cho biết. Thu nhập ngày càng tăng giúp Ngọc Anh đủ lực để xây dựng thương hiệu cho riêng mình và thành công trong lĩnh vực không “đụng hàng” này.
Những chiếc Grillz (trang sức răng) được làm thủ công tỉ mỉ với từng chi tiết tinh xảo. (Ảnh: NVCC)
Thiết kế thời trang cho...nhân vật siêu nhân
Đỗ Đức Mười (sinh năm 1997, quê Lào Cai) là đồng sáng lập Công ty TNHH Transform Studio, chuyên về kỹ xảo vật lý hóa trang với các hiệu ứng đặc biệt và thiết kế phục trang tại Hà Nội. Các sản phẩm của công ty chuyên phục vụ những nhân vật siêu nhân, người máy, người nhện, người sắt, khủng long trong phim hoạt hình.
Mười cho biết, ngay từ nhỏ anh đã tự chế tác những trang phục, đồ chơi và kiếm được tiền từ năm lớp 11, khi bắt đầu có đơn đặt hàng.
Đến tận bây giờ, ngành này vẫn còn quá mới lạ, không phải ai cũng biết đến và càng không dám làm giàu từ đó. “ Tại Việt Nam mới chỉ du nhập văn hóa cosplay (hóa trang), còn về sản xuất đạo cụ, trang phục thì chưa hề có. Những ngày đầu, tôi phải tự tìm hiểu, mày mò, nhiều lúc khó quá muốn bỏ cuộc. Nhưng có lẽ sức trẻ, sự háo thắng của tuổi trẻ đã giúp tôi quyết tâm vượt qua ”, Mười kể.
Anh Đỗ Đức Mười cùng những sản phẩm trang phục siêu nhân được Công ty Transform Studio sản xuất. (Ảnh: NVCC)
Các sản phẩm hóa trang rất kén người làm, vì mỗi trang phục được chế tác đòi hỏi sự tỉ mỉ, thủ công và cả sáng tạo, bao gồm rất nhiều chi tiết, phụ kiện, mảng màu. Cái khó của làm đồ hóa trang cho nhân vật hoạt hình là trang phục không chỉ giống thật mà còn phải thể hiện được cái hồn, thần thái, khiến ai nhìn vào cũng biết đó là nhân vật nào.
Ngay khi là sinh viên năm thứ hai Đại học Kiến trúc, Mười đã tìm cách xoay vòng vốn, nhận trước tiền cọc của khách rồi làm gối đầu, đảm bảo sản xuất, trả lương cho nhân công cũng như mọi chi phí khác.
“ Nhiều thời điểm bí tiền, tôi phải thuyết phục gia đình thế chấp nhà vay vốn khởi nghiệp. Tôi muốn chứng minh rằng, đây là ngành nghề khó nhưng vẫn có khả năng phát triển ở Việt Nam, và những người trẻ như chúng tôi hoàn toàn có thể làm được ”, anh nói.
Hiện tại, mỗi bộ trang phục hóa trang có giá trung bình từ 700 đến 2.000 USD. Công ty TNHH Transform Studio ngày càng vững mạnh về tài chính. Cá nhân anh không còn phải “xoay” từng đồng vốn như trước nữa.
Với anh, cái được lớn nhất là trở thành người “có số, có má” trong lĩnh vực vô cùng “khó nhằn” này.