24 người chết do bão Yagi

Bão Yagi đổ bộ miền Bắc đã làm 24 người chết, 3 người mất tích, trong đó Lào Cai 6, Quảng Ninh 5, Hà Nội và Hòa Bình mỗi tỉnh 4 người chết.

Ngày 9/9/2024, báo VnExpress đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "24 người chết do bão Yagi". Nội dung cụ thể như sau:

Thống kê đến tối 8/9 của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng như một số địa phương cho thấy cơn bão mạnh nhất trong hàng chục năm qua đã làm 24 người chết, chủ yếu do sạt lở đất, cây đổ đè trúng người.

Tâm bão Quảng Ninh chịu nhiều thiệt hại nhất với 5 người chết, trong đó có sĩ quan của Quân khu 3 và sĩ quan công an của trại giam tỉnh. Trong 229 người bị thương trên toàn khu vực thì Quảng Ninh có tới 157. Tất cả đều gặp nạn trong ngày bão đổ bộ với sức gió cấp 12-13, riêng Bãi Cháy tới cấp 14.

Lào Cai và Hòa Bình nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, sức gió cấp 8-9, mưa liên tục hai ngày qua khiến đất no nước, liên kết kém và sạt lở. Ngoài 6 người bị chết ở thị xã Sa Pa, Lào Cai còn 9 người bị thương do sạt lở vùi lấp khu dân cư nằm cách chân núi khoảng 100 m.

Nhà dân ở TP Cẩm Phả, Quảng Ninh tan hoang sau bão Yagi. Ảnh: Giang Huy

Nằm trên đường di chuyển của bão và hứng chịu gió cấp 10, Hà Nội ghi nhận 4 người chết, 17 người bị thương, chủ yếu do cây đổ đè trúng. Thành phố thống kê có tới 24.800 cây đổ, tập trung ở Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm...

Các địa phương khác như Hải Phòng ghi nhận 2 người chết; Hải Dương, Yên Bái, Lạng Sơn mỗi nơi một người chết. Bắc Giang có một người, Tuyên Quang hai người mất tích do lũ cuốn.

Bão Yagi đã làm hơn 8.010 ngôi nhà bị hư hỏng; 25 tàu thuyền ở Quảng Ninh bị chìm tại nơi neo đậu. Tỉnh Quảng Ninh cũng có hơn 1.100 lồng bè nuôi thủy sản bị chìm hoặc cuốn trôi.

Hệ thống điện và viễn thông bị tê liệt diện rộng. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện do 5 đoạn đường dây 500kV, 31 đường dây 220kV, 97 đường dây 110kV gặp sự cố. Đến tối 8/9, nhiều khu vực ở Quảng Ninh, Hải Phòng vẫn chưa có điện.

Cột điện đổ trên đường phố TP Cẩm Phả, Quảng Ninh, sáng 8/9. Ảnh: Giang Huy

Ngành nông nghiệp thống kê gần 110.000 ha lúa bị ngập úng, tập trung tại Hải Phòng 7.000 ha, Thái Bình 29.000 ha, Hưng Yên 12.110 ha, Hải Dương 18.500 ha. 17.920 ha hoa màu, 6.900 ha cây ăn quả bị hư hại.

Hiện nhiều tỉnh miền Bắc vẫn mưa. Cơ quan khí tượng dự báo trong 24-48 giờ tới Tây Bắc Bộ mưa 70-140 mm, có nơi trên 250 mm; từ đêm 9/9 đến chiều tối 10/9 mưa 50-100 mm, có nơi trên 200 mm. Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa nhỏ hơn, dao động 40-80 mm, có nơi trên 150 mm từ đêm 8/9 đến tối 9/9.

17/25 tỉnh thành miền Bắc đối diện nguy cơ sạt lở đất.

Trước đó, báo Tuổi Trẻ đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "21 người chết, 3 người mất tích do bão số 3 và mưa lũ sau bão". Nội dung cụ thể như sau:

Bí thư Thị ủy Sa Pa Phan Đăng Toàn thăm hỏi cháu bé bị thương do sạt lở đất - Ảnh: TH Sa Pa

21 người thiệt mạng do bão số 3

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến 18h ngày 8-9, thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão làm 21 người tử vong.

Trong đó, Lào Cai có 6 người thiệt mạng, Quảng Ninh 5, Hải Phòng 2, Hải Dương 1, Hà Nội 1, Hòa Bình 4, Yên Bái 1, Lạng Sơn 1 và 1 chiến sĩ thuộc Quân khu 3. Ngoài ra, còn 3 người đang mất tích và gần 230 người bị thương.

Mưa bão còn khiến trên 8.000 nhà ở bị hư hỏng và nhiều cơ sở hạ tầng điện lưới, thông tin bị ảnh hưởng. Về nông nghiệp, gần 110.000ha lúa, gần 18.000ha hoa màu… bị thiệt hại.

Theo báo cáo nhanh của UBND thị xã Sa Pa lúc 15h30 ngày 8-9, khoảng 13h chiều, tại xã Mường Hoa, một vụ sạt lở đất vùi lấp 4 hộ gia đình. Theo xác minh ban đầu của thị xã Sa Pa, 4 hộ gia đình có 26 người. Hiện tại đã tìm thấy 4 người tử vong.

Trong đó, có 2 người lớn là bà Vàng Thị M. (68 tuổi), chị Giàng Thị C. (25 tuổi) và các cháu Châu Gia H. (1 tuổi), Vàng Văn V. (1 tuổi). Ngoài ra, có 9 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa. Các nạn nhân chỉ bị thương nhẹ. Còn 4 người chưa tìm thấy. 

Hiện thị xã Sa Pa đang huy động 80 người tổ chức tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn và lập Trung tâm chỉ huy tại trụ sở thị xã và Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại UBND xã Mường Hoa.

Thị trấn Na Sầm (Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) chìm trong biển nước. Lực lượng chức năng hỗ trợ sơ tán người dân đến nơi an toàn - Ảnh: Trang tin huyện Văn Lãng

Lạng Sơn: Nhiều thị trấn mênh mông trong biển nước 

Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Lạng Sơn, đến 15h ngày 8-9, tỉnh có 1 người chết do sạt lở đất làm sập nhà ở huyện Chi Lăng, 1 người mất tích và 9 người bị thương.

Trên 1.200 hộ bị tốc mái, cây đổ vào nhà, sạt lở đất, ngập nước… Nhiều trụ sở công an, nhà văn hóa, trường học, bưu điện, hoa màu của bà con bị thiệt hại. Là tuyến huyết mạch giao thương hàng hóa, lực lượng chức năng tăng cường người thông tuyến tại quốc lộ 1, 3B, 4A, 279.

Do mưa lớn kéo dài, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng bị ngập cục bộ. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội và dân quân, đoàn thanh niên hỗ trợ người dân sơ tán. 

Đến 9h ngày 8-9, lực lượng chức năng cứu hộ, cứu nạn được 35 người và bố trí đến nơi an toàn. 

Chị Nguyễn Thị Tuyết, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, chia sẻ mưa lớn, nước dâng nhanh, nhưng được chính quyền hỗ trợ, gia đình kịp sơ tán lên nơi cao tránh trú.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã yêu cầu cơ quan chức năng trong tỉnh sơ tán người dân, di chuyển tài sản. 

Trong đó có các khu vực khả năng bị ngập lụt do xả lũ hồ Bản Lải và các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn.

Lực lượng chức năng hỗ trợ, sơ tán người dân ra khỏi khu vực bị ngập sâu tại khu Ga Bắc, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn - Ảnh: TRIỆU THÀNH

Tại Bắc Giang, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cùng đoàn công tác đến chỉ đạo khắc phục hậu quả tại huyện Sơn Động. 

Ông Sơn yêu cầu các xã, thị trấn huy động tối đa lực lượng hỗ trợ nhân dân phục hồi sản xuất, bảo đảm không để ai bị thiệt hại mà không nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương.

Đến 14h30 ngày 8-9, huyện Sơn Động có trên 450 hộ dân, cơ quan, trường học bị tốc mái. Khoảng 960ha lúa, hoa màu ngập úng và 22.500ha cây lâm nghiệp bị đổ gãy. Do ảnh hưởng của mưa bão, các mạng Vinaphone, MobiFone và Viettel đều liên lạc khó khăn.

Đến 17h chiều cùng ngày, toàn huyện Sơn Động chưa có điện. Nguyên nhân do đường dây 220kV Quảng Ninh - Đông Rì (Bắc Giang) đang được khắc phục.

Bộ Y tế: Xử lý môi trường, đảm bảo vệ sinh sau bão

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường sau bão - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Tại báo cáo nhanh, Bộ Y tế cho hay trong bão các cơ sở y tế đã trực cấp cứu 24/24h, sẵn sàng khi có tình huống; thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời thành lập các đội cấp cứu cơ động, đảm bảo thực phẩm, nước sạch cho người bệnh.

Theo Bộ Y tế, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, tính đến tối 7-9 đã tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân bị thương do bão, trong đó có 6 ca nặng đang được điều trị tích cực. Các bệnh nhân đa phần đều gặp chấn thương do mảnh kính, mảnh tôn.

Các cơ sở y tế cũng gặp một số thiệt hại về cơ sở vật chất. Tại Hải Phòng, qua đường dây nóng, Sở Y tế Hải Phòng báo cáo trước mắt, một số cơ sở y tế có thiệt hại như bay mái, bay biển hiệu, biển chỉ dẫn, một số trạm y tế bị đổ tường bao.

Các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị. Các thiết bị được di chuyển đề phòng ngập lụt sau bão.

Tiếp tục công tác y tế sau bão, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục xử lý các trường hợp bị tai nạn do bão lụt; tiến hành công tác xử lý môi trường (khử khuẩn môi trường, xử lý rác thải, xác động vật chết…). Đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân.

Đồng thời, các đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút. Lên các phương án phòng chống dịch sau mưa lũ, lưu ý các dịch bệnh sởi, đau mắt đỏ, nước ăn chân, tiêu chảy...

Tập trung phân loại người bị nạn để ưu tiên trong công tác cấp cứu đối với tình huống khẩn cấp, phân luồng người bệnh nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, đường tiêu hóa để tránh lây nhiễm dịch bệnh trong bệnh viện.

Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình.

Bộ cũng yêu cầu các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế (Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Y học biển) tiếp tục thành lập các đội cơ động cấp cứu; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, phương tiện, vật tư, nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống.