Vượt đèn đỏ bị phạt 5 triệu đồng, nữ sinh bật khóc
Sáng 2/1, ngày thứ 2 Nghị định 168/2024 có hiệu lực, phần lớn người tham gia giao thông đã chấp hành nghiêm túc hiệu lệnh đèn tín hiệu nhưng vẫn có trường hợp cố tình vi phạm.
Theo báo Vietnamnet, công an TP đã xử lý 594 trường hợp vi phạm trong ngày đầu tiên của năm 2025.
Ngày thứ 2 Nghị định 168/2024 có hiệu lực, tại nhiều ngã tư ở Hà Nội, phần lớn người tham gia giao thông đã chấp hành đèn tín, không đi ngược chiều...
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người đi ngược chiều đường Nguyễn Xiển (đoạn từ đường Phạm Tu đi nút giao Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi). Thậm chí, có trường hợp còn đi ngược chiều trên vỉa hè khiến người đi bộ phải né tránh.
Số người đi ngược chiều này cũng đứng lộn xộn ở ngã tư gây nên tình trạng hỗn loạn giao thông.
Đội CSGT đường bộ số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) đã bố trí 10 cán bộ, chiến sĩ vừa phân luồng vừa xử lý vi phạm.
Đã có hơn 20 trường hợp vi phạm các lỗi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều bị xử phạt... Với vi phạm này, mỗi người sẽ bị xử phạt 5 triệu đồng và trừ điểm giấy phép lái xe.
Chị N.T.H. (21 tuổi, trú tại Hoàng Mai) đã bật khóc khi lực lượng CSGT thông báo mức phạt với lỗi vượt đèn đỏ là 5 triệu đồng và trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Phân trần với CSGT, chị H. cho biết mình vội đi thi nên lỡ vượt đèn đỏ, nếu biết bị phạt nặng thế thì sẽ chấp hành nghiêm chỉnh.
Anh T.A.V. (24 tuổi, trú tại Thanh Trì) cũng cho biết, đây là lần cuối cùng bản thân vi phạm lỗi vượt đèn đỏ do mức phạt cao hơn thu nhập của mình.
Thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong hôm qua (1/1), Công an TP đã xử lý 594 trường hợp vi phạm. Trong đó, có 62 trường hợp vượt đèn đỏ và 20 người đi ngược chiều...
Đại tá Phạm Quang Huy - Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, quan điểm của Cục là nâng mức xử lý vi phạm hành chính để răn đe giáo dục một bộ phận người dân tham giao thông có ý thức chưa tốt. Đồng thời khích lệ động viên và bảo vệ đại đa số người tham gia giao thông.
"Đã đến lúc phải thay đổi những thói quen xấu khi tham gia giao thông vì nó làm méo mó hình ảnh văn minh đô thị, hình ảnh của đất nước. Đối tác nước ngoài họ đánh giá thấp hoặc lo sợ khi đi ra đường cũng làm giảm nhu cầu đầu tư nước ngoài.
Tai nạn cướp đi nhiều nhân lực quý giá của đất nước, gây hệ lụy bao gia đình phải chăm lo người tai nạn khuyết tật; người khỏe mạnh đang cống hiến cho xã hội bỗng dưng trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội", Đại tá Phạm Quang Huy nói.
Xoay quay vấn đề vi phạm giao thông đầu năm, báo Tiền Phong ngày 2/1 có đăng tải bài viết: "Tài xế xe ôm chạy cuốc xe 15 nghìn đồng bị phạt 5 triệu đồng lỗi vượt đèn đỏ".
Theo đó, Sáng 2/1, người dân bắt đầu trở lại đi làm, đi học sau ngày nghỉ Tết Dương lịch khiến các tuyến phố Thủ đô có lưu lượng phương tiện tăng cao, đặc biệt là tại các nút giao có đèn tín hiệu giao thông.
Hôm nay, cũng là ngày thứ 2 Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều mức phạt vi phạm giao thông tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
Sáng sớm cùng ngày, tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và xử lý vi phạm tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội).
Trong thời gian khoảng 2 tiếng đồng hồ, cán bộ, chiến sĩ phát hiện gần 20 trường hợp vi phạm các lỗi như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều.
Điển hình, nam sinh viên N.C.N (SN 2005) cho biết, sau khi bị lực lượng CSGT dừng xe, bản thân được thông báo vi phạm lỗi đi ngược chiều.
“Đây là lần đầu tiên em phạm lỗi, cũng như chưa nắm được mức phạt mới. Với mức phạt 5 triệu đồng như hiện nay thì đối với sinh viên như em là quá khả năng và sau lần này sẽ rút kinh nghiệm” - N. cho biết.
Cũng vi phạm lỗi đi ngược chiều, ông B.V.T (39 tuổi, ở Hà Nội) - lao động tự do, nêu lý do đi ngược chiều hướng Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi là do đang chở hàng và tắc đường, muốn đi nhanh hơn. Ông phân trần cũng chưa nắm được mức phạt mới và mong “được thông cảm, bỏ qua lỗi vi phạm”.
“Tôi đi làm công ngày được 200-300 nghìn đồng, không đáng là bao nhiêu, mức xử phạt như hiện nay thì quá khả năng của tôi rồi. Lần sau tôi sẽ rút kinh nghiệm đi đúng làn đường theo quy định” - ông T. nói.
Còn N.T.H (2004, trú tại Hà Nội) vượt đèn đỏ hướng Nguyễn Xiển đi Nguyễn Trãi đã bật khóc khi bị tổ công tác dừng kiểm tra, lập biên bản xử phạt. H. cho biết, do bản thân vội nên lỡ vượt đèn đỏ và không nghĩ rằng mức phạt lại cao đến thế.
Một số người vi phạm khác còn biện minh cho hành vi vi phạm của mình và nói rằng do “thấy người khác vượt đèn đỏ, đi ngược chiều thì bản thân cũng đi theo”.
Nam tài xế xe ôm công nghệ đang chở khách đi hướng Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi vượt đèn đỏ và bị tổ công tác dừng kiểm tra. Vị khách đi trên xe đã phải dừng lại giữa chừng và đi bộ về.
Tài xế này cho biết, cuốc xe có 15 nghìn đồng nhưng lỗi vượt đèn đỏ là 5 triệu đồng thì “tất nhiên là nó không đáng”.
“Cả ngày tôi đi làm được bao nhiêu đâu, đi thế này là chết rồi. Mức phạt gần bằng cái xe máy, có 6-8 triệu đồng. Bỏ xe thì cũng không bỏ được, phải chấp nhận nộp phạt thôi” - nam tài xế xe ôm công nghệ buồn bã nói.
Thiếu tá Đặng Trần Hưng - Đội CSGT đường bộ số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, đơn vị triển khai các tổ công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông tại các tuyến đường, nút giao trên địa bàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều…
Ngoài việc phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ điểm GPLX. Mỗi GPLX có 12 điểm, đối với các hành vi như đi ngược chiều trừ 2 điểm, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông bị trừ 4 điểm GPLX.
Theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong ngày 1/1, lực lượng chức năng xử lý 594 trường hợp, phạt thành tiền 1.671.825.000 đồng, tạm giữ 189 phương tiện, 385 bộ giấy tờ, tước 19 GPLX.
Trong đó, vượt đèn đỏ 62 trường hợp, đi ngược chiều 20 trường hợp, vi phạm tốc độ 18 trường hợp, dừng đỗ sai quy định 72 trường hợp, vi phạm nồng độ cồn 138 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm 237 trường hợp...