Vụ đánh ghen, lột quần áo ở Cần Thơ: Người vợ đối mặt 3 tội danh, mức án theo quy định thế nào?
Việc công an khởi tố vụ án đánh ghen tại Cần Thơ là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người khi gặp tình huống tương tự cần bình tĩnh xử lý để tránh vướng vào vòng lao lý.
Báo Phụ nữ thủ đô đưa tin "Vụ đánh ghen, lột quần áo ở Cần Thơ: Người vợ đối mặt 3 tội danh, mức án theo quy định thế nào?"
Vụ việc một nhân viên ngân hàng ở Cần Thơ bị vợ đồng nghiệp hành hung, lột quần áo đánh ghen đã gây xôn xao dư luận những giờ qua.
Theo thông tin mới nhất, Công an quận Ninh Kiều đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về các tội làm nhục người khác, cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng, để điều tra làm rõ vụ việc.
Nạn nhân trong vụ việc là chị N.N.N. (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Hai nghi phạm trong vụ việc này là H.N.B.T (41 tuổi, ngụ phường Bình Thủy, quận Bình Thủy) và N.T.N.Q (36 tuổi, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều).
Sự việc hiện đang nhận được sự quan tâm từ nhiều người. Một số người cho rằng đã quá nhiều vụ việc đánh ghen xảy ra mà người bị khởi tố lại là người vợ, do đó nếu gặp trường hợp nghi ngờ chồng có quan hệ ngoài luồng, bất chính hãy bình tĩnh xử lý để tránh vướng vòng lao lý.
Bên cạnh đó nhiều người cũng thắc mắc, nếu bị khởi tố với 3 tội danh trên, người vợ sẽ đối diện với mức án nào?
Khởi tố 3 tội danh
Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân được cho là xuất phát từ ghen tuồng chuyện tình cảm. Tại cơ quan công an, bước đầu làm việc, bà T. và em gái đã thừa nhận hành vi của mình. Việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự để điều tra những người này về tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng và làm nhục người khác là có căn cứ.
Pháp luật Việt Nam bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân. Hành vi cố ý gây thương tích, đánh nhau nơi công cộng, làm nhục người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội hoặc gây ra thương tích cho nạn nhân là hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc này, hành vi đánh người của nhóm người bà T. được thực hiện ngay tại khu vực nơi có nhiều người qua lại, không chỉ hưởng xấu đến an ninh trật tự mà còn gây thương tích cho người khác.
Cùng với kết quả xác minh ban đầu từ phía cơ quan chức năng, lời khai của nạn nhân, lời khai của những người làm chứng, việc cơ quan điều tra khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự là có căn cứ và cần thiết.
Cụ thể, Điều 318, bộ luật Hình sự quy định Tội gây rối trật tự công cộng: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội..., thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Thứ 2, phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức, dùng hung khí… thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Đặc biệt, hành vi của bà T. không chỉ gây ảnh hưởng trật tự công cộng mà còn xâm phạm đến sức khỏe và của nạn nhân. Bởi vậy trường hợp kết quả nạn nhân có thương tích dù dưới 11% cũng sẽ xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ Luật hình sự.
Ngoài ra, trong vụ việc này, nhóm người bà T. không chỉ thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích mà còn có hành vi lột quần áo nạn nhân để người khác ghi hình đăng lên mạng xã hội, đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người khác, nên việc cơ quan điều tra cũng đã khởi tố về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 Bộ Luật hình sự là có căn cứ.
Nhưng điều quan trọng để có căn cứ xử lý hình sư về những tội này, chị N. phải có đơn yêu cầu xử lý người cơ quan công an để đứng ghi nhận và tiến hành giám định sức khỏe, thu tập chứng cứ trong vụ việc.
Cuối cùng, đối với những người đứng bên ngoài cổ vũ, quay clip phát tán trên mạng xã hội cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm tùy theo mức độ. Nhẹ thì bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xúi dục, lôi kéo, dụ dỗ, tác động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự nhân phẩm của người khác.
Nặng thì có thể bị truy tố về tội làm nhục người khác như đã nêu trên.
Báo Pháp luật TP. HCM đưa tin "Từ vụ đánh ghen tại Cần Thơ: Ghen cũng phải đúng luật!" với nội dung:
Như PLO đã đưa tin, mới đây Công an quận Ninh Kiều đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về các tội làm nhục người khác, cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng, để điều tra làm rõ vụ việc được cho là đánh ghen xảy ra ở Cần Thơ.
Sự việc này ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm từ phía bạn đọc. Một số bạn đọc cho rằng đã quá nhiều vụ việc đánh ghen xảy ra mà người bị khởi tố lại là người vợ, do đó nếu gặp trường hợp chồng đi với người khác hãy bình tĩnh xử lý, "đánh ghen" cũng phải đúng luật.
Cần can ngăn, không nên tiếp xúc
"Những người vợ đi đánh ghen bằng bạo lực chỉ để phơi ra dáng vẻ xấu xí nhất của mình ở mọi phương diện cho thiên hạ xem. Những người ngoài hôm nay hô hào, cổ vũ chị đánh người thật ra chỉ để thỏa mãn sự thích thú hóng drama của họ. Họ hả hê được xem kịch còn hậu quả chỉ một mình người vợ và thân nhân của người vợ gánh lấy. Cái giá đó là án tích thậm chí tù tội, mất tiền, mất mặt, liên lụy con cái. Phụ nữ hiện đại phải tự sống tốt, đừng để hành vi của người khác (chồng, tiểu tam, thiên hạ…) hủy hoại cuộc sống của chính mình" - bạn đọc Phương Dung.
"Cùng là phụ nữ với nhau tôi cảm thấy thương cho chị vợ, nhỡ mà đi tù sau này lý lịch con cái bị ảnh hưởng rồi ai chăm sóc con cái? Vừa mất chồng, vừa đau lòng vừa đối diện với vòng lao lý. Tôi khuyên các chị em, một khi chồng đã ngoại tình thì cố gắng mạnh mẽ mà vứt đi, đánh ghen làm gì để bẩn tay của mình. Phụ nữ yêu con, yêu bản thân sống sẽ hạnh phúc thôi!" - bạn đọc Trúc Ngân.
Bạn đọc Quang Thị Mỹ Hạnh bình luận: "Nếu thương chị vợ mọi người lúc đó nên can ngăn, không nên cổ vũ tiếp sức cho chị vợ để chị vợ vi phạm pháp luật như vậy. Bây giờ chị vợ phải gánh hết mọi trách nhiệm, khả năng bị hình sự là rất cao".
Bạn đọc Tran Khoi My nêu ý kiến: "Công an đã khởi tố vụ án, có lẽ nhanh thôi sẽ khởi tố các cá nhân liên quan trong vụ việc. Đây là lời cảnh tỉnh cho các chị em. Bởi, nhiều chị em suy nghĩ rất đơn giản, nếu đánh ghen chỉ bị xử phạt tiền là cùng".
Bạo lực không giải quyết được vấn đề
"Luật pháp có quy định bảo vệ hôn nhân và gia đình, nếu phát hiện chồng ngoại tình thì khôn khéo tìm bằng chứng để pháp luật trừng trị. Như vậy mới gọi là đánh ghen thời đại mới. Dù biết nói dễ làm khó vì gặp tình huống chồng đi với cô khác thì khó bình tĩnh nhưng hãy nghĩ đến bản thân, con cái để không hành động dại dột" - bạn đọc Hải Đăng.
"Đánh ghen rồi được gì đâu, vừa mất chồng vừa lên phường ngồi. Lỡ ngồi tù còn phải đền bù cho người ta nữa, còn lỡ xảy ra án mạng thì chị vợ ôm hết tội, lúc đó lại khóc lóc van xin toà giảm án. Tóm lại, bạo lực không giải quyết được vấn đề chỉ làm mọi chuyện đi xa hơn thôi. Hết duyên hết nợ thì ly dị đường ai nấy đi cho nhanh, thời đại nào rồi còn hùa vào đánh nhau, suy nghĩ nông cạn dẫn đến thiệt thân" - bạn đọc Ý Như.
"Càng đánh ghen dữ dội thì càng chứng tỏ bản thân là người thất bại trong mối quan hệ. Để xử lý một cuộc ngoại tình thì đầu tiên người phụ nữ thông minh cần làm là giữ bình tĩnh. Việc giữ cho mình được một cái đầu lạnh sẽ mang đến những suy nghĩ và quyết định sáng suốt" - bạn đọc Hải Khanh.
Bạn đọc Nguyễn Thu Nga bày tỏ: "Thực tế, mục đích cuối cùng của việc đánh ghen là níu giữ lại hạnh phúc gia đình. Nếu còn yêu và có thể tha thứ, người vợ có thể cho người chồng cơ hội để sửa sai, quay lại. Nhưng nếu người chồng không thể hối cải, tái phạm nhiều lần, người phụ nữ sẽ trở nên đáng thương nếu liên tục chạy theo đánh ghen hết cô bồ này đến nhân tình khác của chồng".
"Không nên chọn cách đánh ghen dữ dội mà hãy quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thần của bản thân. Cuộc hôn nhân mà chỉ một người vun đắp sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc. Người phụ nữ nên dành thời gian đó để chăm sóc bản thân, con cái thay vì bận lòng, đau khổ vì một người không xứng đáng" - bạn đọc Thuý Nhi.
"Phụ nữ hiện đại thường nói 'đánh son không đánh ghen'. Nếu như phải đối mặt với 'kẻ thứ ba', phụ nữ hãy mạnh mẽ để đưa ra những quyết định thông minh và đúng đắn nhất" - bạn đọc Minh Thư.
"Pháp luật hiện nay không có định nghĩa ngoại tình là gì nhưng có thể hiểu rằng đó là hành vi đi ngược lại với nghĩa vụ chung thủy giữa vợ và chồng. Tùy vào mức độ vi phạm mà pháp luật có những chế tài khác nhau là hành chính, thậm chí là hình sự.
Do đó, dưới góc độ pháp luật, để không đánh ghen mù quáng, các chị em nếu rơi vào tình cảnh như vậy có thể lựa chọn phương án thu thập lại bằng chứng để trong trường hợp quyết định đường ai nấy đi thì có bằng chứng trước tòa. Đây là một căn cứ để tòa xem xét, ra các quyết định có lợi cho người vợ.
Trường hợp người chồng có hành vi chung sống như vợ chồng với người khác thì cũng hãy ghi lại bằng chứng. Nếu muốn hãy tố giác với công an, bởi người có hành vi như trên sẽ bị xử phạt từ 3-5 triệu đồng theo quy định tại Điều 59 Nghị định 82/2020", bạn đọc Nguyễn Quý.