Tin vui từ 1/7/2025 Luật BHXH có hiệu lực, người 75 tuổi không lương hưu sẽ được quyền lợi trước đây chưa từng có
Theo quy định của Luật BHXH mới thì đối tượng người già sẽ nhận được sự chăm sóc từ xã hội sớm hơn so với trước đây.
Báo Thời báo VHNT ngày 11/11 đưa thông tin với tiêu đề: "Tin vui từ 1/7/2025 Luật BHXH có hiệu lực, người 75 tuổi không lương hưu sẽ được quyền lợi trước đây chưa từng có" cùng nội dung như sau:
Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội số 14/2024/QH15 thì độ tuổi người già được trợ cấp xã hội sẽ giảm xuống so với trước đây. Đó là tin vui cho những người về già mà chưa đủ điều kiện được hưởng lương hưu.
Tại quy định của Điều 21, Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 thì các đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, quy định, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện, bao gồm:
- Người từ đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
- Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ các điều kiện (không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội) thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Như vậy theo quy định mới thì những công dân từ 75 tuổi mà không có lương hưu hoặc không hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng thì sẽ được trợ cấp hưu trí xã hội. Trước đây độ tuổi này là 80 tuổi. Như vậy theo luật mới độ tuổi được nhận trợ cấp này hạ xuống từ 75 tuổi. Còn những người mà không có lương hưu cũng không có trợ cấp BHXH hàng tháng thuộc diện cận nghèo hoặc hộ nghèo thì độ tuổi được nhận trợ cấp này sớm hơn là từ 70 tuổi. Việc hưởng trợ cấp này mang ý nghĩa nhân văn à đã tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi.
Mức trợ cấp hưu trí sẽ là bao nhiêu?
Theo quy định thì mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.
Nhiều người già neo đơn, cuộc sống khó khăn, nên việc được hưởng trợ cấp hưu trí sớm hơn cũng là một chỗ dựa giúp an sinh. Luật bảo hiểm xã hội 2024 có nhiều điểm mới tạo thuận lợi hơn cho người lao động, khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm xã hội và không rút bảo hiểm xã hội một lần để có nhiều quyền lợi hơn. Và đặc biệt thông tin giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 xuống 15 năm được hưởng lương, giảm độ tuổi được trợ cấp hưu trí đã tạo điều kiện cho rất nhiều người.
Những người thuộc đối tượng có thể có nhiều trợ cấp thì sẽ chỉ được hưởng mức trợ cấp cao nhất. Ví dụ người khuyết tật trên 70 tuổi thuộc hộ nghèo, thì mức trợ cấp khuyết tật so với mức trợ cấp hưu trí, mức nào cao hơn sẽ nhận được mức trợ cấp đó chứ không phải được nhận cả 2 khoản trợ cấp này.
Trước đó, báo Dân trí ngày 09/11 cũng có bài đăng với thông tin: "50 tuổi mới đóng BHXH tự nguyện thì khi nào được hưởng lương hưu?". Nội dung được báo đưa như sau:
Từ trước đến nay bà Huyền chưa tham gia BHXH. Giờ đây, khi đã 50 tuổi, bà có ý định đóng BHXH tự nguyện với mức thu nhập tự chọn là 5 triệu đồng/tháng.
Bà hỏi: "Tôi có đủ điều kiện để được đóng BHXH tự nguyện không và phải đóng tới năm nào thì được lãnh lương hưu? Khi đó, tiền lương hưu mỗi tháng mà tôi được lãnh là bao nhiêu?".
Theo BHXH Việt Nam, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Như vậy, nếu bà Huyền không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì bà đủ điều kiện tham gia BHXH tự nguyện.
Về điều kiện để nhận lương hưu, BHXH Việt Nam cho biết, người lao động phải đạt 2 điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và đủ số năm đóng BHXH.
Về điều kiện tuổi nghỉ hưu được quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ từ năm 2024 trở đi là 56 tuổi 4 tháng, sau đó mỗi năm tăng 4 tháng và đến năm 2035 trở đi là 60 tuổi.
Về điều kiện số năm đóng BHXH, theo Luật BHXH hiện hành (Luật BHXH năm 2014), người tham gia đóng BHXH đủ 20 năm thì đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, theo Luật BHXH số 41 (Luật BHXH năm 2024) được thông qua ngày 29/6/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 thì người tham gia đóng BHXH đủ 15 năm là đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Như vậy, thời điểm bà Huyền có đủ 2 điều kiện trên thì có thể được hưởng chế độ hưu trí.
Hiện bà Huyền 50 tuổi, thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu là năm 2033, khi bà 59 tuổi 4 tháng. Nếu đóng BHXH ngay bây giờ, khi đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2033, bà Huyền đã có khoảng 9 năm đóng BHXH, còn thiếu 6 năm đóng BHXH so với quy định tại Luật BHXH năm 2024.
Tuy nhiên, Điều 36 Luật BHXH năm 2024 quy định người tham gia BHXH tự nguyện được đóng BHXH tự nguyện một lần cho thời gian đóng BHXH còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Hiện tại, Chính phủ chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung trên theo Luật BHXH năm 2024.
Nhưng theo quy định hiện hành (Luật BHXH năm 2014), khi đủ tuổi nghỉ hưu, người lao động được đóng BHXH tự nguyện một lần cho thời gian đóng BHXH còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng).
Nếu Luật BHXH năm 2024 cũng có quy định tương tự như trên, khi đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2033, bà Huyền chỉ cần đóng BHXH tự nguyện một lần thêm 6 năm là đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Về lương hưu, theo BHXH Việt Nam, mức hưởng tùy thuộc vào số năm đóng BHXH, mức thu nhập đóng BHXH và thời điểm hưởng lương hưu nên không thể tính chính xác.
Tuy nhiên, nguyên tắc là lương hưu của lao động nữ sẽ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH.