Chuyện tình 'thần tốc' của cô gái Quảng Trị và chàng trai phố Wall

Lần đầu gặp nhau, Linh Lê và Sơn Lê đã dành 7 tiếng để trò chuyện, ba ngày sau họ thành đôi và 7 ngày là ra mắt gia đình hai bên.

Ngày 13/11/2024 báo VnExpress có đăng tải bài viết với tiêu đề: "Chuyện tình 'thần tốc' của cô gái Quảng Trị và chàng trai phố Wall". Nội dung như sau:

Trên chuyến tàu đi Đà Nẵng đầu năm 2023, Linh Lê bỗng nhiên giật mình khi điện thoại kêu dồn dập bởi cùng lúc 50 thông báo của một ứng dụng hẹn hò đổ về. Một trong những "thủ phạm" là của chàng trai với ảnh đại diện đứng quay lưng trước thánh đường St. Patrick's ở Manhattan (New York, Mỹ).

Cô gái quê Quảng Trị tò mò nên bấm nút chấp nhận lời kết bạn. Chàng trai tự giới thiệu tên là Sơn Lê, làm việc trong một quỹ đầu tư ở Wall Street (Mỹ), đang về Đà Nẵng ăn Tết với gia đình.

Lối nói chuyện dí dỏm của chàng trai khiến Linh chấp nhận gặp mặt sau một tiếng trò chuyện.

Sơn Lê và Linh Lê tại Đà Lạt, Tết 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong không gian một quán pub ven biển Đà Nẵng, hai người nói chuyện "quên trời đất". Họ kể nhau nghe từng dấu mốc cuộc đời, niềm vui, nỗi buồn.

Sinh ra trong một gia đình trong giới tài chính nhưng Linh thích thiên nhiên và đam mê "chữa lành" cho mọi người. Cô gái 29 tuổi từng du học ở bang Florida (Mỹ) nhưng cuộc sống cô đơn xứ người khiến cô buồn bã, bỏ dở để về nước. Trong mắt gia đình, cô trở thành đứa con thất bại và thích nổi loạn.

Sơn Lê, 32 tuổi, là chàng trai quê Đà Nẵng, cũng từng du học Mỹ nhưng đã tốt nghiệp và vượt qua vô số rào cản để tồn tại được ở trung tâm tài chính phố Wall - nơi được gọi là thánh địa của người Mỹ da trắng.

Hai người nhanh chóng cảm thấy thấu hiểu những khó khăn nội tâm của nhau. Những trải nghiệm từ truyền thống trong ngành tài chính gia đình giúp Linh hiểu và cảm thông với những áp lực và khó khăn mà Sơn phải đương đầu tại trung tâm tài chính thế giới. Về phần mình, Sơn hiểu những mặt trái của cuộc sống ở nước Mỹ nên biết vì sao Linh hành động như thế.

"Tôi nhận ra Linh rất bản lĩnh, dám bỏ qua những định kiến của xã hội để theo đuổi cái mình đam mê", chàng trai 32 tuổi chia sẻ.

Đối với Sơn, việc lựa chọn người bạn đời là một khoản đầu tư lớn nhất của người đàn ông. Mang phong cách làm việc của một nhà đầu tư, anh dựa vào 5 sự kết nối để đánh giá người đối diện có thể đi với mình lâu dài được không, bao gồm: tâm linh, cảm xúc, giao tiếp, tầm nhìn tương lai và gia đình hai bên. "Cô ấy mang đến cho tôi cảm giác thân quen, ấm áp và thoải mái", chàng trai đánh giá cao kết nối cảm xúc với cô gái mới quen.

Họ trò chuyện suốt 7 tiếng, từ đêm đến 6h sáng hôm sau mà không ai buồn ngủ. Khi hai người chuẩn bị chia tay, điện thoại Linh vang lên cuộc gọi từ mẹ. "Con ơi, mẹ thấy có trường ở New York mới mở, có nhiều học bổng lắm". Khoảnh khắc khiến cô gái Quảng Trị kinh ngạc. "Tại sao là New York? Sao lại ngay lúc này?", cô nghĩ và cảm nhận "dường như định mệnh đang buộc mình vào chàng trai phố Wall này".

Họ tạm biệt nhau để Linh bắt tàu tiếp tục đi Huế du lịch.

Ba ngày sau khi quen Linh, Sơn đã rất muốn tỏ tình nhưng vẫn chần chừ vì "chưa từng quen cô gái tuổi Hợi nào". Thời gian ở Việt Nam không nhiều, cả hai quyết định thử tìm đến tâm linh, trước khi quyết định yêu nhau hay không.

Họ tham khảo một chuyên gia thần số học ở Pháp theo phong cách phương Tây và một thầy tử vi theo phong cách phương Đông. "Trong cùng một ngày, cả hai nơi đều cho một đáp án rằng chúng tôi đã tìm được đúng người rồi", Sơn nói.

Hà Sơn tới thăm Linh tại Đà Lạt khi mới yêu nhau năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Duyên trời định" của họ chưa dừng lại ở đó. Một tuần sau, Sơn và bố mẹ đi hành hương ở Quảng Trị. Ngày giáp Tết, gia đình không tìm được quán ăn nào. Linh gọi cho cậu mình ở gần đó nhờ tìm hộ. Không ngờ mẹ và các chị cô (những người ở TP HCM) cũng đang về nhà cậu ăn giỗ. Họ mời gia đình Sơn đến nhà dùng bữa.

Cả Linh và Sơn đều choáng váng khi biết gia đình hai bên gặp nhau trong tình huống này. Linh kể lúc đó hai chân cô như xoắn lại, tim muốn rớt ra khỏi lồng ngực.

Nhớ lại ngày đầu nhìn thấy con rể tương lai, mẹ Linh đã thốt lên: "Sao khuôn mặt thằng bé giống con út nhà mình thế". Ai nấy trong họ hàng ấn tượng với sự thông minh và đánh giá cao thành công bằng nỗ lực tự thân của chàng trai trẻ.

Mấy ngày sau, chàng trai bay từ Đà Nẵng vào TP HCM ra mắt những người còn lại trong gia đình bạn gái. Chỉ trong vòng chục ngày, từ hai người xa lạ Linh và Sơn đã xem nhau như vợ chồng, gia đình hai bên coi nhau như thông gia.

Tháng 7/2023, đôi uyên ương đoàn tụ ở nước Mỹ sau nửa năm xa cách. Linh theo học trường mẹ cô đã giới thiệu trước đó, tại thành phố Middletown, cách chỗ người yêu chừng một tiếng lái xe. Ngoài công việc và học tập, họ còn cùng nhau quản lý một công ty thiết kế và chuẩn bị ra mắt một dự án cung cấp các sản phẩm để kết nối mọi người, giống như cách ông trời đã kết nối họ.

Hà Sơn hỏi cưới Mỹ Linh trước nhà thơ nhà thờ St. Patrick’s Cathedral, tháng 11/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một ngày cuối hè 2023, chàng trai dắt người yêu đi chơi nhiều địa điểm nổi tiếng ở TP New York. Sơn bất ngờ quỳ gối, giơ lên chiếc nhẫn cầu hôn.

Ngày cưới của họ diễn ra giản dị nhưng ấm áp trong không gian của một nhà thờ nhỏ có sự góp mặt của bố mẹ Linh và họ hàng của Sơn.

"Nếu không phải định mệnh, sao chúng ta có thể trò chuyện suốt 7 tiếng trong lần gặp đầu, ba ngày là yêu, 7 ngày là ra mắt họ hàng đôi bên", chú rể nói.

Trước đó, ngày 12/11/2024 báo Thanh Niên có bài viết với tiêu đề: "Tình yêu ‘lò vi sóng’ là gì, mà sao nhiều người nhắc tới...?". Nội dung như sau:

Yêu đương kiểu “lò vi sóng”

Trong "từ điển gen Z", tình yêu "lò vi sóng" thực chất là để ám chỉ những cặp đôi chia tay rồi quay lại, việc này lặp đi lặp lại nhiều lần, cũng giống như hành động hâm lại đồ ăn nguội trong lò vi sóng.

Từng chia tay rồi quay lại với người yêu rất nhiều lần nên không thể nhớ con số chính xác, H.T.B.T (24 tuổi), ngụ tại đường Đặng Thùy Trâm, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chia sẻ: “Gần 4 năm yêu nhau nhưng tụi mình chia tay và quay lại rất nhiều lần. Nhất là thời còn sinh viên, nhiều đến nỗi mình không thể nhớ hết được. Lý do chia tay là vì những bốc đồng của tuổi trẻ, do bận nên dành thời gian cho nhau khá ít. Tụi mình hay cãi nhau về những chuyện vặt như xung đột quan điểm hay sự ít quan tâm của đối phương. Những lúc đó mình hay chủ động nói lời chia tay dù sau đó là rơi vào tâm trạng buồn bã, khóc lóc”.

Tình yêu ‘lò vi sóng’ là gì, mà sao nhiều người nhắc tới...?- Ảnh 1.

Trong giới trẻ, yêu đương kiểu "lò vi sóng" không phải là chuyện hiếm

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Và sau mỗi lần như thế T. và bạn trai đều quay lại và hiện tại họ vẫn là một cặp. “Những ngày sau chia tay tụi mình sẽ nghiêm túc suy nghĩ và mình cũng mủi lòng trước sự chân thành của anh nên quay lại. Sau mỗi lần chia tay rồi quay lại thì tụi mình sẽ có thêm một vài nguyên tắc, giới hạn được đặt ra để không lặp lại lỗi đó nữa. Lời chia tay với mình như một cách để cảnh tỉnh rằng mối quan hệ này đang có vấn đề, cần phải nghiêm túc suy nghĩ và nhìn nhận lại”, T. bộc bạch.

Thời còn trong mối quan hệ là người yêu, Võ Thị Mỹ Duyên (23 tuổi), ngụ tại xã Bình Tú, H.Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) cũng từng chia tay nhau rồi quay lại vài lần, nhưng hiện tại cô nàng và chồng đã tổ chức đám cưới được 3 tháng.

Duyên kể: “Thời gian tụi mình chia tay nhau lâu nhất là sau 2 năm mới quay lại. Mình cũng không biết lý do vì sao quay lại được. Hồi đó chỉ tương tác với nhau trên mạng xã hội rồi hẹn đi cà phê. Lúc đó mình vẫn thấy anh ấy rất khó ưa nhưng không hiểu sao vẫn quay lại. Mình nghĩ chắc vì duyên nợ nên bây giờ mới thành vợ chồng”.

Tuy nhiên, cũng có những bạn trẻ nói không với kiểu yêu đương “lò vi sóng”. Họ cho rằng nếu đã nói lời chia tay là không có chuyện quay lại. Vì khi đưa ra quyết định chia tay là đã hết yêu hoặc mối quan hệ này có vấn đề. Đã trong mối quan hệ yêu đương được hơn 4 năm, nhưng chưa một lần Lê Thị Cẩm Tú (23 tuổi), ngụ tại kiệt 82 Nguyễn Lương Bằng, P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) nói lời chia tay rồi sau đó quay lại.

Tình yêu ‘lò vi sóng’ là gì, mà sao nhiều người nhắc tới...?- Ảnh 2.

Chia tay rồi quay lại nhiều lần liệu có nên?

ẢNH: B.T

Cô nàng chia sẻ: “Trong suốt thời gian yêu, 2 đứa có cãi nhau nhưng chưa bao giờ nói ra lời chia tay. Nếu mà nói lời chia tay thì có lẽ cả 2 đường ai nấy đi thật chứ không có chuyện quay lại”.

Với Tú, khi nói ra lời chia tay là đã suy nghĩ rất kỹ chứ không phải vì một phút nông nỗi hay tức giận. “Lúc mới yêu tụi mình cũng đã thống nhất với nhau rằng không thích mang lời chia tay ra để đùa giỡn hay chia tay vì tâm trạng bộc phát. Khi nào đã suy nghĩ kỹ, có lý do chính đáng thì mới nói lời chia tay”, cô nàng tâm sự.

Có nên chọn cách yêu theo kiểu "lò vi sóng"?

Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh, Giám đốc Công ty giáo dục kỹ năng Angel (TP.HCM), cho rằng sở dĩ người trẻ dễ dàng chia tay và quay trở lại với nhau là vì sau cuộc cãi vã thường sẽ có thời gian suy nghĩ về hành động mình đã làm và cảm giác tội lỗi, cô đơn. Do vậy, tình cảm cùng sự nhung nhớ đã thúc đẩy sự làm lành giữa các cặp đôi.

Bên cạnh đó, việc người trẻ dễ dàng nói chia tay và sau đó là mong muốn được quay lại với nhau cũng xuất phát từ nhiều lý do. "Vì thiếu sự chín chắn khi đưa ra quyết định; khả năng đối diện và giải quyết vấn đề của họ ở mức thấp; do thiếu khả năng lắng nghe và thấu hiểu đối phương cùng cái tôi lớn của các cặp đôi; do ảnh hưởng từ các cặp đôi khác dẫn đến sự so sánh và đưa ra quyết định vội vàng hoặc nghe chia sẻ của những người ngoài cuộc, dẫn đến sai lầm; cũng có thể là do những cặp đôi đó chưa đong đầy cảm xúc và hình thành tình cảm sâu sắc với nhau", thạc sĩ Thịnh cho biết.

Tuy nhiên, việc chia tay rồi quay lại diễn ra nhiều lần có thể sẽ để lại những hệ luỵ. "Làm tổn thương nhau và có cảm giác mất đi sự tôn trọng trong mối quan hệ. Sự nghi ngờ và phòng vệ sẽ xuất hiện, giảm đi sự đầu tư cho mối quan hệ, khó đạt được hạnh phúc lâu dài", ông Thịnh cho hay.

Vì vậy, theo ông Thịnh, trong mối quan hệ yêu đương, nếu chọn cách yêu theo kiểu "lò vi sóng" thì sẽ khó tạo ra một mối quan hệ lâu dài và giá trị ý nghĩa. "Ảnh hưởng đến đời sống, công việc, sức khỏe thể chất và tinh thần. Quen theo kiểu "lò vi sóng" sẽ làm cho các cặp đôi chạy theo mối quan hệ ngắn hạn, không định hướng xây dựng gắn bó lâu dài, khó tạo ra một gia đình hạnh phúc, mang giá trị pháp lý để xây dựng và phát triển xã hội, đất nước" thạc sĩ Thịnh chia sẻ.