Vì sao trên thẻ căn cước mới không có dấu vân tay như CMND/CCCD trước đây?
So với mẫu thẻ CCCD hay CMND trước đây, thẻ căn cước mới không in dấu vân tay trên bề mặt thẻ.
Báo Thời báo VHNT ngày 12/11 đưa thông tin với tiêu đề: "Vì sao trên thẻ căn cước mới không có dấu vân tay như CMND/CCCD trước đây?" cùng nội dung như sau:
Luật Căn cước đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo Điều 16 và Điều 23 của luật này, khi thực hiện thủ tục cấp thẻ, cán bộ công an sẽ tiến hành thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, thông tin sinh trắc học về DNA và giọng nói được thu thập khi thực hiện thủ tục cấp căn cước trong trường hợp người dân tự nguyện cung cấp.
Cũng theo Luật Căn cước, thẻ căn cước mới sẽ bỏ thông tin về quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng. Thay vào đó, thẻ này sẽ có thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú.
Về lý do vỏ vân tay trên thẻ căn cước công dân, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM có trả lời như sau: Việc bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (thay vào đó, vân tay được lưu trong Cơ sở dữ liệu căn cước) để đảm bảo tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ của công dân.
Bên cạnh đó, việc cập nhật mống mắt của công dân vào Cơ sở dữ liệu căn cước sẽ được thực hiện trên tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật mã hóa cao nhất về an toàn thông tin.
Mống mắt là cấu trúc mỏng, tròn, nằm trong mắt, có công dụng điều chỉnh kính và kích cỡ của đồng tử. Mống mắt của mỗi người là duy nhất, không thay đổi theo thời gian và độ tuổi. Do đó, sử dụng mống mắt có độ an toàn cao, nhanh và chính xác.
Người dân có thể hoàn toàn yên tâm về vật để bảo mật, không lo bị lộ, lọt dữ liệu.
Hiện đã có nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng mống mắt làm dữ liệu tích hợp trong thẻ căn cước của công dân. Để nhận dạng một người dựa vào cấu trúc các đường vân phức tạp và duy nhất của mống mắt. Để làm được điều này, người ta phải dùng công nghệ nhận diện mống mắt (còn gọi là công nghệ cảm biến mống mắt) sử dụng thuật toán, hình ảnh. Đây là công nghệ đã được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực.
Trước đó, báo Dân trí ngày 11/04 cũng có bài đăng với thông tin: "Bộ Công an nêu lý do lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ căn cước". Nội dung được báo đưa như sau:
Vừa qua, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ký tờ trình dự án Luật Căn cước trình Quốc hội. Với 7 chương, 46 điều, dự thảo Luật Căn cước dự kiến được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...
Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước.
Liên quan đến dự án luật nói trên, có ý kiến thắc mắc, hiện nay nhiều người vẫn sử dụng chứng minh nhân dân (CMND), hay thẻ CCCD gắn chip trong giao dịch, vậy có phải làm lại CCCD theo mẫu mới sửa đổi? Nếu không làm thì có ảnh hưởng gì tới giao dịch không?
Bộ Công an cho biết, dự thảo luật quy định chuyển tiếp theo hướng CMND còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước không được quy định các thủ tục về thay đổi, điều chỉnh thông tin liên quan đến CMND, thẻ CCCD trong các giấy tờ đã cấp.
Hiện nay Bộ Công an đã cấp được gần 80 triệu thẻ CCCD cho người đủ điều kiện cấp thẻ, nên việc quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của CMND cơ bản không tác động đến công dân.
Cũng theo Bộ Công an, quy định này sẽ hạn chế việc tiếp tục sử dụng CMND cũ, có tính bảo mật không cao bằng thẻ CCCD và không có nhiều tiện ích; thúc đẩy người dân thay đổi thói quen bằng việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử.
"Việc thay đổi mẫu thẻ CCCD (sau khi luật có hiệu lực thi hành) không tác động đến những người đã được cấp thẻ CCCD hiện nay. Những thẻ CCCD đã được cấp sẽ vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng được ghi trong thẻ, hoàn toàn không tác động đến các thẻ CCCD đã cấp", Bộ Công an giải thích.
Về nội dung, trong dự thảo Luật CCCD (sửa đổi), phần quê quán được ghi thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú, nếu trường hợp người dân thay đổi nơi ở, có ảnh hưởng đến công tác quản lý con người của các cơ quan chức năng không?
Theo Bộ Công an, việc thay đổi thông tin nơi thường trú thành nơi cư trú, thay đổi thông tin quê quán thành nơi đăng ký khai sinh để bảo đảm thuận lợi cho công dân trong quá trình cấp, sử dụng thẻ CCCD.
Ví dụ như đối với mẫu thẻ CCCD cũ, công dân bắt buộc phải có thông tin về nơi đăng ký thường trú mới được cấp thẻ CCCD. Quy định mới giúp cho công dân không có đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vẫn được cấp thẻ CCCD. Khi công dân có sự thay đổi thông tin sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD, do vậy cơ quan quản lý CCCD hoàn toàn có thể quản lý được công dân.
Còn việc lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng phía sau thẻ CCCD có gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý công dân hay không?
Bộ Công an giải thích, những thông tin về vân tay, đặc điểm nhận dạng không được thể hiện trên bề mặt thẻ CCCD, tuy nhiên vẫn sẽ được quản lý trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ CCCD (chip điện tử).
Việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ CCCD để bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ CCCD. Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể khai thác thông tin trong chip điện tử thông qua các phương tiện nghiệp vụ, không phát sinh vướng mắc.