Nữ sinh Củ Chi vừa học bài vừa dỗ mẹ bệnh tâm thần đã đậu Đại học Bách khoa TP.HCM
Nhiều năm tháng thời gian học bài luôn phải ngắt quãng vì tiếng la của mẹ, phải bỏ dở bài vở để chạy vào “dỗ” người mẹ mắc bệnh tâm thần, Hồng Nhung không nguôi khát khao được vào đại học, năm 2024 cô thành tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Ngày 11/11/2024 báo Tuổi Trẻ có bài viết với tiêu đề: "Nữ sinh Củ Chi vừa học bài vừa dỗ mẹ bệnh tâm thần đã đậu Đại học Bách khoa TP.HCM". Nội dung như sau:
Gia đình chính là động lực để Hồng Nhung nhắc mình phấn đấu, thay đổi số phận - Ảnh: DIỆU QUÍ
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, bằng điểm thi đánh giá năng lực tích hợp kết quả xét học bạ, Nguyễn Thị Hồng Nhung (19 tuổi) đậu ngành logistics của Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).
9 tuổi đã phải dỗ mẹ bệnh
Chúng tôi gặp Nhung vào một chiều mưa tầm tã, khi cô đang chuẩn bị để hôm sau chạy xe máy từ nhà ở xã Tân An Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM) đến ký túc xá làng đại học ở TP Thủ Đức, bắt đầu cuộc sống tân sinh viên.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi đôi lần phải ngừng lại bởi những tiếng nói chuyện lớn, không đầu không cuối, phát ra phía sau nhà của mẹ Nhung.
Nhung lớn lên trong gia đình là hộ nghèo của xã, trước cô còn có một anh trai đang là sinh viên năm ba của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Cách đây hai năm, người anh từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ làm hành trang vào đại học, và giờ giới thiệu lại cho em gái.
Gần 10 năm nay, anh em Nhung được nuôi nấng, tới trường nhờ vào đồng lương công nhân của người cha, vì chừng đó thời gian người mẹ mắc bệnh tâm thần phân liệt, chỉ ở nhà. Đó cũng là cú sốc của cô bé Hồng Nhung, khi đó mới 9 tuổi, đến nhiều năm về sau…
Nhung tâm sự cha cô là công nhân lâu năm của một xưởng nệm trong Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Cứ vài ba tháng ông phải nghỉ làm, cả nhà gọi xe của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đến mới chở được mẹ Nhung đi khám, nhập viện mấy ngày. Tiền xe, viện phí, thuốc thang là con số không nhỏ với gia đình ông.
Trong căn nhà cấp bốn đầy dấu vết của thời gian, góc học tập, để sách vở của Nhung chỉ ở một góc nhỏ. Cô kể nhiều lúc đang làm toán, cần tập trung hết sức thì phải ngắt quãng bởi mẹ phát bệnh.
"Những lúc như vậy mình phải tới an ủi bằng cách hát hò, làm trò này trò kia cho mẹ vui, giống như dỗ dành, đợi mẹ bình tĩnh lại rồi mới học bài tiếp được", cô nói. Nhung kể đôi lúc cũng mệt, tủi thân tới phát khóc, nhưng rồi thấy cảm thông và thương mẹ hơn. "Hồi còn khỏe, mẹ thương hai anh em nhiều lắm".
Mẹ phát bệnh, quá trình lớn lên của Nhung phải tự mày mò, tìm hiểu. Cô gái không có cơ hội tâm sự hay nhờ mẹ tư vấn điều gì. Tuy vậy, cô vẫn còn sự an ủi, động viên từ cha và anh trai.
Mẹ mắc bệnh đột ngột, gần 10 năm nay quá trình lớn lên của Nhung phải tự tìm hiểu mọi thứ - Ảnh: DIỆU QUÍ
Từng thấy là áp lực, giờ là động lực
Ngày hay tin Nhung đậu đại học sau bao nỗ lực không ngơi nghỉ, khi cả nhà vui mừng, hạnh phúc thì người mẹ chỉ im lặng, không biểu hiện gì, kể cả lúc con gái chào để đi học xa.
Nhung chưa bao giờ thôi ham học. Nhìn cha lam lũ nuôi bốn miệng ăn, mẹ thường phát bệnh, phải chở đi viện, cô càng quyết tâm học hành để mai sau có công việc ổn định, lo cho cha và có tiền điều trị lâu dài cho mẹ.
Hai năm nay, anh trai Nhung đi làm thêm, bản thân cô khi thi đại học xong, suốt hai tháng hè cũng đi hai chiều 4 tiếng/ngày từ nhà đến quận 1 bán hàng cho người thân, bằng chiếc xe máy cũ của người quen tặng. "Ở đây chủ yếu bán cho khách du lịch nước ngoài. Ngoài giao tiếp tiếng Anh, nhờ bán hàng, mình có học thêm được một chút tiếng Hàn", cô cho biết.
Có chút tiền để dành, song học phí và tiền trọ chủ yếu vẫn do ông Châu lo cho hai con. Nghe tin con gái đậu đại học, ông Châu mừng lắm. Nhưng ông chưa biết xoay ra sao với mức học phí 15 triệu/năm học của con. Đó cũng là nỗi lo của Nhung.
Cô tâm sự: "Gánh nặng ăn học và căn bệnh của mẹ đã khiến lưng cha ngày càng còng. Nếu nhận được học bổng này, mình sẽ qua được khoảng thời gian khó khăn đầu năm học và có thời gian làm thêm để tự trang trải học phí cho học kỳ sau. Trong thời gian học, mình cũng sẽ cố giành học bổng từ trường".
Ông Châu cho hay trước mắt chỉ có khả năng cho con gái số tiền ít ỏi đóng vào ký túc xá và sinh hoạt phí. Nhung đợi ít hôm khi việc học vào guồng ổn định và quen đường sá sẽ kiếm việc làm thêm, đỡ đần cho gia đình. Bên cạnh đó, cô cũng sẽ tham khảo chương trình cho sinh viên lãi suất nhẹ từ nơi mình theo học.
Nhung là học sinh giỏi nhiều năm. Ngoài ra cô còn từng đoạt giải nhất cờ tướng cấp huyện 4 năm liên tiếp - Ảnh: DIỆU QUÍ
Với Nhung, cô bảo mình chọn học logistics vì có hứng thú với toán và vật lý, dù hiện tại chưa hình dung rõ công việc tương lai.
"Logistics là chuỗi cung ứng, vận chuyển nên sẽ có nhiều lĩnh vực để làm. Mình dự tính làm về thuật toán sao cho việc vận chuyển hàng hóa tiết kiệm thời gian, ít tốn kinh phí nhất", Nhung nói.
Trước đó, theo Đời sống và Pháp luật số ngày 4/7/2024 có bài viết với tiêu đề: "Đứa trẻ Quảng Ngãi bị bỏ rơi ở chân cầu, 18 năm sau được "tái sinh" với hình hài mới". Nội dung như sau:
Mới đây, bức ảnh xúc động chụp tại một buổi lễ tốt nghiệp cấp III của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi) nhận được hơn 36 nghìn lượt yêu thích và chia sẻ trên mạng xã hội. Trong ảnh, cậu học trò mặc áo cử nhân, đứng cạnh vị nữ tu có nụ cười phúc hậu, với ánh mắt chứa chan tự hào.
Tấm hình không chỉ ghi lại dấu mốc quan trọng mà còn là món quà đặc biệt mà Lê Văn Lộc (ở Quảng Ngãi) dành tặng cho nữ tu - người được em xem như mẹ ruột suốt 18 năm qua.
Lộc chụp cùng nữ tu trong ngày tốt nghiệp
Lộc tâm sự, em bị cha mẹ bỏ rơi ngay từ khi mới lọt lòng. Theo lời các nữ tu kể lại, khoảng năm 2006, một cặp vợ chồng làm hồ đi ngang qua chân cầu Bà Tá (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) bỗng nghe tiếng đứa trẻ khóc. Lại gần mới thấy một bé trai được cuốn trong tã, môi bị dị tật hở hàm ếch.
Cặp vợ chồng đem đứa trẻ xuống cô nhi viện Phú Hòa (ở Tịnh ấn Tây, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cách đó không xa và gửi gắm cho cô nhi viện. Từ đó, Lộc lớn lên trong tình yêu thương và sự chăm sóc của các sơ.
Được khoảng 10 tháng tuổi, đứa trẻ được sơ ở cô nhi viện dẫn đĩ phẫu thuật lần 1 đóng khoảng môi bị hở. Đến năm 3 tuổi, Lộc tiếp tục trải qua thêm một ca phẫu thuật nữa.
Vết sẹo để lại trên gương mặt sau những ca mổ khiến em luôn mặc cảm về ngoại hình. Những năm tháng học cấp II, cấp III, Lộc bị bạn bè trêu trọc nên sống thu mình, khép kín.
Năm 2016, lúc đó Lộc được 10 tuổi, may sao được một hội thiện nguyện tài trợ phẫu thuật lần 3. Lần này, các bác sĩ giúp đóng lỗ giò ở vòm miệng để mỗi lần ăn không bị trào lên mũi. Hiện tại dị tật trên gương mặt Lộc đã được cải thiện hơn nhưng sẹo thì vẫn còn.
Lộc bị dị tật hở hàm ếch, đã trải qua 3 lần phẫu thuật
Mong mỏi tìm lại đấng sinh thành
Sinh ra với hình hài không lành lặn, bị cha mẹ ruồng bỏ, dẫu vậy Lộc vẫn mong mỏi một lần được tìm kiếm lại cội nguồn của mình.
"Lúc nhỏ, em vẫn tự hỏi tại sao lại bỏ rơi em như vậy? Có phải vì em không giống những đứa trẻ khác nên họ mới làm vậy với em hay sao? Em suy nghĩ rồi giận cha mẹ mình nhiều lắm.
Nhưng càng lớn lên, trưởng thành hơn, em không còn oán hận họ nữa. Chắc hẳn có lý do nào đó nên cha mẹ mới buộc phải là như vậy", Lộc bộc bạch.
Cô nhi viện Phú Hòa là nơi đã cưu mang Lộc 18 năm qua
Được "tái sinh" với diện mạo mới, dù chưa hoàn thiện nhưng cũng khiến Lộc tự tin, vui vẻ, yêu đời hơn. Không phụ lòng mong mỏi của các sơ, chàng thanh niên trẻ nỗ lực học hành, phấn đấu là học sinh khá, giỏi trong nhiều năm.
Trong kỳ thi THPT vừa qua, Lộc đăng ký vào một ngôi trường tại TP.HCM với hy vọng tìm được học bổng để đỡ được phần nào chi phí trong 4 năm sắp tới.
Nói về ước mơ, chàng thanh niên 18 tuổi hy vọng sau này sẽ trở thành một người hoạt động thiện nguyện, có sự nghiệp thành công để có thể quay về giúp đỡ sơ và các em nhỏ ở cô nhi viện có một tương lai tốt đẹp hơn.
Ảnh: NVCC