Tin vào 'phép màu' của các 'lang vườn' nhiều người bị chó cắn đã phải mất mạng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tình trạng 'lang băm' tự xưng sử dụng các bài thuốc nam không có căn cứ khoa học để chữa bệnh đang diễn ra phổ biến. Hậu quả nghiêm trọng là nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra, trong đó có 8 người tử vong.
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, Nghệ An ghi nhận nhiều trường hợp t:ử v:ong oan uổng vì tin vào các thầy lang và không được tiêm vaccine kịp thời.
8 người t:ử v:ong vì bệnh dại do chữa trị bằng thuốc nam
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS BS Nguyễn Trọng Di, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An, cho biết trong năm 2024, tỉnh này ghi nhận 8 trường hợp t:ử v:ong vì bệnh dại tại các huyện: Thanh Chương (3 ca), Con Cuông (1 ca), Quế Phong (1 ca), Tân Kỳ (1 ca), Nghĩa Đàn (1 ca), và Quỳnh Lưu (1 ca). Điểm chung của các trường hợp này là sau khi bị chó cắn, người bệnh không tiêm phòng vaccine mà tìm đến thầy lang để sử dụng thuốc nam chữa trị, dẫn đến những hậu quả thương tâm.
Mới đây, tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), một trường hợp đáng tiếc xảy ra khi bà C.T.Q. (74 tuổi) t:ử v:ong do bị chó cắn. Qua điều tra dịch tễ, được biết hơn hai tháng trước khi phát bệnh, bà bị chó nhà cắn nhưng không xử lý vết thương và cũng không tiêm vaccine phòng bệnh. Thay vào đó, bà tìm đến một thầy lang 'thử bệnh' và được khẳng định không mắc bệnh dại. Hệ quả là bà phát bệnh và không qua khỏi.
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, với tỷ lệ t:ử v:ong gần như 100% nếu không được tiêm phòng kịp thời. Bộ Y tế đã nhiều lần khẳng định rằng thuốc nam không thể chữa được bệnh dại. Tuy nhiên, một số người dân vẫn tin tưởng vào các "phép màu" từ lang băm, xuất phát từ những trường hợp may mắn không phát bệnh dù bị chó cắn.
Giải thích về vấn đề này, ThS BS Nguyễn Trọng Di, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết: "Không phải tất cả những người bị chó dại cắn đều phát bệnh. Nguy cơ mắc bệnh tùy thuộc vào lượng virus trong nước bọt của chó, độ sâu của vết thương và vết cắn có làm rách da hay không.
Tuy nhiên, chính sự may mắn ngẫu nhiên này đã tạo cơ hội cho các thầy lang lợi dụng, duy trì niềm tin sai lệch của người dân.
Hàng năm, cả nước, trong đó có Nghệ An, vẫn ghi nhận hàng chục trường hợp t:ử v:ong oan uổng vì tin vào các thầy lang và không được tiêm vaccine kịp thời".
ThS BS Nguyễn Trọng Di khẳng định, cách duy nhất để phòng và điều trị bệnh dại hiệu quả là tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn. "Thuốc nam không chữa được bệnh dại, do đó người dân tuyệt đối không sử dụng thuốc nam để điều trị, tránh cái chết oan uổng". Thạc sĩ Di nhấn mạnh.
Khó khăn trong xử lý
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, các thầy lang vẫn ngang nhiên hành nghề bất chấp những hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Đình Hùng, trú tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò. Theo giám sát của Trung tâm Y tế thị xã Cửa Lò (cũ), từ đầu năm 2024 đến ngày 30/11, ông Hùng đã tiếp nhận 273 người đến 'thử bệnh' và lấy thuốc nam chữa bệnh dại, trong đó có 244 người là cư dân tỉnh Nghệ An.
Ngày 03/12/2024, Trung tâm Y tế Cửa Lò đã có công văn báo cáo về vụ việc và chuyển giao cho UBND phường Nghi Hương để kiểm tra, xử lý theo quy định.
Trao đổi với phóng viên, ThS BS Trần Nguyên Truyền - Chánh Thanh tra Sở Y tế Nghệ An - cho biết: "Theo quy định, những người hành nghề y dược tư nhân phải được quản lý chặt chẽ. Nếu vi phạm, họ sẽ bị xử lý theo pháp luật, thậm chí khởi tố khi cần thiết". Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp này không hề đơn giản, bởi cần phải bắt quả tang hành vi vi phạm và thu thập đầy đủ bằng chứng, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng.
Kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm
Để ngăn chặn tình trạng bệnh dại và các hành vi chữa bệnh không có cơ sở khoa học, UBND tỉnh và Sở Y tế Nghệ An đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản yêu cầu tăng cường truyền thông, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở hành nghề trái phép.
TS BS Nguyễn Văn Thương - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An - cho biết, ngày 11/12/2024, Sở đã ban hành văn bản số 4268/SYT-NVY về việc tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vinh và các đơn vị y tế trên địa bàn: Đẩy mạnh công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại và lưu ý việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của lực lượng công an, tổ chức thường xuyên kiểm tra các cơ sở có hành vi tuyên truyền, sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại cho người bị chó, mèo cắn; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Việc nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở y tế là yếu tố then chốt để ngăn chặn các trường hợp t:ử v:ong do bệnh dại, góp phần bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân.
Vào tháng 4/2019, báo Lao Động có đăng bài viết: "Mách nước 5 bước cần làm ngay khi bị chó cắn", cung cấp thông tin hướng dẫn xử lý vết thương khi gặp trường hợp tương tự.
Theo bài đăng, các chuyên gia khuyến cáo sau khi bị chó cắn phải làm ngay một số việc như sau:
Làm sạch vết thương
Điều quan trọng hàng đầu là làm sạch vết thương do chó cắn. Vết thương phải được rửa dưới vòi nước chảy để loại bỏ tất cả mầm bệnh. Dùng bông và nước để rửa vết thương. Rửa nhẹ nhàng không nên chà xát mạnh.
Dùng thuốc sát trùng
Để làm sạch vết chó cắn, có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn hoặc nước ô xi già. Những thuốc này sẽ loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định. Chỉ đổ một lượng nhỏ lên vết cắn và thổi nhẹ vào vết thương khi bôi thuốc vì nó sẽ rất xót.
Nâng cao vùng bị thương
Nếu bị chó cắn vào chân hay cánh tay, cần giơ cao vùng bị thương của người bị nạn lên. Việc này rất quan trọng vì khi bị chó cắn bạn có thể bị chảy máu nhiều và cách làm này sẽ giúp cầm máu.
Băng bó vết thương để cầm máu
Nếu vết thương chảy máu trong vòng 10 -15 phút sau khi bị chó cắn, trong quá trình rửa vết thương không nên cầm máu, chỉ cầm sau 15 phút nếu máu vẫn tiếp tục chảy.
Lúc này, đặt lên vết thương 3 miếng gạc y tế, chờ trong vòng 7 phút, nếu máu vẫn tiếp tục ra nhiều đặt thêm vài miếng gạc nữa lên trên. Chú ý không gỡ miếng gạc trước đó vì sẽ khiến máu chảy nhiều hơn.
Trong trường hợp nếu vết thương sâu và bị ra nhiều máu, máu phun thành tia cần dùng dây thun để garô xung quanh vết thương và chi. Sau đó nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh mất quá nhiều máu.
Tiêm phòng dại
Đối với con chó đã cắn người, phải cách ly và theo dõi trong vòng 10 – 15 ngày, xem tình trạng sức khỏe của chó qua các biểu hiện như bỏ ăn, bị chết hoặc nhờ các bác sĩ thú y theo dõi để xem cho có bị bệnh dại không.
Thời điểm này, nên cân nhắc tiêm phòng uốn ván và tiêm phòng dại cho nạn nhân để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khác. Nếu sau 15 ngày con chó vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường thì không nhất thiết phải tiêm phòng do vắc xin phòng dại sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe nạn nhân. Tuy nhiên, để chắc chắn, gia đình nạn nhân nên có những trao đổi cụ thể với bác sĩ.