Người phụ nữ bị "phổi trắng xóa" chỉ đúng 1 phút sau khi xịt kem chống nắng
Bác sĩ chẩn đoán người này mắc "viêm phổi do hít phải hóa chất".
Ngày 18-07-2025, Phụ nữ số đưa tin "Người phụ nữ bị "phổi trắng xóa" chỉ đúng 1 phút sau khi xịt kem chống nắng". Nội dung chính như sau:
Gần đây, cô Tôn ở Vô Tích (Trung Quốc) đã xịt trực tiếp kem chống nắng lên mặt ở cự ly gần trước khi hoạt động ngoài trời để đạt hiệu quả chống nắng nhanh chóng. Chỉ một phút sau, cô xuất hiện các triệu chứng như ho dữ dội, tức ngực và thở khò khè.
Sau khi nhanh chóng đến bệnh viện, phim chụp CT cho thấy những vùng tổn thương màu trắng lớn ở cả hai phổi và cô được chẩn đoán mắc "viêm phổi hít hóa chất".
Cô gái đã gặp vấn đề về sức khỏe do sử dụng kem chống nắng dạng xịt không đúng cách
Bác sĩ phân tích rằng các hạt hóa chất trong kem chống nắng đã xâm nhập vào đường thở khi thở, gây ra phản ứng viêm cấp tính, đây là nguyên nhân chính gây bệnh.
Bác sĩ lưu ý rằng ngay cả khi bạn nín thở khi xịt kem chống nắng, vẫn còn rất nhiều hạt lơ lửng trong không khí xung quanh, chúng sẽ được hít vào sau đó.
Bác sĩ cho biết, có hai nguy cơ mất an toàn chính khi sử dụng xịt chống nắng. Đó là nguy cơ hít phải và nguy cơ cháy nổ. Nguy cơ hít phải xuất hiện khi chúng ta dùng xịt chống nắng lên da và có thể vô tình hít phải. So với mỹ phẩm dạng bôi thoa, mỹ phẩm dạng xịt có giọt tương đối nhỏ hơn nên nguy cơ hít phải trong quá trình sử dụng tương đối lớn hơn. Nhất là nếu xịt ở khu vực gần miệng, mũi hoặc há miệng khi xịt. Hoặc xịt chống nắng trong không gian hẹp và kín như ô tô, phòng vệ sinh kín…
Phim chụp CT cho thấy những vùng tổn thương màu trắng lớn ở cả hai phổi
Những hạt bắn từ xịt chống nắng có thể chứa nhiều thành phần mỹ phẩm khác nhau như chất chống nắng, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, nước hoa và chất bảo quản. Chúng an toàn với bề mặt da nhưng nguy hiểm với hệ hô hấp và một vài cơ quan khác trong cơ thể. Có thể gây ra khó chịu nhất thời cho tới nguy hiểm tính mạng. Đặc biệt là với người bị dị ứng, hô hấp kém, trẻ nhỏ.
Tình trạng phổi trắng hay chính là viêm phổi quá mẫn cấp tính do hít phải xịt chống nắng không hề hiếm gặp. Một số thành phần hóa học trong đó có thể kích thích và gây ra một loạt phản ứng dị ứng, dẫn đến khí quản, phế quản lan rộng và thậm chí là phù phổi, khiến phổi không thể hoạt động bình thường. Thậm chí gây nguy hiểm tính mạng do viêm phổi nặng, suy hô hấp…
Nguy cơ thứ hai khi dùng xịt chống nắng là rủi ro dễ cháy nổ. Vì chất đẩy được sử dụng trong các sản phẩm bình xịt có thể là những chất dễ cháy như butan và propan. Đồng thời ở trạng thái hóa lỏng áp suất cao nên có thể dễ dàng xảy ra tai nạn cháy nổ khi gặp nguồn lửa.
Khi sử dụng kem chống nắng dạng xịt vào mùa hè, tránh xịt trực tiếp lên mặt, giữ khoảng cách 15-20cm khi sử dụng và nín thở khi xịt để tránh hít trực tiếp.
Ngoài ra, không xịt trực tiếp lên mặt, đặc biệt tránh các vùng da nhạy cảm như mắt, miệng, mũi; bạn có thể xịt sản phẩm chống nắng ra lòng bàn tay trước, sau đó thoa đều lên mặt. Nếu nếu xuất hiện các triệu chứng như ho, tức ngực, khó thở sau khi sử dụng xịt chống nắng, nên đi khám ngay và thông báo với bác sĩ về việc đã sử dụng sản phẩm này để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngày 25/5/2025, báo VTC News đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Dùng kem chống nắng quá mức, người phụ nữ bị gãy xương". Nội dung như sau:
Các bác sĩ tại Bệnh viện Y học cổ truyền XinDu, Thành Đô, Trung Quốc vừa báo cáo về trường hợp bất thường của một bệnh nhân tại địa phương. Người phụ nữ giấu tên, 48 tuổi bị gãy xương chỉ vì nằm lăn lộn trên giường.
Theo Tiến sĩ Long Shuang, các xét nghiệm được thực hiện tại bệnh viện cho thấy nồng độ vitamin D trong cơ thể của người phụ nữ cực kỳ thấp. Điều này đẩy nhanh quá trình yếu xương và gây ra chứng loãng xương nghiêm trọng.
Các cuộc nghiên cứu sâu hơn cho thấy bệnh nhân tránh ánh nắng mặt trời từ khi còn nhỏ, hiếm khi mặc quần áo ngắn và luôn thoa kem chống nắng khi ra ngoài. Trường hợp của nữ bệnh nhân như một lời cảnh báo cho những người lạm dụng kem chống nắng quá mức.
"Không hiếm người bôi kem, mặc quần áo che toàn bộ cơ thể từ đầu đến chân để bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, điều này thực sự không lành mạnh", Jiang Xiaobing, giám đốc Khoa phẫu thuật chỉnh hình cột sống tại Bệnh viện trực thuộc thứ hai của Đại học Y Quảng Châu cho biết.

Ông còn nói thêm tất cả các xương trong cơ thể con người đều được tái tạo sau mỗi 10 năm. Tuy nhiên từ tuổi 30, chúng ta bắt đầu mất dần khối lượng xương với tốc độ 0,5 - 1%/năm. Việc không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và thiếu vitamin D đều cản trở quá trình cung cấp thêm canxi, dẫn đến lượng canxi hấp thụ thấp.
Mặc dù kem chống nắng và các phương pháp bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời có những ưu điểm như giúp giảm nguy cơ ung thư da. Thế nhưng, một số người lại lạm dụng quá mức khiến bản thân gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Ánh sáng mặt trời rất quan trọng trong việc giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, chất rất cần thiết cho xương chắc khỏe và cải thiện quá trình hấp thụ canxi. Việc tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch và sức khỏe của xương.
Ở người trung niên, việc thiếu hụt vitamin D kéo dài có thể gây ra loãng xương, dẫn đến đau xương và yếu cơ. Tình trạng này dẫn đến quá trình khoáng hóa xương, khiến xương bị suy yến, mềm, dễ biến dạng và gãy hơn.
Vitamin D cũng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tâm trí. Sự thiếu hụt loại vitamin thiết yếu này dẫn đến các rối loạn tâm trạng, bao gồm trầm cảm và lo âu. Một số nghiên cứu cho thấy rằng nồng độ vitamin D thấp có thể ảnh hưởng đến chức năng dẫn truyền thần kinh, ảnh hưởng đến quá trình điều hòa tâm trạng.