Vụ mẹ ra tay 2 con nhận 4 tỷ bảo hiểm: Số phận 2 đứa con lớn của thị gây xót xa
Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam cho biết địa phương sẽ xem xét tìm hướng hỗ trợ cho các cháu để tiếp tục có điều kiện học tập.
Ngày 7/4/2025, báo Người lao động đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Mẹ giết con để trục lợi bảo hiểm: Đáng thương 2 đứa con còn đi học". Nội dung như sau:
Ngày 7-4, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vẫn đang phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục điều tra làm rõ vụ án Tô Thị Ty Na (SN 1981; trú khu phố 8, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) sát hại con trai để trục lợi bảo hiểm.
Bà Võ Thị Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), nói rằng bản thân bà không ngờ sự việc xảy ra như vậy.

Bà Phước cho biết trước khi bị bắt, bà Ty Na ít ở địa phương, 2 con của bà Na ở với người thân hai bên nội ngoại. Giờ đây, cha mất trong khi mẹ bị bắt giữ trong hoàn cảnh như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của 2 con của bà Na.
Theo thông tin địa phương nắm được thì hiện con trai đầu của bà Na đang học lớp 11 ở TP Đà Nẵng, con gái đang học lớp 9 ở địa phương.
Bà Phước cho biết địa phương sẽ liên hệ với gia đình tìm hiểu thêm thông tin để xem xét hướng hỗ trợ cho 2 cháu tiếp tục đi học.
"Trẻ rơi vào hoàn cảnh như vậy rất đáng thương. Chúng tôi sẽ tìm hiểu để có hướng hỗ trợ phù hợp. Nếu có cô bác chú dì nuôi dưỡng thì có chính sách hỗ trợ riêng, còn không sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm, hội khuyến học hoặc kêu gọi nhận đỡ đầu để cho các em được tiếp tục đi học, không để các em nghỉ học"– bà Phước cho biết.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bích Tâm – cô ruột của các cháu bé cho biết sự việc xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các cháu, nhất là cháu đầu năm nay học lớp 11 đã đủ lớn để hiểu hết mọi việc. Từ trước khi công an công bố thông tin bà Ty Na sát hại con ruột, cháu đã rất buồn, cứ ở trong phòng đóng cửa lại, không muốn tiếp xúc với ai.
Bà Tâm cho biết mẹ cháu ít quan tâm nên trong quá trình đi học, cháu phải đi làm thêm để kiếm tiền tiêu xài, nộp học phí.
Trước đó, tối 5-4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Na trong thời gian 4 tháng để điều tra về tội giết người.
Theo Công an tỉnh Quảng Nam, vụ án mạng đã xảy ra vào đầu năm 2023. Vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hợp, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh kiểm tra, rà soát các vụ việc liên quan.
Từ công tác kiểm tra rà soát, Cơ quan CSĐT đã tiến hành xác minh, giải quyết vụ việc chết người xảy ra ngày 2-1-2023. Kết quả điều tra xác định khoảng 22 giờ 5 phút ngày 2-1-2023, tại nhà Tô Thị Ty Na, cháu Nguyễn Văn Hoàng (SN 2017) là con ruột Na chết ở nhà vệ sinh. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan Công an đã xác định đối tượng Na đã có hành vi giết cháu Hoàng, mục đích nhằm trục lợi bảo hiểm.
Được biết, năm 2001, TAND huyện Thăng Bình từng tuyên phạt Tô Thị Ty Na 40 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Cùng ngày, báo Tin tức cũng đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Vụ mẹ giết con để trục lợi bảo hiểm: Sự đổ vỡ hoàn toàn về mặt nhân tính". Cụ thể như sau:

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố bị can và bắt tạm giam Tô Thị Ty Na (sinh năm 1981, Khu phố 3, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) về hành vi “Giết người”.
Kết quả điều tra xác định, khoảng 22 giờ 5 phút ngày 2/1/2023, tại nhà Tô Thị Ty Na, cháu Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 2017) là con ruột Na bị chết ở nhà vệ sinh. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Công an xác định đối tượng Na đã có hành vi giết cháu Hoàng để trục lợi bảo hiểm tiền tỷ.
“Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng với động cơ đê hèn và thủ đoạn vô nhân tính của nghi phạm. Động cơ trực tiếp là tiền, nhưng sâu xa hơn là sự tha hóa đạo đức, sự tê liệt về cảm xúc’, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định.
“Người mẹ ấy có thể đã từng bị ruồng rẫy, thiếu yêu thương, sống trong môi trường chỉ tôn thờ đồng tiền, nơi con người bị ‘định nghĩa’ bằng tài sản. Chính những vết nứt âm ỉ trong tâm lý đã trở thành chất xúc tác khiến cô ta trở thành tội phạm”, chuyên gia Đào Trung Hiếu phân tích thêm.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức và Dân tộc, Luật sư Đỗ Minh Hiển, Văn phòng Luật sư JVN (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, trong những năm qua, đã có không ít các vụ án trục lợi bảo hiểm, gây chấn động dư luận về tính chất, thủ đoạn và mức độ của hành vi phạm tội.
Có thể kể đến một số vụ án như: Vụ án Lý Thị N. (Hà Nội) vào năm 2016, N. đã tự chặt một phần bàn tay và chân để tạo hiện trường giả một vụ tai nạn nhằm trục lợi 3,5 tỷ đồng bảo hiểm. Âm mưu không thành, N. phải chịu thương tật trọn đời hay vụ Đỗ Văn Minh (Đắk Nông) gây ra vào năm 2020, Minh đã giết người để tạo hiện trường giả về cái chết của mình, nhằm trục lợi 18 tỷ đồng từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, âm mưu thất bại và Minh bị bắt, bị tuyên án tử hình...
“Nếu nói về mức độ tàn bạo và phi nhân tính, một số vụ án trên không thể so sánh với vụ án giết con đẻ để trục lợi bảo hiểm do bị can Tô Thị Ty Na thực hiện. Nạn nhân trong vụ án này chính là con đẻ của bị can. Sau khi sát hại con, bị can đã trục lợi số tiền bảo hiểm lớn”, Luật sư Đỗ Minh Hiển chia sẻ.
Các chuyên gia xã hội học cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hay không yếu tố đồng phạm? hoặc có người "hướng dẫn" nghi phạm cách mua bảo hiểm, cách hợp thức hóa hồ sơ để sau đó được chi trả. Ở nhiều vụ án tương tự, đã có các "cò bảo hiểm" tiếp tay cho tội phạm. Bảo hiểm nhân thọ, thay vì là một "lá chắn yêu thương", lại đang bị biến thành công cụ sát nhân. Khi một hệ thống quản lý lỏng lẻo gặp một tâm hồn xấu xa, tội ác sẽ phát sinh. Các công ty bảo hiểm hiện chỉ đánh giá rủi ro sức khỏe, tai nạn, chứ chưa có một hệ thống đo "rủi ro đạo đức", yếu tố sống còn trong bảo hiểm nhân thọ. Đã đến lúc cần xây dựng cơ chế cảnh báo những hồ sơ có dấu hiệu bất thường.
Theo Luật sư Đỗ Minh Hiển, đối tượng Tô Thị Ty Na sẽ phải đối diện với nhiều tội danh bao gồm: Tội Giết người (Điều 123 - Bộ Luật hình sự - BLHS) với nhiều tình tiết định khung tăng nặng như: Giết người dưới 16 tuổi (điểm b, khoản 1, Điều 123 BLHS); tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213 - BLHS) với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù cho hành vi chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 500.000.000 đồng trở lên ( điểm a, khoản 3, Điều 213 BLHS). Tổng hợp hai tội danh, mức hình phạt bị can phải đối diện sẽ nghiêm khắc. Công lý không chỉ là trừng phạt, mà còn là sự cảnh tỉnh sâu sắc cho cộng đồng.
“Hình phạt Tô Thị Ty Na có thể phải đối mặt với mức cao nhất là tử hình. Mặc dù xu hướng phát triển của xã hội, Bộ Công an đang đề xuất bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh, tuy nhiên, với trường hợp này, không thể dung tha. Hành vi sát hại đứa con do mình đẻ ra vì bất kỳ lý do gì cũng không thể chấp nhận được”, TS, Luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Công an Quảng Nam, Tô Thị Ty Na từng có tiền án về tội "Trộm cắp tài sản". Ngày 27/11/2001, Tô Thị Ty Na đã bị Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình tuyên phạt 40 tháng tù về tội "Trộm cắp tài sản".