Bà nội chi 335 triệu đồng mua bảo hiểm cho cháu gái, 11 năm sau đi rút tiền cho cháu nhập học thì được thông báo: 'Muốn nhận đủ tiền thì phải chờ 42 năm nữa'

Đây chính là cách né nồm, tránh nồm rẻ nhất hiệu quả nhất miền Bắc!

Sau 5 năm mua bảo hiểm, cụ bà ở Trung Quốc mới phát hiện ra gói bảo hiểm của mình có thời hạn lên đến 53 năm.

Ngày 6/4/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Bà nội chi 335 triệu đồng mua bảo hiểm cho cháu gái, 11 năm sau đi rút tiền cho cháu nhập học thì được thông báo: 'Muốn nhận đủ tiền thì phải chờ 42 năm nữa'". Nội dung như sau:

Vào ngày 26/7/2014, theo lời giới thiệu của một nhân viên bán bảo hiểm quen biết, mẹ của ông Lục là bà Vương ở Chiết Giang, Trung Quốc, đã mua một sản phẩm bảo hiểm của của công ty Bảo hiểm Thái Bình Dương Trung Quốc cho cháu gái 7 tuổi của bà. Theo chia sẻ, nhân viên bán hàng đã nói rằng khi tham gia gói bảo hiểm cho trẻ em và thanh thiếu niên này, cháu gái bà Vương sẽ có quỹ tiền học đại học và quỹ khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học. Đặc biệt, cháu gái bà Vương có thể rút cả gốc và lãi khi đủ 18 tuổi. 

Lúc đó, nhân viên bán bảo hiểm cũng lấy ra một tập giấy tờ, bên trong ghi rõ quyền lợi  của người tham gia bảo hiểm. Ví dụ, nếu người tham gia bảo hiểm đóng 200.000 NDT/năm và đóng thành 5 đợt thì đến năm 18 tuổi, tổng số tiền mà cháu gái bà được hưởng có thể lên tới 1.276.243 NDT.  Ngoài quỹ học đại học và quỹ khởi nghiệp, người được hưởng bảo hiểm còn có thể nhận được 10.705 NDT tiền học phí mỗi năm cho đến khi đủ 18 tuổi. Thậm chí, khi họ tròn 60 tuổi cũng sẽ được nhận một khoản gọi là “tiền mừng thọ”.

Dưới sự giới thiệu nhiệt tình của "người quen", bà Vương đã ký hợp đồng mua gói bảo hiểm trên. Mỗi năm, bà cụ này đóng 20.000 NDT, tổng cộng là 100.000 NDT (hơn 355 triệu đồng) sau 5 năm.

Vào tháng 3/2025, khi cháu gái tròn 18 tuổi và sắp nhập học đại học, bà Vương muốn rút tiền cho cháu đóng học phí nên đã đến công ty bảo hiểm trên. Tuy nhiên khi kiểm tra lại hợp đồng bảo hiểm, con trai bà Vương phát hiện ra rằng nội dung trong hợp đồng hoàn toàn khác với những gì mẹ mình kể. Theo đó, hợp đồng ghi rõ thời hạn bảo hiểm từ năm 2014 và kết thúc vào năm 2067, tức thời điểm mà con gái anh tròn 60 tuổi. Điều đó có nghĩa là hợp đồng này kéo dài 53 năm thay vì 5 năm như nhân viên bán bảo hiểm nói. 

Ảnh minh hoạ: Internet

Vì người này đã nghỉ việc và mất liên lạc từ lâu nên anh Lục đành phải trực tiếp liên hệ với Công ty Bảo hiểm Thái Bình Dương để làm rõ vấn đề. Đại diện công ty này cho biết gói bảo hiểm mà bà Vương mua đã ngừng cung cấp vào tháng 2/2015 nên hiện tại họ chỉ có thể giải quyết theo nội dung quy định trong hợp đồng. Theo đó, nếu muốn chấm dứt hợp đồng lúc đó, bà Vương chỉ có thể nhận được khoảng 70.000 NDT (hơn 248 triệu đồng). Còn nếu muốn nhận đủ cả tiền gốc lẫn tiền lãi, họ chỉ có thể đợi thêm 42 năm nữa.

Nghe những lời này, anh Lục cho rằng mẹ của mình đã bị công bảo hiểm lừa gạt nên vô cùng tức giận. Sau khi chia sẻ câu chuyện của gia đình lên mạng xã hội, bài đăng của người đàn ông này đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người cũng phát hiện ra rằng họ từng mua gói bảo hiểm trên của công ty Thái Bình Dương và gặp trường hợp tương tự. 

Một cư dân mạng ở Giang Tô đã để lại bình luận cho biết 10 năm trước, mẹ cô đã mua cùng loại bảo hiểm với gia đình bà Vương theo lời giới thiệu của một người bạn học cũ. Nhân viên bán bảo hiểm khi đó nói rằng khi mẹ cô 60 tuổi, bà có thể nhận được một loạt tiền hoàn lại, bao gồm tiền mừng tuổi, quỹ dự trữ giáo dục cho trẻ em, tiền mừng sinh nhật…., tổng cộng lên tới hàng trăm nghìn NDT. Tuy nhiên, người này không giải thích gì về những rủi ro cũng như những tổn thất mà người tham gia bảo hiểm sẽ phải chịu nếu hợp đồng bị chấm dứt trước thời hạn. 

"Từ năm 2015 đến nay, lợi nhuận mà loại bảo hiểm này tạo ra chỉ hơn 4.000 NDT. Tôi chỉ có thể lấy lại được tiền gốc vào năm 2060, như vậy là quá lâu và tôi không thể chờ đợi. Nhưng nếu tôi rút tiền ngay bây giờ, tôi sẽ mất một khoản tiền rất lớn. Tôi đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan”, người phụ nữ này cho biết.

Một cư dân mạng khác ở Quảng Đông cũng mua loại bảo hiểm tương tự và trả 10.000 NDT mỗi năm trong suốt 10 năm qua. Người này cho biết đến thời hạn đi rút, công ty bảo hiểm thông báo rằng tiền gốc chỉ được rút khi người được hưởng bảo hiểm tròn 60 tuổi. 

“Điều đó có nghĩa là tôi không thể sử dụng số tiền này, và con tôi cũng chưa chắc đã được sử dụng. Việc mua bảo hiểm này không có ý nghĩa gì cả", người này để lại bình luận.

Đối với vụ việc này, một chuyên gia bảo hiểm ở Trung Quốc cho biết thực chất các điều khoản trong gói bảo hiểm mà công ty bảo hiểm cung cấp không có vấn đề gì. Cái sai đây có thể là do người tham gia bảo hiểm đã không đọc và hiểu kỹ về các quy định trong hợp đồng, hoặc nhân viên tư vấn đã cung cấp sai thông tin khiến họ hiểu sai về hợp đồng nói trên. Với những trường hợp trên, luật sư này cho biết nạn nhân có thể đưa giấy tờ liên quan đến quyền lợi khi tham gia bảo hiểm mà nhân viên bảo hiểm cung cấp trước đó để khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền.  

Luật sư này cũng cho biết trong những năm gần đây, các vụ kiện tụng phát sinh từ sản phẩm bảo hiểm trở nên phổ biến, phần lớn là do nhân viên tư vấn không làm tròn nghĩa vụ tư vấn cho khách hàng hoặc lừa dối khách hàng, gây ra tranh chấp. Do đó, mọi người nếu trước khi tham gia bảo hiểm nên đọc kỹ nội dung hợp đồng, đặc biệt là các điều khoản về thời hạn và quyền lợi bảo hiểm. Không nên chỉ dựa vào lời tư vấn miệng của nhân viên bán hàng để rồi rước thiệt thòi vào người.

Cùng ngày, báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Chi 383 triệu đồng mua bảo hiểm, 9 năm sau cụ ông đến rút cho cháu gái nhập học đại học thì nhận được thông báo: Phải chờ cháu ông đủ 80 tuổi". Cụ thể như sau:

Hợp đồng bảo hiểm với nhiều lời hứa hẹn

Năm 2016, cụ ông họ Tiêu (65 tuổi) ở Hán Trung, Thiểm Tây, Trung Quốc đang tham gia hoạt động tại một công viên thì được một nhân viên bán hàng của Công ty bảo hiểm nhân thọ Funde bắt chuyện. Nhân viên bán hàng liên tục thuyết phục ông mua bảo hiểm cho cháu gái.

Theo người này mời chào, chỉ cần ông đóng 12.000 NDT/năm (hơn 42 triệu đồng) trong 5 năm liên tiếp, tổng cộng là 60.000 NDT (hơn 213 triệu đồng) thì sẽ bắt đầu được tính lãi cao. Đến năm 18 tuổi, cháu ông sẽ có thể nhận được học bổng 60.000 NDT và sẽ được hoàn trả cả tiền gốc. Thậm chí, nhân viên bán bảo hiểm cho biết, cháu gái ông Tiêu còn có thể nhận được 60.000 NDT tiền mừng cưới khi đủ 25 tuổi và tiền lãi hàng năm trong thời gian đó.

Nghe thuyết phục xuôi tai, vào tháng 3/2016, ông Tiêu đã lấy hết tiền tiết kiệm mua gói "Bảo hiểm hưu trí sinh lời của Công ty bảo hiểm Funde" cho cháu gái 9 tuổi của mình. Đến năm 2025, cũng là lúc cháu gái tròn 18 tuổi và bắt đầu vào đại học, ông Tiêu đã nộp tổng cộng 108.000 NDT (khoảng 383 triệu đồng) tiền bảo hiểm suốt 9 năm trời. Lúc này, ông bảo con trai đến rút hết cả gốc lẫn lãi để cho cháu gái nhập học. Tuy nhiên, lời tuyên bố của công ty lại bảo hiểm lại khiến cụ ông và gia đình vô cùng bàng hoàng.

Công ty bảo hiểm cho biết, hợp đồng không cho phép rút cả gốc lẫn lãi sau 9 năm. Phải chờ đến khi cháu gái ông tròn 60 tuổi mới nhận được 30.000 NDT (khoảng 106 triệu đồng) và đến 80 tuổi sẽ nhận thêm 30.000 NDT nữa. Ông Tiêu vô cùng bức xúc vì phản hồi vô lý đó, nhưng khi ông kiểm tra lại hợp đồng thì phát hiện không có thông tin gì về học bổng và trợ cấp kết hôn như đã được hứa hẹn.

Ngày 24/3/2025, phóng viên tờ Huasheng Daily liên hệ với Công ty bảo hiểm Funde để tìm hiểu về sự việc. Liên quan đến khiếu nại của ông Tiêu về việc nhân viên bảo hiểm thổi phồng quyền lợi và quảng cáo sai sự thật, người đại diện cho biết, sau khi điều tra, xác minh thì sự việc đã xảy ra quá lâu, nhân viên bảo hiểm không còn nhớ rõ nữa nên chỉ có thể giải quyết theo hợp đồng.

Công ty bảo hiểm Funde Sino Life

Rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan

Ông Tiêu cho hay: "Tôi đưa tiền cho họ trong 9 năm, và vì họ bù lại 2 năm, nên lợi ích thực tế phải là 11 năm. Vậy mà bây giờ chúng tôi phải chờ đến lúc cháu 80 tuổi, tức là năm 2087. Nếu rút sớm, chúng tôi chỉ có thể lấy lại tổng cộng 44.000 NDT (khoảng 156 triệu đồng), thậm chí không có cả tiền gốc. Nếu không phải vì nhân viên liên tục nói rằng có thể rút cả gốc lẫn lãi khi cháu gái tròn 18 tuổi, tôi đã không mua gói bảo hiểm này".

Về phía công ty bảo hiểm, người đại diện vẫn kiên quyết khẳng định các nhân viên khác đã liên hệ và phản hồi với ông Tiêu nhiều lần, đồng thời xác nhận ông đã ghi âm cuộc trò chuyện. Nếu không có file ghi âm để làm bằng chứng thì đó là vấn đề từ phía ông Tiêu. Người đại diện nói rằng công ty chỉ chấp nhận giải quyết theo đúng hợp đồng.

Hiện tại, yêu cầu của ông Tiêu là công ty bảo hiểm phải hoàn trả toàn bộ số tiền bảo hiểm và bù thêm tiền lãi. Tuy nhiên, vào ngày 21/3/2025, Công ty bảo hiểm nhân thọ Funde đã gửi tin nhắn cho ông Tiêu, nói rằng sau khi điều tra và xác minh, công ty đã quyết định từ chối yêu cầu này. Nếu có bất kỳ phản đối nào về kết quả xử lý, ông Tiêu có thể giải quyết thông qua cơ chế hòa giải tranh chấp bảo hiểm hoặc tố tụng.

Không còn cách nào khác, cuối tháng 3/2025, gia đình ông Tiêu quyết định gửi đơn kiện công ty bảo hiểm lên Tòa án Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Vụ việc vẫn đang trong quá trình xử lý và vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, đó vẫn là bài học để nhiều khách hàng cẩn thận đọc kỹ điều khoản trước khi ký tên vào một hợp đồng bảo hiểm.

Cơ quan chức năng tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc nhắc nhở, nhân viên tư vấn bảo hiểm nên thông báo trung thực và chi tiết từng điều khoản cho khách hàng. Đồng thời, phải thông báo cả những rủi ro và các tình huống có thể gây thua lỗ, để người mua có cái nhìn toàn diện và chi tiết về toàn bộ gói bảo hiểm, từ đó quyết định có nên ký hợp đồng hay không. 

Với tư cách là người mua bảo hiểm, nếu đã tìm hiểu các quy định liên quan và quyết định ký hợp đồng, người mua phải đọc kỹ từng điều khoản để đảm bảo khớp với thông tin mà người bán hàng thông báo. Nếu có thể, tốt nhất bạn nên tìm luật sư hỗ trợ để tránh các vấn đề tranh chấp hoặc rắc rối có thể xảy ra trong tương lai. Đặc biệt, người trên 60 tuổi cần phải ghi âm, ghi hình để làm bằng chứng khi mua bảo hiểm cá nhân.

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!