Gia đình có 9 người mắc ung thư, 8 người đã qua đời, bác sĩ chỉ ra sự thật

Đây chính là cách né nồm, tránh nồm rẻ nhất hiệu quả nhất miền Bắc!

Một gia đình đã phải đối mặt với bi kịch khi có tới 9 người trong ba thế hệ mắc ung thư, trong đó 8 người đã qua đời.

Báo Người đưa tin ngày 08/04 đưa thông tin với tiêu đề: "Gia đình có 9 người mắc ung thư, 8 người đã qua đời, bác sĩ chỉ ra sự thật" cùng nội dung như sau: 

Tờ HK01 đưa tin, câu chuyện đáng chú ý xảy ra tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).

Theo truyền thông Trung Quốc, người đàn ông họ Tần, ngoài 60 tuổi, một thành viên trong gia đình này, gần đây đến bệnh viện kiểm tra vì ho dai dẳng kèm theo hiện tượng khạc ra máu. Kết quả chẩn đoán cho thấy ông bị ung thư phổi.

Trong quá trình ông Tần điều trị, em trai của ông cũng được xác nhận mắc đồng thời ung thư phổi và ung thư gan, đã qua đời không lâu sau đó.

Khi tìm hiểu sâu hơn, bác sĩ phát hiện ra một sự thật: Trong gia đình của ông Tần, qua ba thế hệ, có tới 9 người từng bị chẩn đoán ung thư.

Trước đó, thế hệ ông bà của ông Tần có 1 người bị ung thư thực quản, 2 người bị ung thư dạ dày. Bố ông Tần làm việc trong môi trường phức tạp và mắc ung thư phổi. Ngoài em trai ông Tần, hai người chú và anh trai cả của ông được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Tất cả đều qua đời vì căn bệnh ung thư.

Bác sĩ cho biết, nguyên nhân bệnh tật của gia đình ông Tần rất phức tạp, có thể liên quan đến môi trường độc hại. Đặc biệt, gia đình này có tiền sử hút thuốc lâu dài. Chính ông Tần cũng tiết lộ: "Tôi đã hút thuốc 50 năm nay, mỗi ngày hút 2-3 bao thuốc".

Kết quả xét nghiệm chuyên sâu còn cho thấy gia đình ông Tần mang đột biến gene hiếm gặp, đây có thể là nguyên nhân chính khiến bệnh ung thư di truyền suốt ba thế hệ. Tuy nhiên, các bác sĩ không tiết lộ đây là loại gene nào.

Câu chuyện của gia đình ông Tần sau đó đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người đồng tình rằng yếu tố gene có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư trong gia đình.

"Thực ra, ung thư có liên quan mật thiết đến gene. Bố tôi có 8 anh chị em, trong đó, có tổng cộng 4 người mắc ung thư. Ông nội tôi mất vì ung thư, con gái của dì cả tôi cũng bị ung thư. Vì vậy, một số bệnh ung thư có thể di truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau", một người dùng mạng xã hội chia sẻ.

Một người khác viết: "Gần nhà tôi cũng có một gia đình có nhiều thành viên trong nhà cùng mắc ung thư".

Dù yếu tố di truyền không thể thay đổi, bác sĩ nhấn mạnh rằng lối sống lành mạnh, như việc bỏ thuốc lá, hoàn toàn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.

Gia đình có 9 người mắc ung thư, 8 người đã qua đời, bác sĩ chỉ ra sự thật- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Giáo sư Trương Khải, chuyên gia từ Khoa Phòng chống Ung thư, Viện Hàn lâm Khoa học Y học Trung Quốc, cho biết, trong số các ca mắc ung thư, chỉ có 5% bệnh nhân mắc ung thư do di truyền, khoảng 20% trường hợp mắc ung thư có liên quan đến đột biến gene, còn lại là do các yếu tố khác.

Bác sĩ Khải giải thích thêm: Việc có người thân mắc ung thư không đồng nghĩa cả gia đình đều thuộc nhóm nguy cơ cao. Để đánh giá chính xác nguy cơ của bản thân khi gia đình có tiền sử ung thư, cần xem xét 4 yếu tố chính, cụ thể:

1. Số lượng người trong gia đình mắc bệnh

Nếu trong gia đình chỉ có một người mắc ung thư, mọi người không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu có 2-3 thành viên trong gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột, con cái) mắc cùng một loại ung thư, chuyên gia khuyến nghị mọi người nên xem xét yếu tố di truyền và xét nghiệm gene nếu cần thiết.

2. Độ tuổi mắc bệnh

Mọi người cần xem xét độ tuổi mắc ung thư của các thành viên trong gia đình. Ví dụ, độ tuổi trung bình mắc ung thư vú ở các nước Đông Á là 45-49 tuổi; độ tuổi trung bình mắc ung thư cổ tử cung là 51 tuổi; độ tuổi trung bình mắc ung thư tủy xương là khoảng 65 tuổi và ung thư buồng trứng thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 40-60… Nếu một người thân trong gia đình bạn mắc bệnh ung thư ở độ tuổi 30 thì đó là một dấu hiệu đáng lo ngại.

3. Loại ung thư hiếm gặp

Nếu người thân mắc phải ung thư hiếm gặp, chẳng hạn như nam giới trong gia đình mắc ung thư vú, nguy cơ di truyền cũng sẽ cao hơn.

4. Yếu tố Gene

Nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú, chuyên gia khuyến cáo mọi người nên xét nghiệm gene BRCA. Nếu xét nghiệm phát hiện đột biến gen BRCA1/2, nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ châu Á có thể lên tới 56%, nguy cơ mắc ung thư buồng trứng là từ 23-54%, cao hơn hẳn so với nguy cơ mắc ung thư buồng trứng ở phụ nữ bình thường là khoảng 1%.

Giáo sư Trương Khải cho biết, dù gene đóng vai trò quan trọng, lối sống vẫn là yếu tố then chốt để kiểm soát nguy cơ. Bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh, tầm soát sức khỏe định kỳ có thể là "tấm khiên" bảo vệ bạn trước căn bệnh quái ác này.

Cùng ngày, báo Dân trí cũng có bài đăng với thông tin: "Cách ngủ của nhiều người Việt đang tàn phá gan, tăng nguy cơ ung thư". Nội dung được báo đưa như sau:

Một nghiên cứu từ Đại học Harvard cho thấy, không chỉ thức khuya, mà cả việc ngủ quá nhiều hay ngủ trưa quá lâu cũng có thể làm tổn thương gan - thậm chí làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan.

Ngủ không đúng cách - hại gan hơn bạn tưởng

Theo Aboluowang, BS Tiền Chính Hoằng, chuyên gia gan mật - tiêu hóa, mới đây chia sẻ trên trang cá nhân: "Chỉ thức khuya thôi chưa đủ, ngủ quá nhiều hoặc ngủ trưa quá lâu cũng có thể hại gan".

Dẫn nguồn từ nghiên cứu của Đại học Harvard, ông cho biết giấc ngủ - tưởng chừng đơn giản - lại có mối liên hệ chặt chẽ với nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ và ung thư gan.

Đáng chú ý, cả ngủ quá ít (dưới 5 giờ mỗi đêm) lẫn ngủ quá nhiều (từ 9 giờ trở lên) đều có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan lên gấp đôi so với người ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm.

Nghiên cứu trên do Đại học Harvard thực hiện, đã theo dõi gần 296.000 người tham gia trong suốt 15,5 năm. Kết quả cho thấy, mối quan hệ giữa thời lượng ngủ và sức khỏe gan có dạng chữ U, tức là: ngủ quá ít hay quá nhiều đều bất lợi, chỉ khi ngủ vừa đủ mới thực sự tốt cho gan.

Cụ thể:

- Người ngủ dưới 5 giờ/đêm: nguy cơ mắc ung thư gan tăng gấp 2 lần

- Người ngủ từ 9 giờ trở lên/đêm: tăng nguy cơ gấp 1,6 lần.

Vì sao giấc ngủ lại ảnh hưởng đến gan?

Theo BS Tiền, gan là cơ quan có nhịp sinh học riêng, hoạt động mạnh mẽ vào ban đêm để thực hiện các chức năng giải độc, chuyển hóa và phục hồi tế bào.

Việc ngủ quá ít, ngủ sai giờ hoặc ngủ quá lâu đều có thể phá vỡ nhịp sinh học của gan, gây rối loạn hoạt động.

Ông chỉ ra 3 cơ chế chính lý giải vì sao ngủ không hợp lý có thể làm hại gan:

- Rối loạn chuyển hóa đường: Ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều có thể làm gián đoạn quá trình chuyển hóa glucose, từ đó dễ gây tăng mỡ tích tụ ở gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư gan.

- Tăng phản ứng viêm và stress oxy hóa: Thiếu ngủ hoặc ngủ quá mức kích thích sản sinh các cytokine gây viêm và gốc tự do, làm tổn thương tế bào gan và thúc đẩy quá trình hình thành ung thư gan.

- Ảnh hưởng đến hormone melatonin: Đây là hormone quan trọng hỗ trợ gan tái tạo và chống lại tổn thương. Rối loạn giấc ngủ làm giảm hiệu quả của melatonin, khiến gan dễ bị tổn thương hơn.

Ngủ đúng cách để bảo vệ gan

Từ nghiên cứu này, các chuyên gia khuyến cáo:

- Ngủ đủ từ 7-8 giờ mỗi đêm là thời lượng tối ưu để gan được nghỉ ngơi và tái tạo.

- Ngủ trưa ngắn 15-30 phút là hợp lý, tuyệt đối không nên ngủ trưa quá 1 giờ vì có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học.

- Duy trì lối sống đều đặn, không thức khuya kéo dài, tránh ngủ bù cuối tuần, không lệ thuộc vào thuốc ngủ nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Người Việt vốn quen với câu nói "ăn được ngủ được là tiên", nhưng với nhịp sống hiện đại, giấc ngủ ngày càng bị xem nhẹ hoặc lạm dụng sai cách.

Thức khuya vì công việc, ngủ bù vì mệt mỏi, hoặc ngủ trưa kéo dài - tất cả đều có thể gây hại cho lá gan, một cách âm thầm và lâu dài.

Gan là cơ quan không có dây thần kinh cảm giác, nên thường không đau dù đã bị tổn thương. Đến khi phát hiện ra vấn đề, bệnh lý gan - đặc biệt là ung thư gan - thường đã tiến triển nặng.

Hãy bắt đầu bảo vệ gan từ những điều nhỏ nhất như một giấc ngủ đúng giờ, đủ giấc và đều đặn mỗi ngày.

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!