Shipper không giao hàng tận nhà, cụ ông leo 6 tầng thang bộ xuống lấy thì đột quỵ qua đời, gia đình đòi bồi thường 1,7 tỷ đồng: Công ty chuyển phát khẳng định không làm sai!

Gia đình cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông lão là do shipper đã không thực hiện đúng yêu cầu giao hàng tận cửa nhà.

Theo Đời sống và pháp luật ngày 26/12/2024 có đăng tải bài viết: "Shipper không giao hàng tận nhà, cụ ông leo 6 tầng thang bộ xuống lấy thì đột quỵ qua đời, gia đình đòi bồi thường 1,7 tỷ đồng: Công ty chuyển phát khẳng định không làm sai!". Nội dung cụ thể:

Ông Hy (tên nhân vật được thay đổi) 80 tuổi, sống cùng vợ trong một căn hộ nhỏ nằm trên tầng 6 của tòa chung cư cũ ở thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc). Vì là nhà ở xã hội và được xây cách đây hàng chục năm nên tòa nhà này không có cầu thang máy. Do đó, hai vợ chồng ông Hy chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như đi chợ, gặp gỡ bạn bè hay các dịp lễ tết. 

Cho đến đầu tháng 12 năm 2021, vợ của ông Hy là bà Chương đi du lịch trở về nhà. Khi lên đến tầng 4, bà nhìn thấy chồng mình đang nằm bất tỉnh trên cầu thang với nhiều món đồ vương vãi bên cạnh. Bà Chương lập tức gọi cấp cứu và nhờ hàng xóm đưa chồng đến bệnh viện. Tuy nhiên, bác sĩ thông báo ông Hy đã qua đời vì đột quỵ. 

Sau đó, gia đình nhờ ban quản lý trích xuất lại camera giám sát quanh khu nhà. Các đoạn phim cho thấy ông Hy đang ngồi xem TV thì nhận được một cuộc gọi giao hàng từ shipper. Sau đó, ông tự di chuyển xuống 6 tầng cầu thang để lấy hàng. Khi trở lại nhà, ông Hy có biểu hiện choáng váng, sau đó ngã nhào xuống đất. Vài tiếng sau, bà Chương trở về thì phát hiện chồng bị ngã ở bậc cầu thang. 

Ông Hy đã tự mình di chuyển xuống 6 tầng cầu thang để lấy đơn hàng chuyển phát nhanh rồi quay lại. Ảnh minh họa.

Trước đó, ông Hy đã đặt một thùng bia nặng gần 11kg. Khi shipper giao hàng đến, thùng bia được bọc trong hộp bìa cát tông lớn, kích thước khoảng 50cmx20cm. Gia đình khẳng định trọng lượng của đơn hàng này vượt quá sức chịu đựng của ông lão. Chưa kể, ông còn phải đi bộ 6 tầng cầu thang xuống nhận hàng, sau đó lại leo 6 tầng nữa thì mới lên đến nhà. Ngoài ra, bà Chương cũng cho biết trên hóa đơn chuyển phát nhanh có ghi ‘‘sẽ giao hàng tận nhà’’ nhưng người chuyển phát nhanh lại không làm như vậy. 

Gia đình cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Hy là do người shipper đã không thực hiện nghĩa vụ “giao hàng tận nhà” của mình. Sau cùng, gia đình ông lão yêu cầu công ty chuyển phát nhanh phải công khai xin lỗi về sự việc. Còn shipper phải bồi thường số tiền 500.000 NDT (khoảng 1,7 tỷ đồng) cho mất mát về mặt tinh thần và chi phí tang lễ.  

Liên quan đến cái chết đột ngột của ông Hy sau khi nhận đơn hàng chuyển phát nhanh, vài ngày sau, nhân viên bộ phận quan hệ công chúng của công ty vận chuyển đã có phát ngôn trả lời phóng viên tờ Beijing News. Sau quá trình xác minh bản ghi âm cuộc trò chuyện giữa shipper và ông Hy, họ cho biết shipper đã yêu cầu giao hàng tận cửa nhà nhưng ông lão lại đề xuất tự mình xuống lấy. Sau khi giao hàng cho khách và hoàn tất ký gửi, shipper mới rời đi. Điều này cho thấy shipper đã thực hiện đúng quy trình chuyển phát nhanh của công ty.

Công ty chuyển phát cho biết shipper đã thực hiện đúng quy trình giao hàng được quy định. Ảnh minh họa.

Phía công ty cũng cho biết, sau khi sự việc xảy ra, người phụ trách cơ sở liên quan đã thay mặt công ty gửi lời chia buồn tới gia đình ông Hy. Đồng thời, vào ngày gia đình báo cáo sự việc, công ty đã hợp tác và cung cấp đầy đủ tài liệu và thông tin liên quan để phục vụ cho quá trình điều tra. 

Đối với khoản bồi thường 500.000 NDT mà gia đình ông Hy yêu cầu, phía công ty cho biết đây là tranh chấp dân sự và cần thông qua pháp luật. Đồng thời, họ tin rằng tòa án sẽ đưa ra phán quyết khách quan và chính xác nhất về sự việc. “Cho dù kết quả phán quyết của tòa án thế nào, thì công ty vẫn sẽ lên tiếng xin lỗi vì đã để xảy ra tình huống đáng tiếc như vậy . Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục hợp tác trong việc thu thập chứng cứ để thuận tiện cho việc đưa ra phán quyết của tòa án trong thời gian sớm nhất”.

Một thời gian sau đó, phía gia đình ông Hy đã đồng ý thỏa thuận với phía công ty chuyển phát và không yêu cầu bồi thường 500.000 NDT như trước. 

Trước đó, theo Thanh Niên ngày 12/10/2024 có bài viết với tiêu đề: "Khổ vì chung cư không có chỗ giao, nhận hàng". Nội dung như sau:

Khi mua hàng qua mạng đã trở thành thói quen của hầu hết người dân thành phố, việc nhiều chung cư không bố trí chỗ giao, nhận đã gây không ít phiền lụy cho cư dân. Chỗ giao- nhận đồ ở các chung cư, chuyện nhỏ mà khó lớn trong đời sống hiện đại.

Bức xúc vì bị mất trộm hàng

Gần 1 tháng qua, hàng trăm cư dân chung cư Saigon South Residences (SSR - huyện Nhà Bè, TP.HCM) vẫn chưa hết bức xúc kể từ khi Ban Quản lý (BQL) không cho gửi hàng trong khuôn viên chung cư.

Số là, chung cư SSR thiết kế có tường rào cây xanh cao 3m bao bọc xung quanh nên chỉ có cư dân có thẻ của chung cư mới có thể vào được bên trong. Bên trong là 6 tòa nhà, mỗi nhà lại có 1 khu vực lễ tân riêng và tất nhiên, chỉ những người sở hữu căn hộ, có thẻ mới vào được. Hai lớp bảo vệ đảm bảo an ninh tuyệt đối, song lại vô tình mang đến trở ngại về việc giao/nhận hàng hóa của cư dân.

Bình thường, shipper tới giao hàng sẽ phải đứng bên ngoài hàng rào cây xanh, chờ người xuống nhận. Trường hợp gia đình không có ai ở nhà, mọi người sẽ dặn shipper gửi hàng tại chốt bảo vệ cổng ra/vào để nhận đồ sau. Thế nhưng đùng một cái, chỗ bảo vệ bỏ bàn nhận hàng mà không có thông báo trước.

"Cả shipper và mình đều lúng túng không biết phải làm sao vì lúc đó tôi đang đi đón bé con học gần nhà. Cũng may, các anh bảo vệ chịu nhận giùm. Mình có hỏi sao dẹp cái bàn nhanh vậy mà không nghe thông báo gì thì các anh bảo vệ trả lời đây là ý kiến của tất cả cư dân yêu cầu dẹp. Mình không biết lấy ý kiến khi nào nên rất hoang mang", chị Q.N, cư dân đang sống tại SSR kể lại.

Không được may mắn như chị Q.N, chị H.T sống tại block D đang đi làm thì nhận điện thoại shipper giao món hàng đã đặt cách đó 4 ngày. Bảo vệ bất ngờ không chịu nhận đồ, anh shipper cũng loay hoay một lúc rồi đành gợi ý để chỗ chị bán nước trước cổng chung cư, phí 5.000 đồng/đơn hàng. Vì tối đi làm về trễ, quán nước đóng cửa nên sáng hôm sau chị H.T mới nhận được đồ. Cũng kể từ ngày BQL đột ngột không cho bảo vệ nhận đồ hộ cư dân, 2 - 3 quán nước đối diện trở thành tụ điểm nhận hàng thay. Mỗi đơn 5.000 đồng, với nhu cầu giao nhận hàng hóa phát triển mạnh như hiện nay, các quán nước có thể kiếm thêm được vài trăm ngàn mỗi ngày. Thực tế, SSR có dành một phần diện tích cho dịch vụ giao nhận hàng hóa qua tủ khóa Onebox nhưng giờ hệ thống này đã không còn hoạt động.

"Tất cả các chung cư đều có chỗ cho dân cư gửi đồ, tại sao SSR không có? Các anh chị trong BQL đã lấy ý kiến cư dân khi đưa ra nội quy chung chưa? Không cho cư dân gửi đồ, tại sao cho Onebox chiếm diện tích chung để thu lợi? Tiền hàng tháng cho Onebox thuê đi về đâu? Phí quản lí đủ để làm cái tủ nhận đồ giống Onebox cho cư dân… Hàng loạt vấn đề được người dân đặt ra, nhưng chỉ nhận lại được câu trả lời ngắn gọn rằng BQL sẽ xem xét", chị H.T bức xúc.

Tại chung cư The Sun Avenue (TP.Thủ Đức), BQL cũng thông báo do không có khu vực lưu trữ và bảo quản tư trang nên quầy chăm sóc khách hàng (khu vực lễ tân-NV) và bảo vệ không được phép nhận giữ tài sản cá nhân của cư dân. BQL không chịu trách nhiệm nếu có bất kỳ hư hỏng nào, mất mát về tư trang của cá nhân tại quầy chăm sóc khách hàng.

Chính điều này, cư dân phải nhờ shipper để đồ ở trong khu vực hộp thư của sảnh chung cư nên hàng hóa cũng thường xuyên bị mất. Như trường hợp của chị P.Q.C ở block S4, do shipper giao vào giờ hành chính, chị không lấy được và cũng không nhờ được ai nên bảo shipper đặt ở khu vực tủ hộp thư rồi chuyển khoản thanh toán. Tối về, chị ghé lấy thì hàng đã mất, gọi cho shipper hỏi thì được khẳng định đã đặt hàng đúng chỗ và còn chụp ảnh làm bằng chứng.

"Tôi thấy rằng mình đã nộp phí quản lý đầy đủ, vậy sao BQL không thuê thêm 1 nhân sự để nhận hàng cho cư dân mà để hàng vứt lăn lóc ở khu vực hộp thư. Chỉ cần bố trí một chỗ nhận đồ của cư dân ở tầng hầm. Khi shipper đến thì ký nhận vào sổ. Tại địa điểm nhận hàng, lắp thêm một cái camera như vậy là an toàn, không sợ mất đồ và cư dân cũng an tâm. Có cần đóng thêm một khoản phí nữa cư dân cũng chấp nhận", chị P.Q.C cho hay.

Thiết lập quầy giao nhận hàng

Ông Nguyễn Phước Bảo Anh, cư dân chung cư Mizuki Park (huyện Bình Chánh), đã từng viết tâm thư gửi Ban Quản trị và BQL chung cư về việc giao nhận hàng tại chung cư. Bởi theo ông, nhu cầu giao nhận hàng hóa online trong chung cư ngày càng tăng, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19. Tại chung cư nhiều quầy kệ tạm thời đặt dưới đất ở sảnh nhưng gây ra nhiều vấn đề lo ngại như hàng hóa để lộn xộn, mất mát xảy ra thường xuyên và làm ảnh hưởng đến mỹ quan chung cư.

Do vậy, ông Nguyễn Phước Bảo Anh đề xuất đặt hai quầy kệ giao nhận hàng tại khu vực dành riêng cho giao hàng phía bên trong chung cư. Quầy kệ này cần được bố trí khoa học, có các ngăn tủ phân loại theo kích thước hàng hóa và đảm bảo an ninh, dễ tiếp cận với cư dân nhưng không gây cản trở giao thông hoặc làm ảnh hưởng đến không gian chung. Quầy kệ sẽ hoàn toàn miễn phí để phục vụ nhu cầu giao nhận hàng hàng ngày của cư dân, với mục đích tạo sự tiện lợi, an toàn và trật tự hơn trong quá trình giao hàng.

Tại đây bố trí camera giám sát 24/7 khu vực quầy kệ để đảm bảo an ninh và hỗ trợ công tác hậu kiểm trong trường hợp xảy ra mất mát. Hệ thống camera cần ghi hình rõ ràng và có lưu trữ dữ liệu trong thời gian đủ dài để BQL có thể xem lại khi cần thiết. Camera đặt công khai để khiến kẻ gian (nếu có) sẽ không dám tham vặt. BQL có thể thiết lập quy định về thời gian và cách thức đặt, nhận hàng tại quầy kệ, đồng thời hướng dẫn cư dân về quy trình sử dụng quầy một cách trật tự và an toàn. Thậm chí, BQL có thể tổ chức dịch vụ giao hàng tận tay cho cư dân với mức phí hợp lý.

Với dịch vụ này, nhân viên sẽ nhận hàng tại quầy và giao đến tận căn hộ của cư dân, đảm bảo chính chủ nhận hàng, giúp cư dân tiết kiệm thời gian và tránh trường hợp hàng hóa bị thất lạc. Mức phí dịch vụ có thể được quy định rõ ràng và thông báo đến cư dân, giúp cư dân có thêm sự lựa chọn về cách thức nhận hàng.

"BQL có thể triển khai ứng dụng quản lý cư dân để thông báo việc giao nhận hàng. Cư dân sẽ nhận được thông báo khi hàng được giao đến quầy kệ, mã số để nhận hàng hoặc hướng dẫn cụ thể về thời gian giao hàng. Ứng dụng này cũng có thể được tích hợp với hệ thống camera để thông báo về việc hàng hóa được lưu giữ, cũng như giúp cư dân dễ dàng phản hồi khi có vấn đề với hàng hóa", vị này đề xuất và đã được Ban quản trị, BQL lắng nghe, sắp xếp một quầy tạm giao nhận hàng dưới hầm chung cư, với sự giám sát của camera. Tại đây shipper và khách hàng tự giao dịch với nhau. Điều này đã giải quyết được nhu cầu về mua sắm, giao nhận hàng hóa của cư dân.

Chị Lan hiện đang sống ở Úc, cho biết mỗi khi chị đi học hay đi làm, nếu hàng có giao đến chung cư chị ở đều có nhân viên nhận hàng dùm cho cư dân và gửi tin nhắn cho cư dân để khi ai đi về đều biết và đến quầy lễ tân tòa nhà để đưa bằng chứng là tin nhắn thông báo từ tòa nhà và ký nhận lấy hàng. "Khi shipper đến giao hàng thì cũng có báo trên app, tin nhắn vào điện thoại hoặc gọi trực tiếp báo cho người đặt hàng là hàng giao đến mà. Thành ra Ban quản lý và bảo vệ tòa nhà tôi ở nhà giữ giùm tài sản chờ cư dân đến lấy. Tôi thấy làm vậy là ổn mà. Tại sao ở Việt Nam không làm như vậy?", chị Lan nói.