Ngân hàng khuyến cáo khách hàng thực hiện ngay các biện pháp sau để tránh tiền trong tài khoản "bay" sạch

Khi hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng trở nên tinh vi, khách hàng cần cảnh giác và thực hiện các biện pháp quan trọng để bảo vệ tài khoản ngân hàng.

Báo Người đưa tin ngày 26/12 đưa thông tin với tiêu đề: "Ngân hàng khuyến cáo khách hàng thực hiện ngay các biện pháp sau để tránh tiền trong tài khoản "bay" sạch" cùng nội dung như sau: 

Ngân hàng LPBank mới đây đã thông báo đến các khách hàng về việc cần nâng cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ tài khoản ngân hàng. Dưới đây là 8 biện pháp mà nhà băng này khuyến cáo:

Một, khách hàng sử dụng mật khẩu mạnh hoặc khóa bảo mật điện thoại.

- Mật khẩu mạnh: Sử dụng mật khẩu dài, kết hợp giữa chữ cái, số và ký tự đặc biệt.

- Vân tay/nhận diện khuôn mặt: Bật các tính năng bảo mật sinh trắc học như nhận diện vân tay hoặc khuôn mặt để tăng cường bảo mật.

- Mã PIN hoặc mật khẩu hình: Tránh sử dụng các mã dễ đoán.

Hai, khách hàng thường xuyện cập nhật phần mềm.

- Cập nhật hệ điều hành: Các bản cập nhật hệ điều hành thường xuyên có thể vá lỗi bảo mật và nâng cao tính bảo mật cho điện thoại.

- Cập nhật ứng dụng: Cập nhật ứng dụng để tránh lỗ hổng bảo mật mà các hacker có thể lợi dụng.

Ba, khách hàng cần cài đặt ứng dụng bảo mật.

- Ứng dụng chống virus: Cài đặt phần mềm bảo mật để quét và phát hiện phần mềm độc hại (malware) trên điện thoại.

- Ứng dụng chống trộm: Sử dụng các ứng dụng có tính năng định vị điện thoại bị mất hoặc bị đánh cắp.

Bốn, khách hàng phải cảnh giác với các liên kết và ứng dụng không rõ nguồn gốc.

- Không nhấn vào đường link lạ: Không mở các liên kết trong tin nhắn, email hoặc ứng dụng nếu Quý khách không rõ nguồn gốc. Do có thể là trang web giả mạo hoặc cài đặt phần mềm độc hại.

- Tải ứng dụng từ nguồn tin cậy: Chỉ tải ứng dụng từ cửa hàng ứng dụng chính thức trên Google Play Store hoặc Apple App Store để tránh các ứng dụng có mã độc.

Năm, khách hàng bảo vệ dữ liệu cá nhân.

- Sao lưu dữ liệu: Thực hiện sao lưu dữ liệu trên điện thoại thường xuyên để tránh mất mát thông tin quan trọng khi điện thoại bị mất hoặc hư hỏng.

- Mã hóa dữ liệu: Sử dụng tính năng mã hóa để bảo vệ dữ liệu trên điện thoại nếu thiết bị bị mất.

6. Giới hạn quyền truy cập cho ứng dụng

- Quản lý quyền ứng dụng: Kiểm tra và giới hạn quyền truy cập của ứng dụng vào các tính năng nhạy cảm như camera, microphone, danh bạ, vị trí,…

- Tắt các dịch vụ không cần thiết: Tắt Bluetooth, Wi-Fi và các dịch vụ chia sẻ vị trí khi không sử dụng để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công. 

Bảy, khách hàng cần cẩn thận khi kết nối với mạng Wi-Fi công cộng.

Wi-Fi công cộng không bảo mật, có thể tạo cơ hội cho hacker can thiệp vào các dữ liệu truyền tải qua mạng.

Tám, khách cần cần tố giác tội phạm.

Ngoài ra, Quý khách hàng có trách nhiệm tố giác về tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao với Cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định 25/2014/NĐ-CP về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

Nhà băng này khuyến cáo khách hàng trong trường hợp nhận được bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi, đường dẫn website, email có dấu hiệu lừa đảo, liên hệ ngay với ngân hàng qua tổng đài chăm sóc khách hàng hoặc đến các điểm giao dịch gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Trước đó, báo Sài Gòn Giải phóng ngày 25/12  cũng có bài đăng với thông tin: "Tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng: Cấp tập xác thực sinh trắc học trước giờ G". Nội dung được báo đưa như sau:

Chưa cập nhật sẽ bị ngừng giao dịch

Những ngày cuối năm, các khách hàng chưa hoàn thành cập nhật sinh trắc học được các NHTM thông báo, chăm sóc đặc biệt. Cô Minh Hương (đã về hưu, ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, cô có 3 tài khoản thanh toán và thẻ tại 3 ngân hàng khác nhau nhưng chần chừ chưa cập nhật sinh trắc học vì cho rằng không có nhu cầu chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần. Mới đây, sau khi được các ngân hàng liên tục gửi thông báo, tư vấn nên cô vừa đến ngân hàng để cập nhật sinh trắc học.

Y1a.jpg
Nhân viên ngân hàng hỗ trợ khách hàng cập nhật sinh trắc học. Ảnh: Minh Huy

Anh Hoàng Minh (ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) sử dụng thẻ tín dụng và tài khoản thanh toán tại 2 ngân hàng ở Việt Nam. Từ đầu tháng 10-2024, anh được các ngân hàng gửi email yêu cầu phải đến ngân hàng cập nhật giấy tờ tùy thân, vì khi mở tài khoản và thẻ tín dụng trước đó, anh sử dụng CMND cũ. “Tôi vừa tranh thủ ra ngân hàng cập nhật giấy tờ tùy thân vì cũng sắp hết hạn. Tôi chỉ mất khoảng 30 phút ở mỗi ngân hàng để hoàn tất việc cập nhật CCCD và sinh trắc học”, anh Minh cho hay.

Theo quy định tại Thông tư 17 và 18/2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng, từ ngày 1-1-2025, các NHTM sẽ tạm dừng thực hiện các dịch vụ: giao dịch trực tuyến (chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại…); chuyển, rút tiền tại ATM và CDM/STM (ATM thế hệ mới); kích hoạt, gia hạn thẻ nếu khách hàng (cá nhân, người đại diện của tổ chức) chưa cập nhật thông tin sinh trắc học và giấy tờ tùy thân hợp lệ.

Triển khai 2 thông tư trên, các NHTM đã và đang tăng cường hỗ trợ một cách thuận tiện nhất cho khách hàng thông qua nhiều hình thức, như: xác thực tại quầy, xác thực trên các nền tảng số, hỗ trợ qua ứng dụng ngân hàng (app), thành lập đội hỗ trợ và hướng dẫn khách hàng cài đặt sinh trắc học khuôn mặt 24/7… Đối với người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài và không thể về nước thực hiện xác thực sinh trắc học trực tiếp, các ngân hàng đã triển khai giải pháp hỗ trợ từ xa, như: xác thực qua ứng dụng ngân hàng, sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) với khách hàng đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2... Còn đối với người nước ngoài và người gốc Việt chưa xác định quốc tịch, quy trình xác thực được yêu cầu gặp mặt trực tiếp tại ngân hàng.

Trong khi đó, các ứng dụng ví điện tử hiện cũng đang đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dùng kịp thời hoàn tất xác thực sinh trắc học trên app và mở rộng đa kênh.

“Lá chắn” bảo vệ tài sản khách hàng

Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, việc đăng ký và chuyển tiền với xác thực sinh trắc học bằng CCCD gắn chip sẽ không có nhiều tài khoản ngân hàng ảo. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng có căn cứ để truy vết tội phạm, thu hồi dòng tiền bất hợp pháp. “Phương thức xác thực sinh trắc học mạnh mẽ hơn so với các biện pháp truyền thống như mật khẩu hay mã OTP, là lá chắn bảo vệ tài sản của khách hàng trong môi trường điện tử”, đại diện Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khẳng định.

Y5c.jpg
Nhân viên Ngân hàng MB hỗ trợ người lớn tuổi cập nhật sinh trắc học. Ảnh: Minh Huy

Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, báo cáo từ các tổ chức tín dụng, sau khi thực hiện xác thực sinh trắc học từ đầu tháng 7-2024, số lượng các vụ lừa đảo đã giảm đến 50% so với trước đây. Đồng thời, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình các tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo sau đó. Những kết quả này cho thấy hiệu quả của việc tăng cường bảo mật và ngăn chặn các hành vi gian lận, mang lại sự an tâm và an toàn cho khách hàng trong các giao dịch tài chính.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho rằng, những quy định trên nhằm thanh lọc các tài khoản ngân hàng không chính chủ, đồng thời nâng cao an ninh, an toàn, bảo mật cho các giao dịch thanh toán trực tuyến, giảm thiểu rủi ro gian lận, lừa đảo cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán. Tất cả hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo vệ khách hàng trong bối cảnh tình hình tội phạm mạng có nhiều diễn biến phức tạp.

“Việc yêu cầu xác thực sinh trắc học để đảm bảo tài khoản đúng với CCCD do Bộ Công an cấp là rất quan trọng. Đây là một chiến dịch lớn, làm sạch tài khoản và bảo vệ khách hàng an toàn hơn. Vì khi giao dịch thanh toán phải xác thực khuôn mặt sẽ khiến tội phạm không thể so sánh khuôn mặt trên hồ sơ gốc và khó có thể lấy được tiền của chủ tài khoản”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định.