Đây là số điện thoại lừa đảo đánh cắp tiền: Tuyệt đối không nghe gọi, chặn số ngay!
Vì muốn chứng minh mình trong sạch, người nhận cuộc gọi đã mất 2 tỷ đồng cho đối tượng giả danh Công an.
Theo bài đăng trên báo Đời sống và Pháp luật, một trường hợp đã mất một số tiền lớn khi nghe máy từ cuộc gọi mạo danh.
Vì muốn chứng minh mình trong sạch, người nhận cuộc gọi đã mất 2 tỷ đồng cho đối tượng giả danh Công an.
Cổng thông tin Công an TP Đà Nẵng mới đây đăng tải thông tin cho biết đã tiếp nhận trình báo của của một người dân về việc bị lừa đảo số tiền lớn.
Cụ thể, khoảng 12 giờ 15 phút ngày 04/12, chị B.T.M (55 tuổi), trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng nhận được thông báo sim điện thoại của mình sẽ bị khóa. Chưa kịp tìm hiểu nguyên nhân thì chị M tiếp tục nhận được cuộc gọi từ tài khoản mạng xã hội thông qua số điện thoại 0813155514, đầu dây bên kia là một người đàn ông tự xưng là “Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”.
Người này sau đó thông báo số điện thoại của chị M có liên quan đến việc làm ăn phi pháp. Đối tượng yêu cầu chị M cầm cố sổ đỏ và chuyển tiền vào số tài khoản của “cơ quan chức năng” để chứng minh mình không vi phạm pháp luật.
Chị M đến ngân hàng cầm cố sổ đỏ được 1,7 tỷ đồng rồi chuyển hết số tiền trên vào tài khoản ngân hàng SHB, số 08631663 mang tên “NGUYEN HONG HAI”. Đến ngày 7/12, đối tượng tên Hải yêu cầu chị M chuyển thêm 300 triệu đồng nữa. Chị M sau đó đã vay mượn và tiếp tục chuyển số tiền trên cho đối tượng. Đến ngày 13/12, phát hiện mình bị lừa nên chị đã đến Công an phường trình báo…
Qua vụ việc này cho thấy, đây là hình thức lừa đảo xuất hiện trong vài năm trở lại đây.
Các đối tượng lợi dụng tâm lý hoang mang, lo sợ của người dân khi bị cơ quan chức năng thông báo liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật. Chúng sử dụng các ứng dụng gọi điện thoại giả mạo danh nghĩa cơ quan chức năng, tiến hành theo từng bước như thu thập thông tin cá nhân, đe dọa liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, yêu cầu chuyển tiền phục vụ công tác điều tra…
Dấu hiệu để nhận biết thủ đoạn trên là nạn nhân bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ hoặc tổng đài ảo (113, BOCONGAN...) thông báo về hành vi vi phạm pháp luật (vi phạm giao thông, liên quan vụ án đang điều tra...). Qua cuộc gọi này, các đối tượng sẽ thu thập thông tin cá nhân của nạn nhân và đe dọa, gây áp lực tâm lý nhằm không cho nạn nhân có cơ hội hỏi ý kiến người thân hoặc cơ quan chức năng.
Sau khi thu thập được thông tin, chúng sẽ kết nối người dân đến cuộc gọi khác được giới thiệu là cơ quan kiểm sát, tòa án... để tiếp tục gây áp lực tâm lý, yêu cầu người dân chuyển tiền ngay đến tài khoản của chúng để phục vụ công tác điều tra hoặc xử lý vi phạm.
Công an đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Đặc biệt phải luôn nhớ rằng, để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không gọi điện yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc cài đặt phần mềm để phục vụ điều tra.
Mặt khác, phải luôn luôn giữ tâm lý bình tĩnh khi nhận được cuộc gọi thông báo liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hoặc sau khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trình báo đến cơ quan Công an nơi sinh sống, làm việc để được hướng dẫn cụ thể, không làm theo đề nghị của các cá nhân, tổ chức khi chưa xác thực danh tính.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất. Người dân cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng để nâng cao cảnh giác, bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân của mình.
Cách nhận biết các thủ đoạn lừa đảo qua cuộc gọi khác để cảnh giác:
Tình trạng lừa đảo qua điện thoại hiện nay diễn ra rất phổ biến. Sau đây là một số thủ đoạn quen thuộc thường thấy như:
- Giả mạo shipper: Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là gọi điện tự xưng shipper, thông báo có đơn hàng cần giao và yêu cầu khách thanh toán trước qua chuyển khoản. Sau khi tiền được gửi đi, người mạo danh viện lý do nhầm lẫn số tài khoản thường là tài khoản hội viên hoặc gói dịch vụ và yêu khách hàng truy cập đường link giả mạo để hoàn tiền. Khi nạn nhân nhập thông tin vào các đường link này, tài khoản ngân hàng lập tức bị chiếm đoạt.
- Giả mạo Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… gọi điện gây sức ép, yêu cầu nộp tiền. Kịch bản lừa đảo trong tình huống này là: Giả làm Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… liên hệ với nạn nhân thông báo vi phạm không có thật, khai thác thông tin cá nhân của người nghe. Sau đó, chúng sẽ sử dụng các thông tin này để làm giả lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an nhằm đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để phục vụ điều tra.
- Giả danh ngân hàng gọi điện mời chào vay tiền online: Thủ đoạn này thực hiện bằng cách hướng dẫn nạn nhân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online, sau đó gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản tiền lệ phí, tiền trả góp… để chiếm đoạt.
- Giả danh nhân viên cửa hàng, công ty xổ số... gọi điện thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao. Để nhận phần thưởng này, nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc chuyển trước một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt.
Cơ quan công an tại các địa phương khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác và tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu từ những cuộc gọi giả danh cán bộ thuộc các cơ quan thực thi pháp luật. Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng qua điện thoại hay mạng xã hội. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ hành vi lừa đảo, người dân nên nhanh chóng trình báo đến cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Xoay quanh vấn đề tương tự, tạp chí Thông tin & Truyền thông cũng có bài viết "Sử dụng AI giả mạo hình ảnh, giọng nói để chiếm đoạt tài sản" để đưa ra cảnh báo tới mọi người.
Theo cảnh báo từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều người đã trở thành nạn nhân của các cuộc lừa đảo tài chính sử dụng deepfake và trí tuệ nhân tạo (AI).
Chiêu thức lừa đảo sử dụng công nghệ deepfake, AI
"Ngay cả khi bạn thực hiện một cuộc gọi video và thấy mặt người thân hay bạn bè, nghe đúng giọng nói của họ thì cũng không hẳn bạn đang nói chuyện với chính người đó", báo cáo từ Cục ATTT cho biết.
Mới đây, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo trên. Theo chia sẻ từ N.T.H., trong một lần trò chuyện với bạn thông qua ứng dụng Facebook Messenger, người bạn của H. đã chào và kết thúc câu chuyện.
Tuy nhiên, người bạn này đột nhiên quay lại nhắn tin, hỏi vay tiền và đề nghị chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng. Dù tên tài khoản trùng khớp với tên của bạn mình, H. vẫn thoáng nghi ngờ nên yêu cầu gọi video để xác thực.
Người bạn đồng ý nhưng cuộc gọi chỉ kéo dài vài giây do "mạng chập chờn". Khi thấy mặt bạn mình trong cuộc gọi video, giọng nói cũng đúng của người này, H. không còn nghi ngờ và chuyển tiền.
Vài năm trở lại đây, hiện tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội (MXH) ngày càng phổ biến. Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều thủ đoạn, chiêu trò như giả danh các cơ quan chức năng, nhân viên ngân hàng, lừa đảo trúng thưởng, hack tài khoản Facebook, Zalo hoặc các tài khoản MXH khác nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một loại thủ đoạn tinh vi hơn được các đối tượng lừa đảo sử dụng đó là deepfake. Đây là một loại công nghệ có thể mô phỏng khuôn mặt con người, cho phép người dùng có thể tạo ra những hình ảnh, đoạn video giả mạo gần giống với người thật. Nhiều người dùng mạng xã hội đã bị lừa tiền bởi đoạn video, cuộc gọi video hay đoạn hội thoại giả mạo người thân được tạo ra từ công nghệ này.
Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2017, deepfake chỉ đơn thuần là công cụ ghép mặt người này vào người khác, tuy nhiên, đến nay, deepfake đã bị lợi dụng trở thành công cụ cho các phi vụ lừa đảo.
Việc deepfake ngày càng phát triển cùng với việc thao tác video được tự động hóa sẽ tạo ra nhiều mối đe dọa đối với xã hội vì việc thao túng hình ảnh ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Đây sẽ là cơ hội cho các đối tượng lừa đảo thực hiện các hành vi của mình một cách tinh vi hơn, đặc biệt là lừa đảo trong hoạt động ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.
Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo qua công nghệ deepfake trong hoạt động ngân hàng để đưa ra giải pháp phòng, tránh tốt nhất, hạn chế những rủi ro là điều rất quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Biện pháp phòng tránh
Về biện pháp phòng tránh, đại diện Cục ATTT khuyến cáo, trước nguy cơ cả hình ảnh và giọng nói đều có thể làm giả mạo, người dân phải luôn có ý thức xác minh; đừng vội truy cập bất kỳ đường link nào để đề phòng nguy cơ bị hack tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; hạn chế sự hiện diện trên MXH, hoặc đặt tài khoản của mình ở chế độ riêng tư, chỉ chấp nhận yêu cầu từ những người tin tưởng để phòng ngừa, ngăn chặn việc dữ liệu hình ảnh, âm thanh của mình bị sao chép.
Người dân tuyệt đối không đưa lên mạng các thông tin như số căn cước công dân, địa chỉ nhà riêng, ngày sinh, số điện thoại, tên của con cái...
Bên cạnh đó, nếu nhận được các cuộc gọi đe doạ tống tiền bằng hình ảnh hay video nhạy cảm, người dân cần bình tĩnh, xác minh và tìm hiểu kĩ nguồn gốc của hình ảnh, video. Đồng thời, người dân cần nâng cao nhận thức về những vấn đề an toàn không gian mạng, tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết về hình thức lừa đảo AI để tránh bị sập bẫy chiếm đoạt tài sản hay lộ lọt thông tin cá nhân phục vụ vào mục đích xấu.
Người dân không nên truy cập vào các địa chỉ website lạ, không cài đặt các phần mềm lạ không rõ nguồn gốc, những phần mềm đòi hỏi yêu cầu cấp quyền truy cập cao vào thông tin người dùng, truy cập thẻ nhớ, danh bạ, vị trí, chụp ảnh,…
Ngoài ra, nếu bị làm giả deepfake hay lừa đảo trực tuyến nói chung, người dùng nên thông báo ngay lập tức cho mọi người biết và báo cơ quan công an tại nơi cư trú.
Để ngăn chặn các cuộc tấn công lừa đảo qua deepfake cần phải có sự chung tay từ Nhà nước, các tổ chức, ngân hàng đến người dân. Để có thể nhận diện và hạn chế những rủi ro phát sinh từ thủ đoạn lừa đảo do các đối tượng sử dụng công nghệ deepfake tạo ra, cần lưu ý một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về những thủ đoạn và rủi ro có thể phát sinh từ công nghệ deepfake. Nhận thức chính là một công cụ phòng, tránh mạnh mẽ. Khi nhận thức về vấn đề lừa đảo thông qua sử dụng AI được xây dựng tốt thì người dân sẽ nâng cao ý thức cảnh giác và kẻ lừa đảo sẽ rất khó có thể dụ dỗ. Các thông tin về những thủ thuật lừa đảo phải được cập nhật thường xuyên và chính xác nhất để người sử dụng phát hiện ra những cái bẫy đáng ngờ.
Hai là, sử dụng xác minh sinh trắc học. Sinh trắc học thường sử dụng các đặc điểm độc nhất trên cơ thể để xác minh như: Dấu vân tay, mống mắt...
Ba là, tiếp tục nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, đưa ra những giải pháp công nghệ có thể phát hiện ra video, hình ảnh do Deepfake tạo ra, sử dụng chính các công cụ AI mà deepfake sử dụng để phát hiện và ngăn chặn các sản phẩm giả mạo của chính nó.
Bốn là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung hành lang pháp lý đối với công nghệ AI, trong đó có deepfake. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã ban hành những đạo luật để phòng, chống deepfake như Hoa Kỳ, Trung Quốc....